THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 April 2011

Taxi cát cứ lòng đường


* Hơn 90% taxi không có bến bãi

Rất nhiều tuyến đường ở trung tâm bị một số hãng taxi lớn chiếm dụng, lập "bãi" đậu xe đón trả khách, góp phần không nhỏ vào tình trạng kẹt xe tại TP.HCM.

Đậu xe mọi lúc, mọi nơi

Sáng 8.4, có mặt trên các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Ánh, Lê Lai, Tôn Thất Tùng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Du, Lê Thánh Tôn..., chúng tôi nhận thấy những con đường vốn nhỏ hẹp lại càng thêm lộn xộn, giao thông bị ùn ứ hơn khi hàng loạt taxi biến lòng đường thành bến bãi đậu xe chờ khách.


Đậu cả trên đường dành cho xe 2 bánh (góc Nguyễn Huệ - Tôn Thất Thiệp , Q.1) - Ảnh: Diệp Đức Minh

Tương tự, tại các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Phạm Ngũ Lão, Hàm Nghi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đồng Khởi..., đến các cây xăng, trước mặt tiền nhà hàng, khách sạn, taxi chen nhau thành hàng dài bất chấp dòng xe cộ ùn ứ vì phần đường còn lại quá hẹp, thậm chí không thể lưu thông khi xe taxi quay đầu hoặc tách làn ra đón khách...

Chỉ vào hàng dài taxi đang đậu dưới bảng cấm đỗ, dừng trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1), chúng tôi hỏi một nhân viên điều phối xe của Taxi Vinasun: "Xe đậu tràn lan vậy không sợ bị phạt sao?". Anh nhân viên bình thản đáp: "Phạt cũng phải chịu thôi, không đậu ở đây thì khi khách gọi sao đáp ứng kịp!". Ngay lúc đó, một chiếc taxi đá xi-nhan và anh nhân viên hướng dẫn đậu tiếp vào dòng xe đang đậu vi phạm trên lòng đường. Do con đường này tập trung nhiều khách sạn, quán xá nên lượng khách đến đây sử dụng dịch vụ cũng rất đông. Hai bên đường Bùi Thị Xuân được phân chỗ đậu xe thu phí theo ngày chẵn, lẻ nhưng ngày nào cũng thấy hai bên đường đều ken đặc xe. Một bên thì xe đậu nộp phí, một bên thì taxi sử dụng làm bến bãi nên gần như không còn chỗ cho xe cộ lưu thông. "Chỉ cần thêm 1 chiếc xe khách 50 chỗ đi vào là con đường bị kẹt cứng ngay!", một người dân gần đó cho hay.

Tương tự, trên đường Lê Thánh Tôn đoạn gần Công viên Chi Lăng, một bên là xe ra vào bãi xe của tòa nhà Parkson, một bên là hàng dài taxi sử dụng làm bến bãi nên hầu như đoạn đường này lúc nào cũng ùn ứ.

Giữa trưa nắng gắt, trước cổng một số bệnh viện (BV) như Chấn thương chỉnh hình, Từ Dũ, Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Ung bướu..., hàng loạt xe taxi cạnh tranh nhau, đậu chiếm chỗ rồi mời chào, chèo kéo khách tạo nên cảnh bát nháo, lộn xộn về giao thông, khiến không khí tại khu vực càng thêm ngột ngạt.

Một điều dễ nhận thấy khác là khi lưu thông, bất cứ đoạn đường nào dù lớn hay nhỏ, tài xế taxi cũng đón trả khách rất vô tư, chỉ cần khách gọi là tài xế taxi sẵn sàng tấp vô lề đón khách, hoặc quay đầu mọi lúc, mọi nơi, bất chấp nguy hiểm của người đi đường.


Đậu ngay biển cấm trên đường Phạm Hồng Thái, Q.1 - Ảnh: Diệp Đức Minh

Hơn 90% taxi không có bến bãi

Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 xác định diện tích bến bãi dành cho taxi khoảng 31 ha, tương ứng cho khoảng 12.700 taxi hoạt động. Thế nhưng, thực tế số taxi hoạt động trên địa bàn TP.HCM hiện đã xấp xỉ 13.000 xe của trên dưới 10 hãng khác nhau. Diện tích bến bãi phục vụ cho hoạt động taxi hiện mới hơn 2,3 ha (đạt 7,7% so với nhu cầu quy hoạch). Điều này khiến đường sá ở TP.HCM quá tải khi phải chứa lượng taxi khổng lồ đậu ở lòng đường hoặc chạy lòng vòng đón khách.

Chủ một hãng taxi cho biết hầu như các hãng taxi không thể đầu tư bến bãi, phần vì vốn, phần vì cạnh tranh. Nếu đầu tư bến bãi sẽ cộng vào giá thành, giá cước tăng, khó được người tiêu dùng chấp nhận trong thời buổi hiện nay. Vì vậy từ nhiều năm nay, tình trạng tranh giành bến bãi vẫn âm ỉ xảy ra giữa các hãng taxi. Những vụ tranh giành này, phần thắng luôn thuộc về các hãng lớn. Điều này có thể thấy rõ khi dạo quanh các tuyến đường bị taxi cát cứ chủ yếu là của các hãng lớn. "Nếu xe hãng nào "to gan" lọt vô, thì xe của hãng lớn sẵn sàng "ép" cho không nhúc nhích được cho đến khi hiểu chuyện xin tha", vị này cho biết.

Do không tìm được chỗ đậu xe chờ khách ở khu vực nội thành, một số hãng taxi, điển hình như Vinataxi phải dạt ra hoạt động chủ yếu ở các quận vùng ven hoặc ngoại thành TP.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, cho biết hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị và cùng Sở GT-VT tìm lời giải, nhưng đến nay vẫn chưa có lối ra. Sở GT-VT từng đề xuất lập bến bãi ở ngoại thành có nhiều đất trống, nhưng khó khả thi vì kinh doanh bị ảnh hưởng, chi phí tăng khi phải điều xe ra vào trung tâm quá xa. Do đó, hầu hết các hãng taxi phải tự xoay xở tìm chỗ đậu xe. Không có nơi dừng, đậu hợp pháp để chờ khách, tài taxi phải cho xe chạy lòng vòng, từ đó tạo ra các hệ quả xấu như tăng mật độ xe lưu thông trên đường và tăng ô nhiễm môi trường, chưa kể yếu tố tăng chi phí dịch vụ do hao tốn xăng...

"Mua" chỗ đậu xe!

Anh Nam, tài xế cho một hãng taxi (xin giấu tên), cho biết không có quy định về nơi dừng - đậu hợp pháp để chờ khách, tài taxi phải cho xe chạy lòng vòng hoặc tá túc ở cây xăng hoặc "chiếm" được chỗ nào ở lòng đường thì đậu, không thì phải thỏa thuận ngầm "mua" chỗ đậu. "Đậu xe chờ khách ở những điểm nóng đông khách luôn là giải pháp hàng đầu được chúng tôi chọn lựa, chứ chạy lòng vòng thì lỗ tiền xăng", anh Nam cho hay.

Cũng theo anh Nam, cánh tài xế cũng có những chiêu như ngồi sẵn trên xe, nếu thấy lực lượng chức năng đến thì nhanh chân đạp ga vọt đi hoặc bỏ xe "làm ngơ" khi bị phạt. "Không có tài thì họ (lực lượng chức năng) không thể xử lý, do không được tháo biển số, mà họ cũng không có phương tiện kéo xe. Lúc đó, chỉ cần ai nhiều thời gian, không sốt ruột là không bị phạt", anh Nam nói. Tuy thế, cũng có lần anh Nam phải lỗ vốn khi cùng một ngày lãnh 2 vé phạt gần 1,6 triệu đồng vì đậu xe không đúng nơi quy định.

Minh Nam - Lê Nga