THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

07 October 2011

Cá chết hàng loạt ở hồ Tây, Hà Nội


Gần một tuần qua, hàng nghìn con cá chết nổi trắng xóa một góc hồ Tây, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hồ Tây là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, diện tích khoảng 500 ha.
Từ một tuần nay, mặt hồ xuất hiện nhiều cá chết.
Chúng trôi dạt vào phía gần bờ.
Sát vườn hoa Lý Tự Trọng và khu vực chùa Trấn Quốc, xác cá ken dày đặc.
Có tới hàng nghìn con, phần lớn là rô phi.
Có những con trọng lượng tới một kg cũng bị chết.
Cá chết và rác thải...
...đang làm môi trường hồ bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Cá chết trắng hồ tây
Trong khi đó khu vực bậc cầu, lan can ven đường Thanh Niên cũng luôn trong tình trạng ô nhiễm như thế này.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Phúc Quang, Trưởng ban quản lý Hồ Tây cho biết, cá chết do nguồn nước ô nhiễm từ phía cống xây từ thời Pháp bên đường Thụy Khuê. Thời gian qua liên tục có mưa lớn, lượng nước thải dồn ứ từ đây chảy ra hồ.
"Hiện tại hồ có một xí nghiệp xử lý rác thải thường xuyên làm vệ sinh, dọn dẹp mặt hồ nên sẽ không có hiện tượng cá chết hàng tuần bốc mùi hôi thối", ông Quang nói.
Phương Sơn

Phụ huynh bức xúc vì nhà trường chi sai quỹ

Báo cáo thu chi quỹ phụ huynh học sinh của trường tiểu học Nguyễn Khuyến (Tân Bình, TP HCM) bao gồm: chi các hoạt động ma chay hiếu hỉ, chi tết Nguyên đán, hỗ trợ chi bộ... Điều này đã khiến một số phụ huynh bất bình.

Trước ngày đại hội phụ huynh học sinh, Ban giám hiệu trường tiểu học Nguyễn Khuyến (phường 12, quận Tân Bình) gửi thông báo đến phụ huynh rất chi tiết các khoản thu chi năm học (2010-2011) và dự toán thu chi cho năm (2011-2012). Trong bản báo cáo ghi rõ quỹ hội phụ huynh năm 2010-2011 được chi cho 4 công trình: chi cho học sinh (65.852.000 đồng), cơ sở vật chất (55.861.000 đồng), các hoạt động của nhà trường (106.367.000 đồng) và chi hỗ trợ đội ngũ bán trú (215.150.000 đồng).

Báo cáo thu chi năm học 2010 - 2011 của trường Nguyễn Khuyến.
Báo cáo thu chi năm học 2010 - 2011 của trường Nguyễn Khuyến.

Nhận được thông báo này, nhiều phụ huynh bày tỏ bất bình với các hoạt động chi nằm trong công trình 3 và 4 như: chi thăm Tết hưu trí và 20/11, chi tết Nguyên đán Tân Mão, Chi quà tết cho phòng giáo dục và UBND phường 12, hỗ trợ chi bộ Nguyễn Khuyến, chi nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho bảo mẫu cấp dưỡng, chi thăm hỏi, hiếu, hỷ, tiếp khách...

"Mặc dù có một số khoản chỉ rất nhỏ không đáng kể, nhưng chúng tôi thiết nghĩ quỹ hội phụ huynh là để phục vụ cho việc học của con em chứ không thể chi vào những hoạt động ngoại giao của nhà trường. Còn việc chi trả bảo hiểm cho bảo mẫu, cấp dưỡng là trách nhiệm của nhà trường, người sử dụng lao động chứ không phải là nghĩa vụ của phụ huynh. Nếu chi vào những khoản như sửa chữa chỗ ăn cho học sinh bán trú, bồn rửa tay thì chúng tôi luôn ủng hộ", một phụ huynh thuộc khối lớp 4 chia sẻ.

Phụ huynh này cho rằng Sở hoặc phòng giáo dục cần đưa ra quy chế rõ ràng về việc sử dụng quỹ phụ huynh học sinh chứ không thể để tình trạng nhà trường thích làm gì thì làm. Những khoản như chi ma chay hiếu hỉ, chi bộ Đảng thì phải lấy từ quỹ công đoàn của nhà trường chứ không thể lấy tiền của phụ huynh.
Trong bản dự toán thu chi năm học mới (2011-2012) của trường Nguyễn Khuyến cũng bao gồm một số nội dung như: hỗ trợ dân phòng trực cổng (9,5 triệu), hỗ trợ đội ngũ cán bộ giáo viên công nhân viên tham gia trong công tác bán trú (hơn 57 triệu), hỗ trợ tham quan (14 triệu đồng)...

Một số khoản chi của nhà trường được phụ huynh cho là không hợp lý.
Một số khoản chi của nhà trường trong báo cáo chi năm ngoái được phụ huynh cho là không hợp lý.

Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, Hiệu trưởng nhà trường Trần Minh Đức lý giải, sở dĩ phải dùng quỹ hội phụ huynh đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 19 bảo mẫu và cấp dưỡng phục vụ cho công tác bán trú là vì nhà nước không có chế độ lương cho nhóm này. Mỗi tháng, một nhân viên chỉ nhận lương khoảng 1,5 triệu đồng. Nếu phải trích một khoản từ số tiền này để đóng phí bảo hiểm thì sẽ không còn bao nhiêu. Vì vậy, nhà trường phải cần đến sự hỗ trợ của quỹ hội phụ huynh nhằm nâng cao đời sống cho những người phục vụ bán trú.

Còn các khoản chi cho mua quà Tết, ngày 20/11 cho phòng giáo dục, thăm hưu trí, ủy ban phường, vị Hiệu trưởng cho biết đây là những hoạt động được sự thống nhất của ban đại diện hội phụ huynh nhà trường. "Nói là quà nhưng thực chất chỉ là một vài lẵng hoa không có trị giá bao nhiêu. Bên cạnh đó, việc trường có những giáo viên lập gia đình, hay có người thân mất thì cũng muốn có chút hỗ trợ chia vui, chia buồn. Việc này không có gì là sai trái, tôi không nghĩ phụ huynh lại không ủng hộ", Hiệu trưởng Đức nói.

Ông Đức cũng giải thích khoản chi cho chi bộ Nguyễn Khuyến là vì trong trường có một số cán bộ là Đảng viên, nên nhà trường cũng cần hỗ trợ tiền tài liệu, sách vở, hoạt động. Hoạt động của chi bộ là cũng nhằm phục vụ cho nhà trường và vì học sinh. Vì trường không có nguồn quỹ riêng mà quỹ công đoàn thì không có bao nhiêu nên phải cần sự hỗ trợ từ quỹ của hội phụ huynh học sinh.

