THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

12 October 2011

Náo loạn vì ngân hàng hủy tài liệu cũ

TP - Một cột khói và lửa bốc cao từ phía nghĩa địa trong sáng sớm khiến người dân náo loạn, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Chiếc công nông này được thuê đến để chở số tài liệu còn lại ra bãi rác cách đó 4km
Chiếc công nông này được thuê đến để chở số tài liệu còn lại ra bãi rác cách đó 4km.
Chiếc công nông này được thuê đến để chở số tài liệu còn lại ra bãi rác cách đó 4km.
Sự việc hy hữu trên xảy ra lúc 7 giờ sáng Chủ nhật (9-10), tại nghĩa trang xã Quảng Long (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Anh Nguyễn Văn Son, một người dân xã Quảng Long, cho biết, anh vừa ngủ dậy thì tá hỏa thấy phía nghĩa trang có một cột lửa bốc cao ngùn ngụt, khói bụi mù mịt. Anh Son gọi thêm mấy người hàng xóm tức tốc chạy ra xem. 

“Tôi và mấy anh em chạy đến nơi, thấy có gần chục người đang đốt một đống giấy to. Họ nói là người của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình, đang hủy tài liệu. Thấy họ đốt giấy ngay cạnh mồ mả ông bà, sợ bị ảnh hưởng, tôi và mấy người xông vào dập lửa thì bị ngăn lại, họ dọa là sẽ bắt đi tù nếu đụng vào tài liệu mật của nhà nước” - Anh Son nói.

Nhận tin báo, sau đó Công an xã Quảng Long và Công an huyện Quảng Trạch đã có mặt, lập biên bản sự việc, yêu cầu phía ngân hàng dừng ngay việc đốt tài liệu và phải vận chuyển đến bãi rác để đốt, tránh gây ô nhiễm… Theo ghi nhận của PV, lúc này còn khoảng 1/5 số tài liệu chưa kịp cháy hết, trong đó có nhiều hồ sơ vay vốn, thậm chí có cả kết luận thanh tra của ngân hàng cấp trên…

Nhiều nghi vấn
Ngày 10-10, làm việc với Tiền Phong, ông Nguyễn Huy Hoàng, GĐ Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình cho biết, việc tiêu hủy tài liệu hết thời hạn lưu trữ nằm trong kế hoạch hằng năm của đơn vị. Hơn tấn tài liệu được mang đi tiêu hủy lần này đều có trước năm 1999 (tức là đã sau 20 năm, theo đúng quy định), không có chuyện tiêu hủy hồ sơ vay vốn sau năm 1999 như phản ánh của người dân…

Ông Hoàng cũng cho biết, phía ngân hàng đã báo cáo với chính quyền xã Quảng Long về việc tiêu hủy tài liệu tại địa điểm trên, nhưng do người dân không biết nên có sự hiểu lầm. Sau khi công an giải thích cho người dân, việc tiêu hủy được tiếp tục và hoàn thành ở địa điểm nói trên. Còn việc tiêu hủy vào ngày nghỉ là do ngân hàng nhiều việc nên tranh thủ…

Tuy nhiên, ông Trần Thế Hiền, Phó trưởng Công an xã Quảng Long lại khẳng định, công an xã đã lập biên bản, yêu cầu phía ngân hàng vận chuyển ra bãi rác cách đó 4 km để tiêu hủy tài liệu. Ông Ngô Văn Năm, người lái xe công nông được thuê, cho biết được phía ngân hàng trả 300 ngàn đồng tiền công chở số tài liệu còn lại ra bãi rác.

Mặt khác, theo một cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình, việc tiêu hủy tài liệu ngân hàng được quy định rất nghiêm ngặt, thời hạn lưu trữ rất cụ thể với từng loại hồ sơ. Tài liệu phải được cắt xén, đánh nhuyễn bằng máy trước khi đưa đi tiêu hủy. 

Song, nhiều người dân có mặt tại hiện trường phản ánh, hầu hết số tài liệu trên còn nguyên vẹn trước khi bị đốt. Họ cũng vẫn nói là đã thấy nhiều bộ hồ sơ liên quan vay vốn trong những năm gần đây? (theo quy định loại hồ sơ này phải lưu trữ sau 20 năm mới được tiêu hủy - PV). Được biết, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Bắc Quảng Bình được thành lập từ năm 2006.

Hoàng Nam

09/10/2011 Tàu cá VN lại bị "một tàu sắt" tông chìm rồi bỏ đi


Cứu sống nhiều ngư dân bị chìm tàu

Chiều 11.10, ông Nguyễn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ (Quảng Ngãi) - cho biết, 8 ngư dân ở địa phương bị nạn trên biển đã trở về với gia đình.

Vào rạng sáng 9.10, tàu cá QNg-98190TS công suất 120 CV, hành nghề giã cào của ngư dân Nguyễn Văn Liêm (58 tuổi, ở thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh) cùng 7 ngư dân khác trong khi đang đánh bắt trên vùng biển cách TP Đà Nẵng khoảng 10 hải lý thì bị một tàu sắt tông chìm rồi bỏ đi.

Nhận được tín hiệu cấp cứu, tàu cá QNg-44935TS của ngư dân Nguyễn Anh Dũng (41 tuổi, ở cùng quê) đang đánh bắt gần đó lập tức đến cứu vớt.

