THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

27 January 2012

Tranh thủ làm ăn sau Tết


Mới mùng 4 Tết, bà Mùi (50 tuổi) đã tất bật trở lại với công việc bán rau tươi ở chợ Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận, TP HCM. Trưa 29 Tết mới dẹp hàng xả hơi nhưng vắng chợ vài hôm đã khiến bà thấy buồn, lại quầy quả dọn hàng.

Ăn Tết được hai hôm, đến mùng ba khai trương, mùng bốn Tết bà Mùi đã trở lại nhịp điệu bán buôn như ngày thường. Bà chia sẻ: "Với tôi ăn Tết thế là đủ. Buôn bán 40 năm, cứ xa chợ ít hôm tôi lại thấy nhớ. Sống được nhờ gánh rau, nay con cái đã lớn có gia đình riêng nên buôn bán với tôi lại trở thành niềm vui lúc tuổi già".

Kể về công việc ngày mùng 4 Tết, tiểu thương này cho hay, 4h sáng bà lục đục rời nhà, nhận rau từ mối lái để chuẩn bị cho phiên chợ sớm. Ra chợ từ lúc hừng đông, 5h30-6h sáng quầy rau của bà đã lên hàng phục vụ cho những người đi chợ đầu ngày. "Thường thì cứ sau 9h sáng hàng hóa chỉ còn củ quả, rau tươi hết sạch. Tuy nhiên, dọn hàng ngày mùng 4 Tết nên tôi không lấy rau quả nhiều. Chỉ bán cho có không khí là chính", bà Mùi nói.

Khác với bà Mùi mới xa chợ vài hôm đã nhớ, không ít tiểu thương trở lại chợ từ ngày mùng ba, mùng bốn Tết chỉ để lấy ngày tốt cúng khai trương. Bà Nga, tiểu thương bán cá ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, cho hay ngày mùng 3 Tết bà chỉ lấy 15 kg cá để bán khai trương nhưng sức mua yếu, bán chậm đến trưa mới hết. Vì thế, sang ngày mùng bốn bà lấy hàng ít hơn, dự định mùng tám tháng Giêng mới bán lại.

"Năm nay tôi chỉ được ngày khai trương mùng ba và mùng tám nên tranh thủ ghé chợ sớm. Lấy ngày khai trương xong, tùy tình hình chợ đông hay vắng mà quyết định bán tiếp hay tạm nghỉ. Với đà này có lẽ chợ nghỉ dài hơn năm ngoái", bà Nga dự đoán.

Hàng rau bán sớm sau Tết. Ảnh: Hà Thanh

Không nhộn nhịp như cảnh ở phố chợ, với những người phải trở lại với công việc trực văn phòng ngày Tết, không khí có phần ảm đạm hơn. Chị Duyên, nhân viên một công ty viễn thông, quê tận Hải Dương, lần đầu tiên nếm trải cảm giác chưa hết Tết đã phải đi làm không giấu được vẻ tiếc nuối. Nghỉ Tết đến hết ngày mùng ba đã phải vội vã trở lại Sài Gòn trực ngày mùng bốn, chị chia sẻ: "Cảm giác tạm biệt người nhà ở quê để vào Nam sớm khiến tôi thấy hụt hẫng. Mỗi năm về nhà một lần chỉ được mấy ngày xuân, thế mà ngửi chưa hết mùi quê đã vội đi".

Người luyến tiếc mấy ngày xuân bị đứt quãng giữa chừng nhưng cũng có kẻ xem đây là cơ hội tốt để kinh doanh, hái lộc đầu xuân. Năm nào cũng vậy, chị Ngọc, bán hủ tiếu ở gần chợ Vườn Chuối, quận 3, TP HCM, đều tranh thủ bán từ ngày mùng một Tết đến ngày rằm tháng Giêng mới nghỉ xả hơi.

Chị Ngọc tiết lộ: "Tôi bán suốt năm được nhiều điều thuận lợi. Thứ nhất không cần xem ngày khai trương mà làm liền mạch từ năm cũ sang năm ngoái. Thứ hai, ngày Tết ít người bán mình sẽ đắt hàng. Thứ ba, trong vài ngày Tết có tăng giá chút đỉnh xem như tiền tuýp, khách vẫn vui vẻ lì xì".

Với anh Hiển, tài xế taxi làm việc ngày Tết cùng có cái vui riêng. Chạy suốt từ hôm mùng một, mùng hai Tết, anh xởi lởi kể về cảm giác kiếm tiền ngày xuân: "Đây là năm thứ hai tôi chạy taxi Tết. Trong lúc mọi người còn du xuân, họp mặt gia đình, ăn cỗ hoặc đi chúc Tết thì mình vẫn làm việc như ngày thường kể cũng buồn. Nhưng đổi lại thu nhập tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi".

Anh Hiển cho hay, ngoài điều kiện thuận lợi chạy taxi Tết đắt khách, anh còn được nhiều khách sộp lì xì, chúc Tết nên không cảm thấy quá thiệt thòi. "Đồng nghiệp của tôi nói đùa rằng, làm việc ngày Tết là tiền rủng rỉnh cả năm vì khai trương mở hàng đắt khách", anh Hiển nói.

Hà Thanh