THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 November 2011

1+3=11 - Choáng váng vì học sinh "ngồi nhầm lớp"


(Dân Việt) - Học sinh tiểu học, thậm chí tốt nghiệp THCS mà không thể làm được phép tính cộng đơn giản, không đọc được trôi chảy... Đó là thực trạng ở điểm trường làng Díp, xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, Gia Lai.

1+3= 11
Gặp em Rơchâm Uốc học sinh lớp 7B, chúng tôi thật sự bất ngờ với học lực của một học sinh lớp 7 mà không thể đọc trôi chảy được một đoạn văn ngắn, không thể làm phép tính nhân, chia… Em Rơchâm Tham dù đã học lớp 5 và được xem là người có học nhất trong gia đình anh Siu Hơch và chị Rơchâm Phin thì không biết làm toán. Khi chúng tôi đưa bài toán 5x5=?, em trả lời: Bằng 10!
Cậu học trò Rơchâm Nghi tính cộng với đáp án gây choáng váng : 119+3.680=4.870!
Cũng theo Rơchâm Tham, lớp 5B của em có 13 bạn, thì 3 bạn nhận được giấy khen Cháu ngoan Bác Hồ là bạn Thi, bạn Hương và bạn Rích. Là học sinh khá nhất lớp 5B, Rơchâm Rích chỉ biết đọc, biết viết, chưa biết làm toán, kể cả những phép toán đơn giản nhất. Với em Rơchâm Kảo, học sinh lớp 2B thì 1+3=11(!?).
"Khả năng" học tập của học sinh cấp tiểu học và THCS ở làng Díp càng làm chúng tôi bất ngờ hơn khi em Rochâm Nghi, một học sinh vừa tốt nghiệp THCS năm 2011 giải toán một cách hồn nhiên: 19 x 27 = 143; 115:5 = 25; 6 x 73 = 329 và "hoành tráng" hơn là phép tính cộng 119 + 3.680 = 4.870(!?).
Anh Rơchâm Toan - bố học sinh Rơchâm Kảo, chán nản: "Gia đình tôi cho con đi học mà nó chẳng biết gì cả. Làm toán cũng không biết, đọc cũng không được, vậy mà vẫn lên lớp đều đều. Hình như học sinh ở đây càng học lên lớp cao càng dốt hay sao ấy?".
Trong những buổi họp làng, bà con trong làng thường nói con cái cho đi học nhiều năm rồi nhưng không biết đọc, không biết viết thì học làm gì? Già làng Rơchâm Jươk cho biết: "Nói vậy nhưng rồi cả làng Díp ai cũng muốn con đi học. Mỗi lần họp làng, già cũng chỉ biết vận động bà con đưa con em đi học là chấp hành vận động của Nhà nước".
Khi học sinh lạ lẫm với tiếng phổ thông…
Theo thầy giáo Đặng Ngọc Sự - Chủ nhiệm lớp 5B, sức học của các em học sinh rất yếu, khả năng tiếp thu bài học chậm, ham chơi… Điểm trường có gần 100% học sinh là người đồng bào dân tộc J'rai, tập trung ở các cấp mầm non, tiểu học và THCS. Trong số đó, phần lớn học sinh mầm non và tiểu học ở những năm đầu đều chưa biết tiếng phổ thông. Đây là một trở ngại lớn cho ngành giáo dục, gây khó khăn cho giáo viên khi truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh.
Để hạn chế vấn đề này, nhiều năm qua, tập thể giáo viên Điểm trường làng Díp đã tăng cường phụ đạo, dạy hè, ra sức kèm cặp học sinh. Ông Nguyễn Tấn Huy - Phó Hiệu trưởng Điểm trường làng Díp bộc bạch: "Giáo viên chúng tôi sẵn sàng tổ chức phụ đạo cho các em học sinh yếu, kém sau khi phân nhóm nhưng vẫn không thể thực hiện được vì thiếu phòng học. Còn nếu tổ chức học phụ đạo ban đêm càng khó hơn bởi các em phải đi bộ từ 10-13km mới tới được lớp, đi đêm rất nguy hiểm".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Huy - Phó Hiệu trưởng Điểm trường làng Díp cho biết: "Nhiều học sinh tới tuổi đi học không biết tiếng Việt nên khả năng tiếp thu bài rất yếu. Đây không phải lỗi của các em mà do vốn tiếng Việt quá ít. Bài giảng của giáo viên không thể được tiếp nhận như các vùng khác".
Làm việc với chúng tôi, ông Đặng Quang Vinh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Chư Păh thừa nhận tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" vì lý do không biết tiếng Việt.
Hiện huyện đang thực hiện giải pháp tăng cường sử dụng các giáo viên bám bản, bám làng là người địa phương, họ vừa phụ trách công tác giảng dạy, lại vừa nhận trách nhiệm phiên dịch giữa tiếng Việt chuẩn sang tiếng địa phương để học sinh dễ hiểu hơn. Ưu điểm là thế nhưng nhiều giáo viên địa phương vẫn chưa đạt chuẩn khiến chất lượng dạy và học ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao.
Vì vậy, ông Đặng Quang Vinh góp ý: Chương trình giáo dục vùng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số phải được xây dựng trên cơ sở song ngữ, tiếng Việt chuẩn và tiếng địa phương. Chỉ sau khi vốn tiếng Việt của học sinh dồi dào, có khả năng suy luận, diễn giải bằng tiếng Việt chuẩn thì lúc ấy mới có thể áp dụng chương trình chung như hiện nay.