THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 April 2012

Nhà trọ ồ ạt 'thổi giá' theo lương



Gần tháng nay, cả khu trọ ở số nhà 10B, 121/57 Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị xáo động bởi thông tin sốc của ông chủ nhà: Từ 1/5 giá nhà trọ sẽ tăng thêm 20%. Với mức này, mỗi phòng phải chi thêm 400 - 500 nghìn đồng mỗi tháng.

Cụ thể, căn phòng tầm 20 mét vuông trước đây có giá 2,2 triệu thì giờ tăng lên 2,640 triệu. Các phòng rộng hơn giá 2,6 triệu thì cứ thế mà nhân lên.
Thông báo tăng tiền nhà của chủ khu trọ 10B, 121/57 Kim Ngưu (Hà Nội). Tiền nhà tăng thêm 20% đồng nghĩa với việc mỗi phòng trọ sẽ tăng thêm ít nhất 440.000 đồng. Ảnh: Phan Dương.
Trong vai một người đi tìm phòng trọ, phóng viên VnExpress.net đã trực tiếp nói chuyện với chủ nhà tên Mai. Người phụ nữ này nói: "Nhà tôi có 16 phòng cho thuê với giá từ 2,2 triệu đến 2,6 triệu đồng một phòng tùy diện tích. Từ 1/5, tiền phòng sẽ tăng thêm 20% nữa".
Từ ngày 1/5, lương tối thiểu áp dụng cho cán bộ, công chức nhà nước sẽ tăng 220.000 đồng so với hiện nay, lên mức 1.050.000 đồng mỗi tháng.
Khi hỏi lý do vì sao tăng, bà cho biết: "Tiền lương sắp tăng nên tiền nhà cũng tăng theo. Nếu cô thuê trọ thì tháng đầu tôi sẽ thu với mức giá cũ, còn các phòng khác vẫn cứ tăng từ đầu tháng 5".
Không chỉ trường hợp trên mà nhiều chủ nhà trọ trên địa bàn Hà Nội cũng rục rịch thiết lập giá thuê mới.
Trời nóng mà mâm cơm chỉ có món canh cà và trứng rán làm Dịu (sinh viên năm 3, Học viện Hành Chính) nhai vài miếng rồi bỏ bữa.
Cô ngao ngán: “Nửa tuần nay, chúng em ăn như vậy rồi. Phòng trọ đột ngột tăng tiền làm em thâm hụt 200.000 đồng. Giờ chỉ còn vài chục ngàn để ăn uống. Hôm kia em đi chợ mua chục trứng và 2 kg cà tím mất 30.000 đồng may ra cầm cự đến cuối tháng”.
Dịu trọ trong một căn phòng ẩm ướt chưa đầy 12 mét vuông ở Trung Hòa (Cầu Giấy). Năm đầu, căn phòng của cô chỉ 800.000 đồng. Sau 3 năm đại học nó tăng lên 1,4 triệu.
“Tính cả 100.000 đồng tiền mạng, 80.000 tiền nước, hơn 200.000 tiền điện rồi còn cả trăm nghìn tiền vệ sinh và gửi xe, hàng tháng em và người bạn cùng phòng mỗi người mất cả triệu tiền phòng”, Dịu cho biết.
Dịu quê ở Hải Dương. Trước đây, mỗi tháng bố mẹ chu cấp 1,2 triệu đồng mà cô vẫn rủng rỉnh. Dù xót xa nhưng hiện giờ cô phải xin bố mẹ tới 2 triệu đồng mỗi tháng.
Cô nói: “Em cũng là đứa tiết kiệm, biết cách chi tiêu hợp lý. Nhưng rồi giá nhà trọ, ăn uống đều tăng, em đành phải xin bố mẹ gửi thêm. Nhà có 3 anh em học đại học, bố mẹ em cứ phải chịu cảnh giá đội giá như vậy đó".
Mấy ngày nay, Phạm Thùy Linh (sinh viên hệ trung cấp, Đại học Lao động Xã hội) khốn đốn tìm người ở ghép tại Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội). Nguyên nhân vì tiền phòng từ 1,8 triệu lên 2 triệu, các chi phí khác cũng tăng theo khiến 2 cô bạn ở cùng “lặn” đi nơi khác.