Hiệu trưởng nhà trường cho hay vì từ trước đến giờ không nhận được ý kiến phản ánh trực tiếp của phụ huynh về vấn đề này, nên nhà trường sẽ làm việc lại với phụ huynh ở những lớp có ý kiến không đồng tình.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Lê Hoài Nam cho biết, việc thu quỹ hội phụ huynh là do ban đại diện cha mẹ học sinh ra nghị quyết. Việc chi nguồn quỹ này cũng dựa vào quy chế của hội. Vì vậy, ban đại diện cha mẹ học sinh phải đảm bảo sự đồng tình của tất cả phụ huynh trong toàn trường. Nếu phụ huynh không nhất trí với các khoản thu chi này thì ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường phải có trách nhiệm giải trình cụ thể.
Hải Duyên

Thang tre dựng giữa đường thay cột điện


Những chiếc thang tre, cột tre nằm giữa đường để đỡ các bó cáp, dây điện chạy nhằng nhịt trên nhiều tuyến phố thi công dang dở, đang trở thành những cái bẫy cho người và phương tiện.
Hàng loạt tai nạn do biển báo phân làn ở Hà Nội

Trên đường Hồ Tùng Mậu, nằm giữa con đường mới mở rộng là dãy cột điện cùng mớ dây điện chạy nhằng nhịt.
Đường Hồ Tùng Mậu đoạn qua quận Cầu Giấy, Hà Nội vừa được mở rộng nên những chiếc cột điện cao áp đang phải cõng hàng chục sợi dây cáp nằm chềnh ềnh giữa đường.
Và để đỡ cho những đoạn cáp nặng khỏi võng xuống, cản trở dòng xe qua lại, người ta đã dùng đến những chiếc thang tre.
Và để đỡ cho những đoạn cáp nặng khỏi võng xuống đường, cản trở dòng xe qua lại, người ta đã dùng đến những chiếc thang tre.
Các xe buýt sau khi vào bắt khách trước cổng ĐH Sân khấu Điện ảnh, lúc chạy ra phải lách qua những chiếc thang này.
Các xe buýt sau khi vào bắt khách trước cổng ĐH Sân khấu Điện ảnh, lúc chạy ra phải lách qua những chiếc thang này.
Cùng cảnh ngộ, những chiếc xe bồn, xe tải nhiều khi cũng phải lách qua đây để đi.
Cùng cảnh ngộ, những chiếc xe bồn, xe tải nhiều khi phải lách qua đây để đi.
Nhiều người dân cho biết, về đêm, những chiếc thang tre này không khác gì những chiếc bẫy đối với người đi đường.
Nhiều người dân cho biết, về đêm, những chiếc thang tre này không khác gì cái bẫy đối với người đi đường, một số vụ va quệt đã xảy ra.
Tương tự, trên đường 32 (đoạn gần ĐH Công nghiệp Hà Nội), người dân cũng vô tư dựng chiếc cột tre giữa đường để chăng dây điện.
Tương tự, trên đường 32 (đoạn gần ĐH Công nghiệp Hà Nội)...
... và đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), người dân cũng vô tư dựng chiếc cột tre giữa đường để chăng dây điện.
... và đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), người dân cũng vô tư dựng chiếc cột tre giữa đường để chăng dây điện.
Cũng trên tuyến đường Ngô Gia Tự, người dân phải dựng hàng loạt cột tre, thang tre để đỡ đoạn dây cáp khỏi võng xuống vỉa hè.
Cũng trên tuyến đường Ngô Gia Tự, người dân phải dựng hàng loạt cột tre, thang tre để đỡ đoạn dây cáp khỏi võng xuống vỉa hè.
Cách đây không lâu, trên phố Lê Văn Lương kéo dài, người dân cũng bức xúc khi những chiếc thang tre, cột tre được dựng trên đường, gây ùn tắc và nguy hiểm cho người qua lại.
Cách đây không lâu, trên phố Lê Văn Lương kéo dài, người dân cũng bức xúc khi những chiếc thang tre, cột tre được dựng trên đường, gây ùn tắc và nguy hiểm cho người qua lại.
Nguyễn Lê

Gà nhuộm chất gây ung thư


03/10/2011 5:38
Để gà làm sẵn trông vàng ươm, bắt mắt, người bán dùng một loại hóa chất nhuộm màu mà theo các nhà khoa học, hóa chất đó có thể gây ung thư cho người ăn.
 
 
Lâu nay, giới buôn gà thường rỉ tai nhau về việc sử dụng hóa chất nhuộm gà làm sẵn cho bắt mắt. Gà nhuộm xong có da vàng ươm, béo ngậy, căng phồng, ai nhìn cũng muốn mua. Để kiểm chứng, chúng tôi đến nhiều chợ tự phát ở các phố ngoại thành Hà Nội như đường B52, Bưởi, chợ tạm thuộc Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, (Q.Cầu Giấy), Trường Chinh, Láng (Q.Đống Đa), Lĩnh Nam (Q.Hoàng Mai)… đều bắt gặp những quầy bán gà vàng ươm, con nào con nấy béo ngậy. Tương tự, ở TP.HCM, rảo quanh các chợ tự phát như trên các tuyến đường Tô Ký, Nguyễn Văn Quá, Nguyễn Ảnh Thủ, Lê Văn Khương (Q.12), Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Thống Nhất, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), Bình Long, Tân Hương, Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú)… cũng thấy bán rất nhiều loại gà làm sẵn da vàng ươm.

Bà bán "bột sắt" trên phố Hàng Khoai (Hà Nội) - Ảnh: Hoài Nam
Công nghệ nhuộm

Ông chỉ cần bỏ vào chút xíu là gà vàng ươm, nếu muốn vàng đậm để nướng lu, hoặc quay, ông bỏ thêm bột vào nồi
H., một người buôn gà

Theo bí quyết của dân buôn gà, trước khi mang ra chợ bán, gà làm sẵn được nhuộm qua một loại màu là "bột sắt". Loại bột này, chỉ cần bỏ vào khoảng nửa thìa cà phê là nhuộm được khoảng trên dưới 100 con gà. Đặc biệt, dân buôn gà khẳng định dùng "bột sắt" nhuộm gà sẽ không bị người mua phát hiện, bởi khi nhuộm nước màu ngấm sâu vào da gà. Nhuộm xong, mang gà ra nước rửa thoải mái vẫn không bị phai màu, vì vậy không sợ bị khách hàng "mắng vốn".
Một lái buôn cả gà thịt lẫn gà sống ở chợ Lòng Thuyền (P.Lĩnh Nam, Hà Nội) tên H. cho biết, lúc đầu không biết cách nhuộm gà và chỉ nhuộm bằng bột nghệ nên không "bắt mắt". Sau đó, được một bạn hàng "truyền bí quyết" dùng "bột sắt" nhuộm mới là tuyệt chiêu. Từ đó, H. thường xuyên mua "bột sắt" về nhuộm gà trước khi mang ra chợ bán lẻ.
Cũng theo H., tất cả các bạn hàng anh biết đều mua "bột sắt" về để nhuộm. "Tôi làm ít nên chỉ mua vài lạng. Có người mua cả ký bột sắt vì họ có nhiều mối nhà hàng, quán ăn đặt số lượng cả trăm con mỗi ngày", H. cho biết.

Gà mới được vặt lông - Ảnh: Hoài Nam
Bán tín bán nghi về loại "bột sắt" mà H. nói, sáng sớm hôm sau chúng tôi đến nhà H. ở khu Mai Dịch (H.Từ Liêm, Hà Nội). Lúc này, H. và vợ đã làm thịt được khoảng 30 con gà. Để cho vợ làm hết số gà đã vặt lông, H. mở nồi nước nóng vẫn đặt trên bếp lò, dùng muỗng nhỏ múc nửa muỗng "bột sắt" bỏ vào nồi, lập tức nước trong nồi chuyển sang màu vàng ươm. Tiếp đến, H. cầm chân từng con gà đã làm sạch lông, da trắng muốt nhúng toàn thân vào nồi, đảo qua lại 2 lần cho màu thấm vào rồi nhấc nhanh ra. Lúc này, toàn thân con gà vàng ươm, da căng phồng, trông gà béo ngậy, khác hoàn toàn màu trắng nhợt, da nhăn như lúc mới vặt lông xong.
Cứ thế, chỉ một chốc, gần 50 con gà được H. nhuộm màu xong. "Bột sắt rất chuẩn. Ông chỉ cần bỏ vào chút xíu là gà vàng ươm, nếu muốn vàng đậm để nướng lu hoặc quay, ông bỏ thêm bột vào nồi", H. hướng dẫn.

Cho vào nồi nhuộm - Ảnh: Hoài Nam
Chất độc!
Theo chỉ dẫn của H., tôi tìm đến phố Hàng Khoai (Hà Nội) tìm mua "bột sắt". Thấy người đàn bà khoảng trên 40 tuổi ngồi trên ghế nhựa dưới gốc cây bàng, bên cạnh là chiếc thúng đựng túi chứa các loại màu, tôi hỏi mua 2 lạng "bột sắt". Vừa thò tay lấy ra một túi bột đóng sẵn, bà ta vừa bĩu môi: "Cậu mới vào nghề buôn gà hay sao mà mua ít thế. Dân buôn chuyên nghiệp ngày nào cũng tới mua cả ký, ai mua 2 lạng như cậu bao giờ…". Nói vậy, bà vẫn đưa gói bột cho tôi và thu 30.000 đồng/2 lạng "bột sắt". Về nhà, tôi lấy thử một chút "bột sắt" ra hòa tan. Bị nước màu dính vào tay, tôi cố gắng dùng xà bông rửa thế nào cũng không sạch!
Mang "bột sắt" mà chúng tôi mua ở phố Hàng Khoai vào TP.HCM đến gặp tiến sĩ Đàm Sao Mai, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, để nhờ kiểm nghiệm tìm độc tố. Sau hai ngày phân tích, tiến sĩ Mai cho biết "bột sắt" là một loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diaminoazobenzene hydrochloride. Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su), mực in... và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm.

Quầy "bột sắt" ở chợ Kim Biên (TP.HCM) - Ảnh: Hoài Nam
Cũng theo tiến sĩ Mai, chất bột màu này là dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể con người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang. Tiếp xúc thường xuyên sẽ gây viêm da nặng, kích ứng mắt và chảy nước mắt, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận, chóng mặt, run, co giật, và hôn mê. Triệu chứng khi nuốt phải lượng lớn: đau bụng, môi và móng tay chuyển màu xanh tím, co giật ói mửa, khó thở, buồn ngủ, lịm dần.
Tìm hiểu ở TP.HCM, chúng tôi cũng được dân buôn gà cho biết họ vẫn thường xuyên lên chợ Kim Biên (Q.5) mua "bột sắt" về để nhuộm gà trước khi mang bán lẻ ngoài chợ. Theo lời các lái buôn, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên và dễ dàng tìm được loại "bột sắt" giống y chang "bột sắt" ở phố Hàng Khoai. Có điều, người bán ở chợ Kim Biên nói chỉ bán từ 1 kg (giá 150.000 đồng) trở lên, chứ "không bán lẻ, mất thời gian!".
Cảnh giác với các thực phẩm có màu vàng bất thường
Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, vào đầu thập niên 1980, tại một vùng ở Anh người ta ghi nhận trên một nhóm người câu cá nghiệp dư thường xuyên sử dụng phẩm màu công nghiệp có tên 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride để nhuộm một loài sâu làm mồi câu cá. Sau 5 năm, những người này có tỷ lệ mắc bệnh ung thư bàng quang cao hơn nhóm người không sử dụng chất 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride. Sau đó, cũng có công trình nghiên cứu thử nghiệm trên chuột và đưa ra ghi nhận chất 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride gây ung thư tế bào gan và ung thư máu trên cơ thể chuột...  "Chắc chắn 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride là chất không được dùng trong thực phẩm, vì nó thuộc màu công nghiệp", bác sĩ Phạm Xuân Dũng nói.
Anh Toàn, một kỹ sư hóa chuyên kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm tại TP.HCM, nói: "Chất 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride là phẩm màu công nghiệp. Loại màu này được dùng chủ yếu trong công nghiệp nhuộm, giá hàng xuất xứ từ Trung Quốc chỉ từ 70 - 80 ngàn đồng/kg. 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride gây độc hại cho gan và thận, nó có thể gây chết người ở liều lượng cao". Cũng theo anh Toàn, một số người còn dùng acid orange - một loại phẩm màu công nghiệp được dùng trong sản xuất nhang và nhuộm vải, để nhuộm cho da gà, măng... có màu vàng tươi hấp dẫn. Loại phẩm màu này chỉ có giá từ 30 - 40 ngàn đồng/kg, trong khi phẩm màu vàng dùng cho thực phẩm giá cao gấp nhiều lần.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN, cho rằng trong phẩm màu công nghiệp chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng, có tính bám dính chắc vào cơ thể, khó phân hủy - là yếu tố gây bệnh mãn tính, ung thư.
Thanh Tùng

Tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa


06/10/2011 14:07:48
Sau 7 tháng nhập vai người buôn dầu, PV có đủ chứng cứ về một công nghệ tinh luyện dầu dừa thành dầu không mùi, dầu cải bằng hóa chất tẩy rửa độc hại.

