THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 July 2011

Quảng cáo hăm dọa người tiêu dùng


Không chỉ ca ngợi đặc tính ưu việt của sản phẩm, mẩu quảng cáo lại "đe dọa" về hậu quả đáng sợ nếu người tiêu dùng mua sản phẩm khác.
Quảng cáo 'tự tay bóp mình'
Chiến tranh mì gói

Sau khi thạch rau câu của đối thủ bị phát hiện chứa chất gây ung thư, một doanh nghiệp cùng ngành lập tức cho phát quảng cáo với nội dung "ăn theo thời sự". Đoạn quảng cáo xoay quanh câu chuyện giữa hai mẹ con, bé gái muốn ăn thạch rau câu nhưng mẹ không đồng ý vì sợ có chất gây ung thư. Sau đó cô bạn xuất hiện giải thích rằng có một loại thạch không chứa chất gây ung thư này.

Cô bạn còn nhấn mạnh, chỉ duy nhất loại này trên thị trường không chứa chất DHEP, còn hầu hết các sản phẩm nhập khẩu lẫn sản xuất trong nước đều có. Xuôi tai, bà mẹ đổi ý và tuyên bố chỉ mua loại thạch rau câu của công ty nọ cho con ăn.

E102 là phẩm màu được Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng an toàn nếu dùng ở mức độ cho phép, nhưng được Masan quảng bá là có hại cho sức khỏe. Ảnh: Nhật Minh
Màu tổng hợp tartrazin (E102) được Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng an toàn nếu dùng ở mức độ cho phép, nhưng được Masan quảng bá là có hại cho sức khỏe. Ảnh: Nhật Minh

Chị Thanh (Tây Hồ, Hà Nội), sau khi nghe đoạn quảng cáo này giật mình thon thót với thạch rau câu của các công ty Việt Nam lẫn đồ nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, chị biết ngoài sản phẩm đã bị nhà chức trách phát hiện, không còn loại nào chứa DHEP.

Sản phẩm mì Tiến Vua bò cải chua vừa bị "tuýt còi" về quảng cáo gây nhầm lẫn cũng là một ví dụ tương tự về việc hăm dọa người tiêu dùng. Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm mì không chứa chất mà Công ty Masan cho là phẩm màu (E 102), đơn vị này còn thông tin rất chi tiết cho giới truyền thông về sự độc hại của chất này mà nhiều nước phát triển như Nhật, Mỹ… khuyến cáo.

Quảng cáo mì Tiến vua không chứa Trans Fat

Trước đó, Masan tung ra quảng cáo mì Tiến Vua không chứa Trans Fat – loại chất béo gây chứng đột quỵ, đau tim và bệnh mạch vành. Sau khi xem clip này trên truyền hình, khán giả sẽ có cảm giác lo sợ về việc ăn phải loại mì có chứa chất Trans Fat và mì của Masan mới là loại tốt cho sức khỏe.

Thời gian gần đây, trong ngành thực phẩm, không ít công ty đã sử dụng chiêu quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh để thu hút sự chú ý. Ngoài việc đưa ra thông điệp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, có công ty còn tranh thủ "đập" đối thủ cạnh tranh một cách khéo léo hoặc tạo ra sự nhầm lẫn không có lợi cho sản phẩm của hãng khác.

Quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng thường rất hiệu  quả nhưng cũng có những mặt trái. Ảnh: Hoàng Hà
Quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi của người tiêu dùng thường rất hiệu quả nhưng cũng có những mặt trái. Ảnh: Hoàng Hà

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, bên cạnh việc phát liên tục các clip quảng cáo về việc sản phẩm không chứa chất gây hại cho sức khỏe, một số hãng còn thực hiện các chương trình truyền thông về sự nguy hiểm của các chất này. Đây là lý do khiến nhiều bà nội trợ trở nên lo lắng với những chất trong thực phẩm mà họ cũng không thực sự hiểu mà chỉ biết nó độc hại cho sức khỏe khi thực tế không phải như vậy.

Giám đốc một công ty quảng cáo tại Hà Nội cho biết, trên thế giới, kiểu quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi của con người với nội hăm dọa cũng từng được áp dụng không ít. Tuy nhiên, các clip quảng cáo thường được sản xuất khéo để tránh bị coi là trục lợi từ nỗi sợ hãi hoặc tấn công đối thủ cạnh tranh gây ra kiện cáo hoặc phản ứng từ người tiêu dùng.

Theo ông, quảng cáo trục lợi nỗi sợ hãi của người tiêu dùng, kèm việc triệt hạ đối thủ cạnh tranh được gọi là chiến lược marketing kiểu Adolf Hilter. Chiến lược này tạo ra những nỗi sợ hãi rất lớn, không đáng có cho người tiêu dùng và khiến cho các hãng khác cùng ngành khốn đốn.

"Nó cũng có khả năng thành công nhanh và mạnh tương tự như trước đây nhà độc tài Adolf Hilter từng thống trị thế giới bằng nỗi khiếp sợ trong chiến tranh. Thế nhưng, sự sụp đổ cũng có thể nhanh chóng tương tự khi có lỗi hệ thống phát sinh", ông này bình luận.

Quảng cáo với thông điệp "Hãy đội mũ bảo hiểm"

Tuy nhiên, không phải quảng cáo nào đánh vào nỗi sợ hãi cũng bị lên án và clip của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIPF) là một ví dụ. Quảng cáo bắt đầu với hình ảnh đau buồn của một cô gái đang ngồi chải tóc với đầu bị khâu nhiều mũi. Tiếp đến là một thanh niên bị chấn thương sọ não vì tai nạn được mẹ già bón cho từng thìa cháo, cô gái đem chùm hoa trắng đặt ở góc đường nơi mẹ cô vừa bị tai nạn giao thông và qua đời… Tất cả nội dung đều gợi lên sự ghê sợ, chết chóc kèm thông điệp ở cuối "Hãy đội mũ bảo hiểm".

Ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Khách hàng Công ty quảng cáo NEO nhận xét, nội dung của clip này hướng tới lợi ích của cộng đồng và phi lợi nhuận nên việc đánh vào nỗi sợ hãi của con người không bị phản cảm. "Những nội dung mang tính hăm dọa mà AIPF đưa ra, trên thực tế mang lại những tác động tích cực đến cuộc sống của người dân: Việc đội mũ bảo hiểm sẽ đảm bảo an toàn hơn cho người tham gia giao thông trên đường. Đây là mẫu quảng cáo hăm dọa tích cực", ông này bình luận.

Hoàng Ly – Song Linh