THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 December 2011

Giải pháp cho giao thông Việt Nam?


2011-12-26

Trong các vấn nạn đô thị ở Việt Nam như ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng xã hội, tệ nạn và tội phạm… thì ách tắc và tai nạn giao thông đang được xem như là quốc nạn.

RFA PHOTO

Xe cộ lưu thông giờ cao điểm tại Hà Nội hôm 08/07/2011.

 

Vì sao quốc nạn này ngày càng nghiêm trọng và giải pháp nào cho giao thông ở Việt Nam?

Cơ sở hạ tầng cũ kỹ

Song song với đà tăng trưởng kinh tế ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì tốc độ dân số gia tăng đáng kể ở các thành phố này. Người dân từ khắp các tỉnh thành dồn về với hy vọng có cuộc sống tốt hơn do có nhiều công ăn việc làm và thu nhập cao hơn so với những vùng nông thôn hẻo lánh. Mật độ dân số dày đặc, hệ thống cơ sở hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu đã và đang gây nên hiện trạng ùn tắc giao thông và không an toàn cho người tham gia giao thông. Sau đây là lời chia sẻ của một người tham gia giao thông hằng ngày trong cuộc sống mưu sinh nơi đô thị. Bà Nguyễn Thị Vân cho biết:

Lượng xe rất là đông mà đường thì không cải tiến nhiều, không có mở rộng. Thành ra ùn tắc giao thông là chuyện thường xuyên.

Nguyễn Thị Vân

"Không an toàn. Vì đường xá đông quá mà lượng xe cộ chạy rất là ẩu. Xe buýt có thể lấn tuyến vô xe 2 bánh chạy để kịp giờ. Rồi xe 2 bánh cũng có thể lấn ra tuyến 4 bánh để chạy cho nhanh. Nói chung là rất bất ổn. Nhưng vì cuộc sống phải đi thôi. Với lại, lượng xe rất là đông mà đường thì không cải tiến nhiều, không có mở rộng. Thành ra ùn tắc giao thông là chuyện thường xuyên. Để tránh chuyện trễ giờ, nói chung là bằng mọi cách, làm sao vượt lên người khác được, để mình đi thôi."

Dù chính phủ nỗ lực tập trung vào các dự án cải tạo và xây mới cơ sở hạ tầng đô thị nhưng do không có chiến lược khoa học hợp lý và đồng bộ đã tạo ra tình trạng "phản tác dụng" cho an toàn giao thông. Đường xá chật hẹp lại triền miên gánh chịu "công cuộc" đào lên lấp lại. Lô cốt đã trở thành từ ngữ phổ biến để chỉ các công trường thi công dở dang trên các đường phố tại Việt Nam. Biển báo giao thông chỉ dẫn không rõ ràng. Thành phố ngập lụt như sông sau những trận mưa cùng các hố tử thần là những cái bẫy có thể cướp đi sinh mạng của người tham gia giao thông một cách dễ dàng.

Về phía người tham gia giao thông thì đại đa số có ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông còn rất kém, thiếu hiểu biết. Công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn chưa thật sự nghiêm túc dẫn đến số nhiều lái xe chưa thành thạo điều khiển đã tham gia giao thông, gây ra tai nạn. Tình trạng kiểm soát và xử lý vi phạm còn rất tiêu cực, thiếu nghiêm minh, kết hợp với văn hóa "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" góp phần làm cho hiện trạng giao thông ngày một thêm hỗn độn. Về mặt nhân văn, có phải chăng đạo đức xã hội suy đồi đã gây nên những trường hợp tai nạn giao thông thật thảm khốc và thương tâm như báo chí đăng tải những vụ xe buýt cán người vì tranh tuyến hay vụ tai nạn xe tài xế cán nạn nhân hai lần cho chết hẳn…

Anh Quân, một nhân viên làm việc trong một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết suy nghĩ của mình về tai nạn giao thông:

"Thật sự rằng tệ hơn, tất nhiên là tăng hơn năm ngoái. Cũng tùy theo tỉ lệ tăng dân số, về đường xá như thế nào, về ý thức con người… dẫn đến mức độ tỉ lệ tai nạn giao thông tăng hay giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do say xỉn, không làm chủ được tốc độ."