Lần theo dấu vết

Đã nhiều năm nay, trên thị trường xuất hiện 2 loại dầu được một số nhà hàng, cơ sở chiên chả cá, đậu hũ, bánh tiêu, bánh rán ưa chuộng. Hai loại dầu này có tên rất kêu là "dầu không mùi" và "dầu cải".

Theo thông tin từ một cơ sở làm đậu hũ ở P.Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM, nơi chuyên mua dầu không mùi để chiên đậu hũ) cho biết: "Mua dầu không mùi chiên sướng lắm, dùng được nhiều lần mà dầu không bị đổi màu và đậu chiên xong cũng không bị đen", tôi âm thầm bám theo lái buôn chuyên đi giao lẻ loại dầu này cho những cơ sở làm đậu hũ và một số chợ ở khu vực Thủ Đức.
 
Hai  lọ thử dầu mỗi khi có khách đến chào hàng - Ảnh: Hoài Nam
Hai lọ thử dầu mỗi khi có khách đến chào hàng - Ảnh: Thanh niên

Một buổi sáng, lần theo đường đi của một lái buôn tới đường Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5), tôi bắt gặp chiếc xe tải biển số 54S-3332 bỏ xuống 8 can dầu cho lái buôn này. Khi xe tải chuyển bánh, tôi bám theo. Ra tới đại lộ Đông Tây, chiếc xe này chạy một mạch về cơ sở tinh luyện dầu Thái Thành nằm ở địa chỉ 879/56/18 Hương Lộ 2, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân.

Tiếp tục đeo bám ở đây nhiều ngày, tôi phát hiện cơ sở Thái Thành hằng ngày có từ 2 đến 4 chuyến ô tô tải vận chuyển hàng trăm can dầu đi giao sỉ ở một số đại lý kinh doanh dầu thực vật ở các quận 5, 6, 11... Ngoài ra, hằng ngày, từ cơ sở này còn có một xe gắn máy chuyên vận chuyển dầu cho những quán cơm, nhà hàng nằm ở khu vực quận Bình Tân và Tân Phú.
 
Nhiều cơ sở dùng xút luyện dầu

Trước khi chọn cơ sở Thái Thành để thâm nhập (bởi ở đây hằng ngày có một lượng lớn dầu không mùi được tung ra thị trường), PV Thanh Niên cũng đã đến một vài cơ sở ở Bình Chánh, chuyên tinh luyện dầu các loại, trong đó có dầu dừa. Trong một lần vào một cơ sở nằm trên quốc lộ 1A, PV phát hiện một số bao chứa xút vẫn nằm trong khu vực tinh luyện. Riêng tại một công ty lớn nằm trên quốc lộ 50, khi PV tự tiện "đột nhập" vào khu thử mẫu, lập tức ông chủ ở đây la lớn, quát nạt chỉ tay đuổi thẳng ra ngoài; sau đó định bợp tai công nhân thử mẫu vì tội "dám cho người lạ vào khu cấm địa". Để ý ở khu thử mẫu, PV cũng phát hiện xút, lọ đựng dầu để thử mẫu ngổn ngang trên bàn.

Trong khi đó, ngược lại hằng ngày có nhiều xe bồn, xe tải, xe máy vận chuyển những can chứa một loại nước đen sì như nước cống vào giao cho cơ sở Thái Thành. Những chiếc xe chở dầu đen vào giao cho cơ sở, còn khi vận chuyển dầu đi giao sỉ thì lại vàng ươm, trông rất bắt mắt khiến tôi nghi ngờ có thể Thái Thành là một cơ sở tinh luyện dầu đen thành dầu không mùi.

Trong vai một lái buôn dầu đen, một ngày giữa tháng 2.2011, tôi cầm bịch dầu đen bước vào cơ sở Thái Thành chào hàng. Một ông chủ người Hoa khoảng 60 tuổi mặc quần đùi ngước cặp mắt kính cận nói: "Dầu dừa thì mua, dầu cọ giá rẻ cũng không mua". Biết cơ sở này chỉ mua dầu dừa thô, đen để tinh luyện, tôi tìm đến một đơn vị quen mới mua thanh lý 13 tấn dầu dừa thô kém chất lượng và năn nỉ xin tìm mối bán giùm. Được chủ đơn vị đồng ý, ngày hôm sau, tôi cầm bịch dầu dừa thum thủm đến chào hàng cơ sở Thái Thành. Biết tôi có 13 tấn dầu dừa, ông chủ lấy dầu mẫu của tôi đưa lên mũi ngửi. "Thử xong mới báo giá được", ông chủ cho biết.

 

Tiếp đến, ông đổ bịch dầu mẫu của tôi vào một lọ thủy tinh, rồi ông ta lấy muỗng múc một ít thứ bột màu trắng bỏ vào lọ thủy tinh, tự nhiên lọ thủy tinh nóng ran, sủi bọt. Khoảng 1 tiếng sau ở lọ thử dầu này xuất hiện cột chất lỏng với hai màu khác nhau: màu trắng và màu vàng. "Dầu này không ngon, ở đây chỉ mua với giá 27 (27 ngàn đồng/kg - PV) nếu không bán thì mang đi chỗ khác", ông ta kết luận. Ngày hôm sau, trong vai phụ xe, tôi ngồi trên 2 chuyến xe vận chuyển 10 tấn dầu tiến vào cơ sở Thái Thành.

Tinh luyện bằng xút công nghiệp

Kế hoạch thâm nhập thành công. Từ đó, cứ vài ngày PV Thanh Niên lại trong vai lái dầu ghé chào hàng cho ông chủ. Sau 2 tháng mang mẫu dầu đi chào hàng, tôi mới biết ở cơ sở Thái Thành có 7 công nhân làm việc suốt 6 ngày/tuần và được phân công công việc rất cụ thể: 1 công nhân đứng máy quậy dầu, 1 pha hóa chất, 1 chuyên vận hành nấu và hút mùi, 4 công nhân đi giao dầu hằng ngày bằng ô tô và xe gắn máy.

Bên trong cơ sở sản xuất dầu ăn này quá bẩn và tồi tàn, nhất là khu vực quậy dầu. Ở đây, các vật dụng bằng sắt thì gỉ sét, thùng phuy, can nhựa đựng dầu bám từng lớp cáu bẩn đen sì, nhơm nhớp dầu. Nền xưởng bằng xi măng lúc nào dầu, nước cũng ướt nhẹp. Nơi chứa dầu gần giống một hố ga, dầu đen sì lúc nào cũng đầy đến miệng. Các loại mùi tổng hợp từ dầu dừa, hóa chất... khiến ai vào lần đầu đều không thể chịu nổi.

 

 Công nhân rửa can trước khi chiết dầu mang đi giao
Công nhân rửa can trước khi chiết dầu mang đi giao

 
 
Đã vậy, hố đựng dầu được chôn sâu dưới đất nhưng không có nắp đậy. "Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán em đến giao hàng. Ở hố đựng dầu này có hai con chuột chết từ bao giờ đang trong giai đoạn phân hủy. Trước khi đổ hàng của em vào hố, công nhân của cơ sở mới vớt bỏ chuột chết vào thùng rác", một đại lý giao dầu nguyên liệu kể.

Mặc dù tôi đã là khách giao dầu quen thuộc, nhưng mỗi lần mon men vào khu vực tinh luyện là ông chủ la lớn: "Ai cho phép mà vào, ra ngay". Còn công nhân thì hỏi thế nào cũng không chịu hé lộ thông tin về quy trình tinh luyện. "Tụi tôi làm công cho ông chủ hàng chục năm rồi, ông cấm trả lời bất kỳ ai hỏi về quy trình tinh luyện dầu vì đó là bí quyết gia truyền", một công nhân tên T. ghé tai tôi, vừa nói vừa đưa tay chỉ 2 máy ghi hình đen ngòm của cơ sở đang đảo qua đảo lại.
 
Mua dầu dừa đen trôi nổi
Mua dầu dừa đen trôi nổi

Cơ sở rất cảnh giác, công nhân cũng được huấn luyện để đối phó. Dù còn mơ hồ, tôi vẫn quyết tìm cho ra bí quyết tinh luyện dầu ở cơ sở Thái Thành. Chi tiết làm tôi thắc mắc nhất là khi tôi đến chào hàng, ông chủ có cho một thứ bột gì màu trắng vào lọ thử. Khi thứ bột này được hòa tan với dầu, lập tức cả lọ thử dầu nóng như hòn than.
 
Trong khi đó thì cạnh hố đựng dầu nguyên liệu, cơ sở chất hàng đống bao đựng một loại bột màu trắng (bên ngoài ghi toàn chữ nước ngoài), mỗi ngày một vơi dần. Bí mật chụp hình những bao này, tôi mang đến một công ty chuyên ngành hóa chất mới bật ngửa vì họ cho biết: "Đây là hóa chất NaOH dùng để tẩy rửa, làm xà bông và xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường".
 
a
Những bao hóa chất để tinh luyện

Bất ngờ trước thông tin mà công ty hóa chất cung cấp, PV Thanh Niên tiếp tục đóng vai lái dầu để nắm bắt quy trình tinh luyện dầu bằng hóa chất tẩy rửa độc hại ở cơ sở Thái Thành.
 
Hoài Nam/Thanh niên Online

VN - TQ sẽ trao đổi thẳng thắn những vấn đề tồn đọng


Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN Lương Thanh Nghị lên tiếng trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay rằng những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa VN và TQ, kể cả vấn đề biển Đông, sẽ được hai bên trao đổi thẳng thắn.

Theo người phát ngôn này thì chuyến viếng thăm chính thức TQ của Tổng bí thư VN Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa quan trọng, nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương. 

Phiá VN mong muốn hai bên giải quyết vấn đề Biển Đông qua thương nghị trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982, Quy tắc ứng xử cuả các bên tại Biển Đông DOC, tìm giải pháp mà 2 bên có thể chấp nhận được.

Vẫn theo phát ngôn nhân này thì ngoài vấn đề biển Đông, hai bên dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá-giáo dục.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Các hồ thuỷ lợi tại Miền trung đã quá đầy


Hiện các hồ nước, hồ thuỷ lợi tại Miền trung và Tây Nguyên quá đầy và đang trong tình trạng xả lũ liên tục để điều tiết mực nước, Trung tâm Phòng chống Lụt Bão Miền Trung-Tây Nguyên cho biết như vậy.

Các hồ chứa thuỷ điện như Sê San, Serepok, Đăk Uy, Đăk Loh, Hoàng Ân…đang trong tình trạng xả lũ trong khi các hồ lớn như Buông Yong, Ea Kao ở Đăk Lăk sắp đầy dung tích thiết kế.

Theo Tuổi Trẻ online cho biết nhiều hồ vừa nêu có khả năng tràn ra gây nguy hiểm cho người dân chung quanh khu vực và hậu quả khó đoán trứơc.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

Hoãn phiên tòa xét xử hai học viên Pháp Luân Công


Phiên tòa xét xử hai học viên Pháp Luân Công về "tội đưa trái phép thông tin trên mạng viễn thông, hướng sang Hoa Lục" bị đình hoãn lần thứ 2.

Luật sư Trần Đình Triển, người nhận biện hộ cho hai đương sự cho biết như vậy.

Theo ông thì lý do tòa không xử hai ông Vũ Đức Trung, 30 tuổi và anh rể của Trung là ông Lê Văn Thành, 35 tuổi vì đại diện của ngành truyền thanh không có mặt tại pháp đình. Phiên tòa thứ nhất xử hai ông Trung và Thành dự trù diễn ra vào tháng 4 năm nay cũng bị hoãn lại mà không có lý do.

Pháp Luân Công bị ngăn cấm triệt để ở Trung Quốc, nhưng vẫn được hoạt động tại Việt Nam như một môn tập luyện dưỡng sinh, tăng cường sức khỏe.

Các học viên Pháp Luân Công ở Việt Nam nói rằng nội dung phát thanh chỉ nhằm trình bày sự thật chứ không liên quan gì đến chính trị và cũng không gây phương hại đến quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.


Đất nước cần đổi mới lần nữa


2011-10-06

Đất nước cần một cuộc đổi mới lần thứ hai trên lĩnh vực kinh tế để sửa đổi những tiêu cực đang gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam.

