THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

24 November 2010

"Bộ trưởng ơi! Tôi nằm hành lang còn hơn ghép giường!"


23/11/2010 11:47:44

"Bề ngang chiếc giường khoảng 8 tấc, mà có tới 3 - 4 cháu nằm cùng, chật chội, trẻ con quấy khóc… tôi đành ôm con ra hành lang nằm".

TIN LIÊN QUAN

Sau buổi đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu hôm 22/11 với câu chuyện kinh niên của ngành y tế: Ghép giường, quá tải!, PV Bee.net.vn đã quay trở lại các bệnh viện – nơi mà các bệnh nhân đang gánh nỗi đau bệnh tật, nhưng vẫn phải chịu thêm nhiều chuyện phiền toái vì bệnh viện quá tải.

Ôm con nằm hành lang còn hơn nằm ghép giường!

Thống kê mới đây của Khoa khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, trung bình mỗi bác sĩ khám cho 50 bệnh nhân/ngày, thậm chí có khi lên đến100 bệnh nhân/ngày.

BS Hoàng Minh Anh, phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Mắt TƯ thì cho hay: theo quy định của Bộ Y tế, mỗi bệnh nhân phải được thăm khám trong thời gian 10 phút nhưng trên thực tế, mỗi bệnh nhân chỉ được khám trong khoảng 3 phút.

Tương tự, tại Viện Nhi TƯ, trung bình mỗi bác sĩ phòng khám phải khám chữa bệnh cho 100-120 trẻ trong khi trên lý thuyết, để công tác khám chữa bệnh đạt chất lượng thì mỗi bác sĩ chỉ có thể khám từ 15-25 bệnh nhân/ngày.

Hàng trăm phụ huynh ôm con xếp hàng chờ vào khám bệnh. Ảnh: Bee
Hàng trăm phụ huynh ôm con xếp hàng chờ vào khám bệnh. Ảnh: Bee

Từ Thái Bình, vượt 100km đưa con xuống Hà Nội nhập viện Nhi TƯ, chị Nguyễn Thị Hiền xót xa: "Bề ngang chiếc giường khoảng 8 tấc, mà có tới 3 - 4 cháu nằm cùng, chật chội, trẻ con quấy khóc… tôi đành ôm con ra hành lang nằm".

Dạo qua một số bệnh viện khác như Xanh Pôn, Đống Đa, Thanh Nhàn… ta đều bắt gặp nhiều chiếc giường bạt được xếp song song nhau kéo dài hành lang khu vực nội trú đã bịt kín cả lối đi.

Đi toilet mà không đeo khẩu trang thì có khi… ngất!

Kèm theo việc quá tải này là rất nhiều hệ huy, trong đó, không thể không nhắc đến việc vệ sinh bệnh viện. Một phòng có 4 giường, trung bình 2 người/giường, tính cả những người nằm ngoài hành lang, người nhà phục vụ bệnh nhân… thì cũng phải 20 người chung một cái toilet.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (Ngã Tư Sở, Hà Nội) đang nằm điều trị tại Viện Các bệnh Nhiệt đới và Truyền Nhiễm QG phàn nàn: Đi toilet không đeo khẩu trang, có khi… ngất trong đó.

Và có lẽ, việc phức tạp, rắc rối, thiếu khoa học trong thủ tục hành chính cũng là nguyên nhân khiến bệnh viện đã quá tải lại càng thêm quá tải!

Toilet kinh hoàng nằm ngay cạnh phòng bệnh nhân. Ảnh: Bee
Toilet kinh hoàng nằm ngay cạnh phòng bệnh nhân. Ảnh: Bee

 

Em Nguyễn Minh Ngọc (18 tuổi, Tôn Đức Thắng, Hà Nội) bị sốt xuất huyết, hàng ngày phải đến BV Xanh Pôn để thử máu và kiểm tra tiểu cầu thường xuyên. Em cho biết: 7 ngày liền, em đến xếp hàng từ 7h30 sáng nhưng đến tận 9h kém mới đến lượt khám.

Đã thế, bác sĩ chỉ hỏi thăm hỏi bệnh tình qua loa (khoảng 3 phút) rồi lại bảo em sang phòng khác xếp hàng thử máu. Em lại tiếp tục xếp hàng 1 tiếng đồng hồ nữa mới đến lượt.

Bà Bùi Thị Hiền, phụ huynh em Ngọc xót xa: Tôi chỉ sợ cháu nó xếp hàng lâu thế này mà ngất ra đấy thì nguy!

Xếp hàng thì rõ lâu mà bác sĩ khám và kê đơn chỉ có 3 phút, liệu chất lượng khám chữa bệnh có đảm bảo – Bà Hiền tỏ ra lo lắng.

Không chỉ có em Ngọc phải xếp hàng khám bệnh, phụ huynh của em cũng hơn một lần phải xếp hàng: Một lần xếp hàng đăng ký khám bệnh cho con, một lần xếp hàng thanh toán viện phí theo BHYT.

Chọn tuyến khám bệnh: Phải có chế tài chứ không dừng ở khuyên ngăn

Theo quy định mới của Luật BHYT, bệnh nhân được quyền khám trái tuyến, nhưng phải thanh toán 30% ở bệnh viện hạng 3, 50% ở bệnh viện hạng 2 và 70% ở bệnh viện hạng 1.

Chúng tôi đưa ra quy định này vì tâm lý người bệnh chỉ muốn lên trung ương khám, muốn lên mà ngành y tế không cho phép thì áy náy, khó xử – bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay.

Hay tin về quy định mới trên, chị Lã Thị Phương Dung (Hải Phòng) đang điều trị tại viện Mắt TƯ mừng ra mặt: Nếu Bảo hiểm chi trả thì tội gì không lên tuyến trên chữa bệnh. Tuy xa một chút nhưng khám chữa bệnh yên tâm hơn.

Bệnh nhân nằm chen chúc 3 người/giường. Ảnh: Bee
Bệnh nhân nằm chen chúc 3 người/giường. Ảnh: Bee

Tâm lí của chị Dung cũng là tâm lí của rất nhiều người dân ngoại tỉnh. Thế nhưng, phải thấy rằng, ngay cả khi người dân phải thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh trái tuyến thì những bệnh viện tuyến trên đã quá tải, huống chi với quy định mới này, việc quá tải e sẽ càng trở nên trầm trọng hơn!

Để tránh tình trạng vượt tuyến, BS Trần Thị Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân đã cho rằng, với những bệnh thông thường, tuyến trên cần mạnh dạn từ chối và vận động người dân về tuyến dưới.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Trí Dũng, chuyên gia về vấn đề BHYT, ĐH Y tế Cộng đồng Hà Nội cho rằng, chúng ta phải có chế tài nhất định chứ không chỉ dừng ở việc khuyên ngăn.

Thiện An