THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 May 2011

Mức lãi cao gây khó cho doanh nghiệp



2011-05-20
Vốn đối với các doanh nghiệp sản xuất là một nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên hiện nay, lãi suất cho vay tại Việt Nam đang tăng cao khó đem lại khả năng sinh lời cho doanh nghiệp vay vốn làm ăn.

RFA photo
Một điểm thu đổi ngọai tệ ở SG, ảnh chụp tháng 4/2011

Thực tế được một số doanh nghiệp tại Việt Nam đánh giá ra sao?Và bằng cách nào có thể vẫn duy trì sản xuất trong điều kiện hiện thời?

Thực tế khó khăn

Trong những ngày giữa tháng năm, nhiều doanh nghiệp đi vay tại Việt Nam được cán bộ tín dụng đưa ra mức cho vay thỏa thuận cá biệt lên đến 30%/năm.
Trong khi đó vào hai ngày 17 và 18 tháng 5 vừa qua một số nguồn tin được cho là cả chính thống và không chính thống loan tin lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh tăng lên 15% và trần lãi suất huy động vốn cũng được tăng lên 15% so với mức cũ là 14%. Trước những tin tức như thế Ngân hàng Nhà Nước vẫn im lặng.
Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước đang cố quản chặt lãi suất huy động vốn mà lại thả lỏng lãi suất cho vay khiến nhiều ngân hàng tranh nhau tăng lãi suất lên mức mà như cán bộ tín dụng đưa ra với khách hàng đến 30%/năm như vừa nói.
Tờ Đầu Tư hôm ngày 18 tháng 5 vừa qua đưa ra kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay phải vay vốn với lãi suất từ 22 đến 24%. Mức này được nói cao hơn cùng kỳ năm ngoái đến ba lần.
Đối với mặt bằng chung có ảnh hưởng rất lớn đối với những cơ sở nào còn sử dụng vốn vay. Họ gần như thua, thua một cách thê thảm vì không thể làm gì cho ra 25%/năm hết.
Ông Tăng Ngọc Thu
Trong tình hình kinh tế hiện nay thì nhiều doanh nghiệp sản xuất chân chính đều cho rằng không thể có cách nào sinh lãi khi phải vay vốn với phân lời cao như thế.
Chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất đèn lồng tại thị xã Hội An, ông Tăng Ngọc Thu, thừa nhận khó khăn về nguồn vốn do lãi suất tăng cao đối với các doanh nghiệp trong nước như sau:
"Đối với mặt bằng chung có ảnh hưởng rất lớn đối với những cơ sở nào còn sử dụng vốn vay. Họ gần như thua, thua một cách thê thảm vì không thể làm gì cho ra 25%/năm hết."
Đối với các doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu, trên nguyên tắc họ được khuyến khích với chính sách lãi suất ưu đãi. Một doanh nghiệp nằm trong diện này là Công ty Cầu Vồng, chuyên sản xuất  mặt hàng đất sạch từ các phế phẩm cây dừa. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, giám đốc công ty nói về khoản vay ưu đãi đó:
"Công ty là doanh nghiệp xuất khẩu, do đó phía ngân hàng 'tài trợ' vốn cũng khá đủ. Doanh nghiệp xuất khẩu có ngoại tệ nên được vay với lãi suất ưu đãi. Chỉ có những doanh nghiệp xuất khẩu mang ngoại tệ về thì được hưởng ưu đãi đó."
Trước khó khăn về nguồn vốn nhiều doanh nghiệp buộc lòng phải thực hiện cắt giảm hay phải ngưng sản xuất như nhận định của ông Tăng Ngọc Thu:
"Rất nhiều công ty làm ăn cần vốn. Tình hình chung nếu không sản xuất được phải đóng cửa thôi. Bây giờ không thể ai can thiệp vào được hết. Từ cơ sở lớn mà hụt vốn thì chuyển thành nhỏ; nhỏ mà không đủ vốn thì im lặng thôi."
Tình hình lạm phát tăng khiến giá cả tăng cao khiến các doanh nghiệp cũng phải tăng lương tiền và các khoản an sinh khác cho công nhân như trình bày của ông Nguyễn Hữu Hoàng:
"Phải tính cho công nhân theo trượt giá để bù đắp những khoản như dầu, gạo, thịt,lương thực, kể cả chi phí đi lại, xăng nhớt… phải bù thêm cho họ."

Lối thoát

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp than phiền gặp quá nhiều khó khăn hai doanh nghiệp nhỏ như của ông Tăng Ngọc Thu và ông Nguyễn Hữu Hoàng vẫn duy trì được sản xuất nhờ họ có những hướng đi riêng, khá đặc biệt.
ngoaite-250.jpg
Một phụ nữ đang rút tiền tại máy ATM của ngân hàng Techcombank. RFA photo
Cơ sở của ông Tăng Ngọc Thu, chuyên sản xuất mặt hàng đèn lồng làm bằng tre và phủ vải lụa, hiện vẫn duy trì số công nhân thường xuyên là 20 người, dù vào những lúc cao điểm làm hàng số này mỗi ngày chừng 70 đến 80 người. Ông cho biết:
"Khách hàng đặt hàng qua email, chúng tôi gửi hàng qua và họ chuyển hàng về. Hoạt động chúng tôi nề nếp rồi. Trước đây tình hình dễ thì người ta đặt mỗi năm hai container 40 feet, nay khó khăn còn một container."
Công ty Cầu Vồng là đơn vị tận dụng các phế phẩm từ cây dừa rất phổ biến tại miền nam Việt Nam để làm ra sản phẩm gọi là 'đất sạch' xuất sang hai thị trường Canada và Mỹ. Đây được xem là sản phẩm thân thiện môi trường mà người tiêu dùng tại hai thị trường Canada và Hoa Kỳ dùng để trồng cây cảnh trong nhà. Ông Nguyễn Hữu Hoàng nói về thuận lợi giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất như thế:
"Sản phẩm của công ty chúng tôi thân thiện với môi trường. Khách hàng không phải sử dụng những sản phẩm bằng nhựa, bằng giấy nên khách hàng chú ý hơn và công ty bán được nhiều hàng hơn."
Về phần doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa như hai doanh nghiệp vừa nêu phải tự thân xoay xở để có thể tồn tại, duy trì sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho công nhân; trong khi đó nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Nhà Nuớc được hưởng các ưu đãi trong vay vốn nhưng hiệu quả vẫn không cao.
Việc vay vốn đối với họ không khó bởi có thể kêu lên đến thủ tướng như nhận xét cuả chuyên gia Vũ Quang Việt, nguyên chuyên gia Cục Thống Kê Liên Hiệp Quốc cho biết:
"Trong những năm gần đây, kinh tế quốc doanh không tạo ra công ăn việc làm, thậm chí tổng số lao động làm cho quốc doanh giảm. Họ đầu tư nhiều, lấy vốn của Nhà nước nhiều mà cuối cùng vẫn không tạo ra công ăn việc làm. Chỉ có doanh nghiệp tư nhân nhỏ và các công ty nước ngoài tạo ra công ăn việc làm."
Đối với vấn đề lãi suất cho vay kinh doanh, sản xuất, ngay cả những người trong giới ngân hàng cho rằng cần phải thay đổi cơ chế hiện hành với một cơ chế mới; chứ nếu Ngân hàng Nhà Nước có nâng lãi suất huy động hiện nay từ 14%, lên 15 hay 16% vẫn lạc hậu so với thực tế và những hoạt động giao dịch ngầm vẫn diễn ra. Điều đó dẫn đến những méo mó thị trường, kềm chế phát triển.

Theo dòng thời sự: