THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

10 April 2012

6 năm nữa, lương 3 triệu đồng "quả là rất thấp"!


Báo mạng VietnamNet cho hay vào năm 2018, tức là còn 6 năm nữa, lương tháng tối thiểu của công chức sẽ được điều chỉnh lên mức 3 triệu đồng. VietnamNet cho rằng số lương ấy "quả là rất thấp", do chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà chính phủ Việt Nam muốn hướng tới.

RFA photo

Công nhân làm đường


Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt có đặt mục tiêu là tới năm 2020, lương công chức, cán bộ phải bảo đảm cho cuộc sống gia đình ở mức trung bình khá, nhưng không con số chính xác nào được công bố.

Mới đây, các quan chức thuộc Vụ Tiền lương thuộc Bộ Nội vụ là những chuyên gia hoạch định và cải cách tiền lương công chức lại đưa ra con số 3 triệu đồng lương tháng tối thiểu vào năm 2018.

Người nghèo mưu sinh- RFA photo
Người nghèo mưu sinh- RFA photo
Phát biểu với phóng viên RFA, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế Trung ương, nói lên quan điểm của ông về chuyện xét tăng lương cho công chức, cán bộ. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh khẳng định rằng muốn bảo đảm được mức sống tối thiểu của hàng chục triệu lao động khắp nước thì chánh phủ cần sớm giải quyết nguyên tắc cơ bản, chứ không phải là cách bù đắp hay chắp vá tạm thời mà ông thường gọi là biện pháp "gọt chân cho vừa giày":

Chỉ có thể khắc phục được một cách cơ bản là cải cách biên chế. Cách quản lý của nhà nước tức là dựa trên hiệu quả công việc, mà không cần có điều kiện gì. Phải khắc phục tình trạng rất phổ biến trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước đây, trả lương giả vờ thì cũng làm việc giả vờ, và đấy là một việc làm tha hóa con người. Người Việt Nam chuộng lao động, cần cù nhưng nếu hệ thống tiền lương, động lực vật chất không phù hợp, thì có thể dẫn đến chuyện con người giả vờ làm việc, lãnh lương giả vờ, điều ấy là một bi kịch mà chúng ta phải chấm dứt."

Theo các báo trong nước thì mức thu nhập trung bình của công nhân viên hiện giờ khoảng trên dưới hai triệu đồng một tháng, bao gồm các loại phụ cấp tiền nhà trọ, tiền xăng. Nhưng với tỷ lệ lạm phát tăng vọt, gía cả, hàng hóa, dịch vụ leo thang, cuộc sống của giới lao động không những không được cải thiện mà còn eo hẹp, chật vật, điều kiện sống thấp kém hơn, cần kiệm mấy cũng khó đủ sống, khi đau yếu, bất trắc thì dễ lâm cảnh nợ nần.

Báo Lao Động khẳng định, lương tối thiểu của người lao động còn rất xa mức sống tối thiểu, cho dù trong vòng 10 năm qua lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng 7 lần, nhưng vẫn "hụt hơi" vì cuộc chạy đua với lạm phát.

Cũng qua trao đổi với RFA tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề cập đến các mục tiêu mà chính phủ cần nhắm tới mỗi khi có quyết định tăng lương:

"Chỉ có thể tăng lương dựa trên tăng năng suất lao động, thì tăng lương mới có bền vững. Kế đó là phải kiềm chế lạm phát, nếu không thì lương tăng không đủ cho sự thiệt thòi của người dân phải chịu đựng mức tăng giá. Như thế mới có thể giải quyết được vấn đề tiền lương, một cách cân bằng, ổn định và bền vững. Tình hình thu nhập của người dân Việt Nam đã bị giảm sút đáng kể do yếu tố lạm phát, như vậy đó là một thứ thuế vô hình đánh vào tất cả những người nào dùng tiền Việt Nam và mức tăng lương sẽ phải bù đắp cho đủ cái sự giảm sút đó."
Ngay sau khi VietnamNet loan tin đến năm 2018 lương tháng được tăng lên ba triệu đồng, nhiều bạn đọc tức khắc lên tiếng. Một công chức nhà nước nói lương hiện giờ đã quá thấp so với sinh hoạt xã hội. Chờ 6 năm nửa lương chỉ 3 triệu đồng thì các ngành nghề khác sẽ được hưởng từ 6 đến 7 triệu đồng. 
Một bạn đọc khác than "Tội nghiệp cho công chức quá, không biết đến năm 2018 tỷ lệ lạm phát của Việt Nam là bao nhiêu, lúc ấy 3 triệu đồng sẽ giúp trang trải được bao nhiêu phần trăm chi phí cho cuộc sống đạm bạc của mỗi gia đình."
Ngoài ra, cũng có người đề nghị là nhà nước không cần tăng lương vào năm 2018 mà nên có biện pháp chấm dứt nạn lạm phát, ổn định, kềm giá các mặt hàng thiết yếu. Trong tình hình hiện nay, mỗi khi nghe tăng lương là ai nấy đều thấy lo sợ vì vật giá tăng vọt gấp bội.

