THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 May 2011

Cạnh tranh thu mua cà phê, nông dân được lợi

2011-05-12
Giá cà phê ở Tây Nguyên lập kỷ lục chưa từng có đạt 50 triệu 100 ngàn đồng một tấn nhân xô.

AFP photo

Phân loại hạt cà phê

Trong viễn cảnh tiến tới tự do cạnh tranh trong thu mua, nông dân được lợi nhưng hàng loạt nhà xuất khẩu nhỏ sẽ từ giã sân chơi. Nam Nguyên trình bày vấn đề này.

Giá cao là bán

Vụ thu hoạch cà phê trong những tháng đầu năm, 10 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cà phê đã mua 40% sản lượng, 60% còn lại là thị phần của một số đại gia nội địa và khoảng 140 công ty nhỏ. Cùng với đà tăng giá trên thị trường thế giới, việc cạnh tranh trong thu mua đẩy giá cà phê lên cao tạo phấn khởi cho người trồng cà phê. Tuy vậy Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam Vicofa phản ứng gay gắt cho rằng cạnh tranh bất hợp pháp. 

Đối với nông dân trồng cà phê, họ mong muốn bán được giá cao nhất, mà không cần biết cà phê của mình sẽ vào tay nhà xuất khẩu nào, doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam làm ăn. Một người trồng cà phê ở Tây Nguyên nói với chúng tôi:

"Với tâm lý với nguyện vọng của nông dân họ không phân biệt được đâu là công ty nước ngoài đâu là công ty trong nước. Họ chỉ mong là ai mua cao hơn cho dù là cao hơn rất ít, nghĩa là có sự chênh lệch thì đương nhiên tâm lý người nông dân là muốn bán cho người có giá cao hơn.

Họ không phân biệt đó là ai hết, bởi vì họ nghĩ rằng không thể nào có một kẻ thù nào có thể vào đây được, mà người Nhà nước đã cho vào đây làm ăn buôn bán thì là hợp pháp. Họ suy nghĩ đơn giản, đã vào nước này bỏ tiền ra mua là hợp pháp, bấy lâu nay bà con so sánh và phàn nàn chuyện thương nhân Trung Quốc vào mua tiêu thì tại sao không thấy ai nói gì hết."
Nếu mà cơ chế thuận lợi hơn cho người nước ngoài thì trong thời gian tới chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục gặp thêm những khó khăn mới.

Ông Đỗ Hà Nam
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO năm 2007, đối với mặt hàng cà phê doanh nghiệp có vốn nước ngoài kinh doanh hợp lệ được mua hàng để xuất khẩu, miễn là không lập cơ sở thu mua trực tiếp của nông dân. Trong chuỗi sự kiện liên quan, các doanh nghiệp cà phê nước ngoài tại Việt Nam đã phản biện họ rằng, họ không mua hàng trực tiếp từ nông dân mà mua bán hợp pháp từ các đại lý có giấy phép kinh doanh hoặc các công ty cung ứng cà phê, tất cả đều có chứng từ hóa đơn hợp lệ. 

Trong khi đó, hợp pháp hóa việc mua cà phê xuất khẩu của doanh nghiệp nước ngoài một cách cụ thể là chuyện không thể tránh được. Hiện nay Bộ Công thương đã phổ biến một dự thảo thông tư về việc này để lấy ý kiến của nông dân và doanh nghiệp.    

Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp

Ông Đỗ Hà Nam Tổng giám đốc Intimex, một công ty cổ phần xuất nhập khẩu ở TP.HCM chi phối tới hơn 20% tổng lượng cà phê xuất khẩu của toàn Việt Nam nhận định là, đa số các doanh nghiệp Việt Nam thiếu vốn nếu vay được vốn thì lãi suất rất cao, lại gặp nhiều rủi ro vì bán hàng không chốt giá ngay mà theo phương thức trừ lùi một khoản tiền so với giá sàn giao dịch Luân Đôn tại thời điểm giao hàng. Ông Đỗ Hà Nam đồng thời là phó chủ tịch Vicofa nhấn mạnh:

coffee-roasting-250-afp.jpg
Cà phê đang được sấy. AFP
"Nếu mà cơ chế thuận lợi hơn cho người nước ngoài thì trong thời gian tới chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục gặp thêm những khó khăn mới. Hiểu theo nghĩa tiêu cực thì đúng là các doanh nghiệp Việt Nam không biết ngày mai sẽ còn lại những ai là nhà xuất khẩu cà phê của chính đất nước mình.
Nhưng cũng có mặt khác, thực ra nếu doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm kinh doanh tốt hơn, thứ hai biết đoàn kết thống nhất hơn ở trong Hiệp hội, thứ ba chính phủ tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam một nguồn vốn vay tạm trữ bình ổn giá như đã từng làm bên lương thực và điều thứ tư nữa là có những chính sách mà doanh nghiệp Việt Nam có thể liên kết với người nông dân để hỗ trợ trong việc bán hàng thì chúng tôi vẫn có những lợi thế mà người nước ngoài không dễ gì có được và cũng không dễ tham gia được. Vì điều quan trọng là người Việt Nam với người Việt Nam thì niềm tin bao giờ cũng cao hơn với người nước ngoài."

Trả lời chúng tôi vào tối 10/5, ông Đoàn Triệu Nhạn chuyên gia hàng đầu về cà phê Việt Nam nói rằng ông không bình luận về sự kiện doanh nghiệp nước ngoài tham gia mua cà phê để xuất khẩu là đúng luật hay không, vì vấn đề này liên quan đến chính sách của chính phủ. Từ Hà Nội ông Đoàn Triệu Nhạn nhận định:
"Việc các doanh nghiệp Việt Nam phản ứng rất ghê gớm thì tôi cho là rất dễ hiểu, nó là đương nhiên bởi vì họ đang cạnh tranh thua thiệt cạnh tranh không cân sức. Một bên tiềm năng vốn rất lớn một bên thì không có vốn. Hơn nữa họ phản ứng họ kêu là muốn Nhà nước giúp đỡ họ. Tôi cho rằng tại vì Việt Nam có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ không đủ sức vậy nên chăng các doanh nghiệp nhỏ tập họp lại thành những tập đoàn lớn mạnh hãy là bó đũa chứ không phải từng chiếc đũa."
Việc các doanh nghiệp Việt Nam phản ứng rất ghê gớm thì tôi cho là rất dễ hiểu, nó là đương nhiên bởi vì họ đang cạnh tranh thua thiệt cạnh tranh không cân sức.

Ông Đoàn Triệu Nhạn
Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn trong dự báo mới nhất đã nâng lượng cà phê xuất khẩu năm 2011 lên mức 1,3 triệu tấn. Niên vụ cà phê 2010-2011 ở Việt Nam bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái kết thúc vào cuối tháng 9 năm nay. Mùa thu hoạch rộ cà phê đã hoàn tất trong những tháng đầu năm. Đa số nông dân đã bán cà phê vào lúc giá hơn 30 triệu đồng một tấn sau khi thu hoạch, sau đó giá đã tăng dần lên tới mức 50,1 triệu đồng/tấn theo giá ngày 10/5. Theo lời ông Đỗ Hà Nam nói với chúng tôi, một lượng lớn cà phê niên vụ 2010-2011 đang nằm trong kho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.      


Theo dòng thời sự: