THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

11 February 2012

'Hải Phòng nên tự phê bình trước dân'


"Chính quyền Hải Phòng cần phải trả lời cho toàn dân biết mình sai ở chỗ nào và thẳng thắn nhận lỗi. Đó vừa là cách an dân, cũng là để nhắc nhở địa phương đừng lặp lại sai lầm tương tự", luật sư Lê Đức Tiết chia sẻ với VnExpress, sau khi Thủ tướng kết luận vụ Tiên Lãng.
>Chính quyền sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng

*ClipLuật sư Lê Đức Tiết nói về quyết định của Thủ tướng

- Từng thực địa tại Hải Phòng và làm việc với lãnh đạo địa phương để lấy thông tin vụ cưỡng chế, ông suy nghĩ gì từ kết luận của Thủ tướng?

- Tôi rất hoan nghênh Thủ tướng có kết luận rất rõ ràng. Tôi không hiểu trước khi Thủ tướng kết luận thì Chủ tịch UBND Hải Phòng có nhận ra những sai trái đó hay không? Tại sao luật pháp, hiến pháp quy định rõ ràng như thế, Sở Tư pháp Hải Phòng từ năm 2009 đã cảnh báo nhưng họ vẫn làm sai. Nguyên nhân gì dẫn đến việc cố ý làm méo mó, làm sai pháp luật? Hải Phòng cần phải tìm cho đến ngọn nguồn nếu như không muốn lặp lại các sai lầm tương tự trong tương lai.

Vụ Tiên Lãng cũng cho thấy công tác quản lý đất đai của cán bộ địa phương đang là vấn đề làm cho lòng dân không yên. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Tiên Lãng mà nhiều nơi trên cả nước. Luật đất đai của nước ta còn nhiều sơ hở để kẻ xấu lợi dụng, từ đó làm suy giảm lòng tin của dân. Tôi hy vọng sắp tới Quốc hội khóa 13 sẽ sửa đối hiến pháp trong đó có vấn đề đất đai.

- Với kết luận của Thủ tướng, số phận ông Đoàn Văn Vươn nên được giải quyết tiếp như thế nào?

- Chính quyền thu hồi trái pháp luật thì phải tiếp tục giao đất lại cho ông Vươn sử dụng, điều này là thi hành theo luật pháp. Còn những thiệt hại vật chất phải xử lý theo pháp luật về hình sự và dân sự (bồi thường tài sản). Những người liên quan đến vụ việc ai là chính phạm, ai là làm theo thì tòa sẽ xác định và phải xử lý tùy theo mức độ vi phạm.

Riêng ông Vươn hiện bị buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ, nhưng sau kết luận của Thủ tướng "chính quyền sai toàn diện" thì về tội danh pháp lý, việc buộc ông Vươn phạm tội giết người, chống người thi hành công vụ là không phù hợp. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Vươn sẽ làm rõ điều này trong tranh tụng tại tòa.

Luật sư Lê Đức Tiết Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban trung ương MTTQ. Ảnh: Bá Đô
Luật sư Lê Đức Tiết Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban trung ương MTTQ. Ảnh: Bá Đô

- Theo ông, những lãnh đạo, quan chức liên quan đến vụ cưỡng chế phải xử lý như thế nào ngoài việc nhận kiểm điểm?

- Tôi thấy nhân dân đã đặt câu hỏi rất đúng rằng tại sao với một việc lớn như thế nhưng đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân Hải Phòng không hề lên tiếng, Chủ tịch UBND thành phố, giám đốc các sở, ngành cũng không có động thái gì, mặt trận tổ quốc cũng im hơi, phải đợi khi Chính phủ hỏi đến thì mới trả lời.

