THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

09 February 2012

“Chịu trách nhiệm á? Câu này nghe quen lắm!”


08/02/2012 11:26:28

 - "Bộ GTVT nói chịu trách nhiệm nếu việc đổi giờ không hiệu quả. Vậy chịu trách nhiệm như thế nào? Bộ trưởng có dám từ chức không? Nếu không thì đừng hứa hẹn!" - PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT nêu quan điểm.

TIN LIÊN QUAN

PGS.TS Nguyễn Văn Thụ
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ - ảnh Trần Hải

Hiệu quả: một hạt mì chính tra vào cả nồi canh

Trong cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Mạnh Hùng khẳng định nếu việc đổi giờ học, giờ làm không hiệu quả, Bộ sẽ chịu trách nhiệm với dân. Ông nghĩ sao về điều này?

Về nguyên tắc, khi đưa ra một phương án nào đó thì người ta phải tính được hiệu quả trước, rồi mới được áp dụng sau. Đằng này tôi chưa thấy có một thông tin nào về tính hiệu quả của việc đổi giờ học, giờ làm được công bố. Thế thì tôi không biết họ lấy hiệu quả từ đâu? Mà tôi khẳng định rằng, sẽ chẳng bao giờ có hiệu quả!

Giả dụ có đạt hiệu quả thì cũng chỉ như người ta tra một hạt mì chính vào cả nồi canh. Vì thực chất của việc đổi giờ này là sự hoán đổi giữa các nhóm đối tượng tham gia giao thông trong một khoảng giờ cao điểm.

Sao lại không có hiệu quả? Đã giảm ùn tắc rồi còn gì?

Giảm ở đâu? Nói mang lại hiệu quả ban đầu chỉ là nói cho vui thôi. Ông đưa ra đề xuất ấy thì ông phải nói thế để người ta tin ông chứ. Còn nói giảm thì ông hãy chứng minh đi! Đừng có chỉ nhìn vào việc ông thấy "à, hôm trước ở nút giao thông này ùn tắc, hôm nay thông thoáng hơn" mà nói là phương án của ông đã hiệu quả. Thế là không được.

GS. TS Nguyễn Văn Thụ

"Nói mang lại hiệu quả ban đầu chỉ là nói cho vui thôi", PGS. TS Nguyễn Văn Thụ.

Ảnh: Trần Hải

Vậy phải căn cứ vào đâu để nói có hiệu quả hay không, theo ông?

Phải làm phép so sánh với trước đó, ở tất cả các điểm vốn ùn tắc, thậm chí là trên tất cả các tuyến đường. Bởi rất có thể, vào giờ cao điểm này ông quan sát thấy nút giao thông A. không bị ùn tắc như trước. Nhưng chỉ sau đó ít phút, hoặc cách đó không xa sẽ lại "lòi" ra một điểm ùn tắc mới. Có ai quan sát, tính toán dòng giao thông trước và sau khi áp dụng giải pháp này đâu?

Hiệu quả cũng phải tính đến tốc độ lưu thông của phương tiện trên đường là bao nhiêu km/h? Nhanh hơn hay chậm hơn tốc độ trước? Và nữa là, người ta cũng phải tiến hành khảo sát, nghiên cứu những tác động xã hội mà việc đổi giờ mang lại, nhất là tâm sinh lý các em học sinh. Đã có ai tính được và cam kết sẽ không ảnh hưởng đến tâm sinh lý các em? Tôi chắc rằng, khi làm được đánh giá như thế thì sẽ chẳng ai còn dám mạnh miệng nói rằng nó hiệu quả được nữa.

Đánh đổi cái quá lớn để lấy cái quá bé

Việc đánh giá hiệu quả ấy có khó không, thưa ông?

Khó chứ. Nó đòi hỏi một đội ngũ lớn, mất thời gian và công sức. Nhưng quan trọng nhất là bên cạnh những cái có thể định tính, định lượng để đánh giá được (giảm ùn tắc, tốc độ lưu thông…) thì có những cái vô hình, phải mất có khi cả chục năm sau mới biết được. Ấy là sự thay đổi trong tâm sinh lý học sinh. Rõ ràng, người ta đang đánh đổi những cái quá lớn, trong đó có sự phát triển của cả một thế hệ để lấy một cái quá nhỏ bé.

Giải quyết được bài toán giao thông mới là vấn đề lớn chứ?

Nó là vấn đề lớn vì anh không có giải pháp đồng bộ. Nhưng trong việc đổi giờ thì cái lớn hơn cả vẫn là những tác động tới cả một xã hội, tới nhiều lĩnh vực, tới sự phát triển của cả một thế hệ cơ mà! Có thể, tốc độ lưu thông sẽ tăng lên vài km/h. Cái đó có đáng kể? Nhưng anh có tính được rằng, để "giam" học sinh đến 19h ở trường phải tiêu tốn bao nhiêu điện năng không? Chỉ cần phép tính như thế sẽ thấy nó gây tác động không tốt cho cả nền kinh tế rồi.

Ai sẽ là người đánh giá hiệu quả của việc đổi giờ?

Sẽ thật sự không công bằng khi chính Bộ GTVT đi đánh giá hiệu quả.

Vậy theo ông thì cơ quan nào sẽ có trách nhiệm đánh giá hiệu quả này?

Tôi cho rằng, Bộ cần thành lập một Hội đồng khoa học gồm tập hợp các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực (giao thông, y tế, giáo dục, tâm lý…) để cùng đánh giá sẽ khách quan hơn.

Bộ trưởng có dám từ chức không?

Vẫn xin nhắc lại, thưa ông, nếu đổi giờ không hiệu quả, Bộ GTVT sẵn sàng chịu trách nhiệm

Chịu trách nhiệm á? Câu này nghe quen lắm! Lãnh đạo nào mà chẳng nói thế. Nhưng đã có ai phải chịu trách nhiệm đâu nhỉ?

Người ta vẫn đang đợi để đánh giá hiệu quả...

Cứ đợi xem! "Chịu trách nhiệm" ở đây mông lung lắm! Bộ trưởng có dám từ chức không? Nếu không thì đừng hứa hẹn. Mà kể ra cũng khó lắm, vì dẫu sao đó cũng là giải pháp thử nghiệm kia mà. Thêm nữa, nếu có thì có ai đánh giá được cụ thể nó thiệt hại bao nhiêu tiền đâu? Cực khó!

Xin cảm ơn ông!

Vũ Thuỷ (thực hiện)