THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

22 March 2012

Nhiều khe nứt trên đập thủy điện sông Tranh


Đập thủy điện Sông Tranh 2 xuất hiện nhiều vết nứt, thấm nước và rò rỉ tới mức thành vòi xối xả qua thân đập, khiến người dân vùng hạ lưu lo sợ.

Đây là dự án do Tổng Công ty Điện lực (EVN) làm chủ đầu tư với số vốn hơn 5,000 tỉ đồng và là công trình thuỷ điện lớn nhất miền Trung đi vào hoạt động hồi năm 2010.

Theo đại diện ban quản lý thuỷ điện, vết nứt này không phải là sự cố kỹ thuật, còn chủ đầu tư thì cho rằng những vết nứt này là "có vấn đề" chứ chưa phải là "sự cố" thế nhưng, các chuyên gia kỹ thuật khẳng định đó là biểu hiện không thể xem thường.

Ông Trần Văn Hải, trưởng ban quản lý cho biết mức thấm 30 lít/ giây ở đập thuỷ điện là thấp và những khe nứt đó chỉ là khe nhiệt. Theo ông thì hiện tượng này không phải là sự cố kỹ thuật mà chính là nhà thiết kế cố tình tạo ra khe như vậy, mục đích các khe nhiệt là để bê tông có thể giãn nở trong quá trình thuỷ hoá. Ông Hải còn cho biết thêm, các hiện tượng này đã được Hội đồng nghiệm thu NN đánh giá đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. 

Thế nhưng, khi trả lời báo chí, ông Hải cũng thừa nhận một số ống thoát nước của khe nhiệt bị tắc, gây rò rỉ, và cho biết hiện tượng nứt, rò nước là có vấn đề chứ chưa phải là sự cố. Theo ông Hải thì vết nứt với lưu lượng 30 lít/ giây chưa hề hấn gì đến độ an toàn của con đập, mà về lâu dài thì có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của con đập mà thôi.

Thế nhưng, theo GSTS Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội Cơ học thuỷ khí VN, không có công trình nào có hành lang thu nước thấm đặt ở phần hạ lưu của thân đập. Thông thường phải đặt hành lang thu nước thấm ở 1/3 thân đập phía trên còn 2/3 phía dưới phải khô ráo 100%.

Trong khi đó, GS Cao Đình Triều, Viện vật lý địa cầu nhận định hiện tượng nứt và rò rỉ là hiện tượng bất thường, nếu không xử lý kịp sẽ có hậu quả khó lường.
Còn theo nhận xét của ông Hoàng Xuân Hồng, trưởng Ban khoa học Công nghệ của Hội Hồ Đập lớn và Bảo vệ nguồn nước VN thì cho rằng lưu lượng thấm cho phép qua toàn bộ thân đập theo các tiêu chuẩn hiện hành nhưng tuyệt nhiên không cho thấm trên mặt đập và nhất là không thể cho phép nước chảy thành dòng.

Ngoài ra, ông Hồng cho rằng cách ban quản lý dự án bịt các khe để hạn chế nước thấm bằng keo là công nghệ đơn giản, thô sơ là không hiệu quả. Ông cho biết thêm, dòng chảy qua khe nứt của đập với áp lực cột nước lớn sẽ xói mòn các vật liệu xung quanh, sẽ mở rộng nhanh chóng các vết nứt. Nguy cơ vỡ đập sẽ cao khi có sóng bão hoặc động đất. Lúc đó, nhà cửa bị xoá sổ, tính mạng người dân bị đe doạ nghiêm trọng. 

Trong phần thời sự chúng tôi có bài viết của Thanh Trúc về vấn đề này, mời quý vị theo dõi.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved