THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 November 2011

Bé gái chết tức tưởi tại BV: Bác sĩ chỉ… sờ

(VTC News) – Bốn bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ (Bình Định), chỉ biết khám “sờ” rồi đứng nhìn cháu Hằng chết tức tưởi.
Bác sĩ chỉ… sờ

Cả ngày 16/11, Trung tâm y tế huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã tiến hành họp kín để kiểm điểm các cá nhân có liên quan đến quá trình khám và điều trị cháu Huỳnh Thị Thanh Hằng (10 tuổi), ở thôn Đông An, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, chết tại bệnh viện chiều 8/11 vừa qua.

Nguồn tin của VTC News cho hay, buổi kiểm điểm diễn ra hết sức căng thẳng vì có liên quan trực tiếp đến trách nhiệm và năng lực chuyên môn của các y bác sĩ để xảy ra sự cố gây chết người. Do có sự phân công rạch ròi về mặt thời gian khám chữa bệnh của từng người nên không ai có thể đổ lỗi cho ai được.

Bé gái chết tức tưởi tại BV: Bác sĩ chỉ… sờ
Trung tâm Y tế huyện Phù Mỹ, nơi xảy ra cái chết của cháu Hằng

Buổi kiểm điểm đã làm rõ khuyết điểm của từng bác sĩ. Bác sĩ Tô Quốc Phong, người khám đầu tiên cho cháu Hằng đã có khuyết điểm chủ quan, cho rằng cháu chỉ bị viêm họng, chưa khai thác hết tiền sử, bệnh sử, lý do vào viện; không cho các xét nghiệm, cận lâm sàng kịp thời.

Bác sĩ Dương Công Sanh, trưởng khoa nhi, đã có khuyết điểm là khám, ghi chép hồ sơ chưa tỷ mỹ; chưa khai thác hết tiền sử, bệnh sử, lý do vào viện; chưa cho cận lâm sàng sớm (xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang), nên cho đến lúc cháu tử vong vẫn chưa có kết quả; gia đình xin chuyển viện nhưng không chấp nhận vì cho rằng bệnh không đáng ngại...

Bác sĩ Nguyễn Văn Lưu, người trực toàn viện trưa hôm ấy, không biết xử trí gì, không biết bệnh gì, “hoảng quá” nên gọi điện mời bác sỹ Châu Tấn Khoa, đang trực lãnh đạo đến “trợ giúp”.

Bác sĩ Châu Tấn Khoa, tuy là Phó giám đốc nhưng cũng chưa thực hiện đúng các bước trong cấp cứu: không cho xử trí thuốc cấp cứu; không cho dùng cả Adrenalin (mũi thuốc “hồi dương”) tiêm vào tim để cấp cứu trước khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng; không sử dụng các phương tiện giúp thở cho trẻ.

Bé gái chết tức tưởi tại BV: Bác sĩ chỉ… sờ
Các bác sĩ có liên quan cuối cùng mới chịu nhận khuyết điểm 

Trao đổi với PV VTC News, một bác sĩ tham gia buổi kiểm điểm thắc mắc, xét về phương diện lãnh đạo, đúng ra bác sĩ Đỗ Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm y tế Phù Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì người nhà bệnh nhân đã gọi điện năn nỉ, xin cho chuyển viện nhưng vẫn không được.

“Đã thế, ngay sau khi xảy ra cái chết của cháu Hằng, việc ông Giám đốc vẫn bình thản cho biết các y bác sĩ đã khám rất kỹ, làm hết trách nhiệm là hết sức vội vàng, chủ quan, bao che, chưa thành thật”, vị bác sĩ này không đồng tình.

Theo như ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, những bác sĩ có liên quan phải làm bản kiểm điểm, tự nhận hình thức kỷ luật cho mình để nộp cho Sở. Sau đó, Sở sẽ thành lập hội đồng chuyên môn về làm việc với Trung tâm để kiểm tra năng lực của những người liên quan, sau đó đưa ra quyết định kỷ luật cụ thể.