Tàu QNg-98190 TS cùng toàn bộ ngư cụ bị chìm, ước thiệt hại khoảng 1,2 tỉ đồng.

H.Cừ - Th.Dũng

http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20111012/Cuu-song-nhieu-ngu-dan-bi-chim-tau.aspx

Tàu cộng đã khai thác Việt Nam như thế nào...

Vũ Ly - Từ nhiều năm nay người dân Lào Cai sống dọc các con đường chở quặng sang Trung Quốc, đều kinh hoàng bởi những đoàn xe tải chở quặng trọng tải 70-80 tấn nối đuôi nhau từng đoàn 20-30 chiếc chạy rầm rầm suốt ngày đêm. 

Con đường gây khiếp sợ 

Quốc lộ 4E, đoạn từ thị trấn Bảo Thắng lên TP.Lào Cai và tỉnh lộ 151 sau vài năm nay bị xe chở quặng xuất khẩu sang Trung Quốc trọng tải mỗi cái 70-80 tấn cày xới, lún sụt nát như tương, không một mét vuông đường nào nguyên vẹn, những ổ voi, ổ trâu xuất hiện dày đặc trên khắp tuyến đường. Ai có việc phải đi trên tuyến đường này đều kinh hãi và khiếp sợ, mùa khô thì bụi mù trời, mùa mưa thì lầy lội.

Nhiều cái chết thương tâm do xe chở quặng cán chết, do quặng rơi xuống trúng đầu người đi đường, ví như kiểm lâm viên Lý Đức Hồng, bị một tảng quặng rơi từ trên xe chở quặng quá tải trúng ngực chết, tai nạn xảy ra tại Km 25 +400 trên QL 4E ngày 4/2/2005. 
 Quặng bán sang TQ chất cao như núi
Ông Nguyễn Văn Với thôn Tiến Lợi I, xã Xuân Giao cho biết: Nhà tôi cách đường 20m, nhưng không mấy khi mở cửa, bởi bụi từ đoàn xe chở quặng thốc vào nhà, ban ngày mà phải đóng cửa im ỉm vì sợ bụi. Còn ban đêm thì xe chạy rầm rầm, chúng đua nhau chạy, những nhà ở sát mặt đường thì bị rung lắc, tiếng còi hơi của đoàn xe chở quặng như xé tai không ai có thể ngủ được. Ngày cũng như đêm, năm này qua năm khác những người sống dọc tuyến đường như bị tra tấn, đám trẻ ốm la liệt còn người lớn thì sắp phát điên hết cả…

Những đoàn xe chở quặng như các hung thần, là nỗi khiếp đảm cho tất cả những người đi đường, còn QL 4E, tỉnh lộ 151 là con đường tử thần, nỗi khiếp sợ của ai phải đi qua đó.

Chảy máu quặng 

Tỉnh Lào Cai có mỏ sắt Quý Xa nằm ở xã Sơn Thuỷ, huyện Văn Bàn, với trữ lượng 120 triệu tấn, có hàm lượng sắt 55%, đây là mỏ sắt lộ thiên lớn nhất khu vực miền núi phía Bắc có thể khai thác liên tục 40 - 50 năm. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, năm 2007 Tổng Cty Thép Việt Nam tiến hành khai thác mỏ, trong đó có hợp tác với Tập đoàn Gang thép Côn Gang -Trung Quốc, mỗi năm xuất khẩu từ 500 ngàn tấn đến 1,2 triệu tấn quặng sang Trung Quốc để đổi lấy than cốc cho các nhà máy luyện thép trong nước.
Bãi quặng tập kết bên TQ

"Té nước theo mưa", lợi dụng việc xuất khẩu quặng nhiều cá nhân và doanh nghiệp xuất khẩu quặng lậu, khiến cho tình hình biên giới trở nên phức tạp. Năm 2011, tỉnh Lào Cai được phép xuất khẩu quặng sắt từ mỏ sắt Quí Xa là 500 ngàn tấn đến ngày 31/6/2011 phải hoàn thành. Ngoài ra các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Nghệ An không nằm trong qui hoạch, cân đối nguồn quặng theo Thông tư số 08/2008/TT-BCT ngày 18/6/2008 cũng được xuất khẩu quặng. Đây là kẽ hở để quặng thô tuồn ra qua biên giới một cách "hợp pháp" và "chính danh" khó mà kiểm soát được.

Sở Công thương và Hải quan Lào Cai căn cứ vào sự xác nhận của các tỉnh trên, còn quặng họ xúc từ đâu hay từ chính mỏ Quý Xa và các mỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai để bán sang Trung Quốc thì khó xác định được. Một điều ngược đời khiến người ta không thể không nghi ngờ: Trong khi quặng sắt từ các tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái chảy ngược lên Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi đó, quặng từ mỏ Quý Xa lại quay xuôi bán cho các nhà máy tuyển quặng trong nước.