Cửa hàng thịt trong chợ Bến Thành- AFP photo
Cửa hàng thịt trong chợ Bến Thành- AFP photo

Một bạn đọc đặt vấn đề thiết thực là khi nào công chức được tuyển dụng bằng năng lực thật sự, loại bỏ nạn bè phái, những người kém cỏi thì số lượng công chức chỉ cần chừng một phần tư mức hiện nay, có nghĩa là lương của họ có thể tăng gấp 4 lần, lúc ấy hy vọng họ sẽ có đồng lương tạm sống đủ.

Trở lại với hòan cảnh và cuộc sống thực tế, chị Liễu một công chức ở Bình Dương giải thích việc mỗi cá nhân có thể chi xài như thế nào với đồng lương tháng 3 triệu đồng như hiện giờ:
"Cũng chỉ đủ cho một người sống với mức bình thường chứ chưa phải là cao, thí dụ bình quân mỗi ngày chi xài khoản 200 ngàn đồng, là cần tới 6 triệu đồng, một tháng. Ba triệu thì phải sống tiết kiệm lắm mới đủ cho mức chi phí của một người bình thường" 
Vậy cần bao nhiêu mới gọi là sống được lúc này, chị làm nhanh con toán với đáp số như sau:
"Với đồng lương công chức mà hai vợ chồng cùng đi làm mỗi người lãnh lương sáu triệu đồng, cộng lại là 12 triệu thì vừa đủ sống, nếu tiết kiệm thì có thể dư phần nào, hay phần đó. Có điều kiện thì làm thêm, những người sống gần bìa rừng thì có thể canh tác về cao su, một số cũng có được đời sống tương đối." 
Cũng nói về chuyện vật giá, chị Trang, từ nước ngoài về thăm nhà, kể lại về giá những mặt hàng mà mình thấy bày bán trong chợ Saigon, mấy hôm nay:

"Bữa nay là lễ Thanh Minh, một kí thịt quay là 350 ngàn. Gạo thường 16 ngàn đồng một ký. Giá gà gần giống như bên Âu Châu. Tôm thường, không phải tôm càng là hai trăm mấy chục ngàn một kí, cua giá gần 5 trăm ngàn, một kí, công lãnh ba triệu đồng một tháng thì không làm được gì."
Bà Loan có nhiều người thân trong
 gia đình làm công chức biết rõ vịêc chi tiêu của từng cá nhân:
với đồng lương ba triệu đồng, ai độc thân thì sống gói ghém được, không mắc nợ, nhưng đừng bị bệnh hoạn, còn nếu có gia đình, có con thì họ phải bương chải chứ 3 triệu thì không đủ."
 

Công nhân đường sắt - RFA photo
Công nhân đường sắt - RFA photo
Bà kể thêm về những việc làm ngoài giờ của các công nhân viên hầu bù đắp phần nào cho ngân quỹ gia đình:
"Mọi người phải chạy làm thêm kiếm đủ tiền cho sinh hoạt gia đình, vì dụ như ngoài giờ làm việc đi lãnh đồ, bỏ mối. Thứ bảy, chủ nhật cũng tiềm cách làm thêm, đi giao hàng, đi bán lẻ, bỏ mối, người ta là những người giỏi như vậy đó."
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy hiện có tới gần 49% lao động Việt Nam có thu nhập thấp, nên hầu hết đều phải là thêm việc, thêm giờ, hoặc đành phải sống thắt lưng, buộc bụng.
Trước tình trạng này, người lao động mong mỏi các cơ quản quản lý thị trường, giá cả áp dụng chặt chẽ các biện pháp ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý, tránh chuyện lương chưa tăng mà vật giá đã leo thang gấp bội.