THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 June 2011

Dân biểu tình-chính quyền hành xử ra sao?


2011-06-16

Trong phần hội luận trước, các bạn trẻ tham gia biểu tình hôm 5/6 đã chia sẻ về quan điểm của họ sau việc tàu Trung Quốc tiếp tục cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam.

Photo courtesy of Danlambao

Biểu tình chống Trung Quốc lần thứ hai tại TPHCM hôm 12/06/2011.

Kỳ này, các bạn sẽ bàn về cách chính quyền hành xử với những người tham gia biểu tình và những mối nguy có thể thấy trước.

Dân mất lòng tin

Khánh An: Có những ý kiến ở trên mạng cũng như ở những người dân khác nói rằng chuyện Trung Quốc lại tiếp tục có hành động cắt cáp của Việt Nam thì có lẽ dự báo nguy cơ xảy ra chiến tranh. Không biết là các bạn nghĩ như thế nào về chuyện này. Các bạn có nghĩ rằng có thể xảy ra chiến tranh hay không giữa Việt Nam và Trung Quốc?

Thanh: Mình nghĩ rằng việc chiến tranh xảy ra ở vùng Biển Đông thì khó có khả năng xảy ra lắm, tại vì cũng như mình biết là ở Biển Đông không chỉ có Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp vùng biển đó, mà còn có Philippines và những nước khác nữa. Trong những mối ràng buộc về quan hệ kinh tế này nọ thì mình nghĩ khả năng chiến tranh khó xảy ra. Nó chỉ là những đòn gọi là thử để thử xem quốc gia đó phản ứng như thế nào thôi, chứ mình nghĩ cái khả năng trầm trọng hơn thì khó xảy ra lắm.

Khánh An: Vâng. Thế còn hai bạn ?

Bảo: Mình cũng nghĩ vậy. Mình nghĩ khả năng xảy ra chiến tranh rất là khó.

Khánh An: Vâng. An thì An nghĩ thế nào, An ?

An: Theo An nghĩ thì nguy cơ chiến tranh rất ít, nhưng xung đột quân sự trên Biển Đông thì có khả năng xảy ra rất cao. Nếu có xung đột đó xảy ra thì phía bị thiệt hại đầu tiên sẽ là phía Việt Nam vì Việt Nam vẫn là nước nhỏ bé, so sánh lực lượng quân sự không sao bằng Trung Quốc được, nhưng mà khi đó thì sẽ có rất nhiều nước trên quốc tế phản ứng lại như Mỹ, như Liên Minh Châu Âu (EU), rồi Liên Hiệp Quốc, có rất nhiều nước trên thế giới sẽ lên tiếng và ủng hộ Việt Nam.

Khánh An: Theo như các bạn thì đa số ý kiến đều cho rằng nguy cơ xảy ra chiến tranh là thấp. Vậy thì nếu sau sự kiện lần thứ hai Trung Quốc cắt cáp của tàu của Việt Nam mà chính phủ Việt Nam lại không có những biện pháp cương quyết và rõ ràng như lòng người dân mong đợi, thì ngoài nguy cơ chiến tranh mà các bạn cho là thấp thì có những nguy cơ gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Thanh: Như là hồi đó tới giờ Trung Quốc đề ra khẩu hiệu là "4 tốt" với lại "16 chữ vàng", nó dùng khẩu hiệu đó để một mặt nó nuôi dưỡng tinh thần hòa hiếu. Thứ hai, một tay nó cầm khẩu hiệu đó còn một tay thì nó lại đi làm cái hành động leo thang gây hấn như vậy. Theo mình biết thì trong bài phát biểu của ông Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ở hội nghị Shangri-La, khi nói về tranh chấp Biển Đông thì ông ta dùng từ "hòa bình" không dưới 27 lần trong bài phát biểu, nhưng mà thực chất thì phản ứng của Trung Quốc leo thang gây hấn với Việt Nam và Philippines thì nó không hề hòa bình chút nào hết. 

Mà không chỉ có người dân muốn chính phủ có những phản ứng cứng rắn hơn nữa, mà ngay quan chức ở trong chính phủ, những người như ông Cựu Trưởng ban Biên giới Chính phủ, rồi những trí thức lão thành cách mạng khác thì người ta cũng muốn chính phủ có những động thái mạnh mẽ hơn. Còn nếu như mà chính phủ vẫn cứ tiếp tục phản ứng kiểu như là phản đối lần này qua lần khác, lần này giống lần kia thì mình nghĩ là nó sẽ làm giảm lòng tin của người dân đối với cách giải quyết mà chính phủ hiện tại đang làm.

