THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

06 December 2010

Ách tắc giao thông, ngập nước... câu chuyện dân sinh nóng bỏng

Thứ Hai, 06/12/2010, 07:43 (GMT+7)

Gặp gỡ đầu tuần:


TT - "Ách tắc giao thông, ngập nước đô thị đã trở thành câu chuyện dân sinh nóng bỏng nhất hiện tại và trong những năm tới. Cũng chính cái "nóng" này đã tác động rất lớn đến nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội của TP.HCM, kể cả vấn đề an dân".

Đây là điều mà ông PHẠM VĂN ĐÔNG - trưởng Ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân TP - chia sẻ trước phiên khai mạc kỳ họp lần 19 Hội đồng nhân dân khóa VII (sáng 7-12).

 

Người lớn vất vả đẩy xe, trẻ con khóc lóc vì nước ngập sau cơn mưa chiều 19-11 trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Ông Phạm Văn Đông  - Ảnh: Q.Thanh

Ông Phạm Văn Đông, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM, nói:

"Một trong những chuyện mà tôi sẽ quan tâm là làm rõ trách nhiệm quanh "hố tử thần", vì tôi thấy chưa ai chịu nhận trách nhiệm về chuyện này trong khi đã xảy ra các tai nạn và nó có thể còn tiếp tục xảy ra nữa"

Đại biểu NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA (tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị quận Bình Thạnh)

- Qua khảo sát, giám sát vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trọng yếu là ở lĩnh vực giao thông, chúng tôi thấy trong năm 2010 Sở Giao thông vận tải TP được giao quản lý 173 dự án với tổng vốn đã giao là 2.248 tỉ đồng. Theo báo cáo của sở, đến cuối tháng 10 năm nay đã giải ngân được khoảng 63% và phấn đấu giải ngân được 90% vào cuối năm.

Chúng tôi cho rằng số dự án giao thông được đưa vào sử dụng là ít so với số dự án đã được duyệt của nhiều năm trước và càng ít so với nhu cầu cũng như yêu cầu giải quyết bức xúc ở lĩnh vực này.

* Qua khảo sát hay giám sát, các đại biểu HĐND TP có tìm ra được các nguyên nhân nào khác khiến nhiều dự án giao thông thực hiện chậm?

- Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải TP, có nguyên nhân như do thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật... Còn chúng tôi cho rằng nguyên nhân thiếu vốn ở đây có lý do của đầu tư dàn trải, đồng thời năng lực quản lý dự án của sở hoặc các đơn vị trực thuộc sở trong điều kiện quy mô vốn đầu tư lớn như vậy là bất cập.

Nhiều người nói rằng những nguyên nhân vừa nêu giống như "bệnh mãn tính" ở các dự án giao thông, nhất là chuyện giải phóng mặt bằng và vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật, khiến nhiều dự án giao thông chậm trễ và kéo dài. Điều này chẳng có gì mới nhưng cái mới ở đây là lần nào được hỏi về tiến độ các dự án thì nó cũng được nêu ra như một yếu tố "hợp lý hóa" cho sự chậm trễ. Chúng tôi cho rằng về giải phóng mặt bằng có thể gặp khó khăn dẫn đến những chậm trễ do thay đổi của chính sách đất đai bất cập (chủ yếu là về giá cả đền bù). Nhưng chuyện thiếu vốn mà có nguyên nhân do dàn trải trong đầu tư hoặc chậm di dời các hạ tầng thì có lẽ không thuộc về những bất cập của cơ chế, chính sách. Những chuyện này thuộc về cách điều hành, phối hợp chưa hợp lý, vẫn là những mặt tồn tại, hạn chế trong nhiều năm chưa được khắc phục.

* Nhưng thật sự khả năng ngân sách TP chỉ có thể đáp ứng được khoảng 43% nhu cầu đầu tư hạ tầng?

- Chính vì vậy chúng tôi ủng hộ việc xã hội hóa đầu tư, kêu gọi các nguồn vốn từ xã hội đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, còn nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì không thể giải quyết nổi. Mặt khác, giải quyết vấn đề khó khăn về giao thông, ngập nước không chỉ là trách nhiệm của TP mà cần kiến nghị trung ương vào cuộc thật sự vì các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở một địa phương đặc biệt quan trọng của cả nước.

Tuy nhiên, đừng vì sốt ruột trong việc giải quyết các bức xúc của hiện tại mà huy động các nguồn vốn bằng mọi giá. Chúng tôi thấy điều quan trọng trước tiên là cần chọn lựa những trọng tâm của các dự án giao thông hay chống ngập phù hợp với khả năng huy động vốn của TP, thay vì làm như lâu nay là cứ đưa ra danh mục các dự án rồi gọi vốn bằng nhiều cách để tìm nguồn đầu tư dự án.