“Không loại trừ khả năng, những người gián tiếp liên quan đến cái chết của cháu Hằng cũng sẽ bị xem xét kỷ luật”, ông Cang nhấn mạnh.

Thiết bị bị “bỏ xó”

Sau khi cơ quan giám định pháp y tỉnh Bình Định công bố kết luận cái chết của cháu Hằng là: “Phù phổi cấp trên bệnh cảnh u nhầy nhĩ phải, gây tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim”.

Một bác sĩ lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Phù Mỹ cho VTC News biết, u nhầy nhĩ trái (phải) sẽ chẩn đoán được bằng siêu âm màu ba chiều bằng đầu dò tim, đối chiếu với siêu âm của Trung tâm y tế Phù Mỹ thì có thể chẩn đoán được cở trên 60%. Còn tràn dịch màng phổi, màng tim thì bằng siêu âm và chụp X-quang ở đây sẽ chẩn đoán được 100%.

“Phù phổi cấp là biến chứng cuối cùng của hai vấn đề trên, nếu phát hiện được một trong hai vấn đề này thì biết được sẽ có phù phổi cấp và sẽ dự phòng được hoặc điều trị dứt điểm u nhầy, đảm bảo an toàn cho cháu”, bác sĩ này khẳng định.

Bé gái chết tức tưởi tại BV: Bác sĩ chỉ… sờ
Nếu các bác sĩ có chuyên môn tốt hơn và biết phát huy tác dụng của thiết bị thì cháu Hằng đã không phải chết 

Về quy trình khám chữa bệnh, đúng ra, bác sĩ Phong phải cho siêu âm và chụp X-quang để chẩn đoán chính xác trước khi chuyển khoa nhi hoặc chuyển viện nhưng bác sĩ này đã không làm.

Hoặc có thể khi nhận bệnh nhân tại Khoa Nhi, bác sĩ Sanh phải cho siêu âm và chụp X-quang ngay thì vẫn kịp, nhưng việc này cũng không được thực hiện. Điều này cho thấy, hai bác sĩ trên chưa vận dụng được các máy móc hiện có tại Trung tâm y tế Phù Mỹ để chẩn đoán bệnh cho cháu Hằng và đã dẫn đến kết quả đáng tiếc.
Được biết, hôm qua, Ban Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phù Mỹ đã đến thăm để chia sẻ nỗi đau thương mất mát cùng gia đình cháu Hằng.
Gia đình nạn nhân hết sức bức xúc vì cho rằng, vì sao y sĩ xã chẩn đoán bệnh nặng mà bác sĩ huyện lại không biết? Trong khi đó, gia đình đã phải đưa cháu bé đi cấp cứu lúc gần nửa đêm, nhưng bác sĩ không quan tâm, không hề cho tiêm một mũi thuốc nào.
“Tại sao bệnh viện có đầy đủ máy móc giúp chẩn đoán bệnh nhưng không cho con tôi được làm”, người nhà nạn nhân bức xúc đặt câu hỏi.

Ông giám đốc thích đi ngược chính sách?

Theo điều tra của PV VTC News, các bác sĩ Nguyễn Văn Lưu, Dương Công Sanh, Tô Quốc Phong là người trực tiếp khám chữa bệnh cho cháu Hằng đều là bác sĩ tuyến xã mới được Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phù Mỹ rút lên huyện năm 2010.

“Các bác sĩ này tuy có bằng cấp nhưng chưa có đủ kinh nghiệm trong điều trị, vì bác sĩ tuyến xã chỉ làm công tác phòng bệnh là chính, ít khám bệnh và điều trị”, một lãnh đạo trung tâm nhận xét.

Chẳng hạn, bác sĩ Dương Công Sanh, nguyên là y sĩ tuyến xã và được học lên bác sĩ chuyên tu và bác sĩ chuyên khoa I nhi, nhưng vẫn làm ở xã.

Giữa năm 2010 mới tốt nghiệp khóa bác sĩ chuyên khoa I nhi và được rút lên trung tâm y tế huyện. Tuy nhiên, bác sĩ này vẫn ở Phòng khám để khám bệnh chung, chưa bao giờ được phân công điều trị nội trú. Thế nhưng, ngày 1/9 vừa qua, bác sĩ này được bổ nhiệm làm Trưởng khoa nhi.

Còn bác sĩ Lưu thì mới tốt nghiệp đào tạo bác sĩ chuyên tu giữa năm 2010, đang làm trưởng trạm y tế xã Mỹ Quang. Bác sĩ Lưu được điều động trực tại Trung tâm y tế (không có quyết định), nên không đảm đương được việc trực viện để giải quyết tất cả bệnh tật của một đơn vị đa khoa trên 140 giường bệnh là điều dễ hiểu.

Bé gái chết tức tưởi tại BV: Bác sĩ chỉ… sờ
Ông giám đốc mạnh tay làm ngược chính sách khiến y tế địa phương cả trên lẫn dưới đều khập khiễng 
“Việc “liên thông” y tế xã và y tế huyện như thế này là đi ngược với đường lối chính sách Nhà nước, đi ngược Đề án 1816 của Bộ Y tế về luân chuyển cán bộ bác sĩ về tuyến xã.

Chỉ khi nào tuyến xã thừa mới có thể tăng cường lên huyện, chứ hiện tại Phù Mỹ chưa đạt 100% số xã có bác sỹ, nên việc rút lên là chưa được”, một lãnh đạo Trung tâm y tế Phù Mỹ, cho biết.

“Do bị rút ruột chất xám nên dù là một huyện đồng bằng nhưng nhiều trạm y tế xã của huyện Phù Mỹ vẫn “trắng” bác sĩ như: Xã Mỹ Chánh Tây, xã Mỹ Hòa, thậm chí thị trấn Phù Mỹ.

Hiện các xã này không có bác sỹ, phải chia lịch bác sỹ các xã khác đến giúp một vài ngày trong tuần, chất lượng không có, chỉ mang tính chất đối phó”, lãnh đạo này cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV VTC News, do các “bác sĩ xã” với trình độ chuyên tu, đào tạo để phục vụ cho tuyến xã, nhưng luôn được lãnh đạo trung tâm y tế ưu ái, cất nhắc vào những vị trí trưởng khoa, trực chính, còn những các bác sĩ có trình độ chuyên môn và trách nhiệm trong nghiệp vụ thì “hất” ra ngoài nên nhiều bác sĩ giỏi đã phải ngậm ngùi bỏ quê hương, chuyển đi nơi khác.
Bé gái chết tức tưởi tại BV: Bác sĩ chỉ… sờ
Sau sự cố này, Trung tâm y tế Phù Mỹ rất vắng bệnh nhân 

Theo thống kê, vài năm gần đây, đã có đến 8 bác sĩ có trình độ chính quy, có tay nghề bỏ trung tâm y tế huyện Phù Mỹ để ra đi với lý do bị o ép, trù dập, cô lập. Đơn cử như các bác sĩ Nguyễn Văn An, Cao Lạc Khang, Trần Quế Hoàng, Lương Văn Tín…

Ông Võ Văn Hòa, Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, cũng thừa nhận, từ ngày ông Đỗ Văn Hoàng lên làm Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phù Mỹ, bác sĩ giỏi ở đây bỏ đi rất nhiều. Vì vậy, mong mỏi lớn nhất của Thường vụ Huyện ủy là Sở Y tế nhanh chóng chuyển công tác ông này đi nơi khác để xây dựng lại trung tâm.

Trong khi đó, trao đổi với PV VTC News, ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế Bình Định, cho rằng, Sở không hề hay biết việc Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phù Mỹ rút người từ tuyến xã lên bố trí công việc ở tuyến huyện vì người của y tế xã không thuộc quản lý của Sở.
Tin liên quan