MG_1302-250.jpg
Xe buýt lưu thông trên đường phố Hà Nội hôm 11/07/2011. RFA PHOTO.
Đây là một vấn nạn mà chính phủ Việt Nam đang phải đương đầu. Các dự án đầu tư xây dựng  chỗ đậu xe dưới mặt đất, giải phóng vỉa hè mặt đường thông thoáng hơn đang được chính phủ khuyến khích. Triển khai dự án xe buýt trong thành phố, dự kiến đến năm 2020 sẽ đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân đô thị.  Nhưng ý kiến của người dân đô thị ra sao về phương tiện xe buýt này? Bà Vân nêu ra ý kiến của mình:

"Có hai vấn đề. Thứ nhất, nếu trường hợp xe buýt là một phương tiện giao thông tốt, an toàn, nghĩa là không phải chen lấn, không phải mất cắp, không phải trễ giờ, đi an toàn thì tôi nghĩ có thể người dân sẽ đi rất nhiều. Nhưng trường hợp đi trên xe buýt hiện tại bây giờ, tình trạng mất cắp rất là nhiều, móc túi, hay lợi dụng. Có những kẻ xấu lợi dụng những em sinh viên làm những chuyện không hay, sờ mó hay gì đó…Nên tôi nghĩ hiện tại bây giờ nếu đi xe buýt với để đi xe Honda thì người ta chấp nhận chen lấn để đi honda."

Giải pháp?

Đi trên xe buýt hiện tại bây giờ, tình trạng mất cắp rất là nhiều, móc túi, hay lợi dụng. Có những kẻ xấu lợi dụng những em sinh viên làm những chuyện không hay.

Nguyễn Thị Vân

Hiện tại, chính phủ chỉ là đối phó với những biện pháp nhất thời, không có chiến lược vĩ mô hiệu quả lâu dài. Mới đây nhất dư luận cũng như những người trong cuộc đã phản ứng rất nhiều về đề xuất đổi giờ học giờ làm của Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải - Đinh La Thăng với mục đích giải quyết tình trạng ùn tắc ở đô thị. Dù ông Bộ Trưởng cho rằng phải chấp nhận giờ làm của cha mẹ lệch giờ học của các con và theo ông số đối tượng "các cháu mẫu giáo" chỉ là phần nhỏ nên đề xuất không thể vì nguyên nhân này mà không khả thi. Nhưng thực tế đây không phải là "phần nhỏ" như nhận định của ông Bộ Trưởng. Bà Vân cũng chia sẻ thêm:

"Có thể bước đầu là chưa thích ứng được với nhiều người. Nói chung nếu đổi giờ làm thì đi đón con như thế nào? Nếu đón con, mà con có thể một đứa, hai đứa chớ và mỗi đứa mỗi điểm. Ví dụ như tôi ra ca 6 giờ, con tôi ra học 4 giờ thì ai đi đón. Nên trước mắt tôi thấy chưa khả thi. Không khả thi tại vì có những gia đình sáng đưa con đi học rồi đi làm luôn. Bây giờ đưa con xong rồi về nhà ngồi chờ hoặc đến cơ quan sớm rồi sau đó về trễ, rồi con về sớm thì lại phập phồng lo. Nếu mướn người rước cũng không an tâm. Nếu đi ra ngoài đón con, bỏ giờ làm thì cũng không được. Nên tôi thấy trước mắt bây giờ mà đổi cũng chưa khả thi lắm. Hiện tại tôi nghĩ chắc là không thành công được đâu." 

Giao-thong-HN-112211-g-250.jpg
Xe cộ lưu thông giờ cao điểm tại Hà Nội hôm 22/11/2011. RFA PHOTO.
Phương án đổi giờ học giờ làm tại mười quận nội thành và hai huyện Từ Liêm, Thanh Trì ở Hà Nội vừa lùi lại một tháng, bắt đầu thực hiện vào ngày 1/2/2012. Chính phủ cho rằng phương án này sẽ khả thi trong khi đó không ít người tham gia giao thông đang phải tìm cách đối phó với cuộc sống sẽ bị xáo trộn chỉ vỏn vẹn trong vòng một tháng nữa.

Theo nguồn của Báo Sài Gòn Giải Phóng Online, nếu so sánh với đại thảm họa động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật Bản hồi tháng 3 vừa qua, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 11.929 người chết do tai nạn giao thông gây ra, gần khoảng 76% so với số người chết do thảm họa sóng thần là 15.790 người và có 9.290 người bị thương do tai nạn giao thông chiếm hơn 150% so với số người bị thương do thảm họa sóng thần là 5.933 người.  

Liệu rằng những phương án như "đổi giờ học giờ làm" có thể giảm thiểu được vấn nạn ùn tắc đô thị và tỉ lệ tai nạn giao thông cao quá mức như hiện nay? Trong các cuộc tiếp xúc với đài chúng tôi, những người tham gia giao thông đều nói họ đang trông chờ vào các phương tiện truyền thông đại chúng chuyển tải những ý kiến và kỳ vọng của họ ở chính phủ về một giải pháp dài hạn có tính khả thi, hiệu quả triệt để cho hệ thống giao thông VN.


Theo dòng thời sự: