THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

01 March 2012

Người mời đã sai, người đến dự cũng sai


29/02/2012 07:54:41
 - GS Bùi Văn Nhơn, nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia: Người mời đã sai, người đến dự cũng sai . Theo GS Bùi Văn Nhơn, việc nhiều cán bộ công chức in tên và chức danh lên thiệp mời cưới, mời ăn giỗ chung quy "cũng chỉ vì cái phong bì".
 
 
GS Bùi Văn Nhơn, nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia

"May quá, bà mất khi ông đương chức"

Ông nghĩ sao khi có nhiều cán bộ công chức in tên và chức danh lên thiệp mời cưới, mời ăn giỗ, thậm chí là gửi công văn thông báo khi cha mẹ mất?

Thật ra, việc thông báo tang gia, hiếu hỉ trong gia đình cán bộ lãnh đạo các cấp xuất hiện nhiều từ khoảng năm 1995 trở lại đây. Xét về mặt nào đó, việc thông báo này gần như là trào lưu chung của toàn xã hội, kiểu "lần trước tôi mừng cưới, viếng cho nhà ông rồi, nay nhà tôi có việc thì tôi sẽ thu lại". 

Thậm chí, với những cán bộ thì không thiếu chuyện "may quá, bà mất khi ông đương chức". Nhưng để in thành công văn gửi các ban ngành thì quá kinh khủng rồi.

Vì sao lại quá kinh khủng, thưa ông?

Vì đó là sự suy đồi về đạo đức. Rõ ràng, nếu xét về luật thì không có luật nào cấm. Nhưng ngoài luật ra thì còn có ý thức, tình người nữa chứ. 

Vậy theo ông, nguyên nhân ở đây là gì?

Nó xuất phát từ hiện tượng xu nịnh. Lúc đầu trong phạm vi nhỏ thôi, một số nhân viên đến giúp nhà sếp dịp cưới xin, ma chay, giỗ chạp. 

Sếp thấy họ được việc nên nâng đỡ, ưu ái họ, bản thân sếp cũng có tí lợi. Lâu dần nó thành nếp suy nghĩ của cán bộ lãnh đạo và cả nhân viên, lan rộng ra toàn xã hội. 

Thêm nữa, chúng ta đang đánh đồng, Nhà nước hóa tất cả các tổ chức ngoài Nhà nước, khiến cho ai cũng trở thành công chức. 

Cùng với đó, lối suy nghĩ cực kỳ nguy hiểm rằng "làm gì có chuyện cho không" đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều cán bộ, công chức. 

"Nhà nước hóa tất cả các tổ chức ngoài Nhà nước" là sao, thưa ông?

Theo lý thuyết về khoa học hành chính và thực tiễn hành chính hiện đại trên thế giới thì ngân sách Nhà nước không chi trả cho các hoạt động ngoài Nhà nước, những người làm việc trong các tổ chức ngoài Nhà nước không phải là công chức. 

Thế nhưng, hiện nay chúng ta làm ngược lại, thậm chí những người làm trong tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng được trả lương. Do đó mới có chuyện dùng công vụ vào việc tư tràn lan như hiện nay.

Làm gì có chuyện "xuất phát từ tấm lòng"!

Ông vừa nói, ngoài luật ra thì còn phải sống vì tình người. Việc nhân viên đến nhà sếp giúp đỡ như thế cũng là thể hiện cái "tình" đấy chứ?
 
Sống vì tình cảm là một đạo lý tốt đẹp. Thế nhưng, tôi chắc rằng, khi xu hướng kinh tế thị trường tràn vào công vụ thì làm gì còn khái niệm "xuất phát từ tấm lòng" nữa, chẳng qua là vì cái phong bì thôi. Tôi biết có những đám cưới mà người ta mừng tới cả tỉ đồng. 

Điều đó có bình thường không? Không đâu nếu như người mừng cưới không nhận được một cái gì đó phía sau một tỉ ấy, thậm chí là nhận được gấp nhiều lần.

Rõ ràng đã có một sự "trao đổi ngầm" ở đây. Thế nhưng, với những người không có điều kiện đi theo kiểu ấy thì việc sếp mời cưới, mời ăn giỗ... có in chức danh vào thiệp, được gửi đến tận tay chẳng lẽ lại không đi?

Dở là ở chỗ ấy. Người ta lạm dụng văn bản để tư lợi. Người được mời, nhất là nhân viên bị dồn vào thế buộc phải đi, không đi không được vì sợ sẽ bị trù dập. Thế nhưng, lỗi không hoàn toàn thuộc về người mời.

Tôi chưa hiểu ý ông?

Người mời ghi chức danh là sai rồi, nhưng người đến dự cũng sai nốt. 

Cụ thể cái sai ấy là như thế nào, thưa ông?

Người ta cứ ngỡ rằng mình được cất nhắc, bổ nhiệm là do ân huệ của lãnh đạo. Thế nên khi có dịp thì phải "trả ơn". Ơ hay, lãnh đạo tập thể là chung chứ đâu phải riêng ai? 

Trong khoa học quản lý, người lãnh đạo giỏi phải biết tìm người thay mình trong tương lai càng sớm càng tốt. Anh phải biết phát hiện ra người tài giỏi, khi nhân viên làm tốt thì anh phải có trách nhiệm thưởng, cất nhắc người ta chứ? 

Nhưng tiếc là người ta cứ cho đó là ân huệ, kiểu "làm gì có chuyện cho không". Nó xóa nguyên tắc của nền công vụ - "công vụ là không vụ lợi", biến công vụ thành tư lợi chỉ bởi cái ý nghĩ ấy. 

Phải tiền tệ hóa tiền lương

Ông nghĩ sao khi có quan điểm cho rằng, sở dĩ có hiện tượng quan chức mời cưới, mời ăn giỗ... ghi rõ tên lên thiệp là do họ không đủ sống, phải tranh thủ kiếm thêm?

Cái đó là có. Lãnh đạo mà lương chỉ 6 - 7 phẩy, hiếm lắm mới có 8 phẩy, nhân lên chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng thì sống sao được? 

Nhưng thực tế, lãnh đạo vẫn có nhà, có ô tô riêng? Và nghe phong thanh trong đó vẫn có người chạy chọt "mua quan bán chức"?

Khi tôi làm trong học viện, chuyên gia nước ngoài trố mắt hỏi tôi: "Sao lương các ông thấp thế mà toàn đi xe sang?". 

Tôi chỉ cười, bảo họ rằng chúng tôi đâu thể chỉ sống bằng lương. Với giới làm khoa học thì nhận các công trình nghiên cứu, đi giảng dạy thêm. Còn một bộ phận khác giàu có một phần là do tham nhũng. 

Trong đó có kiểu tham nhũng gián tiếp thông qua việc kiếm thêm khi tổ chức tang ma, cưới hỏi... Tất nhiên, không thể nói hoàn toàn vì lương thấp, cũng không phải ai cũng làm thế. Song rõ ràng đó đang là thực tế cần phải tháo gỡ.

Phải chăng khi nâng lương sẽ hạn chế được việc quan chức "tranh thủ kiếm thêm" như thế?
 
Nâng lương cũng là một giải pháp thôi. Theo tôi, biện pháp lâu dài và cơ bản nhất là phải tiền tệ hóa tiền lương, bỏ tất cả các khoản mang tính hiện vật mà gọi là đặc quyền đặc lợi đấy. 

Nghĩa là khi ấy không có phụ cấp xe, điện thoại, nhà riêng mà trả hết vào lương. Thứ hai, phải thay đổi hệ số tiền lương, tại sao chỉ cách nhau cao nhất 13 lần? Bây giờ, nên quy thẳng ra là lãnh đạo ở từng cấp mức lương cụ thể là bao nhiêu? 

Ví dụ, Bộ trưởng là 30 triệu đồng/tháng, Chủ tịch tỉnh là 25 triệu đồng/tháng... Chấm hết. Tuy nhiên, cũng phải nâng lương anh dưới lên để không bị chênh lệch.

Như ông chỉ ra, việc quan chức tổ chức tang ma, cưới hỏi để kiếm thêm cũng là biểu hiện của tham nhũng. Phải chăng, cần phải có văn bản pháp luật quy định việc mời cưới xin, ma chay đối với đội ngũ này?

Tôi cho rằng, khi đã tạo nên thói quen, một nếp văn hóa (dù xấu) thì không thể dùng văn bản quy phạm pháp luật được mà phải tuyên truyền, tạo phong trào chung cho xã hội. 

Tất nhiên cũng phải tiến hành từng bước những giải pháp như tôi nói ở trên. Quan trọng là cán bộ có thực tâm muốn làm hay không mà thôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

"Cách đây mấy năm, có địa phương đã cấm nhận quà Tết. Cán bộ cũng chỉ làm được trong một năm. Bây giờ có thấy ai nhắc đến nữa đâu? Sợ nhất là việc làm gì cũng phải sờ tay lên gáy mình. Như thế thì chẳng bao giờ thành công được".   

GS Bùi Văn Nhơn

 
Vũ Thủy (Thực hiện)