THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 December 2011

Tình hình tham nhũng năm 2011


Tình hình tham nhũng năm 2011
Việt Hà, phóng viên RFA
2011-12-01
Tổ chức Minh Bạch Quốc tế vừa công bố bảng xếp hạng nhận thức về tham nhũng 2011 vào ngày 1 tháng 12.
Đồ họa cho thấy nhận thức về tham nhũng 2011 do Tổ chức Minh Bạch Quốc tế vừa công bố hôm 01/12/2011

Bảng xếp hạng năm nay cho thấy tình hình tham nhũng trên thế giới vẫn còn là một vấn đề lớn khi 2/3 trong tổng số hơn 180 nước có điểm số thấp hơn 5 trong thang điểm từ 0 đến 10, tức là vẫn còn nhiều tham nhũng. Việt Nam năm nay bị xếp hạng 112 với điểm số 2.9. 
Việt Hà phỏng vấn bà Samantha Grant, Điều phối viên chương trình của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, phụ trách khu vực Đông Nam Á về bản báo cáo này.
Nhiều nước điểm số thấp

Trước hết bà Grant cho biết về những điểm nổi bật của bản báo cáo năm nay:
Bảng xếp hạng nhận thức về tham nhũng năm nay bao gồm 186 nước và vùng lãnh thổ. Theo tôi báo cáo năm 2011 cho thấy nhiều vấn đề: thứ nhất là các nước thuộc khu vực Ả Rập và các nước có cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập hồi đầu năm đều bị xếp hạng thấp. Trước khi có báo cáo này, Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế đã có cảnh báo về tình trạng gia đình trị, đút lót, hối lộ rất nghiêm trọng trong cuộc sống hàng ngày ở khu vực này đến mức cản trở hiệu quả của những luật chống tham nhũng.
Điều này đã được thể hiện trong bảng xếp hạng lần này của Tổ chức minh bạch quốc tế. Còn nếu nhìn vào khu vực châu Âu, chúng ta thấy có một số nước đang chịu gánh nặng nợ và đây là do nguyên nhân chính phủ đã thất bại trong việc chống đút lót, trốn thuế, và điều này khiến cho khủng hoảng nợ thêm trầm trọng.
Điều này cũng thể hiện trong bảng xếp hạng năm nay. Đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương, có hai nước lớn quan trọng là Trung Quốc và  Ấn Độ xếp hạng 75 và 95. Đây là những nước mà sự phát triển kinh tế mạnh mẽ vẫn không đủ để đưa ra một khuôn khổ nhằm giảm tham nhũng và giải quyết các vấn đề chính. Điều này đặt ra những thách thức cho sự phát triển kinh tế của các nước này.
Việt Hà: Vậy so với bảng xếp hạng năm ngoái thì ta có thể nói gì về tình hình tham nhũng trên thế giới thời gian qua, thưa bà?
Samantha Grant: Trước hết chúng ta nên nhớ là chúng ta không thể so sánh các điểm số của năm này với năm trước một cách trực tiếp, tuy nhiên khi nhìn vào điểm số của cả hai năm thì chúng ta đều thấy là tình trạng chung là điểm số của các nước đều rất thấp, đặc biệt là ở châu Á, nơi điểm số thấp hơn 5 hoặc thậm chí 3 tức là tham nhũng nghiêm trọng. Cho nên mặc dù trong năm 2011 chúng ta nhìn thấy một số dấu hiệu mới như cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập hay phong trào chiếm phố Wall khiến mọi người chú ý nhiều hơn đến tham nhũng nhưng cũng còn rất nhiều điều phải làm. Đặc biệt là khi nhận thức về tham nhũng tập trung vào khu vực công thì chính phủ cần phải quan tâm đến vấn đề này để đảm bảo sự phát triển về kinh tế và giải quyết tình trạng tham nhũng.
Hai nước lớn quan trọng là Trung Quốc và  Ấn Độ xếp hạng 75 và 95. Đây là những nước mà sự phát triển kinh tế mạnh mẽ vẫn không đủ để đưa ra một khuôn khổ nhằm giảm tham nhũng và giải quyết các vấn đề chính.
Bà Samantha Grant
Việt Hà: Vậy đâu là những điểm đáng khích lệ trong cuộc chiến chống tham nhũng toàn cầu hiện nay?
Samantha Grant: Nhìn chung, nếu nhìn vào điểm số thì có khá nhiều các nước có điểm số rất thấp, nhưng nếu nhìn vào một số ví dụ cụ thể thì chúng ta có thể nhìn thấy một số điểm khích lệ ở một vài nơi, ví dụ như châu Á Thái Bình Dương đã có những luật quy định về tham nhũng được ban hành. Ví dụ ở Trung Quốc có luật liên quan đến đút lót cho nước ngoài, đây là một điểm tốt, tức là chính phủ đã chú ý hơn. Càng ngày càng có nhiều chính phủ quan tâm đến tính minh bạch và lắng nghe những thông điệp của chúng tôi. Nhưng điều mà chúng tôi mong muốn và vẫn chưa thấy thành hiện thực là việc thực hiện các luật và quy định về chống tham nhũng này.
Tình hình tại VN

Việt Hà: Xin bà cho biết về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam thể hiện qua bảng xếp hạng năm nay và so với năm ngoái?

