THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

25 March 2012

Chuyện chưa kể về hậu trường chương trình "Toà tuyên án"


25/03/2012 08:36:16
 - Chương trình Tòa tuyên án - Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng đến nay đã bước sang năm thứ 5. Chặng đường đó chưa phải là dài song với những gì mà chương trình mang lại đã thực sự ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả cả nước. Thế nhưng, để có được những phiên tòa "thu gọn" ấy là công sức của cả một êkíp dày công thực hiện, có cả những câu chuyện lần đầu tiên nghe kể.
 
Kịch bản có thể hư cấu thêm
 
TS Nguyễn Văn Điệp, Trưởng khoa Luật sư, Học viện Tư pháp là một trong những thành viên tham gia xây dựng chương trình Tòa tuyên án ngay từ số đầu tiên.
 
"Cho đến tận lúc này, khi chương trình phát sóng được 5 năm, nhiều người vẫn lầm tưởng chương trình được ghi hình trực tiếp từ phiên tòa. Thế nhưng không phải như vậy", TS Nguyễn Văn Điệp bắt đầu câu chuyện.

Ông cho biết, để có một chương trình thành công, trước hết phải có sự lựa chọn, xây dựng kịch bản vụ án. "Chúng tôi thường xuyên cắt cử nhau đến các tòa trên địa bàn Hà Nội để mượn hồ sơ về đọc. Sau đó sẽ phân loại, chọn ra những hồ sơ vụ án điển hình, hay, khi xây dựng thành kịch bản sẽ có tính tuyên truyền, giáo dục cao, dễ hiểu, gần gũi với đại bộ phận dân chúng".
 
TS Nguyễn Văn Điệp, Trưởng khoa Luật sư, Học viện Tư pháp là một trong những thành viên tham gia xây dựng chương trình Tòa tuyên án.
TS Nguyễn Văn Điệp, Trưởng khoa Luật sư, Học viện Tư pháp là một trong những thành viên tham gia xây dựng chương trình Tòa tuyên án.
Dù tiêu chí rõ ràng là vậy song TS Nguyễn Văn Điệp cũng thẳng thắn thừa nhận không đơn giản khi thực hiện.
 
"Việc chọn hồ sơ không quá dày, không quá mỏng để đảm bảo phù hợp thời lượng chương trình cũng là cả một vấn đề. Tất nhiên, không phải hồ sơ nào cũng được mượn. Thi thoảng, chúng tôi có đi công tác cũng xin hồ sơ ở các tòa địa phương về làm để chương trình đa dạng, phong phú hơn, ông chia sẻ.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Điệp, việc lựa chọn vụ án, xây dựng thành kịch bản là một trong những điểm khó nhất. "Bởi có thể, tình tiết trong án tại hồ sơ không đến mức như thế hoặc có khi nó tàn bạo quá, phải cắt bỏ đi. Do đó, phải có sự gạn lọc, thêm bớt, bổ sung để đảm bảo chất lượng, phù hợp thời lượng phát sóng, ngôn ngữ mạch lạc, có văn hóa pháp đình. Vì thế, người biên tập phải là người trong nghề luật", ông cho hay.

Ông cũng lưu ý thêm, "một nguyên tắc cơ bản và quan trọng mà chúng tôi phải tuân thủ là đổi tên địa danh, tên người để đảm bảo bí mật đời tư. Vì thế, có thể nghe những cái tên rất lạ, không có trong bản đồ hành chính Việt Nam. Tuy nhiên, những vụ án đó là hoàn toàn có thật. Có chăng, tác giả có quyền hư cấu thêm hoặc bỏ bớt đi cho phù hợp với nội dung, thời lượng chương trình".

Từ chối vì đóng vai bị tử hình

Ngoài việc tham gia viết kịch bản, ông Điệp cùng các cộng sự ở Học viện Tư pháp còn tham gia đóng vai những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong vụ án như thẩm phán, luật sư, đại diện viện kiểm sát, hội thẩm nhân dân. Còn một số vai người tham gia tố tụng như bị cáo, người bị hại, thân nhân của họ hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do sinh viên các trường nghệ thuật, diễn viên đảm nhận.

Tuy nhiên, như TS Nguyễn Văn Điệp thừa nhận, do chương trình mang tính đặc thù, diễn viên thường phải hóa thân vào những vai của kẻ phạm tội giết người, cướp giật, lừa đảo... là những thử thách không mấy dễ dàng. Song "về cơ bản họ đều được đào tạo bài bản nên cũng dần thích nghi, việc hóa thân vào các nhân vật không mấy khó khăn", ông nói.

