THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 November 2010

Bãi biển Nha Trang bị xếp hạng “tồi nhất”: Thêm cơ hội để nhìn lại mình

SGTT.VN - Tạp chí National Geographic vừa xếp bãi biển Nha Trang là "bãi biển tồi nhất trong năm”, mà một trong những lý do là “cảnh quan thiên nhiên đang nhanh chóng bị hủy hoại bởi việc xây cất ồ ạt”. Nhiều người cho rằng đây chính là thêm cơ hội để nhìn lại mình.
Việc đánh giá biển Nha Trang và các bãi biển khác trên thế giới dựa trên sáu tiêu chí, gồm: chất lượng sinh thái và môi trường; sự gắn kết giữa văn hóa và xã hội; điều kiện của các khu nhà cổ; đường nét thẩm mỹ; chất lượng điều hành du lịch; triển vọng trong tương lai
Để thực hiện việc đánh giá các điểm du lịch hấp dẫn nhất và dở nhất trong năm, Trung tâm các điểm đến bền vững của Hội National Geographic (trụ sở ở Hoa Kỳ) mời 340 chuyên gia thuộc các lĩnh vực bảo tồn, môi sinh, bản tính văn hóa… cho điểm bầu chọn.
Theo đó, bãi biển Nha Trang bị đánh giá là bãi biển phát triển kém bền vững nhất, bởi đang chịu áp lực mạnh mẽ từ việc phát triển thương mại quá nóng; rất nhiều các nhà hàng và khách sạn được xây dựng bất hợp lý dọc các bãi biển ở đây. Bãi biển Nha Trang nằm dọc đường Trần Phú hiện được xem là “trung tâm của trung tâm du lịch của tỉnh Khánh Hòa”.
Nhà bê tông án ngữ bờ biển
Phong cảnh bãi biển Nha Trang dọc con đường Trần Phú đang bị bê tông "nghiền nát". Ảnh: TL
Ngày 18.11, ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Khánh Hòa, khẳng định: “Du khách vẫn đánh giá cao du lịch biển Nha Trang và lượng khách đến đây ngày càng đông”.
Ông Thành dẫn chứng, từ năm 2000 trở lại đây, tốc độ tăng trưởng du lịch đều từ 12-20%. “Riêng năm 2009, đón khoảng 1,6 triệu du khách, năm nay khoảng hơn 1,7 triệu. Tuy thời gian lưu trú còn ngắn, khoảng 2,2 ngày, nhưng vẫn tăng hơn so trước đây chỉ đạt 1,9 ngày. “Qua đó, chứng tỏ khách vẫn đánh giá cao du lịch biển Nha Trang”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận: “Du lịch phát triển sau, theo cái nền của kinh tế. Trong quá trình đó đã bộc lộ tư duy, định hướng nhiều khi không theo kịp tình hình thực tế. Bờ biển Nha Trang là bộ mặt thành phố và đã có quy hoạch, nhưng nhiều công trình, khách sạn… hình thành trước khi quy hoạch chung. Do đó khó cho phát triển du lịch bền vững”.
Ông Võ Đình Thu, tổng thư ký Hiệp hội du lịch Khánh Hòa bức xúc: “Quy hoạch xây dựng chưa hợp lý. Nếu như ai đó có dịp lên tàu ra cách bờ biển chừng 5-7 km, sẽ thấy những khối nhà bê tông chọc trời án ngữ ngay mặt tiền biển Nha Trang, 1 dãy khách sạn 30-40 tầng chi chít, che kín mặt tiền. Không ai xây dựng kiểu đó. Nhìn xa như những bức tường bê tông vô hình. Nhìn từ ngoài biển vào thì rõ ràng thành phố không đẹp bằng ngày trước”
Tổng cộng có 99 bãi tắm được ưa thích trên thế giới, đã được mang ra xếp hạng và cho điểm. Các chuyên gia sẽ xếp chúng vào năm thể loại, gồm: đứng đầu bảng, kinh doanh tốt, ổn định, đối diện với khó khăn và dở nhất.
Nhà thơ Giang Nam, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói có tình trạng mạnh ai nấy làm trong việc xây dựng các nhà cao tầng phía Tây, nhà xây sau cao hơn nhà xây trước. “Xét về mặt nào đó, lỗi của chúng ta là không có kế hoạch, quy hoạch bài bản. Việc xây dựng với độ cao và quá dày phải chấm dứt ngay”, ông Nam nhấn mạnh.
Nhiều người đến Nha Trang trầm trồ khen đường Trần Phú đẹp. Tuy nhiên, đoạn từ 86-102 Trần Phú dài gần 1km lại chi chít những khách sạn mini, bề ngang nhỏ hẹp phổ biến 5-6 m, vươn cao cả chục tầng. Ông Nguyễn Văn Thành nhận xét: “Những khách sạn mini này nếu dồn lại sẽ đẹp hơn, nhưng khó bởi trước đó đất đã được phân thành từ hộ nhỏ rồi”. 
Bãi biển là của chung 
“Hiện nay, biển Nha Trang vẫn có những công trình thoát nước ra biển. Như cống thoát nước giao lộ Hoàng Diệu, Trần Phú ngay cạnh công viên thì nước có mùi. Nếu không có mùi mà du khách thấy vậy cũng mất cảm tình”, ông Giang Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhận xét.
Trong ký ức của ông Giang Nam vẫn còn hình ảnh bãi biển đẹp, thoáng mát với những hàng dừa tít tắp của giai đoạn sau giải phóng. Ông Giang Nam nhớ lại: “Hồi mới giải phóng, bãi biển bị chiếm, nhưng chúng tôi làm quyết liệt vì xác định “bãi biển của chung”, kiên quyết không cho phép xây dựng phía đông đường Trần Phú và mọi người đều được hưởng quyền lợi từ biển. Kết quả bãi biển rất thoáng. Thời Pháp thuộc họ cũng đã làm như vậy”
Nhưng hiện nay ở bãi biển Nha Trang, khu trung tâm dài gần 4km, có nhiều nơi bị phân lô, thậm chí có nơi bãi cát cũng bị rào lại. Hàng loạt nhà hàng, cà phê, khu resort…chỉ dành cho những người có tiền.  
Thêm cơ hội để nhìn lại mình 
Các thi sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu trái đất 2010 tham gia nhặt rác, bảo vệ môi trường trên bãi biển Nha Trang. Ảnh: TL
Theo ông Nguyễn Văn Thành, việc tạp chí Tạp chí National Geographic đánh giá bãi biển Nha Trang “tồi nhất” là theo tiêu chí của họ. Nhưng nhân đây, chúng ta nên ý thức hơn và nhìn nhận lại để nhà nước, nhân dân, du khách có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ vẻ đẹp của biển Nha Trang”.
Còn ông Giang Nam và ông Võ Đình Thu nói việc đánh giá bãi biển Nha Trang “tồi nhất” như vậy là hơi cực đoan, chưa thỏa đáng và không thể nói tồi nhất được. “Tuy nhiên ta nên nghiêm túc, không phủ nhận, vì nhận xét đó giúp cho ta nhìn lại mình. Họ chê thì phải tiếp thu. Thực tế nhiều khu vực đẹp đã bị dành cho nhà hàng và dịch vụ”.
Bãi biển và vịnh Nha Trang được Câu lạc bộ Biển công nhận một trong 29 vịnh biển đẹp nhất thế giới. Do vậy, một số ý kiến cho rằng cần xem xét tính chính xác trong việc đánh giá của tạp chí National Geographic. Mặt khác, theo nhiều ý kiến, việc nhận xét này sẽ ảnh hưởng đến du lịch Khánh Hòa đặc biệt là những ai chưa có dịp đến Nha Trang. “Nhưng câu trả lời của chúng ta phải làm sao để cho mọi người, mọi du khách thấy biển Nha Trang thật sự xanh-sạch-đẹp. Từ đó khách sẽ có nhận xét chính xác vẻ đẹp bền vững của biển Nha Trang”, ông Nguyễn Văn Thành nói.
Không chỉ vậy, nhiều ý kiến còn cho rằng đánh giá trên cũng là lời cảnh tỉnh cho du lịch Việt Nam. Đó là thực trạng quy hoạch, đầu tư không đồng bộ, thậm chí bát nháo. Nhiều dự án du lịch, nhất là vùng ven biển, thực chất là “kinh doanh bán đất ven biển”.
Lê Anh