RFA PHOTO

Các tòa nhà cao ốc trên đường Nguyễn Văn Trỗi, TPHCM.

 

Trước tình hình kinh tế ngày một tiến gần hơn đến với những nguy hiểm khó tránh, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Tế Việt Nam cho biết đất nước cần một cuộc đổi mới lần thứ hai trên lĩnh vực kinh tế để sửa đổi những tiêu cực đang gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam, Mặc Lâm phỏng vấn ông để có thêm chi tiết.

Đổi mới lãnh vực nào?

Mặc Lâm: Thưa Tiến Sĩ, mới đây ông có ý kiến là Việt Nam cần phải đổi mới một lần nữa, tức là lần thứ hai, vậy theo ông thì mục tiêu đổi mới lần này chủ yếu nằm ở lãnh vực nào, thưa ông?

Cải cách quản lý về tài nguyên, về đất đai của đất nước để cho nền kinh tế phải nâng cao được hiệu quả và có năng lực cạnh tranh cao hơn.

TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh: Cuộc đổi mới lớn nhất của Việt Nam đã tự do hóa các năng lực đang tiềm tàng của người nông dân, người dân thường, để kinh doanh, để sản xuất ra của cải, và để đầu tư. Điều đó đã đem lại cho Việt Nam các bước phát triển vượt bậc như trong thời gian vừa qua. 

Đến nay thì những động lực đó không còn đủ nữa, và trong thời gian qua thì Việt Nam thấy rõ là gặp thách thức lớn vì các chính sách của chính phủ đầu tư không có hiệu quả. Khối doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang sử dụng quá nhiều tiền vốn và nguồn lực của đất nước như đất đai, như khoáng sản, hầm mỏ, nhưng lại gây ra nợ nần như Vinashin, hoặc là kém hiệu quả. 

Thứ ba nữa là tình trạng của bộ máy nhà nước Việt Nam tham nhũng chưa có dấu hiệu thuyên giảm, và do lạm phát tăng cao, các đầu vào của doanh nghiệp cũng tăng, thí dụ như lãi suất tăng, tiền lương cũng phải tăng theo, vì vậy cho nên đợt đổi mới lần hai này là cần phải gắn liền với việc cải cách guồng máy nhà nước, gắn liền với cải cách các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước khác. Cũng như cải cách quản lý về tài nguyên, về đất đai của đất nước để cho nền kinh tế phải nâng cao được hiệu quả và có năng lực cạnh tranh cao hơn.

Mặc Lâm: Thưa Tiến sĩ, theo như ông vừa nói những điều cần thíêt nhất trong nhất, tuy nhiên bên cạnh đó ông có nhận xét gì về chính sách đối với công nhân hiện nay, đặc biệt là công nhân làm trong khu vực đầu tư nước ngoài, thưa Tiến Sĩ? Lãnh vực này có cần nhà nước phải coi lại về chính sách lao động cũng như tiền lương của họ nhằm nâng đỡ thành phần này hay không?

TS Lê Đăng Doanh: Về người công nhân, hiện nay người công nhân đang được trả lương rất thấp, nhiều nơi không đủ bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu, và vì vậy cho nên số lượng vụ đình công tăng lên rất cao so với năm 2010, và cho đến nay đã lên đến hơn 500 vụ đình công rồi. 

chart-250.jpg
Tỷ lệ nợ nước ngoài so với GDP của Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2006 đến nay. Nguồn: MOF.
Vì vậy cho nên cần phải có các chính sách để bảo đảm nhà ở cho công nhân, để bảo đảm người công nhân có quyền thương lượng với giới chủ sử dụng lao động về tiền lương thích hợp cho mình. Và tôi nghĩ rằng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu nâng cao cái kỷ luật, cũng như nâng cao trình độ chuyên nghiệp - tay nghề của người lao động. Nếu không thì Việt Nam sẽ mất đi một lợi thế lớn, tức là lợi thế về lao động của người Việt Nam hiện nay. 

Lao động của người Việt Nam hiện nay đang còn dồi dào, và tay nghề của người lao động Việt Nam thì khéo tay, và người Việt Nam cũng học nhanh. Tuy nhiên mức độ đào tạo của chúng ta đang kém và trình độ chuyên nghiệp cũng như kỷ luật công nghiệp của người lao động Việt Nam còn thấp. Đấy cũng là một lĩnh vực mà chúng ta cần phải có nỗ lực vượt bực trong thời gian tới đây.

Đổi mới như thế nào?

Mặc Lâm: Và một góc khác rất khó khăn cho Việt Nam hiện nay, đó là 90% các nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu tại Việt Nam, cũng như vấn đề thuế tiểu ngạch. Thưa Tiến Sĩ, hai vấn đề này dù muốn dù không đã làm thui chột sức sáng tạo và sức sản xuất ở trong nước. Theo Tiến Sĩ thì đổi mới lần thứ hai này chúng ta phải làm gì?

Cần phải thay đổi cách chúng ta quan hệ với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng từ trước tới nay chúng ta hơi hồn nhiên, hặc là kém cảnh giác trong quan hệ với Trung Quốc.

TS Lê Đăng Doanh

TS Lê Đăng Doanh: Trước hết chúng ta cần phải thay đổi cách chúng ta quan hệ với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng từ trước tới nay chúng ta hơi hồn nhiên, hặc là kém cảnh giác trong quan hệ với Trung Quốc. Chúng ta đã vay mượn của quỹ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc để xây dựng các nhà máy điện và đã phải sử dụng các công nghệ - thiết bị của Trung Quốc, các nhà thầu của Trung Quốc để xây dựng. Cho đến nay những nhà máy điện đó có chất lượng rất thấp và chỉ hoạt động được một thời gian rồi sau đó lại phải bảo trì, bảo dưỡng. Có nhà máy lại chậm tiến độ đến 2-3 năm làm cho Việt Nam bị mất cân đối về diện rất là nghiêm trọng.

Thứ hai, chúng ta phải ngăn chận tình trạng buôn bán tiểu ngạch qua biên giới. Trung Quốc hiện nay nhập cao su của Việt Nam, nhập trái cây của Việt Nam, nhưng rất ít xí nghiệp chịu ký kết hợp đồng, mà lại chỉ xuất khẩu tiểu ngạch, tức là xuất khẩu với lại các thương gia của Trung Quốc. Các thương gia nhỏ của Trung Quốc khi nhập khẩu tiểu ngạch như vậy thì họ hy vọng họ có thể trốn được thuế, họ giảm được thuế nhập khẩu của họ đối với phía chính phủ Trung Quốc, và vì vậy cho nên họ cứ ưu tiên sử dụng cách này.