Nếu chính phủ lúc nào cũng trả lời như người phát ngôn của Bộ ngoại giao, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, thì người dân mất lòng tin vào nhà nước, không phải chỉ vấn đề biển đảo mà còn rất nhiều vấn đề khác.

Bạn An

Có nhiều nhà luật học họ nói có thể kiện ra tòa án quốc tế về luật biển, hoặc có thể đem ra cả Liên Hiệp Quốc nữa. Thực sự là ở bên Philippines thì Tổng Thống Philippines đã tuyên bố là Philippines sẽ đem ra rồi, còn Việt Nam thì chưa biết là liệu họ có đem ra các tổ chức quốc tế để giải quyết hay không? Cho tới thời điểm hiện tại thì vẫn chưa có ai công bố là Việt Nam sẽ đem những vấn đề đó ra Liên Hiệp Quốc để giải quyết cả. 

Cho nên mình nghĩ là chính phủ phải nghe tới, phải quan tâm tới những ý kiến của người dân để giữa người dân và chính phủ có được một sự đồng thuận, mà một khi có sự đồng thuận đó rồi thì mình nghĩ là không có vấn đề gì mà khó giải quyết nữa hết.

Khánh An: Vâng. Bây giờ thì Khánh An mời An.

An: Theo An nghĩ cũng như ý kiến của anh Thanh. Nếu chính phủ lúc nào cũng trả lời như người phát ngôn của Bộ ngoại giao là chúng tôi phản đối thế này, chúng tôi phản đối thế kia, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, thì chính hành động như thế của nhà nước làm cho người dân mất lòng tin vào nhà nước, không phải chỉ vấn đề biển đảo mà còn rất nhiều vấn đề khác.

Chính quyền sợ dân 

Khánh An: Trở lại với cuộc tuần hành vào hôm 5 tháng 6 vừa rồi, có một số bạn sau đó đã bị các cơ quan chức năng theo dõi và tìm đến để hỏi thăm các bạn chuyện này chuyện kia, giống như trong này chúng ta cũng có bạn An cũng đã bị như thế, cũng bị mời đi uống cà phê, thế thì các bạn nghĩ những điều mà chính quyền đang làm với những người tham gia biểu tình chỉ với mục đích là biểu lộ lòng yêu nước của họ, thì điều này các cơ quan chức năng có làm quá tay hay chăng? Có một bạn chia sẻ với Khánh An rằng khi mà đi như thế thì tự nhiên lại thấy sợ, mà lại sợ người nhà mình hơn là sợ Trung Quốc, các bạn nghĩ như thế nào về chuyện này? 

hanoianhbasam250.jpg
Biểu tình chống Trung Quốc lần hai tại Hà Nội sáng 12-06-2011. Photo courtesy of AnhBaSamBlog
Thanh:
 Mình nghĩ nỗi sợ đó cũng chính đáng (cười), tại vì khi mình đi biểu tình như vậy rõ ràng là mình đứng trên đất nước mình, mình phản đối Trung Quốc, mình không sợ Trung Quốc, mình sẵn sàng đoàn kết lại, hoặc là nếu chiến tranh xảy ra thì mình có thể đi ra trận giống như bao nhiêu trận đánh trước hồi năm 1979 mà mình đã từng đánh đuổi Trung Quốc ra khỏi đất nước. 

Mình nghĩ là người dân Việt Nam không sợ Trung Quốc, nhưng mà khi tập trung biểu tình thì lại sợ công an hơn là sợ Trung Quốc. Nhưng mà cái việc biểu tình như vậy, theo mình lúc đầu là tự phát, mà đã tự phát rồi thì thí dụ họ mời mình lên hay là họ mời ai đó lên thì những người đó chỉ trả lời là "À, tôi chỉ nghe bạn bè tôi như vậy thôi chứ không có biết người nào cầm đầu hết. Đó là cuộc tụ tập tự phát thôi".