Thủ tướng cũng đã nói rất rõ, quyết định thu hồi sai thì cưỡng chế cũng sai. Như vậy, hành vi cưỡng chế là trái pháp luật. Người làm trái pháp luật phải chịu trách nhiệm: nếu phạm tội hình sự thì phải chịu trách nhiệm hình sự, và trong phạm tội hình sự mà gây thiệt hại về mặt dân sự thì phải đền bù về mặt dân sự.

Những người ra lệnh cưỡng chế và tham gia điều động lực lượng quân đội sẽ phải chịu trách nhiệm, đó là Chủ tịch huyện, chủ tịch xã, bí thư xã, công an xã. Thành phố Hải Phòng đồng ý cưỡng chế cũng phải chịu trách nhiệm.

- Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng đã tạo làn sóng phẫn nộ, theo ông Hải Phòng cần làm gì để an dân?

- Qua vụ việc này tôi thấy hố ngăn cách giữa nhân dân với chính quyền, với Đảng xa quá. Thành ủy, UBND Hải Phòng, Tiên Lãng, các ngành, các cấp nên tự phê bình trước nhân dân. Chính quyền Hải Phòng cần phải trả lời cho toàn dân biết mình sai ở chỗ nào và thẳng thắn nhận lỗi. Đó vừa là cách an dân, cũng là để nhắc nhở địa phương và trên cả nước đừng lặp lại sai lầm tương tự trong tương lai. Chỉ có thừa nhận sai lầm mới hàn gắn được khoảng cách với dân.

Sau đó, chính quyền và nhân dân Tiên Lãng nên cùng ngồi lại, bàn xem nên phát triển khu vực bãi bồi như thế nào để thu lợi. Tiên Lãng có bờ biển dài 20km, mỗi năm bồi ra 15m vậy thì có diện tích bãi bồi rất lớn và nó sẽ cho nguồn lợi rất cao. Như vậy dân Tiên Lãng, xã Vinh Quang giàu hơn, dân phấn khởi hơn. Qua sai lầm chúng ta phải biết rút ra kinh nghiệm để làm tốt hơn, bởi thất bại là mẹ của thành công.

Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng sau vụ cưỡng chế đầm tôm tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng cho thấy công tác quản lý đất đai của cán bộ địa phương còn quá yếu kém. Ảnh: Bá Đô

- Bài học lớn nhất rút ra sau vụ Tiên Lãng là gì thưa ông?

- Đó là chính sách đất đai, là bài học yên dân mà ngày nay ta nói là ổn định xã hội. Một nước thịnh hay suy, yên hay loạn là tùy thuộc vào nhiều vấn đề nhưng trong đó có đất đai. Đất đai không chỉ liên quan đến đời sống của nông dân mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến công nghiệp và các lĩnh vực khác. Vì vậy, nhà nước phải có chính sách, nghiên cứu về đất đai. Thành công trước hết phải là thành công về nghiên cứu và sử dụng đất. Nếu thất bại, để lòng dân không yên, những kẻ xấu lợi dụng kẽ hở để làm giàu, tước đoạt đất thì sẽ nguy hại vô cùng.

Vụ Tiên Lãng xảy ra như một cái mụn nhọt, khá đau, nhưng phải chữa, nếu không chữa thì toàn thân sinh ra nhiều u nhọt nữa. Chúng ta phải đặc biệt thận trọng trong hoạch định chính sách, luật pháp về đất đai. Một nước thịnh vượng là nhờ chính sách đất đai.

Một bài học nữa là đặc biệt cẩn trọng đối với việc sử dụng lực lượng cưỡng chế. Nguyễn Trãi đã từng nói "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo", nhưng tôi thấy rất nhiều địa phương đang lạm dụng cưỡng chế, đặc biệt là việc sử dụng quân đội vào trong cưỡng chế. Đối với dân bao giờ cũng phải thuyết phục, chớ có cậy mình có súng ống trong tay, có lực lượng cưỡng chế. Nhà nước mà phải sử dụng bạo lực nhiều là nhà nước yếu.

Hoàng Thùy thực hiện