THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

19 November 2010

Mưa lũ hành cả... người chết


18/11/2010 07:43:29

 - Đến sáng 17/11, thi thể của ông Dương Điệt (63 tuổi), ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi mới được đưa đi an táng. Tuy nhiên do nước ở nơi này vẫn còn ngập sâu nên thân nhân phải dùng thúng chở quan tài đi. Theo đại diện UBND huyện Bình Sơn, để đảm  bảo  an toàn cho số người tham gia đưa tang, BCH Quân sự huyện đã đưa ca nô và cử cán bộ, chiến sỹ đi theo hộ tống, đề phòng bất trắc.

TIN LIÊN QUAN

Kinh hoàng lũ dữ


Khoảng 8h ngày 16/11 tại thôn Phú  Lộc, xã Bình Trung: Ông Huỳnh Thuận, 54 tuổi, chỉ tay xuống đồng ruộng trước mặt mói như quát: Giờ lũ lên đến 2 mét rồi, đường ngập đến lưng quần. Ở đây mà vậy, thì xã Bình Dương là biển rồi. Nước lại chảy xiết, qua xã Bình Dương cho chết à?

9h: Hầu như tất cả các con đường liên xã của huyện Bình Sơn đều có lũ tràn qua.

Khoảng 10h, tại xã Bình Minh: Ông Phạm Quang Sơn, Chủ tịch UBND xã thở dài thườn thượt: "900 hộ của thôn Tân Phước đã bị nước vào nhà từ 1-2 mét, có nhà đã ngập đến mái rồi. Từ 2h sáng ngày 15/11 đến giờ, 8 chiếc ghe của xã đã chuyển 2.000 hộ dân về vùng an toàn. Lũ đợt trước có 4 người bị thương, hổng biết lần này sao nữa."

 

Nước lũ tại xã Bình Chương vào tối 16/11
Nước lũ tại xã Bình Chương vào tối 16/11



Lúc 10h45: Ngồi trên chiếc xuồng máy đi vào xóm Soi, thôn Tân Phước, đập vào mắt là những ngôi nhà ngập chìm trong nước. Ở xóm Núi được xem là nơi cao nhất của thôn Tân Phước, cũng 2/3 nhà bị ngập. Theo người dân xã Bình Minh, so với cơn đại hồng thủy trong cơn bão số 9/2009, thì lũ đợt này một tám một mười với nhau.

Khoảng 14h: Ông Nguyễn Quang Trung, Phó ban thường trực PCLB huyện Bình Sơn cho biết: Không chỉ Bình Minh mà hàng trăm khu dân cư khác của huyện Bình Sơn đã chìm trong biển nước. Tính sơ bộ đã có trên 12.000 hộ của 5 xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Mỹ, Bình Chương và Bình Thới bị cô lập. Đó là chưa kể hàng chục thôn, xóm của huyện cũng lâm bị tình cảnh tương tự.

Đến 17h: Hàng chục điểm dọc QL 1A đi qua huyện Bình Sơn cũng đã bị nước lũ tràn qua. Trong đó, ngập cao nhất là ở các điểm thôn Châu Tử, xã Bình Nguyên; ngã 3 thị trấn Châu Ổ và Cầu Cháy, xã Bình Hiệp, nước ngập từ 1 – 1,5 mét.

Khoảng 21h: Ước khoảng 4/6 tổng số điểm, khu dân cư bị chìm, cô lập vì nước lũ.

Làm khổ người sống

Có mặt tại Bình Sơn vào sáng ngày 17/11, mặc dù mưa đã tạnh và lũ đã bắt đầu rút từ nửa đêm hôm trước, thế nhưng nhiều làng mạc vẫn còn bị cô lập và chìm trong nước, còn đường giao thông giữa nhiều xã vẫn chưa thông và chủ yếu là đi bộ. Lần theo con đường nhựa giờ đã bị nước lũ cào bới nham nhở như da báo, chúng tôi đến thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, một trong những xã bị thiệt hại nặng nề nhất của Bình Sơn trong đợt mưa lũ kéo dài hơn 2 tuần qua.

