THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 April 2012

Cần chặn kế hoạch bán thương hiệu cho TQ

Cần chặn kế hoạch bán thương hiệu cho TQ
Thương hiệu cà phê Đức Lập có nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc nếu HTX Minh An không được cứu kịp thời

Thứ Năm, 19/04/2012, 07:55 AM (GMT+7)
 
Ngày 18-4, UBND huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có văn bản yêu cầu các phòng ban địa phương tham mưu biện pháp ngăn chặn kế hoạch bán thương hiệu cà phê Đức Lập cho doanh nghiệp nước ngoài.
 
Đồng thời các phòng ban phải khẩn trương kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Minh An - đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê Đức Lập - để báo cáo cho UBND huyện.
"Việc bán thương hiệu cà phê Đức Lập là quyền của HTX Minh An, nhưng phải được sự đồng ý của các xã viên trong HTX "
Ông PHẠM TUẤN ANH
(UBND huyện Đắk Mil, Đắk Nông)
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tuấn Anh, phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, cho biết trước đây HTX Minh An từng có ý định bán thương hiệu này cho doanh nghiệp của một Việt kiều Úc, nhưng quan điểm của UBND huyện là phải giữ lại thương hiệu cà phê này vì “Đức Lập” là tài sản chung của địa phương. Liên quan đến thông tin HTX Minh An dự kiến bán thương hiệu cà phê Đức Lập cho đối tác nước ngoài, ông Tuấn Anh cho biết đối tác có ý định mua là Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Quảng Châu, Trung Quốc), đơn vị đang tranh chấp thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với UBND tỉnh Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Văn Toàn, trưởng ban quản trị HTX Minh An, cho biết HTX đang gặp rất nhiều khó khăn vì làm ăn thua lỗ, mất vốn kinh doanh. HTX Minh An hiện đang nợ của 115 người dân 90 tấn cà phê nhân và hai tổ chức tín dụng gần 10 tỉ đồng. HTX vẫn chưa tuyên bố phá sản vì muốn giữ lại thương hiệu cà phê Đức Lập đã được bảo hộ tại VN, Hoa Kỳ và Trung Quốc. “Nếu được vay 5 tỉ đồng thì HTX sẽ chuyển giao chữ “Đức Lập” cho địa phương mà không đòi hỏi bất cứ một khoản chi phí nào”, ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, đầu tháng 3-2012, HTX đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông tạo điều kiện để HTX được vay 5 tỉ đồng tại Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để kinh doanh, tránh việc phải chuyển nhượng thương hiệu cà phê Đức Lập cho nước ngoài. Sở NN&PTNT Đắk Nông đã có văn bản trả lời việc vay vốn hoặc chuyển nhượng thương hiệu cho nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, đồng thời yêu cầu HTX chuyển giao chữ “Đức Lập” trong nhãn hiệu cho địa phương nhằm xây dựng thương hiệu chung của tỉnh Đắk Nông.

Liên quan đến đề nghị “cho vay tiền, nhượng thương hiệu” của HTX Minh An, ông Phạm Tuấn Anh cho biết UBND huyện có thể nhận chuyển nhượng thương hiệu này với giá thỏa thuận với HTX Minh An. UBND huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho HTX có thể vay một khoản tiền để vượt qua khó khăn trước mắt. Tuy nhiên đến nay, UBND huyện chưa nhận được ý kiến chỉ đạo.

Trong khi những khó khăn và kiến nghị của HTX Minh An chưa được giải quyết, theo ông Toàn, Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd ra giá mua lại thương hiệu cà phê Đức Lập là 18 tỉ đồng. “Chúng tôi vẫn chưa trả lời vì muốn giữ thương hiệu này cho địa phương...”, ông Toàn nói.

Thương hiệu cà phê Đức Lập (quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức cũ - nay là huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) có từ trước năm 1975 và nổi tiếng không kém thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Sau năm 1975, mặc dù địa danh thay đổi nhưng tên “Đức Lập” vẫn được giữ lại làm thương hiệu cà phê tại huyện Đắk Mil. Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa “Cà phê Đức Lập Minh An & hình” và “Cà phê Đức Lập Đắk Mil & hình” cho HTX dịch vụ nông nghiệp Minh An.