Trong quá trình tham gia chương trình, có nhiều tình huống khiến những người trong cuộc khó có thể quên. Ông Điệp nhớ lại: "Có lần, một nữ diễn viên hóa thân vào nhân vật ở độ tuổi vị thành niên. Cô bé có hoàn cảnh hết sức đáng thương. Cha mẹ ly hôn, cô bé lúc sống với mẹ thì bị cha dượng cưỡng bức. Khi ở với bố thì bị mẹ kế đánh đập, sỉ nhục. Sau cùng, cô bỏ nhà đi bụi, sa ngã vào vũng bùn tội lỗi, bị bắt và đưa ra tòa xét xử. Hôm diễn ra phiên tòa, không có bố mẹ cùng người thân của cô bé đến dự mà chỉ có những người thương xót biết chuyện đến chia sẻ. Cô diễn viên hóa thân thành nhân vật đạt đến mức khi nhìn xuống hàng ghế những người tham dự, không thấy bố mẹ đâu, cô khóc như mưa khiến cả êkíp luống cuống. Một lúc lâu cô mới bình tĩnh lại được và phiên tòa được tiếp tục ghi hình.

Hay lại có trường hợp khác. Một nam diễn viên được chọn phân vai kẻ tội phạm sẽ bị tuyên án tử hình. Lúc đầu, anh này đồng ý nhưng khi đọc kịch bản xong thì một mực từ chối. Chúng tôi hỏi lý do, anh ta bảo "không thích vào vai bị tử hình". Nhưng thời gian ghi hình sắp đến, nếu tìm nhân vật mới sẽ mất thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ của chương trình, mà nhân vật được chọn được tin tưởng sẽ thể hiện tốt vai diễn, chúng tôi phải động viên mãi. Sau cùng, cậu ấy cũng đồng ý ghi hình, diễn rất đạt".

"A, ông thẩm phán, mua rau cho tôi đi!"

Theo TS Nguyễn Văn Điệp, thành công của chương trình là đã tạo ra một sân chơi phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, từ những lãnh đạo cấp cao đến những người nông dân một nắng hai sương.

Có "thâm niên" hóa thân vào nhân vật thẩm phán nên hình ảnh ông dần trở nên quen thuộc trong mắt khán giả thường xuyên theo dõi chương trình. "Đến nỗi, tôi đi ra chợ, mấy chị, mấy cô bán rau, bán cá cũng nhao nhao: "A, ông thẩm phán, mua rau cho tôi đi!", "Ông thẩm phán ơi, xử giúp tôi vụ này...". Họ xúm lại hỏi han chính trường hợp của mình, người thân mình gặp phải, nhờ tôi phân giải", ông cố vấn chương trình nở nụ cười, nhớ lại những "phần tranh tụng"... ngay giữa chợ như thế.

"Hay câu chuyện về một nữ nông dân miền Tây, sau khi xem xong chương trình Tòa tuyên án với câu chuyện "Bẫy chuột đồng, chết chuột nhà" đã viết thư ra cho tôi, bảo rằng hóa ra việc cắm bẫy điện giết chuột, nếu gây ra hậu quả chết người là hành vi giết người. "Thế mà trước nay cả gia đình tôi đều nghĩ đó là chuyện bình thường. Chúng tôi vừa ra đồng thu lại toàn bộ số bẫy điện đó về, không dám dùng nữa".

Hẳn nhiên, với TS Nguyễn Văn Điệp và những người thực hiện chương trình, đó là điều khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Niềm hạnh phúc ấy cứ nối dài theo thời gian phát sóng của chương trình.

"Chúng tôi đang xây dựng kịch bản mới cho chương trình. Theo đó, mỗi vụ án sẽ được chia ra làm 3, 4 tập phát sóng với đầy đủ các thủ tục, từ khâu tiến hành điều tra đến tuyên án. Hy vọng với cách làm mới này sẽ giúp khán giả hình dung rõ hơn về bản chất vụ việc, công việc của những điều tra viên, làm tăng sự hấp dẫn", TS Nguyễn Văn Điệp tiết lộ.
 

"Những ngày đầu tiên sau khi chương trình lên sóng, tôi nhận được gần 500 thư gửi từ các nơi đến. Họ cứ nghĩ đó là chương trình thật, tôi cũng là ông thẩm phán thật. Họ ghi rõ "Kính gửi ông Thẩm phán Nguyễn Văn Điệp". Đó là hạnh phúc không chỉ của riêng tôi mà là niềm vui của cả ekip thực hiện chương trình này. Những nội dung mà khán giả thắc mắc, chúng tôi đều gửi đến các cơ quan có thẩm quyền hoặc tư vấn trực tiếp cho họ".

TS Nguyễn Văn Điệp (biên kịch và cố vấn chương trình)

An Nhiên