Theo mình nghĩ, bây giờ có những tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội sinh viên, tại sao những tổ chức này lại không đứng ra để tổ chức những cuộc mít-tinh, những cuộc mít-tinh thôi chứ mình chưa dám nói tới những cuộc biểu tình phản đối. Những tổ chức này theo mình là họ không thể đứng ra tổ chức những cuộc mít-tinh đó đâu, là tại vì những tổ chức này là trực thuộc Đảng Cộng Sản, mà trực thuộc Đảng Cộng Sản thì bên Trung Quốc nó sẽ có cớ để nói là nhà nước này tổ chức những cuộc mít-tinh như vậy và như vậy là họ có cớ để họ nói. 

Như vậy nên khi cuộc biểu tình này được Thông tấn xã Việt Nam nhắc tới thì họ nhấn mạnh đây là một cuộc "tụ tập tự phát". Cho nên mình nghĩ dẫu cho người ta có bắt bớ hay là hỏi thăm thì mình nghĩ cũng không có vấn đề gì lớn..

Khánh An: Vâng. Không biết Bảo có ý kiến như thế nào ?

Bảo: Mình có góc nhìn như thế này. Thứ nhất, qua đợt gọi là mời đi "uống trà" này thì ít nhất có vấn đề là chính quyền luôn lo sợ có một thế lực nào đó đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Có khi biểu tình lúc đầu xuất phát từ lòng yêu nước và sau đó sẽ lái qua một cái gọi là phản đối ngược lại chính phủ Việt Nam, đó là cái lo sợ thứ nhất. Điểm thứ hai của việc người ta mời đi uống trà có nghĩa là người ta vẫn đánh giá cái tầm của người Việt Nam còn quá thấp, có nghĩa là có thể dễ bị dụ dỗ như trước đây từng sống trong cái kiểu tuyên truyền kia đó, có nghĩa là người dân rất là khờ khạo, đại khái trong mắt chính quyền là như vậy, nên người ta muốn xác minh. Qua  việc đó mới cảm thấy được là cái cách chính quyền nhìn người dân Việt Nam bây giờ vẫn theo cái cách mù mị, rất là dễ sai khiến, nhưng người ta không biết được là bây giờ suy nghĩ đã khác, người dân vẫn có chính kiến riêng của họ và họ đi biểu tình bởi lòng yêu nước thực sự.

Khánh An: Vâng. Theo như ý kiến của Bảo cũng như của Thanh vừa rồi thì mình có thể nhìn thấy một điều, đó là ở vị thế của chính phủ Việt Nam, họ cũng có những cái khó của họ, phải không? Chẳng hạn như điều mà Thanh có nêu lên, đó là những cơ quan, những tổ chức dành cho thanh niên như là Đoàn thanh niên, Hội Liên Hiệp thanh niên Việt Nam, ví dụ như vậy, những cơ quan đoàn thể này họ không thể nào đứng ra để làm một hành động gì đó để mà phản đối Trung Quốc giống như là các bạn đã tự phát làm cuộc biểu tình này, vì họ bị ở một cái thế là chính cái cơ cấu nó làm cho họ khó nói, phải không? 

Chính cái cơ cấu nó trói họ lại và họ bị kẹt ở trong ở trong cái cơ cấu đấy. Đây là một phát hiện mà Khánh An cảm thấy rất thú vị từ ý kiến của bạn Thanh. Không biết là các bạn còn có nhìn thấy những điểm khó nào từ phía chính quyền không?

An: An nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một đất nước chỉ duy nhất độc một đảng cộng sản. Tại sao mà trước năm 1975 người dân có thể tập họp tham gia phản đối chính quyền được, từ những vấn đề rất bình thường, rất nhỏ nhặt trong xã hội họ vẫn phản đối được. Họ tập trung nhau lại để biểu tình phản đối. Tại sao đến bây giờ chúng ta phát triển hơn thời kỳ đó rất nhiều, tại sao chúng ta vẫn còn sợ những từ ngữ như là "biểu tình" hay "tập trung đông người nơi công cộng. 

Chính quyền Việt Nam qua cuộc tuần hành biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 5 tháng 6 vừa rồi nửa muốn cho các hội thanh niên đi biểu tình phản đối Trung Quốc nhưng lại sợ sẽ tạo nên một nếp sống, một nếp nghĩ trong người dân cũng như trong giới thanh niên Việt Nam là "Tại sao chúng ta không đưa những vấn đề xấu khác ra để chúng ta phản đối?". 

Các cuộc biểu tình phản đối đó không phải là một cái gì đó phá hoại hay là chống đối lại nhà nước. Chính An đã từng học môn triết học Mác-Lênin là trong sự phát triển có mâu thuẫn vậy tại sao có sự mâu thuẫn mà chúng ta không được phép thể hiện ra? Lúc nào chúng ta cũng phải nói trong cuộc sống hay trong bất kỳ lúc nào chúng ta phải nói là "chúng tôi ủng hộ, chúng tôi không phản đối", tại sao chúng ta không được bày tỏ những chính kiến của chúng ta ra?

Sợ cả "hoa nhài"

Khánh An: Vâng. Khánh An muốn nghe được ý kiến của Bảo .

000_Hkg5005171-250.jpg
Hải quân Việt Nam tập trận trên đảo Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa hôm 13-06-2011. AFP PHOTO
Bảo:
 Nói chung những cái khó khăn là về phía công tác quản lý và cái tầm kiểm soát nó nằm ngoài những vấn đề mà người ta có thể dự trù, dự tính trước. Cuộc biểu tình có thể bùng phát qua những hướng khác mà người ta không lường trước được thì người ta lo sợ nó sẽ chuyển hướng thành cuộc có thể gọi là bạo loạn hoặc là một cái gì đó giống như bên Tunisia. Và việc lo sợ đó của chính quyền đã thể hiện qua việc bắt bớ những người có ảnh hưởng, ví dụ như Mẹ Nấm hay người này kia. Những người có ảnh hưởng sẽ bị người ta bắt hết tại vì họ sợ những người đó có thể lái cuộc biểu tình qua một hướng khác. Đó là vấn đề mà chính quyền hiện giờ rất sợ. 

Bên an ninh người ta vẫn đặt lui đặt tới vấn đề là nếu cuộc biểu tình này xảy ra lần thứ hai có tham dự nữa hay không và họ luôn luôn hỏi là "có dự tính tổ chức lần thứ hai nữa hay không?", có nghĩa là chính quyền đang lo sợ không biết lần thứ hai này sẽ quản lý như thế nào và người ta sợ nó sẽ chuyển sang hướng khác. Qua cuộc biểu tình này nó có thêm một điểm nữa là mấy bạn Thành Đoàn. Mình có thể dùng từ là "ngu ngơ". 

Mấy bạn vẫn chưa biết gì thực tế Trung Quốc nó đối xử với Việt Nam như thế nào. Mấy bạn chỉ biết Trung Quốc qua những bài báo vừa rồi thôi. Mấy bạn nghĩ và mấy bạn nói một câu là "Trung Quốc nó chưa có bắn giết mình mà, có gì đâu mà mình phải căng thẳng để làm gì?". Hôm đó mình mới nói thẳng với mấy người đó: "Chắc mấy bạn đọc báo trong nước không có phải không? Các bạn có biết là Trung Quốc nó bắn giết ngư dân Việt Nam mình bao nhiêu người hay không?", thì mấy bạn ngu ngơ lắm, mấy bạn chẳng biết gì. Cái hệ tư tưởng của mấy bạn trong Thành Đoàn, mấy bạn đoàn viên nó nằm ở mức độ chỉ hướng về Đảng nên mấy bạn không nhìn đâu xa ngoài vấn đề Đảng. Đảng cho cái gì thì xài cái đó, Đảng cho đọc cái gì thì đọc cái đó.

... chính quyền luôn lo sợ có một thế lực nào đó đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Có khi biểu tình lúc đầu xuất phát từ lòng yêu nước và sau đó sẽ lái qua một cái gọi là phản đối ngược lại chính phủ Việt Nam.

Bạn Bảo

Khánh An: Khánh An cảm ơn tất cả các bạn tham gia vào Chương trình Cafe Wifi. Điều mà Khánh An muốn cảm ơn hơn cả là các bạn đã can đảm, phải nói là rất can đảm, vì đây là lần đầu tiên mà các bạn thấy một cuộc biểu tình, mặc dù nó là tự phát nhưng mà nó đã diễn ra trên một quy mô rất là lớn ở Sài Gòn và Hà Nội và các bạn chính là những người đã dóng góp nên sự thành công của cuộc biểu tình đó. Cảm ơn các bạn rất nhiều đã làm đẹp hình ảnh giới trẻ - thanh niên Việt Nam. 

Mọi ý kiến đóng góp và tham gia chương trình Café Wifi, xin gửi email và số điện thoại về địa chỉ khanhan@rfa.org hoặc wificoffee.rfa@gmail.com 


Theo dòng thời sự: