THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 January 2012

Đành lòng ăn Tết nơi đất khách


Năm nay đón Tết xa nhà, hơn chục công nhân xóm trọ ngã tư Gò Dưa cứ tối đến lại ôm đàn ghita ngồi trước cửa ngâm nga: "Con biết bây giờ mẹ chờ tin con khi thấy mai đào nở vàng bên nương... mà tin con vẫn xa ngàn xa".
Tết tha hương của người ở làng nặn tò he

Hầu hết những nam nữ công nhân này xuất thân từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung như: Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... Năm nay do không có tiền mua vé tàu xe về nhà nên Tết này họ đành ở lại đón xuân nơi đất khách quê người. Một số anh chị cũng tranh thủ dịp này tăng ca hoặc buôn bán kiếm thêm.

Nhiều công nhân nhập cư nghèo không có tiền về quê ăn Tết. Ảnh: Thi Trân.
Nhiều công nhân nhập cư nghèo không có tiền về quê ăn Tết. Ảnh: Thi Trân.

Giọng hát não nề của những thanh niên nghèo khi năm hết Tết đến khiến nhiều người nghe thấy không khỏi chạnh lòng. "Tội nghiệp, thấy bảo năm nay công ty làm ăn khó khăn, cả mấy tháng rồi chưa trả lương nên chúng nó không có tiền về quê", bà Phương, chủ phòng trọ ở ngã tư Gò Dưa (quận Thủ Đức, TP HCM) nhìn về phía nhóm công nhân chậc lưỡi.

Trong ánh đèn leo lét, chị Hà (quê Thái Bình) ngồi bệt trước cửa phòng trọ, tay chống cằm vẻ buồn bã. Chị cho biết, làm công tại một xí nghiệp xuất khẩu giày da ở Bình Dương, đã 4 năm vào Nam sinh sống nhưng đây là xuân đầu tiên Hà không về nhà. Mấy ngày nay nhìn các bạn đồng trang lứa ghé vào hỏi thăm rồi chào về quê mà lòng chị ngổn ngang vì nhớ nhà.

"Mọi năm cứ trông công ty thưởng để lấy tiền mua vé tàu xe và quà Tết cho cả nhà. Năm nay giám đốc bảo công ty gặp khó khăn nên chỉ ứng trước vài trăm nghìn ăn Tết, còn lương khất đến ra Giêng. Bố mẹ ở quê mình cũng gọi điện hối nhưng làm gì có tiền mà về", nữ công nhân 23 tuổi thở dài.

Cũng chung cảnh ngộ, chị Thúy (quê Hải Phòng) từ hôm quyết định sẽ ở lại miền Nam đón xuân, cứ nghe bố mẹ hay anh chị em gọi điện hỏi là nước mặt chực trào. Nữ công nhân cho biết, tháng trước công ty làm ăn thua lỗ nên cắt giảm nhân công, chị bị buộc thôi việc. Loay hoay cả tháng trời chưa tìm được công việc mới, cả tuần rồi hết tiền chỉ ăn mì tôm cho qua bữa nhưng Thúy vẫn không dám nói với gia đình vì sợ các cụ lo.

Cô gái trẻ kể: "Hôm qua đánh liều đi bán bong bóng dạo ở Suối Tiên cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng. Giờ mình đang chuẩn bị ra chợ mua ít kẹo mứt gửi người quen đem về quê cho mấy đứa em".

Thống kê của ban quản các khu công nghiệp "tam giác" gồm TP HCM, Bình Dương và Đồng nai cho biết, hiện nay có khoảng 1 triệu công nhân nhập cư đang sinh sống và làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và cơ sở sản xuất tư nhân.

Do năm vừa qua nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản nên nhiều công nhân bị sa thải, số khác bị cắt giảm lương thưởng, thậm chí bị công ty nợ lương đến 6 tháng. Vì thế nhiều người nhập cư trong số này lâm vào cảnh sống khó khăn thiếu thốn không có tiền về quê ăn Tết.

Nhiều công nhân năm nay không thể về quê ăn Tết. Ảnh: Thi Trân.
Cuộc sống chật vật của những người lao động nghèo ở một xóm trọ công nhân. Ảnh: Thi Trân.

Đến một số khu công nghiệp tại Đồng Nai dịp cận xuân này, đi đâu cũng nghe công nhân nam than thở tình hình lương thưởng và việc làm sụt giảm hơn năm trước. Trong đó lao động nhiều xí nghiệp sản xuất giày da, gỗ xuất khẩu không có đủ việc, mỗi ngày chỉ làm từ 6 đến 7 tiếng, một tuần từ 3 đến 4 ngày, còn lại nghỉ không lương.

Trước cửa xí nghiệp giày da Changxin vào buổi chiều tan tầm, vợ chồng anh Tuyến, chị Loan đang cùng nhau sắm mấy món đồ Tết bên vỉa hè. Loay hoay chọn mua được vài hộp mứt đậu phộng, mấy bọc hạt dưa và vài thứ linh tinh, chị Loan đã nháy chồng "thế đủ rồi". Hỏi thăm mới biết, ngày mai chị và đứa con gái sẽ lên đường về quê ăn Tết, còn chồng ở lại vì số tiền dành dụm cả năm trời không đủ tiền xe cho 3 người.

Anh Tuyến buồn bã kể, hai năm trước vợ chồng dắt díu vào Nam lập nghiệp bắt đầu bằng đủ mọi nghề từ buôn trái cây, phụ bếp, lượm ve chai. Thấy công việc vất vả mà thu nhập bấp bênh nên sau đó anh chị quyết định xin vào làm công nhân ép đế giày. Năm đầu tiên nhờ đầu cả tăng ca lương mỗi tháng một người cũng được 3 triệu đồng. Tuy nhiên dạo gần đây việc ít, công ty không cho tăng ca nên mà thu nhập cũng giảm nhiều.

"Tiêu xài chắt chiu lắm hai vợ chồng mới để dành được gần 4 triệu đồng. Riêng tiền xe đi về cho hai mẹ con đã hơn 2 triệu, rồi nào mua quà cáp biếu họ hàng nội ngoại cũng hết nên tôi quyết định ở lại", ông bố trẻ nói. Anh Tuyến dự định, nếu ra Giêng vào tình hình vẫn ảm đạm anh và vợ lại xin nghỉ việc để chuyển sang mua ve chai hoặc buôn bán chợ búa kiếm sống.

Tại một xí nghiệp xuất nhập khẩu gỗ ở Đồng Nai, tình hình còn ảm đạm hơn. Những công nhân làm ở đây cho biết, công ty đã nợ tiền lương mấy tháng nay nên họ vừa không có tiền về quê mà tiền phòng trọ, ăn uống sinh hoạt cũng trong cảnh ghi nợ từng bữa.

"Sáng nay họp toàn công ty, đích thân giám đốc đứng ra xin lỗi vì công ty đang khó khăn nên chỉ ứng trước 500.000 đồng ăn Tết thôi. Còn tiền lương mấy tháng rồi họ bảo sang năm mới trả được", một công nhân than.

Thi Trân