THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 November 2010

ĐẤT NÔNG NGHIỆP BỊ THU HẸP: Mối lo về an ninh lương thực

Thứ Sáu, 12.11.2010 | 08:08 (GMT + 7)

(LĐ) - Thái Nguyên đang đứng trước ngưỡng cửa một đại công trường công nghiệp trải rộng trên nhiều huyện, thành, thị.

   Đất nông nghiệp bị thu hẹp: Mối lo về an ninh lương thực 
   Mối lo về an ninh lương thực 

Được trải thảm đỏ, nhà đầu tư hướng đến nơi có nhiều đất nông nghiệp để tiết kiệm chi phí đền bù. Còn người nông dân bị thu hồi đất thì đặt hàng loạt câu hỏi về tương lai nhưng chưa có lời giải đáp.

Đất ruộng giá rẻ ở KCN Nam Phổ Yên được các nhà đầu tư ưa thích hơn đất gò đồi thổ cư ở Tây Phổ Yên.    Ảnh: vinh hải
Đất ruộng giá rẻ ở KCN Nam Phổ Yên được các nhà đầu tư ưa thích hơn đất gò đồi thổ cư ở Tây Phổ Yên. Ảnh: vinh hải

Lấp ruộng vì rẻ!

Cty Vinaxuki được chấp thuận đầu tư tại hai địa điểm là KCN Tây Phổ Yên và Nam Phổ Yên (huyện Phổ Yên). Địa thế hai KCN này hoàn toàn khác nhau, KCN Tây Phổ Yên có đến 82% diện tích gò đồi nằm sâu trong huyện, còn KCN Nam Phổ Yên nằm sát QL3 có đến 47% diện tích là đất nông nghiệp, trong đó 4% diện tích lúa hai vụ. Hai năm trước, Vinaxuki được kỳ vọng là nhà đầu tư đi tiên phong xây dựng nhà máy ở nơi đất gò đồi, không phải thu hồi nhiều đất ruộng. Nhưng thực tế, giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) dành cho đất nông nghiệp thấp hơn đất thổ cư.

Ở thời điểm năm 2008, giá bồi thường một sào ruộng từ 30 - 35 triệu đồng, 1ha khoảng 1 tỉ đồng; nhưng giá bồi thường đất thổ cư, công trình xây dựng, cây trồng lâu năm, ...cho mỗi hộ gia đình có khoảng 1.000m2 cũng lên đến chừng ấy tiền. Vì vậy, DN đã chọn phương án "đổ đất lấp ruộng": Nhà xưởng tại KCN Nam Phổ Yên đang hoàn tất, còn ở Tây Phổ Yên cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. 

Đừng để "nhà giàu thất nghiệp"

Dự án Trường ĐH Việt Bắc tại xã Đồng Bẩm, TP.Thái Nguyên, cũng bởi "chồng" lên đất nông nghiệp nên đang gặp nhiều khó khăn do dân chưa thông. Trong một buổi tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh về dự án, người dân có đất bị thu hồi đều bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ trương xây dựng trường ĐH, nhưng đều lo lắng với tương lai bấp bênh sau khi không còn đất sản xuất. Trước đó, người dân nơi đây đã ngỡ ngàng khi Dự án ĐH Việt Bắc được điều chỉnh từ xã Quyết Thắng "nhảy" sang 35ha trên cánh đồng rau màu mỡ của xã Đồng Bẩm. Lấy đất ruộng, chủ đầu tư dự án từng quả quyết: "Sẽ nhận lao động bị thu hồi đất vào làm việc; bên cạnh đó người dân sẽ có thu nhập bằng việc bán cơm, trà đá, xây nhà cho thuê..." (!?). 

Vì thế, mâu thuẫn giữa nông dân và chủ đầu tư đã nảy sinh, ngày khởi công dự kiến là 1.10 đã phải dời lại vô thời hạn do sự phản đối quyết liệt của người dân.

Hàng loạt dự án đã và sẽ được triển khai thực hiện như: KCN Sông Công 2, KCN Nam Phổ Yên, tổ hợp KCN Yên Bình, KCN Điềm Thụy... cùng trên 20 cụm công nghiệp ở khắp các huyện, thành, thị. Chỉ tính quy hoạch các KCN đã được phê duyệt, trên 1.400ha cần thu hồi, trong đó có nhiều đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến khoảng 12 nghìn hộ dân. Một số dự án trọng điểm cũng chiếm phần không nhỏ đất nông nghiệp, đơn cử như "siêu dự án" Núi Pháo sẽ thu hồi khoảng 605ha đất nông nghiệp. Nhiều dự án được cấp phép nhưng vẫn im lìm hoặc triển khai rất chậm, như Cụm công nghiệp Nam Hòa (huyện Đồng Hỷ) đã "treo" 2 năm, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. 

Bên cạnh "thảm đỏ" dành cho NĐT, tỉnh Thái Nguyên nên triển khai đồng bộ, hiệu quả đào tạo nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân bị thu hồi đất. Đừng để xảy ra cảnh "nhà giàu thất nghiệp" khi cơn lốc công nghiệp, đô thị hóa tràn qua.

Vinh Hải