THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

12 April 2011

Tắc nghẽn cửa ngõ phía đông TP.HCM


Sau Tết Nguyên đán, TP.HCM đồng loạt đóng 2 cây cầu huyết mạch là Rạch Chiếc và Đinh Bộ Lĩnh cùng nằm trên trục cửa ngõ phía đông để triển khai nâng cấp, xây mới khiến hướng lưu thông này lại càng ùn tắc nghiêm trọng hơn.

Kẹt xe dây chuyền

Cửa ngõ phía đông TP.HCM đóng vai trò cực kỳ quan trọng, gồm quốc lộ (QL) 13 chạy thẳng ra Bình Dương và xa lộ Hà Nội (XLHN) nối với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Tây Nguyên.

 

 Kẹt xe thường trực trên trục cửa ngõ phía đông nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên - Ảnh: D.Đ.Minh

Nếu QL 13 đoạn qua Bình Dương khang trang, rộng rãi, xe cộ lưu thông thoải mái thì về đến TP.HCM trở nên chật hẹp, nhiều "ổ gà", "ổ voi". Chưa kể, càng vào gần trung tâm thành phố, tình trạng kẹt xe càng nặng nề, nhất là đoạn giao cắt với đường ray xe lửa tại ngã tư Bình Triệu và trước cổng Bến xe (BX) Miền Đông. Sau thời gian sửa chữa cầu Bình Triệu 1, mới đây, Sở GTVT TP.HCM tiến hành rào chắn một nửa cầu Đinh Bộ Lĩnh để nâng cấp khiến hướng lưu thông này càng trở nên tắc nghẽn.

Tương tự, XLHN cũng quá tải nghiêm trọng suốt hơn 1 tháng qua kể từ khi đóng cầu Rạch Chiếc để xây mới. Lộ trình lưu thông tạm xa gấp đôi lộ trình cũ, thường xuyên kẹt cứng tại ngã tư Thủ Đức, ngã tư Bình Thái, ngã tư RMK... Riêng đoạn từ ngã ba Cát Lái đến chân cầu Sài Gòn gần đây xuất hiện nhiều dãy "lô cốt" án ngữ khiến xe máy phải chạy vào phần đường dành cho ô tô, gây ùn ứ và nguy cơ tai nạn cao.

Hoàn thành 3 đường vành đai

Một trong những mục tiêu của TP.HCM là hoàn thiện các tuyến đường vành đai (ĐVĐ) cho xe tải, xe container lưu thông thay vì chạy vào các tuyến đường trung tâm như hiện nay.

ĐVĐ 3 và 4 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được thiết kế với vận tốc 80 -100 km/giờ, quy mô 6 - 8 làn xe, thời gian thực hiện từ năm 2011 - 2020. Trong đó, ĐVĐ 3 có tổng chiều dài 89,3 km đi qua địa phận: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Điểm đầu tuyến tại Nhơn Trạch (giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành), băng sông Đồng Nai, đến ngã ba Tân Vạn (QL1A) và điểm cuối tại đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

ĐVĐ 4 có tổng chiều dài 196,5 km, bắt đầu từ Khu đô thị Phú Mỹ (giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), đi qua các tỉnh BR-VT, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, kết thúc tại cảng Hiệp Phước (TP.HCM).

ĐVĐ 2 huy động nhiều nguồn vốn, gồm các DA: đoạn từ nút giao thông Tân Tạo (Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh), DA nối từ cầu Phú Mỹ ra XLHN và đường nối từ XLHN ra QL1A...

Ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, lo ngại nguy cơ kẹt cứng trên XLHN khi tiến hành sửa chữa, nâng cấp cầu Sài Gòn trong thời gian tới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình lưu thông và vận chuyển hàng hóa, gây kẹt xe dây chuyền khu vực nút giao Hàng Xanh, đường Nguyễn Hữu Cảnh...

Đại tá Võ Văn Nhuận - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM), nhận xét thời gian qua, tình trạng kẹt xe tại hướng cửa ngõ phía đông tăng cao, đặc biệt nhiều vụ ùn tắc kéo dài (có vụ đến 8 tiếng) trên XLHN, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu, ngã tư Bình Triệu, BX Miền Đông... trong khi công tác ứng cứu sự cố gặp nhiều khó khăn.

Xây đường cao tốc liên vùng

TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế VN) cho rằng, tình trạng tắc nghẽn tại cửa ngõ phía đông là tất yếu, bởi nhu cầu lưu thông quá lớn. Trong đó, hành khách từ các tỉnh Đông Nam Bộ như BR-VT, Đồng Nai, Bình Dương có nhu cầu đi máy bay ra các tỉnh phía bắc đều đổ dồn vào sân bay Tân Sơn Nhất; nếu đi đường sắt, đường bộ phải đổ dồn vào ga Sài Gòn và BX Miền Đông nên không thể tránh khỏi tắc nghẽn. "Trên thế giới, các đô thị có hơn 3 triệu dân đều có ít nhất 2 sân bay, 2 nhà ga xe lửa, 2 BX, bến tàu… ở 2 đầu TP để thoát người và chi viện cho nhau khi cần thiết. Vậy mà một siêu đô thị gần 10 triệu dân như TP.HCM vẫn đang ở thế độc đạo, chỉ có một sân bay, một nhà ga xe lửa, 2 BX khách nằm ngay trong nội đô thì cũng chỉ có tác dụng hai trong một...", TS Bá phân tích. Do đó, cần đẩy nhanh các giải pháp đồng bộ như di dời BX, cảng biển, xây dựng sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai) nhằm giảm áp lực giao thông đổ dồn vào trung tâm thành phố.

Hiện TP.HCM đang triển khai nhiều dự án (DA) hạ tầng ưu tiên cho trục cửa ngõ phía đông, như mở rộng XLHN, mở rộng liên tỉnh lộ 25B nối từ XLHN vào cảng Cát Lái, mở rộng cầu đường Bình Triệu 2... Tuy vậy, theo ông Lương Hoàng Trung, việc mở rộng bề mặt đường sẽ chỉ giải quyết một phần tình trạng kẹt xe trên XLHN. Bên cạnh đó cần xây dựng cầu vượt hay hầm chui tại các giao lộ. Có thể thấy, nút giao Cát Lái từ khi được xây dựng cầu vượt đã cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc. Các nút giao khác còn đang trong giai đoạn lập DA, như nút giao Bình Thái, nút giao Thủ Đức và nút giao Tân Vạn…

Đặc biệt, quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cũng ưu tiên phát triển hệ thống giao thông liên kết vùng, nhằm xóa bỏ sự ngăn trở về hạ tầng cho toàn khu vực. Trong đó, các công trình đang và sẽ triển khai như: đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Trung Lương - Mỹ Thuận, Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành; Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Mộc Bài; TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Dầu Giây - Đà Lạt, xây dựng các đường liên cảng và nâng cấp các QL. Song song đó, sẽ triển khai nâng cấp tuyến đường sắt Trảng Bom - Bình Triệu; nghiên cứu xây dựng đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt nối vào cụm cảng BR-VT, tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, các tuyến đường sắt đô thị (metro) TP.HCM...

Phương Thanh