000_Hkg3844410-250.jpg
Trụ sở của tập đoàn Vinashin tại Hà Nội hôm 19/07/2010. AFP PHOTO.
Và điều thứ ba nữa là chúng ta phải ngăn chận không cho các thương lái Trung Quốc tự do vào Việt Nam thu gom hàng hóa, thủy sản, cao su và các sản phẩm khác của Việt Nam để đưa về Trung Quốc. Tức là chúng ta phải kiểm soát việc họ chuyển đổi đồng tiền, họ thanh toán, cũng như quyền của các thương lái vào trong nội địa của Việt Nam để họ không có quyền được kinh doanh như vậy.

Mặc Lâm: Do thời gian có hạn, chúng ta không thể nói tổng quát hết mọi vấn đề trong một buổi phỏng vấn. Chúng tôi xin ông một câu hỏi cuối cùng nữa, thưa ông, nguyên tắc của kinh tế là luôn luôn năng động và cần phải điều chỉnh liên tục nếu có những đột xuất xảy ra với kinh tế vĩ mô. Hiện nay Việt Nam hình như chưa sử dụng hết chất xám về kinh tế ở trong nước, mà bỏ đi rất nhiều, phí phạm rất là nhiều. Theo Tiến Sĩ, trong mục đích đổi mới lần thứ hai này thì làm cách nào để tận dụng được hết chất xám ở bên ngoài hệ thống nhà nước một cách hữu hiệu, để góp ý cho nền kinh tế chúng ta thành công hơn?

TS Lê Đăng Doanh: Tôi vừa mới có cuộc hội thảo với lại các nhà kinh tế trẻ, trong đó có rất nhiều nhà kinh tế trẻ đang được đào tạo ở Singapore, ở Nhật Bản, ở Australia về dự. Tôi có ấn tượng rất mạnh mẽ: đấy là những nhà kinh tế được đào tạo chuyên nghiệp và có trình độ tốt, thế nhưng hỏi các bạn đó thì có bạn đã nói rằng về Việt Nam thì bằng tiến sĩ của họ cũng được đánh giá như bằng tiến sĩ của Việt Nam, tức là khi đi vào biên chế thì chỉ được thêm 20% điểm và họ phải thi tất cả 4 môn về hành chính, về máy tính, về công nghệ thông tin, về tất cả như một người tốt nghiệp đại học bình thường ở Việt Nam khác. 

Đến khi phân công công việc thì họ chỉ được 70% lương tối thiểu và họ cũng không được phân công một công việc cho thật nghiêm chỉnh mà nhiều khi người ta còn bắt họ phải thực tập một thời gian. Vì vậy cho nên có một số người đã về Việt Nam làm việc rồi sau đó lại bỏ đi và hiện nay họ đang làm việc ở nước ngoài. 

Với cái bằng tiến sĩ của họ như vậy thì họ có thể được trả lương ngay khoảng độ sáu bảy ngàn đô la một tháng, và họ có quyền được sử dụng ngay lập tức các quỹ để nghiên cứu. Cho nên nếu như Việt Nam không thay đổi cách ứng xử một cách tương xứng với các nhà chuyên môn người Việt Nam đang làm việc ở bên ngoài thì tôi thấy rằng rất khó thu hút được họ về nước.

Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Xin cảm ơn ông.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.


Thấy gì qua số doanh nghiệp giải thể?


2011-10-06

Theo kết quả khảo sát trên toàn quốc của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, trong 9 tháng đầu năm nay, có 48.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể hoặc dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể.

RFA PHOTO

Một số hóa đơn tài chính của các doanh nghiệp tại Hà Nội, ảnh chụp tại Hà Nội ngày 06-10-2011.

 

Vậy con số gần 50.000 doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh này nói lên điều gì. Vũ Hoàng tìm hiểu và trình bày sau đây.

Giải thể tăng gần 22%

Hôm 1/10, trong báo cáo gửi lên Uỷ ban thường vụ quốc hội về tình hình kinh tế xã hội năm 2011, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước có 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. 

Mặc dù không nêu cụ thể số liệu cho từng vùng miền và lĩnh vực kinh doanh, nhưng tựu chung có hơn 5.800 doanh nghiệp giải thể, gần 11.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động và gần 31.500 doanh nghiệp dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể. So với năm ngoái, thì số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động tăng gần 22%.
Liệu đây là một tín hiệu đáng buồn vì những khó khăn kinh tế đang diễn ra mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể chống đỡ nổi hay là một tín hiệu vui vì những đào thải tự nhiên các doanh nghiệp yếu kém trong một nền kinh tế thị trường?

Hiện nay với vấn đề các đơn hàng mà mọi khi chúng tôi hoạt động bây giờ giảm, cộng thêm vấn đề huy động vốn, vốn lưu động của chúng tôi bị hạn hẹp.

Bà Thanh Hà

Một thực tế không thể phủ định là tình hình sản xuất của Việt Nam năm nay khó khăn hơn các năm trước nhiều: lạm phát tăng cao, lãi suất đi vay liên tục kịch trần, năng lực cạnh tranh tụt hạng, niềm tin của người dân giảm sút và mới đây Chính phủ cũng phải điều chỉnh lại tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm xuống dưới 6%…Những khó khăn này cộng với chính sách tiền tệ thắt chặt, khiến việc đi vay vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sản xuất gần như "không thể" vì thế, việc phải ngừng kinh doanh là điều khó tránh khỏi. 

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhấn mạnh đến sự khó khăn của các doanh nghiệp trong năm nay bắt nguồn từ nguyên nhân lãi suất vay quá cao, nguồn tín dụng hạn hẹp. Chính ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng chính phủ cũng phải thốt lên "rất ít người vay được ở mức dưới 17%/năm." 
Trao đổi với chúng tôi, bà Thanh Hà, trưởng phòng kinh doanh một công ty sản xuất và xuất khẩu bao bì trên thị trường Hà Nội cho biết những khó khăn mà doanh nghiệp bà gặp phải:

qhq1288839851-250.jpg
Một công ty đăng Bố cáo giải thể trên báo ở Hà Nội. Screen capture.
"Tôi hiện đang hoạt động ở một công ty chuyên sản xuất bao bì, doanh nghiệp của tôi chỉ là một doanh nghiệp vừa thôi, nhưng hiện nay với vấn đề các đơn hàng mà mọi khi chúng tôi hoạt động bây giờ giảm, cộng thêm vấn đề huy động vốn, vốn lưu động của chúng tôi bị hạn hẹp. Cho nên với tình hình này chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề có thể tiếp tục hay là không. Hiện nay, tình trạng nghỉ việc của một số các phân xưởng cũng đành phải cho các anh em tạm giãn lại. Trong vấn đề này, chúng tôi đang chờ xem một tích cực từ huy động vốn như thế nào. Một là tiếp tục hai là phải ngừng hoạt động."