Tại sao chúng tôi lại nêu suy nghĩ như vậy, bởi vì các dự án giao thông hay chống ngập thông thường cần nguồn vốn rất lớn, trong đó có nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA. Dù việc gọi vốn hình thức nào đi nữa thực chất là đi vay thì gánh nặng trả nợ sẽ ngày càng tăng, đây là bài toán an toàn về tài chính và nợ công.

Việc xã hội hóa các dự án đầu tư hạ tầng, kể cả việc tranh thủ vốn vay ODA, là cần thiết trong điều kiện hiện nay, nhưng điều quan trọng hơn cả là lựa chọn những trọng tâm để sử dụng nguồn vốn này có thể sớm phát huy hiệu quả. Còn nếu cái gì cũng thấy bức xúc, cũng tìm các nguồn vốn vay thì dễ rơi vào dàn trải, vốn vay sẽ bị "ngâm" dẫn đến kém hiệu quả và lãng phí trong khi phải gánh nặng trả lãi và vốn vay.

* Sự dàn trải, lãng phí có được chỉ ra cụ thể để khắc phục không, thưa ông?

- Chúng tôi có đặt vấn đề với Sở Kế hoạch - đầu tư TP nhưng sở nói rằng chỉ dàn trải ở các dự án thuộc quận huyện quản lý. Chúng tôi đánh giá là có việc này. Ở một số quận huyện vì nhu cầu quá bức xúc triển khai hàng trăm dự án trong năm kế hoạch nhưng khả năng quản lý dự án thì bất cập, dự án bị kéo dài là điều khó tránh khỏi. Tuy vốn của dự án cấp này là khá nhỏ so với các dự án trọng điểm của TP, song cứ dàn ra như vậy cũng sẽ phân tán nguồn lực rất lớn.

Còn các dự án thuộc sở ngành quản lý thì sao, chúng tôi có hỏi nhưng chưa được trả lời cụ thể là có dàn trải hay không. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng cũng có biểu hiện của sự dàn trải, chẳng hạn như các dự án chống ngập, giao thông, nâng cấp đô thị... cần sự tập trung dứt điểm nhưng chậm được giải quyết. Do vậy cần trở lại giải pháp gốc là chọn những trọng điểm cần đầu tư để tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm trong thời gian nhanh nhất, phát huy hiệu quả của dự án một cách rõ rệt.

* Còn kết quả của mục tiêu chống ngập hay tình trạng sụt lún mặt đường mà cử tri đang rất quan tâm, ông có thể chia sẻ gì về những điều này?

- Tôi cho rằng cần đánh giá lại đúng mức việc đào đường đầu tư các công trình ngầm trong các năm qua và xác định địa chỉ chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc này. Tôi cho rằng làm như vậy sẽ tạo được lòng tin ở cử tri. Cũng cần nhìn nhận việc này cử tri rất bức xúc, đến mức có công dân đưa "rào chắn chây ì" ra tòa, mà cơ quan chịu trách nhiệm là Sở Giao thông vận tải TP. Và khi giám sát tại quận 6 tôi cũng đã nghe cử tri than phiền về dự án chống ngập làm ngập nhà dân.

Còn việc sụt lún mặt đường có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng với một số trường hợp sụt lún tại vị trí đào đường thi công gây bức xúc thì phải xác định với nhau đây là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải TP trong việc giám sát tái lập mặt đường không tốt mới sinh ra chuyện như vậy. Có những đơn vị làm thiếu trách nhiệm, nếu chỉ dừng lại xử về mặt hành chính không là chưa đủ mà cần xử lý nặng hơn. Cần thiết phải xem xét xử lý trách nhiệm hình sự, còn hiện nay xử như vậy là quá nhẹ.

Đại biểu NGUYỄN MINH HOÀNG (tổ đại biểu HĐND TP.HCM đơn vị quận 6):

Nói giảm ngập, nhưng thực tế không như vậy!

Kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm là những chuyện cũ nhưng cử tri vẫn rất bức xúc. Tuy có tập trung giải quyết nhưng kết quả, hiệu quả mang lại chưa cao. Riêng vấn đề chống ngập, không biết cách thống kê, đánh giá như thế nào mà nói đã giảm nhưng tôi thấy trên thực tế thì không phải như vậy. Có thể một số điểm ngập cũ có giảm nhưng số điểm mới phát sinh nhiều hơn. Hiện nay đã ngập gần tới trụ sở UBND TP rồi, mấy năm trước đâu có; khi mưa lớn là thấy ngập ở đường Lê Lợi.

QUỐC THANH thực hiện