THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 March 2011

Rùa sổng lưới 'cũng là may'


Rùa hồ Gươm rất lớn, trong khi thoát thân nếu đâm vào người có thể gây thương vong. Nếu Rùa bị bắt giữa đám đông như vậy, cụ rất dễ bị stress, các chuyên gia về động vật hoang dã bình luận.

Ngày 8/3, cuộc vây bắt rùa hồ Gươm kéo dài hơn nửa ngày, các lực lượng cũng được huy động tối đa, nhưng cụ Rùa đã thoát qua lỗ rách trên lưới ra ngoài. Nhiều nhà khoa học cho rằng ban chỉ đạo cứu rùa hồ Gươm chưa có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng. Các nhà khoa học cũng bày tỏ lo ngại trong việc vây bắt rùa lần hai dự kiến diễn ra vào cuối tuần sau.

Theo giảng viên Vũ Ngọc Thành, khoa Sinh học trường Đại học Khoa học tự nhiên, người có kinh nghiệm 30 năm nghiên cứu về động vật, khi vây bắt Rùa, dưới nước có rất nhiều người, trên cạn có sự chứng kiến của hàng nghìn người là điều hết sức nguy hiểm.

Ông Thành ước tính Rùa hồ Gươm nặng hơn 2 tạ, trong lúc hoảng loạn, rùa có thể lao ra và đâm vào bất kỳ ai để thoát thân. "Rùa sổng lưới, may mà không đâm chết người, nếu không còn nhiều hệ lụy nữa quanh việc vây bắt rùa quý hiếm này", ông Thành nói.

Ảnh: Hoàng Hà
Hàng trăm người chen chân xem bắt rùa ngày 8/3, được cho là nguyên nhân khiến rùa kinh động thóat ra ngoài. Ảnh: Hoàng Hà.

Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy, các động vật hoang dã dễ bị stress nghiêm trọng sau những chấn động xáo trộn môi trường sống, rồi tự chết.

Phó giáo sư, tiến sĩ Hà Đình Đức cũng cho rằng không bắt được cụ rùa là may mắn, "vì nếu lúc đó bắt được, nhiều người dân hiếu kỳ sẽ chen chân, giẫm đạp để vào xem".

Tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, dự đoán: "Sau lần bắt hụt lần thứ nhất, cụ Rùa sẽ ít ngoi lên, việc vây bắt lần hai không đơn giản chút nào".

Cùng quan điểm như vậy, Giáo sư Mai Đình Yên, phó chủ tịch hội sinh học Việt Nam, cho rằng phải một thời gian nữa Rùa mới nổi trở lại và lặp lại các hành vi thói quen. Điều này là do tập tính của loài Rùa hoang dã.

"Thành phố nên bàn bạc thật kỹ lưỡng, chưa cần gấp bắt Rùa lên, mà nên làm tốt công tác như nạo vét, xử lý nước hồ cẩn thận hơn, tránh tình trạng có lớp bùn quá dầy hay có nhiều tấm bê tông dưới hồ Gươm, gây cản trở tới việc dùng lưới kéo", giáo sư Yên nói.

Hà Nội nên mời thêm các chuyên gia động vật học tha gia cuộc vây bắt Rùa lần tới, ông Yên nói. Ông cũng đề nghị người dân thay đổi suy nghĩ một chút, chú trọng thực tế đây là một động vật cần được bảo tồn, hơn là quá đề cao yếu tố tâm linh bởi điều đó có thể gây sức ép cho những người thực hiện việc bắt Rùa.

Ảnh: Hoàng Hà
Dưới nước nhiều người được huy động vây bắt rùa, có người giẫm lên cả lưng rùa. Ảnh: Hoàng Hà.

Hôm thứ sáu, Hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm đã có văn bản đồng ý để tập đoàn KAT, đơn vị được giao phụ trách lưới bắt cụ Rùa, nhập lưới từ Nhật Bản dề vây bắt. Lưới có độ dài 200m, rộng 5m và có túi lưới.

Lưới cũ vây bắt hôm 8/3 cũng được vá lại và sử dụng kết hợp trong lần quây bắt tới. Trong lần ra quân thứ hai, có 20 chiến sĩ đặc công, 10 thuyền cũng được huy động để tham gia phối hợp bắt cụ Rùa với lực lượng của KAT.

Để đảm bảo việc quây bắt cụ Rùa lần 2 diễn ra thuận lợi, lực lượng bắt Rùa sẽ có những buổi tập trước tại một hồ khác của Hà Nội. Lực lượng sẽ có quy định rõ nhiệm vụ của từng cá nhân trong quá trình bắt, để tránh chồng chéo như lần trước.

Chiều 11/3, rùa Hồ Gươm lại nổi, thu hút sự chú ý của hàng trăm người. Tuy nhiên, cụ Rùa chỉ nổi lên chốc lát ở giữa hồ rồi lại lặn xuống chứ không lâu và gần bờ như trước khi bị quây bắt.

"Có thể do tâm lý cụ vẫn còn sợ trong cuộc vây bắt trước", tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh nhận xét.

Hương Thu