Dấu hiệu bi quan?

Những khó khăn như thiếu vốn vay hoặc gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế như doanh nghiệp của bà Hà không phải là hiếm, vì lẽ đó, nó lý giải phần nào những gì diễn ra phía sau các con số doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan thì con số gần 50.000 doanh nghiệp bị đóng cửa hoặc giải thể có phải là dấu hiệu bi quan? Câu trả lời là không. 

Bởi theo quy luật kinh tế, trong hoàn cảnh bình thường thì bất kỳ nước nào cũng có một tỷ lệ nhất định các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, phá sản hoặc giải thể xét theo nguyên tắc thị trường. 

Không phải là vô cớ mà 50% các doanh nghiệp FDI tuyên bố lỗ nhưng họ vẫn làm việc, mở rộng quy mô, trả lương cao, các hợp đồng ngày càng phát triển.

TS Nguyễn Minh Phong

Theo lời của ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam đăng tải trên báo Vneconomy gần đây thì "cái chết của doanh nghiệp thậm chí là niềm vui cho xã hội, bởi nguồn lực được dồn vào cho những ý tưởng tốt đẹp hơn" vì theo vị này thì doanh nghiệp là ý tưởng kinh doanh, ý tưởng tồi thì có thể thất bại chứ ý tưởng tồi mà cũng thành công là hỏng. Ngoài ra, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết thêm, sau gần 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, tỷ lệ công ty bị phá sản và giải thể vẫn còn quá ít, điều này chứng minh rằng nền kinh tế thiếu năng lực cạnh tranh.

Cùng với quan điểm này, T.S Nguyễn Minh Phong, trưởng phòng Nghiên cứu, Viện Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội cho rằng kể từ đầu năm tới nay, Việt Nam ghi nhận thêm gần 57.000 doanh nghiệp mới, trong khi số phá sản hoặc ngừng hoạt động mới chỉ gần 50.000, vậy vẫn còn dôi dư khoảng 6-7.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Vì thế, đây cũng vẫn là một dấu hiệu tích cực. 

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến con số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, T.S Phong cho biết ngoài lý do lãi suất vay cao thì còn do thị trường truyền thống là Hoa Kỳ, E.U và Nhật Bản của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang bị thu hẹp, ông cho biết:

"Thị trường tiêu thụ một số hàng của Việt Nam trên các thị trường truyền thống như Mỹ, E.U, Nhật Bản – 3 thị trường rất quan trọng để xuất khẩu của Việt Nam thì lại là 3 khu vực đang gặp khó khăn lớn nhất, điều này cũng ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam khiến tỷ lệ các doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản tăng lên."

1743680-250.jpg
Một công ty đăng Bố cáo giải thể trên báo ở TPHCM. Screen capture.
Về khía cạnh quốc tế này, ai cũng nhận thấy tình hình kinh tế chung toàn cầu đang lâm vào một cuộc suy thoái, các nước Châu Âu khủng hoảng nợ, Hoa Kỳ khủng hoảng việc làm, còn Nhật Bản lại vừa đối mặt với thảm hoạ kép động đất và sóng thần hồi đầu năm. Do vậy, việc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ít hoặc không có đơn đặt hàng dẫn tới dừng sản xuất kinh doanh là điều không tránh  khỏi. 

Tuy nhiên, ở góc độ chủ quan, nghĩa là từ phía chính các doanh nghiệp cố tình tự động dừng hoạt động kinh doanh lại là vấn đề cần phải chú ý. Giải thích về nguyên nhân kỹ thuật này, T.S Nguyễn Minh Phong phân tích:

"Chưa kể còn có một số các doanh nghiệp họ cố tình giải thể về mặt kỹ thuật. Nghĩa là họ thành lập để họ mua bán hóa đơn, thành lập để nhập khẩu một số lô hàng lớn để hưởng ưu đãi ban đầu, sau đó họ giải thể hoặc đột ngột chấm dứt để hưởng lợi hoặc trốn thuế. 

Vì nước mình cho phép chậm thuế, nghĩa là nhập khẩu vào rồi trả thuế nhập khẩu sau, tình trạng đó khiến một số doanh nghiệp, khai thuế nhập hàng xong, thông quan xong là họ tuyên bố phá sản.

Trong chuyện một số doanh nghiệp dừng và phá sản có yếu tố kỹ thuật chứ không thuần tuý chỉ vì bối cảnh kinh tế khó khăn."

Như vậy, có thể nhận thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã triệt để khai thác những kẻ hở và những ưu đãi ban đầu Chính phủ dành cho các doanh nghiệp mới thành lập. Theo luật Doanh nghiệp, chỉ với 1,5 triệu đồng và một cái tên là người ta có thể dễ dàng thành lập một doanh nghiệp và được hưởng nhiều ưu đãi trong 2 năm hoạt động đầu tiên. 

Theo T.S Nguyễn Minh Phong điều này giải thích vì sao Việt Nam không chống được chuyển giá. Nghĩa rằng Việt Nam chỉ yêu cầu những công ty có lãi phải nộp thuế, còn lỗ thì không phải nộp thuế. Đây là một chính sách sai lầm, khiến không ít các doanh nghiệp "lách luật". T.S Nguyễn Minh Phong giải thích:

"Điều đó không phải là vô cớ mà 50% các doanh nghiệp FDI tuyên bố lỗ nhưng họ vẫn làm việc, mở rộng quy mô, trả lương cao, các hợp đồng ngày càng phát triển. Vì nó có một kẽ hở là lỗ không phải nộp thuế thì tội gì họ lại báo lãi đúng không."

Vẫn biết chuyện đào thải các doanh nghiệp yếu kém trong một nền kinh tế thị trường là chuyện đương nhiên, những khó khăn khách quan tác động đến môi trường kinh doanh là điều bắt buộc. Nhưng với con số biết nói gần 50.000 doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đang gửi đến một thông điệp là chính sách quản lý Nhà nước các doanh nghiệp có vấn đề, cơ chế giám sát và điều tiết thị trường còn nhiều lỗ hổng khi chính các doanh nghiệp là người được lợi trong khi nhà nước lại thất thu.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.