“Phòng trọ của mình đẹp và mát. Bình thường giá ở đây đã cao hơn những nơi khác rồi, vừa mới tăng hôm Tết, giờ lại tăng thêm 200.000 đồng mỗi phòng. Bà chủ nói lương tăng nên tiền nhà cũng phải tăng. Bọn mình là sinh viên thì lấy đâu ra lương mà cứ đòi tăng”, Linh hậm hực.
Rồi cô kể thêm: "Mỗi lần giá tiền phòng tăng là mấy đêm mình không ngủ được. Lo lắng vì trong túi hết tiền, lo lắng làm sao để nói xin thêm tiền từ bố mẹ, lo lắng bố mẹ lại phải nai lưng ra để gánh khoản tiền này. Nếu mà chuyển đi nơi khác thì các chi phí đi lại, sắm đồ mới còn lớn hơn nên đành phải chấp nhận chuyện tăng giá như cơm bữa".
Kiên (sinh viên Đại học Giao thông vận tải) lại khác. Bà chủ vừa nói tăng giá, cậu lạnh lùng dọn đồ "một đi không trở lại".
Một buổi chiều cuối tháng 4 ở Cổ Nhuế, Kiên đang loay hoay chuyển đồ sang phòng trọ mới. Cậu cho biết: "Tôi vốn không ưa nhà chủ hay xoi mói, hạch họe, cứ hơi tí là dọa đuổi. Lần này, phòng tăng thêm 100.000 đồng nên tôi đi luôn. Cái căn phòng bé tí, nóng như lò bát quái mà một năm lại tăng vài lần".
4 năm ra Hà Nội học, Kiên đã từng thuê trọ ở Hoàng Hoa Thám, Cổ Nhuế, Mỹ Đình rồi cả Thanh Xuân, vậy nhưng đa phần cậu đều ra đi vì bức xúc với lý do tăng giá vô lý của chủ nhà.
"Lần trước, ông chủ bảo sửa đường ống nước, xây bể mới nên đòi tăng điện, nước thêm 500 đồng một số. Có lần lại thấy bảo xăng tăng nên phải tăng tiền nhà. Lần này lại lấy lý do lương tăng mà đẩy giá lên", Kiên liệt kê.
Trước cơn bão tăng giá, nhiều sinh viên tìm đến các khu nhà cấp 4 có giá thuê rẻ hơn nhưng hiện nay, hầu hết các khu nhà cấp 4 trên địa bàn Hà Nội đã xuống cấp. Phòng bé, nước giếng khoan, an ninh không đảm bảo. Ảnh: Phan Dương.
Vợ chồng chị Cương quê Nam Định thuê một căn phòng cấp 4 vừa xây ở Nhân Mỹ, Mỹ Đình. Phòng có gác xép, rộng 40 mét vuông với giá 4,2 triệu, nay tăng lên 4,5 triệu đồng.
Chị nói: "Lần này được tăng lương, vợ chồng tôi hồ hởi vì sẽ có một khoản nhỏ dành cho đứa con sắp ra đời. Ai ngờ, lương tăng một, chi phí lại tăng lên 5 lần".
Khệ nệ vác cái bụng vượt mặt ngồi trước hiên nhà, chị Cương trầm ngâm một hồi rồi kể: "Gia đình tôi trọ ở đây chỉ được tháng đầu nhà chủ tính điện nước theo giá sinh hoạt. Từ tháng thứ 2, họ chuyển sang giá kinh doanh. Dù bất bình nhưng tôi bụng mang dạ chửa đành phải tiết kiệm ăn tiêu, bù tiền nhà".
Bà Nga (52 tuổi) bán rau ở chợ Nhân Mỹ cho biết: "Hầu khắp khu này đều tăng tiền nhà. Bây giờ đồng tiền mất giá, xăng cứ thế tăng cao. Nghe đâu người lao động được tăng lương nên chủ nhà đón đầu trước vì chắc chắn sau đợt này, giá cả các loại khác cũng theo đà lấn tới".
Phan Dương