THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 December 2011

Làm du lịch “không lương”, nhiều nhà vườn Huế tự đóng cửa


13/12/2011 07:34:38
 - Đưa vào khai thác du lịch, nhiều nhà vườn Huế phải đóng thuế cao nhưng phần lớn thu lao đều do đoàn du khách tùy tâm đóng góp. Mức hỗ trợ không có, khiến nhiều nhà vườn đóng cửa hàng loạt.

Nhà vườn Huế nổi tiếng với nối kiến trúc độc đáo, cổ xưa, hiền hoàn giữa thiên nhiên, cảnh vật và kiến trúc nên được nhiều du khách đặc biệt thích thú, chọn làm điểm du lịch mỗi khi đặt chấn đến đất cố đô. Từ Festival Huế 2000, hệ thống nhà vườn chính thức được đưa vào hoạt động khai thác du lịch, tạo nhiều điểm đến cho các tour thăm quan trên địa bàn. Không ít nhà vườn tạo "thương hiệu" riêng, như: An Viên, Lạc Tịnh Viên…
 
Nhiều nhà vườn ở Huế đang trong tình trạng
Nhiều nhà vườn ở Huế đang trong tình trạng "cửa đóng then cài" vì người làm du lịch không được hưởng lợi.

Tuy nhiên, những tuần qua, cảnh tượng khá trái ngược tại các khu nhà vườn Huế khi hầu hết trong cảnh đìu hiu. Khách đến thăm quan ít, trong khi các chủ nhà vườn không mặn mà đón tiếp, thậm chí đóng cửa và từ chối thẳng các đoàn du khách. 

Ông Hoàng Xuân Bậc, 80 tuổi, ở nhà vườn số 4 của tuyến tham quan nhà vườn Phú Mộng lý giải: "Khách đến theo mùa, mỗi ngày có đến vài chục lượt nhưng không có cơ chế hỗ trợ cụ thể nào cho các nhà vườn. Có đoàn đưa tiền hỗ trợ, có đoàn không; khi vài chục, lúc được trăm ngàn trong khi đó, để tạo điều kiện đón khách chúng tôi phải tự lau chùi nhà cửa, bố trí vật dụng trang trí, thậm chí phải thuê thêm người làm."

Tại nhà vườn số 1 (nhà vườn Phú Mộng), ông Lê Khánh Tuấn, chủ nhà vườn này phân trần: "Thường để tiếp đoàn chúng tôi hầu như phải mất ăn, mất ngủ làm hướng dẫn viên, rồi lại dọn dẹp, lau chùi; đầu tư mua sắm trang phục truyền thống, tu sửa cây cối để đúng với đặc trưng nhà vườn, nhưng rốt cục chỉ có đi mà không thu lợi gì nên chẳng mấy ai còn mặn mà".

Theo các chủ nhà vườn, bên cạnh chưa có cơ chế hỗ trợ từ ngành du lịch địa phương, các công ty lữ hành, đoàn tour, nhà vườn trên địa bàn còn phải tính thuế cao gấp 10 lần so với thời điểm nhà vườn chưa đưa vào khai thác du lịch. Do đó, nhiều nguồn thu không đủ chi. Không ít chủ nhà vườn xin rút khỏi tuyến du lịch để đóng cửa, sinh hoạt trong gia đình. 

"Khách đến nhiều tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến cơ sở vật chất; chưa kể sinh hoạt gia đình bị xáo trộn. Nếu cứ làm du lịch không công miết thế này thì làm sao khuyến khích chúng tôi nhiệt tình tham gia được" – Bà Tuy, một chủ nhà vườn nói.

Anh Đinh Văn Lộc – Giám đốc Cty Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) cho hay: "Đơn vị khá bất ngờ trước thông tin nhà vườn đang có xu hướng đóng cửa hàng loạt. Nếu đúng sẽ là một bất lợi trong việc thiết kế các tuor du lịch tại Huế. Nhà vườn là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn. Thực tế mỗi lần đưa đoàn đến nhà vườn, tùy quy mô, số lượng chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các nhà vườn. Nhưng không có cơ chế cụ thể như giá vé, phí thăm quan trên đầu người hoặc 1 đoàn nên việc hỗ trợ theo kiểu thuận ý khách, vừa ý chủ nhà".

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: chính sách bảo tồn nhà vườn Huế được đề xuất, quyết định. Trước mắt, tỉnh giảm thuế cho người dân, chỉ tính diện tích đất ở theo thuế đất nhà vườn, còn diện tích vườn sẽ tính theo thuế đất nông nghiệp, giúp giảm chi phí hoạt động cho các nhà vườn.
 
Theo ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh,157 nhà vườn tiêu biểu được lên danh sách trùng tu, hỗ trợ; các phương án hỗ trợ, khích lệ nhà vườn tham gia du lịch đang được tìm hướng phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cho hay: "Cái khó là nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế; trong khi đó các hộ nhà vườn muốn bán vé để tạo nguồn thu phải đảm bảo thủ tục đăng ký kinh doanh, nộp thuế cho Nhà nước nhưng lại chưa có cơ chế về vấn đề này."

Trường Xuân