Ảnh minh họa tham nhũng. Photos.com
Samantha Grant: Bảng xếp hạng nhận thức tham nhũng năm nay cho thấy tham nhũng vẫn là vấn đề lớn tại Việt Nam, và điều này đã được khẳng định trong bản báo cáo đo lường về tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện ở Việt Nam cho thấy 40% người dân ở các thành phố Việt Nam vẫn phải đút lót để có được các dịch vụ cho mình vào năm ngoái. Và trong báo cáo này ta cũng thấy xu hướng chung mà mọi người nhìn nhận là tham nhũng tại Việt Nam trở nên tồi tệ hơn so với năm trước đó.
Kết quả của bảng xếp hạng nhận thức về tham nhũng 2011 cũng tương tự như những đánh giá được đưa ra trong cuộc họp lần thứ 16 vào quý ba năm nay của ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng quốc gia Việt Nam. Cho nên theo tôi, mặc dù chính phủ Việt Nam đã có cố gắng như đưa ra luật phòng chống tham nhũng, phê chuẩn công ước về chống tham nhũng, nhưng điểm số thấp của Việt Nam trong bảng xếp hạng lại cho thấy không có những tiến bộ đáng kể, và cuộc chiến chống tham nhũng cấp quốc gia của Việt Nam hiện vẫn đang phải đương đầu với nhiều thách thức lớn.
Việt Hà: Năm ngoái Việt Nam cũng không cho thấy những tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống tham nhũng, giống năm nay. Vậy đâu là nguyên nhân, có phải do việc thực hiện luật chống tham nhũng không tốt, do hạn chế về tiếp cận thông tin cho người dân hay do những xung đột về lợi ích là những nhân tố mà các cuộc điều tra về tham nhũng của quốc tế xem xét khi đánh giá tình hình tham nhũng ở một nước?
Samantha Grant: Có nhiều nhân tố ảnh hưởng, mặc dù Việt Nam có một khung pháp lý và quy định về chống tham nhũng nhưng việc thực hiện không tốt, họ cần đảm bảo việc thực thi luật pháp mạnh mẽ hơn, kiên định hơn nhất là trong việc phát hiện tham nhũng. Điều này cần nhiều thời gian vì phải xây dựng lòng tin của nhân dân vào chính phủ và toàn bộ hệ thống. Điều này đòi hỏi chính phủ phải có đủ nguồn lực và năng lực để thực hiện nhiệm vụ này. Ngòai ra cũng cần có sự tham gia tích cực hơn nữa của các tổ chức điều tra đánh giá độc lập.
Thêm vào đó là phải đảm bảo là phải rằng các luật và quy định liên quan được thực hiện và giám sát thực hiện nghiêm túc. Sự tham gia rộng lớn của các tổ chức dân sự, của báo chí và người dân trong cuộc chiến chống tham nhũng phải được khích lệ hơn nữa. Phải đảm bảo tiếp cận thông tin đầy đủ cho họ và đảm bảo hệ thống bảo vệ tốt hơn cho những người ‘thổi còi’ tức là những người phát hiện tham nhũng.
Chính phủ Việt Nam đã có cố gắng đưa ra luật phòng chống tham nhũng, phê chuẩn công ước về chống tham nhũng, nhưng không có những tiến bộ đáng kể.
Bà Samantha Grant
Việt Hà: Tổ chức Minh Bạch Quốc tế công bố thường niên bảng xếp hạng về tham nhũng ở các nước, bà đánh giá thế nào về tác động của thông điệp mà bảng xếp hạng này đưa ra đối với chính phủ Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng? Chính phủ Việt Nam tiếp nhận những khuyến nghị của Tổ chức Minh Bạch Quốc tế ra sao?
Samantha Grant: Có tác động mà không trực tiếp. Đã có nhiều diễn đàn được tổ chức trong nước ví dụ như các cuộc họp bàn tròn về tham nhũng giữa chính phủ với các tổ chức quốc tế và dân sự. Báo cáo mà tổ chức Minh bạch quốc tế đưa ra chủ yếu là cho công chúng biết, và cũng là để dành cho chính phủ. Với việc đưa ra các báo cáo và các dữ liệu như thế này, chúng tôi muốn nhìn vào việc thực hiện luật chống tham nhũng ở Việt Nam, đưa ra các trợ giúp về mặt kỹ thuật dựa vào  kinh nghiệm trên thế giới. Chúng tôi thấy là chính phủ Việt Nam đã nghiêm túc đón nhận các kiến nghị của chúng tôi.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.