THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

18 November 2010

Bếp ăn cứu đói giữa vùng rốn lũ


Thứ tư, 17/11/2010, 18:59 GMT+7


Khói bốc lên từ bếp ăn đơn giản là ba viên gạch vỡ kê trong chiếc thau nhôm, đặt trên ghe nhỏ. Cái bếp này đã trở thành vật dụng cứu đói hàng nghìn dân xã Bình Minh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị ngập sâu trong lũ.
Trung Bộ dập vùi trong mưa lũ

Trưa nay cả nhà ông Nguyễn Tấn Thành ở thôn Tân Phước, xã Bình Minh, mới có dịp quây quần bên nhau trên chiếc ghe tròng trành giữa dòng nước lũ. Sau nhiều ngày tản mác chạy lũ, bây giờ họ cùng nhau nấu cơm ăn. Cái bếp được hình thành từ 3 "ông táo" cục gạch, đặt trong chiếc thau nhôm để khỏi ướt.

Cuộc sống vùng rốn lũ

"Chúng tôi nghĩ cách làm bếp ăn bằng thau nhôm, lót một ít tro khô, kê ba viên gạch giữa lòng thau là thành bếp nấu ăn. Tiện lợi nhất là bếp ăn dã chiến này gọn, nhẹ, có thể di chuyển khắp nơi trong vùng rốn lũ để ai cần cũng có thể dùng cơm qua cơn đói rét", ông Thành cho biết.

Ông Lê Lai (65 tuổi) kể: "Gia đình tui ở xóm Soi, thôn Tân Phước- người dân địa phương còn gọi là xóm Mồ Côi - hễ lũ lên là mấy nóc nhà trong xóm bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài".

Bếp lửa đỏ tỏa khói trên ghe, trong khi cả nhà ngồi chờ cơm giữa cảnh lụt lội. Ảnh: Trí Tín
Bếp lửa đỏ tỏa khói trên ghe, trong khi cả nhà ngồi chờ cơm giữa cảnh lụt lội. Ảnh: Trí Tín

Ông Lai bảo rằng, rút kinh nghiệm lũ lụt những năm trước, nhà nào cũng tự trang bị một chiếc ghe, nhà khá giả thì có hai chiếc, để chủ động đối phó trong những ngày mưa lụt. Cứ đến khi lũ lụt, cả nhà lại chuyển hết ra ghe. Những ngày qua, mọi sinh hoạt từ nấu ăn, đi lại và ngủ đều diễn ra ở đó.

Bình Minh là rốn lũ của Quảng Ngãi, cũng là nơi bị mưa gió dữ dội nhất trong đợt lũ lụt miền Trung lần này. Nước lũ vây tứ bề, làm ngập hầu hết giếng nước trên địa bàn xã. Do vậy, người dân chỉ còn cách hứng nước mưa để đun nước uống, nấu ăn hàng ngày.

Bà Hồ Thị Cường thổ lộ: "Giếng bị ngập hơn 3 mét nên hai ngày qua, vợ chồng, con cái tôi thay phiên dùng các vật dụng trong nhà hứng nước mưa để sử dụng. Nước tràn vào nhà trong nháy mắt đã cao đến 2 mét, may mà tui kịp ôm bao trấu và ít tro bếp đưa lên trần nhà".

Bà cũng nấu cơm trên một bếp ăn "3 ông táo" như mọi người khác. Bà Cường nói: "Ở đây sống chung với lũ quen rồi nên không còn gì tiện lợi hơn là dùng thau lật ngửa ra, kê vài viên gạch thành thế kiềng ba chân chắc chắn của ông Táo".

Sáng nay, sau hơn 3 giờ cùng với các đơn vị cứu hộ đi ca nô ngược dòng nước lũ chảy cuồn cuộn trên sông Trà Bồng, VnExpress.net cũng đã tiếp cận được vùng rốn lũ xã Bình Minh. Nước bắt đầu rút dần, lộ rõ vạch nước vượt đỉnh lũ lịch sử năm ngoái còn in hằn lên tường của hàng loạt ngôi nhà nơi đây. Bùn đỏ nhầy nhụa ken dày khắp đường làng, ngõ xóm. Bùn trong sân nhà ngập đến tận đầu gối.

Trên khắp các sân, vườn, những bè chuối được che bạt bên trên "cõng" hàng trăm cây ớt giống vượt lũ vẫn còn khá nguyên vẹn. Ông Trần Trung Thái, ở thôn Tân Phước chia sẻ: "Chỉ trong vòng một tuần, vùng này phải hứng chịu hai trận lũ lớn, nước vào nhà đến hơn 3 mét. Chúng tôi trở tay không kịp, lương thực bị ướt, trôi hết, phải chèo ghe sang mượn ít gạo của hàng xóm để ăn".

Nước rút ra khỏi các khu dân cư đến đâu, người dân lại tất bật lau dọn nhà cửa đến đấy. Họ tìm cách đẩy bùn ngập ngụa từ trong nhà ra vườn. Bộ đội chia nhau từng tốp giúp dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, hỗ trợ mì tôm cho những gia đình bị thiệt hại nặng.

Hiện hai huyện miền núi Tây Trà và Sơn Tây vẫn bị cô lập, chia cắt hoàn toàn do tắc đường, sạt lở núi.

Tính đến 17h30 chiều nay, Quảng Ngãi có 5 người chết, 24 người bị thương, hơn 60 nhà sập hoàn toàn, hư hỏng nặng do mưa lũ, sạt lở núi gây ra. Tổng thiệt hại do mưa lũ trong hai ngày 16, 17/11 trên địa bàn tỉnh lên đến gần 231 tỷ đồng.

Trí Tí
n