 

Hiện nhiều tuyến đường vẫn còn ngập trong nước
Hiện nhiều tuyến đường vẫn còn ngập trong nước



Mặt thẫn thờ, chị Nguyễn Thị Hà (40 tuổi), một trong 5 gia đình bị lũ đánh sập nhà trong cơn lũ vừa, đượm buồn: Năm 2008, dồn hết tiền dành dụm, rồi vay mượn thêm, vợ chồng mới xây được căn nhà. Hồi đó xây nhà xong, người chồng là anh Nguyễn Ngọc Thủy cũng rất lo không biết đến bao giờ mới trả xong nợ, vì còn phải nuôi 5 đứa con ăn học. Thế nhưng chẳng bao lâu sau đó trong một đêm ra khơi, anh Thủy mãi mãi không về. Gần 1 tuần sau, người ta tìm được xác anh trên núi Hòn Ông ở giữa cửa biển Sa Cần. Chồng mất, bỏ 6 mẹ con ở lại, một tay chị Hà phải làm lụng vất vả để nuôi con. 

"Vậy mà cơn lũ ngày 14/11 vừa qua, đã làm sập mất căn nhà, tài sản đáng giá nhất của gia đình. Biết bao giờ mới làm lại được nhà để ở. Còn hai đứa con lớn đang học Đại học Công nghiệp TP.HCM nữa, biết lấy gì nuôi nó qua hết 4 năm giảng đường" - Ôm đứa con nhỏ vào lòng, chị Hà thổn thức. 

Sau khi lập gia đình, 2 vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiên (30 tuổi), được mẹ giúp sứ mới xây được căn nhà nhỏ cấp 4. Hàng ngày vào mùa nắng, anh Tiên theo ghe người ta đi biển, còn mùa mưa lại đi làm công nhân cho các công trình xây dựng ở Dung Quất để về nuôi vợ và con. Vậy mà vừa rồi, lũ cướp đi ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng.

"Trường hợp của em, đi ở ké cũng được. Còn như chị Nguyễn Thị Hòa ở cùng xóm hiện đang mang thai sắp sinh, nhưng nhà bị lũ làm sập mất, không biết ngày sinh nở phải ở đâu", anh Tiên đượm buồn. Không riêng gì ai, ở thôn Sơn Trà này, 5 gia đình bị nhà sập, hầu như ai cũng khổ.

 

Làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải tan hoang sau lũ
Làng chài Phước Thiện, xã Bình Hải tan hoang sau lũ


Hành cả người chết

Người thân của gia đình nạn nhân  Dương Điệt (63 tuổi), ở xã Bình Thới kể lại: Vào trưa ngày 14/11, khi leo lên nóc nhà để sửa lại mái bị gió làm hỏng, chẳng may ông Điệt trượt chân ngã xuống và được gia đình đưa lên bệnh viện Bình Sơn cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương nặng nên ông Điệt đã tử vong và được gia đình đưa về nhà để chôn cất. 

Thế nhưng vào thời điểm này, mưa lớn và lũ đang đổ về nên nước ngập rất sâu. Vì vậy thi thể ông Điệt được đưa vào để tạm tại trụ sở UBND xã Bình Thới. Đến sáng ngày 15, thấy mưa tạnh và nước đang rút, nên người thân đưa nạn nhân về để chuẩn bị an táng, thì mưa lớn lại đổ xuống, nước dâng lên lại. Thế là nạn nhân lại được chuyển đến để tạm nơi cũ. Đến sáng ngày hôm sau, mưa tạnh, nước lại rút, thân nhân lại đến đưa về nhà, thì trời lại mưa, nước dâng lên, xác ông Điệt lại được khiêng về chỗ cũ. 

"Mưa lũ không những gây khốn khổ cho người sống, mà cả khi đã chết cũng không yên", ông Võ Văn Quân, hàng xóm nạn nhân thở dài.

P.H.O