Dân rào đường không cho xe chở quặng chạy qua (Ảnh Báo Lào Cai)

Theo thống kê của Sở Công thương Lào Cai, số lượng xuất khẩu quặng qua các năm, năm sau đều cao hơn năm trước. Quặng sắt năm 2009 xuất khẩu 540 ngàn tấn, năm 2011 đến ngày 22/9 đã là 829.701 tấn quặng các loại, trong đó chủ yếu là quặng sắt, theo kế hoạch các DN đã báo cáo số lượng XK với Sở Công thương là 1,379 triệu tấn quặng, bao gồm quặng sắt, quặng mangan, sten đồng, xỉ đuôi tuyển đồng…được khai thác tại tỉnh Lào Cai và các tỉnh trong khu vực để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Dân chặn đường đốt xe 

Theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 30/3/2011 của UBND tỉnh Lào Cai qui định cho xe chở quặng từ mỏ sắt Quý Xa xuất khẩu sang Trung Quốc theo tuyến đường từ kho hàng Km 103+200 thuộc QL 279 qua tỉnh lộ 151 - Quốc lộ 4E - Đại lộ Trần Hưng Đạo - đường Phú Thịnh (B1) - phố Lê Thanh (D2)- đường Hoàng Liên - đường Nhạc Sơn - đường Lương Khánh Thiện - đường Thủ Dầu Một - cầu Kim Thành. Còn xe chở quặng bán trong nước theo tuyến đường: Từ kho hàng Km 103+400 QL 279 đi Bảo Hà - qua Phố Ràng - sang QL 70 đến các cơ sở SX thép trong nước.
Xe biển số 24A - 001.06 bị đốt đêm 17/9 (Ảnh Báo Lào Cai)

Sau ngày 30/6/2011 thì Tổng Cty Thép Việt Nam đã hoàn thành việc XK 500 ngàn tấn quặng sang Trung Quốc, thế nhưng người dân không hiểu sao sau ngày 30/6 từng đoàn xe chở quặng sắt vẫn nối đuôi nhau chạy trên tuyến đường tỉnh lộ 151 và QL 4E lên cửa khẩu Lào Cai. Nếu là quặng chở từ Yên Bái, Hoà Bình, Nghệ An lên thì sao không theo QL 70, đường rộng, to và thoáng lại lao vào đường tỉnh lộ 151 và QL 4E gập ghềnh khó đi? Phải chăng đây là quặng khai thác lậu từ các điểm mỏ của huyện Văn Bàn hay từ chính mỏ Quý Xa được dán nhãn quặng Yên Bái, Hoà Bình, Nghệ An, Phú Thọ?

Điều này cần được các cơ quan chức năng làm rõ. Còn nói rằng quặng sắt chở bán cho các nhà máy trong nước chạy theo tuyến tỉnh lộ 151 và QL 4E là trái với Quyết định 742/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lào Cai.

Bức xúc trước việc xe chở quặng phá nát đường, gây tai nạn và làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân, mặc dù họ đã gửi đơn lên các cấp chính quyền nhưng không được giải quyết, thế là "cuộc chiến" với các xe chở quặng, như đánh chông, bắn đạn cao su, vần gỗ đá ra đường... đã được tiến hành. Ngày 22/7/2011 người dân thôn Đồng Căm, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng đã vần cây cối, đất đá và các vật liệu khác ra ngăn cản đường xe chở quặng sắt. Rồi họ dựng hình nộm, viết khẩu hiệu: "Ai chặt cây, ai phá đường?" khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Người dân ở đây cho biết, khi tuyến đường Xuân Giao - Lào Cai bị người dân phản ứng quyết liệt và dữ dội thì các xe chở quặng chuyển hướng chạy tuyến Xuân Giao - Phố Lu rồi lên Lào Cai xuất khẩu sang Trung Quốc. Trọng tải đường chỉ có 25 tấn nhưng xe trọng tải 70-80 tấn đã phá nát con đường. Khi người dân xã Sơn Hải phản ứng bằng cách vần cây cối ra đường, được chính quyền vận động các gia đình lại thu cây cối về. Bị phản ứng ban ngày thì xe quặng chạy đêm, từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy ròng rã hai tháng trời đã làm cho cuộc sống của người dân như bị tra tấn. Không chịu nổi, đêm 17/9 người dân thôn Cố Hải, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng đã chặn hai xe chở quặng lùi về địa phận xã Xuân Giao, rồi dùng đá chèn chặt các bánh xe lại.
Ông Đỗ Văn Soi kể lại chuyện chiếc xe con bị đốt

Theo nhiều người dân kể lại, sau khi nhận được điện của hai lái xe chở quặng một người đàn ông đi xe ô tô con biển số 24A - 00... quay trở lại, từ trên xe bước xuống mở cốp lấy ra khẩu súng ngắn quát lớn: Tao là Công an tỉnh Lào Cai đây, thằng nào là đầu gấu chặn xe ra đây tao nói chuyện. Mọi người nói: Không có ai là đầu gấu cả, chỉ có người dân thôi. Người đàn ông đó túm tóc một thanh niên đứng gần gí súng bóp cò, đạn không nổ, người đó cầm nòng súng đánh luôn vào đầu người thanh niên kia khiến anh này gục xuống bất tỉnh, rồi chọc mũi súng vào mũi một thanh niên khác chảy máu…

Bất bình trước thái độ hung hăng, côn đồ của người đàn ông kia, mọi người xúm lại, quyết một phen với người này. Thấy tình hình căng thẳng người đàn ông đó gọi điện cho một chiếc xe con khác đến giải cứu. Chiếc xe biển số BKS 19L - 90... chạy tới lao thẳng vào đám người, khiến mọi người chạy dạt ra, người đàn ông gây rối bỏ chiếc xe biển số 24A - 00... lại nhảy lên xe 19L - 90... tẩu thoát.

Quá bức xúc trước việc xe chở quặng phá nát đường rồi còn đánh người khiến cho hàng trăm người từ các xã lân cận kéo đến. Mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sau đó đã có mặt nhưng không ngăn cản được đoàn người đập phá, vần lăn chiếc xe như một khúc gỗ rồi đốt chiếc xe đó trong nỗi giận dữ tột cùng.

Vũ Ly


Nguồn : Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Tin thêm về ông Trung tướng CA - Chánh án TATC Trương Hòa Bình

http://danlambaovn.blogspot.com/2011/10/tin-them-ve-ong-trung-tuong-ca-chanh.html?utm_source=BP_recent

Bạn đọc Dân Làm Báo - "...Về ông Trương Hòa Bình thì trong ngành công an nhiều người cũng biết được cái lý lịch trích ngang của ông Bình. Tôi là sĩ quan cấp tá, mặc dù cũng tốt nghiệp đại học, bằng cấp chính quy hẳn hoi (học thật chứ không học giả)...Vì là cùng nghề CA nên cũng biết sơ sơ về ông chánh án này. ..." 

Ông Viên Phương ơi, trước đây ông là dân “chạy án”, ông góp phần làm suy thoái các “đầy tớ” của dân. Sao lúc đó không ai bắt được ông đưa hối lộ nhỉ? Bây giờ ông viết về các quan chức ngành tư pháp có phần đúng, có phần chưa chính xác. Ông là dân, không nằm trong “chăn” nên không biết nhiều về các con “rận” núp trong cái "chăn" Đảng ta. Nhưng dù sao thì ông cũng biết một số thông tin, chiếm khoảng 60% sự thật.

Về ông Trương Hòa Bình thì trong ngành công an nhiều người cũng biết được cái lý lịch trích ngang của ông Bình. Tôi là sĩ quan cấp tá, mặc dù cũng tốt nghiệp đại học, bằng cấp chính quy hẳn hoi (học thật chứ không học giả). Tuy nhiên, chỉ có cấp nhưng không có chức nên tôi phải nghỉ hưu ở tuổi 51. Vì là cùng nghề CA nên cũng biết sơ sơ về ông chánh án này.

Về bằng cấp, ông Bình có bằng thạc sĩ thật, bằng tiến sĩ cũng thật nốt, nhưng mà học thì ...không thật ! Bằng thạc sĩ của Bình là bằng thạc sĩ lịch sử, không phải bằng thạc sĩ luật. Nếu có ghi trong lý lịch là thạc sĩ luật thì chỉ có Ban tổ chức Trung ương mới biết, bây giờ lại lòi thêm ra cái bằng tiến sĩ luật thì chỉ có ….ông trời mới biết vì người có thành tích học như vậy chỉ có “con trời” thôi. Này nhé:

- Sau 1975 Bình còn học cấp 3 bổ túc văn hóa ở trường Marie Curie. So với năm sinh thì 21, 22 tuổi Bình mới tốt nghiệp cấp 3.

- Năm 1977 Bình học đại học Bách khoa TP HCM, khoa thủy lợi, đến năm 1982 mới tốt nghiệp.

- 1983 Bình đi Hà Nội học trường An ninh

- Những năm 90 Bình là điều tra viên phòng PA 24 CA TPHCM. Tuy nhiên Bình không làm được vụ án nào ra hồn cả. Bắt oan đối tượng là nữ, Bình còn dùng nhục hình với họ. Sau đó thì con đường đi của Bình là di chuyển liên tục. Rốt cuộc là không chuyên môn nào Bình làm được, nhưng mỗi lần chuyển đến đơn vị hoặc cơ quan khác là một lần thăng tiến lên cấp bậc, chức vụ cao hơn.

Ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân Dân Tối Cao

Trương Hòa Bình là con người thủ đoạn, thượng đội hạ đạp. Ai không nghe, không nịnh, không có tiền cung phụng cho Bình thì dù có giỏi giang cách mấy Bình cũng đạp xuống bằng được. Phụ nữ ở cơ quan có nhan sắc, lọt vào mắt Bình thì dù có dốt cũng vẫn được Bình cất nhắc cho thăng quan tiến chức.

Lộ trình thăng tiến như vậy cho thấy nguồn gốc của ông Bình không đơn giản với người cha là Trương Văn Ba. Ông Ba chỉ là chồng bà Nguyễn Thị Một, má ông Bình. Là chồng không có nghĩa là cha ông Bình. Hãy nhớ bà Một là người phục vụ ông Lê Duẩn khi ông hoạt động bí mật ở miền Nam. Trương Hòa Bình là con út. Ông Viên Phương hãy so sánh hình ông Lê Duẩn và hình ông Trương Hòa Bình xem. Còn nếu để hình ông Bình cạnh hình ông Tâm và bà Thủy (anh và chị ruột ông Bình) thì thấy rất ít điểm chung.

Cũng như Phạm Bình Minh, tân bộ trưởng bộ ngoại giao là con ông cố bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Đảng không quên những đứa con rơi của lãnh đạo đảng, nên các lứa lãnh đạo dần dần cũng được trao cho những đứa con vừa trong luồng, vừa cả ngoài luồng.

Đảng ta thật anh minh 
Không bỏ sót giọt tình 
Thời ngày xưa vương vãi 
Nay nặn thành người tài 
Cho thừa kế chiếc… ngai 

Ông Chánh án chắc đang tính làm sao để truy nhận cha cho chính mình. Hai cha đều đi cả rồi, làm sao đây.

Biên Hòa, ngày 11/10/2011 

Một sĩ quan công an hưu trí.

Phản hồi của bạn đọc Dân Làm Báo trong bài viết : Chánh án TATC Trương Hòa Bình: Tiến Sĩ hay Thạc Sĩ?


***

Nguyễn Đăng Sơn - Đơn tố cáo ông Trương Hòa Bình, Chánh án tòa án Nhân dân tối cao

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐƠN KIẾN NGHỊ VỀ ĐỒNG CHÍ TRƯƠNG HÒA BÌNH

Kính gửi: Bộ Chính trị

Đồng chí Trương Hòa Bình về Tòa án đã được mấy năm đủ để chúng tôi hiểu rõ và đầy đủ về đồng chí Bình. Nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, nhưng không hiểu tại sao, đồng chí Trương Hòa Bình hầu như không biết gì về điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và công tác phòng chống tội phạm. Mỗi khi họp liên ngành Tòa án - Viện kiểm sát - Công an, cán bộ tòa án chúng tôi cảm thấy rất ngượng bởi đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu lung tung, nói sai thuật ngữ chuyên môn, trái với Luật tố tụng hình sự và chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước. Còn khi đồng chí Trương Hòa Bình làm việc với Tòa Hình sự, anh em chỉ biết nhìn nhau mà không dám cười, đành bảo nhau, chánh án có quyền, nên nói gì thì nói, còn chúng ta phải dựa vào luật mà làm, không thể đứng trên luật hay trái luật được.

Chuyên môn là vậy, trong công tác tổ chức, đồng chí Trương Hòa Bình rất độc đoán, chuyên quyền, thích ai thì bổ nhiệm người đó, ghét thì trù dập, Ban cán sự Đảng trở thành nơi đồng chí Bình hợp pháp các quyết định của mình, các đồng chí Phó Chánh án cũng không dám phản ứng, vì biết rằng có cản cũng không được. Dư luận anh em trong cơ quan còn nói rằng, mỗi một trường hợp bổ nhiệm là đồng chí Chánh án được mấy “quyển” (một “quyển” là: 10.000 USD). Đặc biệt, có trường hợp đồng chí Bình bổ nhiệm vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, Nhà nước, như đưa anh Hà là cán bộ Công an (hiện vẫn là sỹ quan Công an) sang làm thư ký, sinh hoạt ở Vụ Tổ chức, rồi ép bổ nhiệm anh Hà làm Vụ trưởng Vụ tổ chức. Khi các đồng chí lãnh đạo Tòa án không đồng tình vì trái nguyên tắc Đảng, dư luận thẩm phán, cán bộ Tòa án tối cao phản ứng, đồng chí Trương Hòa Bình dọa nạt, ép bằng được để anh Hà giữ chức Vụ phó phụ trách Vụ tổ chức. Cán bộ, công chức Tòa án nhân dân tối cao hết sức bất bình, nhưng không dám nói vì sợ trù dập.

Chúng tôi không hiểu tại sao với tài trí, đức độ chỉ như vậy mà đồng chí Bình lại có thể leo đến chức Thứ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Phải chăng có ai đứng ra bảo hộ, che chắn? Đúng ra, đồng chí Trương Hòa Bình chỉ nên đảm nhiệm chức vụ Vụ trưởng, chánh tòa phúc thẩm hoặc tương tự như thế là đúng tầm, vừa sức, tránh những sai sót do thiếu năng lực, trình độ.

Ấy vậy mà, gần đây, đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định, sẽ vào Bộ Chính trị, giữ vị trí Chủ tịch nước hoặc ít nhất cũng là Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí Trương Hòa Bình nói rằng: “Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tương đương với Phó thủ tướng, mình cũng có nhiều ông anh ủng hộ, kiểu gì cũng được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, 80% sẽ là Chủ tịch nước, trường hợp xấu nhất cũng là Bí thư thành ủy TP. Hồ Chí Minh”.

Với tư cách đảng viên, chúng tôi rất lo lắng, nếu đồng chí Bình vào được Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm giữ vị trí cao trong cơ quan Nhà nước thì đó là đại họa Đảng, cho dân tộc và cho chính đồng chí Bình (không đủ trình độ thì rất có thể dẫn đến quyết sai, đi liền với đó là kỷ luật). Vì vậy, chúng tôi tha thiết kiến nghị Bộ Chính trị nên chuyển đồng chí Trương Hòa Bình sang làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc tương tự như thế, tạo điều kiện để đồng chí Bình phát huy tối đa năng lực, không để đồng chí Bình quyết sai các công việc liên quan xét xử tội phạm.

Nguyễn Đăng Sơn

Cán bộ Tòa án Nhân dân tối cao

(đã ký) 

Hàng tạ heo sữa thối suýt biến thành heo quay tai TP HCM!

SÀI GÒN (TP) - Một chiếc xe chở hàng đông lạnh bị chặn tại Thủ Ðức mới đây lòi ra 3 thùng xốp chứa toàn heo sữa chết thối đã bốc mùi. Suýt chút nữa, tất cả số heo sữa này cân nặng tổng cộng trên 110 kí lô được đưa lên bàn ăn dành cho thực khách tại các nhà hàng hạng sang.
 

Hàng trăm kí heo sữa chết đã bốc mùi suýt được đưa vào lò quay. (Hình: Báo Tiền Phong)
Tài xế chiếc xe chở hàng nói trên là ông Hồ Hữu Trường Giang khai báo đã được chủ hàng là ông Trần Minh Vũ yêu cầu đưa số heo sữa đó từ ngã ba Dầu Giây, tỉnh Ðồng Nai về thẳng lò quay ở xã Tân Quý Tây, Bình Chánh. Ông Giang nói chở hàng để nhận tiền, ngoài ra không biết gì về nguồn gốc hay phẩm chất món hàng.

Trong khi cơ quan thú y Sài Gòn đang điều tra về đường đi của 110 kí lô heo sữa nói trên thì thêm một chuyến xe khác cũng bị phát giác giấu bên trong 250 kí lô thịt heo sữa. Mặc dù đã được ướp rất nhiều nước đá để làm lạnh nhưng số heo sữa này vẫn bốc mùi thối không sao chịu nổi. Theo báo Tiền Phong, tài xế lái chiếc xe này là ông Nguyễn Trọng Anh cho biết đã nhận chở số heo sữa nói trên từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn giao cho các nhà hàng.


Theo chủ các lò quay, nhu cầu sử dụng heo sữa quay tại Sài Gòn hiện nay rất lớn vì đó là món ăn “khoái khẩu” của dân Sài Gòn, đặc biệt là tầng lớp trung lưu trở lên. Heo sữa quay là một trong các món “sành điệu” trong các tiệc cưới sang trọng hoặc những bữa tiệc giỗ quay linh đình tại nhà riêng của giới giàu.


Theo bà Ðặng Thi Tuyết, trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Ðức, có khoảng 50,000 con heo sữa từ các tỉnh được vận chuyển vào Sài Gòn mỗi ngày. Ðó là con số chính thức chưa kể hàng ngàn con heo sữa lọt vào vành đai Sài Gòn để đến tận các lò quay mà không qua trạm kiểm dịch.


Bà Tuyết còn xác nhận rằng vì sức tiêu thụ quá lớn nên lái buôn lùng sục khắp nơi, thu mua cả heo bệnh, heo chết với giá rẻ từ các tỉnh miền Trung đưa về Sài Gòn. Giới lái heo thu mua số heo bệnh hoặc heo chết với giá rẻ như bèo, chừng 5,000 đồng tức khoảng 50 cent một kí lô. Họ phải ép giá người chăn nuôi vì còn phải chấp nhận rủi ro trên đường vận chuyển, đôi khi phải “tư túi,” “lót tay” mỗi khi bị chận xét.


Ðể đổi lại, những cuộc hành trình trót lọt giúp cho giới thương lái thu lợi kếch xù. Giá heo sữa trên thị trường hiện nay lên tới 100,000 đồng, tương đương với 5 đô/kg. Mỗi con heo sữa cân nặng tối thiểu 7 kg, giá bán mỗi con ít nhất là 35 đô la và giá heo sữa quay lên tới tối thiểu 100 đô la mỗi con.


Tại các sạp chợ hoặc các đại lý bán lẻ, nhiều nhất là khu vực đường Tạ Uyên, Tôn Thọ Tường, quận 11, hoặc tại đường Huỳnh Mẫn Ðạt, quận 5 hiện nay, khách hàng phải đặt trước nhiều tiếng đồng hồ mới mua được món heo quay, nhất là heo sữa.


Trong khi đó, theo tiết lộ của ông H., một nhân viên lò heo quay ở đường Âu Cơ, quận Tân Bình, Sài Gòn thì người ta không bao giờ quay heo “lành” tức heo chưa bị ngã bệnh, còn sống khi về đến lò mổ. Còn heo đã chết hoặc đang thoi thóp vì bệnh thì được giới chủ lò “xử lý” theo một qui trình hẳn hòi.


Ông H. cho biết: “Chúng tôi ngâm heo nguyên con trong thùng phi chứa chất tẩy trắng rồi dùng phẩm màu công nghiệp, các loại phụ gia, hương liệu... để tạo màu và tạo mùi vị ngâm tẩm cẩn thận. Sau đó, heo được đưa vào lò quay. Tất cả các triệu chứng dịch bệnh, thối rữa có thể thấy hoặc ngửi được làm cho heo bị xuất huyết, nổi đốm đỏ, tai đỏ, bầm tím... đều biến mất. Rời lò quay, con heo trở nên thơm, giòn không thua heo khỏe.”


Ðược hỏi về các loại phẩm màu, phụ gia hay hóa chất, hương liệu, ông H. chỉ cười cho biết “tất cả những thứ đó bán đầy chợ Kim Biên, quận 5 với giá rất rẻ, tha hồ mà mua”.


Cũng theo ông H. thì không một cơ quan thẩm quyền nào có thể “hoạnh họe” các chủ lò về bằng chứng kiểm dịch vì không thể nào tìm được dấu kiểm dịch heo đã được đưa vào lò quay nóng hàng ngàn độ C.


Phải khó khăn lắm người ta mới có thể bắt được quả tang heo sữa bệnh chờ đưa vào lò quay.


Mới đây, theo báo Tiền Phong, chi cục thú y quận Gò Vấp bắt quả tang khoảng 100 con heo sữa đang trong giai đoạn bị phân hủy, bốc mùi hôi thối chuẩn bị đưa vào thùng ngâm thuốc tẩy tại lò quay ở đường Phạm Văn Chiêu thuộc phường 12, quận Gò Vấp.


Ðây là trường hợp hết sức hiếm hoi.


Vì hiếm hoi những trường hợp bắt quả tang các lò quay heo sữa bệnh, biết bao nhiêu thực khách đã ăn nhằm món heo sữa quay bệnh, chết mà không biết. (P.L.)

Cậu bé 3 tuổi rưỡi chăm mẹ chết mòn trên giường bệnh


Trên chiếc giường ọp ẹp, ngày ngày cậu bé 3 tuổi rưỡi vừa bóp tay bóp chân, lúc lại lấy nước, pha sữa, bón cháo cho người mẹ nằm co quắp, teo tóp như một cái xác không hồn.

Gần 1 năm nay, người dân ấp 7 xã Phú Ngọc huyện Định Quán (Đồng Nai) rơi nước mắt chứng kiến cảnh cậu bé Nguyễn Gia Huy (3 tuổi rưỡi) chăm sóc người mẹ bị cắt cụt tay phải, tay trái teo lại như một khúc xương khô và phải ăn nằm một chỗ chờ chết vì gãy đốt sống sau tai nạn giao thông.

Sau buổi đến trường, bé Gia Huy trở về chăm sóc mẹ tàn phế. ảnh: Nguyễn Ngọc
Sau buổi đến trường, bé Gia Huy trở về chăm sóc mẹ tàn phế. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Cuộc đời bất hạnh của chị Nguyễn Thị Thắm (25 tuổi) - mẹ của cháu Huy khiến người dân ở xã Phú Ngọc xót thương.

Là con đầu trong gia đình có 3 chị em, bố mẹ làm rẫy ở xã Phú Ngọc, từ nhỏ Nguyễn Thị Thắm đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Sau khi học xong lớp 9, Thắm phải nghỉ học để cùng với cha mẹ ra sức làm rẫy, lo cho 2 đứa em ăn học. Cũng như gia đình khác, những ngày tháng cuốc đất, đào rẫy ở Phú Ngọc không thể giúp được gia đình Thắm thoát nghèo.

Năm 2001, Thắm khăn gói lên TPHCM làm công nhân may mặc, mong cho cuộc sống đắp đổi qua ngày và có thêm đồng lương ít ỏi để phụ giúp cha mẹ lo cho hai đứa em đang tuổi ăn, tuổi học.

Những ngày tháng xa nhà, Thắm quen một người đàn ông hơn nhiều tuổi làm công nhân cùng xí nghiệp. Mặc dù vậy, bao nhiêu ước mơ về một tình yêu đầu đời của cô nhanh chóng bị dội một gáo nước lạnh khi gã đàn ông lộ diện là một tên họ "Sở". Ngay khi biết tin Thắm có thai, gã đánh bài chuồn bằng cách giả vờ về quê xin cưới rồi bặt vô âm tín.

Đau đớn, tủi nhục nhưng thương con, chị Thắm quyết tâm làm lụng và dành tiền nuôi bé. Sinh xong, vì không đủ tiền trang trải cho cuộc sống của hai mẹ con, nên chị gửi con về quê Phú Ngọc cho bà ngoại trông nom, nuôi nấng. Số tiền lương công nhân ít ỏi hàng tháng, chị dành hết gửi về mua sữa nuôi bé, thi thoảng phóng xe máy về thăm con.

Tháng 9/2010, trong một lần chạy xe như thế, chị va quệt với một xe máy khác rồi ngã xuống đường, bị một xe tải dằn qua... Tai nạn đã khiến hai tay, hai chân chị cùng nhiều xương sườn bị gãy nhiều khúc. Đốt sống lưng cũng bị gãy không thể phục hồi.

Sau 4 tháng điều trị trong Bệnh viện Chợ Rẫy, trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, các bác sỹ chỉ giữ được mạng sống cho chị nhưng phải cắt cụt tay phải, tay trái bị teo cơ, hai chân liệt hoàn toàn,... từ một cô gái phơi phới sắc xuân, chị Thắm trở thành một người tàn phế, suốt ngày nằm bất động như một cái xác không hồn.

Sau tai nạn, chị Thắm trở thành tàn phế hoàn toàn. ảnh: Nguyễn Ngọc
Sau tai nạn, chị Thắm trở thành tàn phế hoàn toàn. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

"4 tháng điều trị cho con đã khiến vợ chồng tôi vốn đã nghèo lại càng trở nên túng quẫn. Thương con nhưng không có cách nào khác hai vợ chồng đành phải đưa con về quê nằm chờ chết", trong ngôi nhà lụp xụp, bà Nguyễn Thị Minh Thành (60 tuổi), mẹ chị Thắm ôm mặt khóc rưng rức.

Từ ngày đó, chuyện đưa đón cháu Gia Huy đi nhà trẻ đến việc ra đồng làm rẫy rồi chăm sóc cho đứa con gái nằm một chỗ, hai vợ chồng nghèo cứ lần lượt thay nhau.

Thương mẹ, cháu Gia Huy rất chăm ngoan. Hằng ngày sau khi trở về từ lớp học mầm non, bé chỉ quanh quẩn bên mẹ. Trên chiếc giường ọp ẹp, ngày ngày cậu bé 3 tuổi rưỡi vừa bóp tay bóp chân, lúc lại lấy nước, pha sữa, bón cháo cho người mẹ nằm co quắp, teo tóp.

"Cháu còn nhỏ nhưng biết thương mẹ lắm, khi mẹ đau đớn, nó chạy ngược chạy xuôi lo lắng như người lớn, lúc lại òa khóc vì thương mẹ lúc lại chạy lại động viên dỗ dành cho mẹ đỡ đau", một người hàng xóm của gia đình bà Thành tâm sự.

Đã nhiều lúc thương cha mẹ già, thương con bé bỏng, chị Thắm đã muốn tìm đến cái chết nhưng khi được con trai động viên chị lại nuốt nước mắt sống tiếp. "Mẹ cháu không chết đâu, sau này con sẽ chăm ngoan, học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để chắp lại tay cho mẹ. Mẹ không được chết, mẹ phải sống với con", bé Gia Huy chạy lại ôm chầm lấy mẹ khi nghe người lớn nói đến chuyện chết chóc.

Sau 1 năm chăm con trên giường bệnh, gia đình bà Thành trở nên kiệt quệ. ảnh: Nguyễn Ngọc
Sau 1 năm chăm con trên giường bệnh, gia đình bà Thành trở nên kiệt quệ. Ảnh: Nguyễn Ngọc.

Sau 1 năm chăm lo thuốc thang cho con gái nhưng bệnh tật vẫn chưa có gì tiến triển, hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Minh Thành - ông Nguyễn Lưu Trợ đã kiệt quệ, những thứ có thể bán được đều đã bán để mua thuốc cho con gái.

Xót xa cho con, ông bà lại càng thương đứa cháu bé bỏng. "Vợ chồng tôi như lá vàng trên cây, chưa biết rụng xuống bất cứ lúc nào. Khi đó, chỉ lo cho đứa con gái đang chờ chết và cháu Gia Huy bé bỏng không có người chăm sóc mà thôi", bà Thành tâm sự.

Ủy ban nhân dân xã Phú Ngọc huyện Định Quán (Đồng Nai) xác nhận, từ khi bị nạn, gia đình hai mẹ con chị Thắm - cháu Huy được xếp vào diện hộ nghèo vì gia cảnh quá bi đát và rất cần sự hỗ trợ của những tấm lòng hảo tâm.

Độc giả hảo tâm xin liên hệ: Bà Nguyễn Thị Minh Thành (mẹ chị Thắm) - Số nhà 17/2, ấp 7, xã Phú Ngọc - huyện Định Quán - Đồng Nai. Số tài khoản: 5907205038027 - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Định Quán - Đồng Nai (chủ tài khoản: Nguyễn Thị Minh Thành). Điện thoại: 01657.448.863.

Nguyễn Ngọc - Trường Long

Lại "nóng" chuyện cho nước ngoài thuê đất rừng


11/10/2011 18:03:45
- Cho tổ chức nước ngoài thuê 288.974,3 ha đất trồng rừng với giá bình quân khoảng 180.000 đồng/ha là quá thấp trong khi người dân địa phương vẫn có nhu cầu nhận đất để trồng rừng.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH đánh giá như vậy trong báo cáo thẩm tra sơ bộ việc thực hiện các Nghị quyết của QH về dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH sáng 11/10.

Cũng theo Ủy ban này, một số địa phương còn có tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cả những diện tích đất rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý…

Người dân địa phương phản ánh về việc cho thuê đất rừng. Ảnh VNN
Người dân địa phương phản ánh về việc cho thuê đất rừng. Ảnh VNN

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của QH cũng nhận xét, "việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận".


Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ "có giải pháp hợp lý đối với những diện tích rừng đã cho nhà đầu tư nước ngoài thuê trồng rừng sản xuất để bảo đảm quyền lợi người dân địa phương".
Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành dự án, đặc biệt là công tác quy hoạch, giao đất giao rừng, phương thức huy động nguồn vốn thực hiện dự án cũng như việc tiếp thu giải quyết kiến nghị giám sát của QH, các cơ quan của QH và cử tri cả nước.


Trước nhận xét nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện đã bày tỏ băn khoăn khi Chính phủ trong báo cáo tổng kết về dự án 5 triệu ha rừng "lại không nói gì đến vấn đề này"?


Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa nhắc lại số liệu không mới, từ năm 1995 đến 10/8/2010 có 8 dự án đầu tư nước ngoài trồng rừng với tổng diện tích gần 289.000 ha, trong đó diện tích đã được cấp là hơn 18,5 nghìn ha…


Số liệu này không thay đổi đến thời hiện tại khi Thủ tướng quyết định tạm dừng cấp phép mới các dự án trồng rừng cho nhà đầu tư nước ngoài.


Tuy nhiên, vị thứ trưởng ngành nông nghiệp lại chưa trả lời, những dự án nhà đầu tư nước ngoài trồng rừng có nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận và từng "nóng" tại diễn đàn QH, đến nay đã giải quyết, xử lý như thế nào.


Dự kiến việc tổng kết thực hiện dự án 5 triệu ha rừng sẽ được đưa ra QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây.


Văn Tiến