THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 April 2012

Tình trạng ngập nước ở Sài gòn


2012-04-11

Sài gòn là một thành phố ven biển, với diện tích đa phần nằm ở vùng đất thấp và thường xuyên bị ngập nước trong nhiều năm qua.

Photo courtesy of tinmoi.vn

Sau một cơn mưa lớn, nhiều nơi trong thành phố ngập như sông.

Quy hoạch không hợp lý

Phần lớn rừng đầu nguồn có chức năng điều tiết nước đã bị chặt phá nặng nề; ở cuối lưu vực sông Đồng Nai, Sài gòn dễ bị tác động bởi lũ đầu nguồn tràn về. 
Trong cơn bão số 1 vừa qua, mực nước có nơi ngập đến ngang thắt lưng. Còn hơn 1 tháng nữa là tới mùa mưa, vậy mà tình trạng ngập úng triền miên vẫn chưa có gì khả quan. Chúng tôi đã trình bày tình trạng này cùng Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, được cho biết nguyên nhân như sau:

"Tình trạng thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, thứ nhất là do thành phố nằm trên khu vực đất yếu, đất trũng. Thành ra là kết hợp những đợt mưa, triều cường và thoát nước chậm, sẽ gây úng ngập nhất định. 

Lịch sử phát triển thành phố thời gian qua, có giai đoạn phát triển thiếu mô hình phù hợp. Mình phát triển theo dạng vết dầu loang. Tức là lực thì có hạn, không có tiền để làm đường xá vượt ra ngoài xa. Cuối cùng là do sự phát triển đó, khi gặp những khu vực trũng yếu không thể phát triển đô thị; mình vẫn đến ở, vẫn cứ xây dựng làm cho những khu vực, thay vì nó được ngấm, hút nước và thoát nước; do phát triển lan tỏa, những khu vực này bị chiếm dụng. Kết hợp với nền đất thấp yếu, vấn đề ngập lụt tất nhiên sẽ xảy ra."   

Chỉ trong 10 năm đô thị hóa, khả năng chứa nước trong thành phố đã giảm gần 10 lần. Theo Tiến sĩ Kiến trúc sư Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn, tình trạng ngập lụt hiện nay tại Sài gòn không phải do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, mà do quản lý đô thị kém. Chính tình trạng chuyển đổi diện tích bề mặt tự nhiên có khả năng thấm 50% nước mưa thành bề mặt đô thị bê tông hóa với khả năng thấm khoảng hơn 10% lượng nước mưa, đã làm gia tăng tình trạng ngập nước ở Sài gòn. 

Quá trình đô thị hóa trong hơn chục năm này, đã làm biến mất 47 con kênh. Có thể thấy rằng, tình trạng Sài gòn ngập lụt hôm nay là hậu quả của thái độ chưa quan tâm đúng mức ngay từ khâu hoạch định phát triển đô thị. Vậy đến nay, thực trạng này đã được giải quyết đến đâu ? Đối với tình hình hiện tại, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa có nhận xét rằng:

"Hiện nay tình hình giảm ngập nước vẫn còn đang là lúng túng bài toán hiện trạng. Chính vì vậy mà thành phố có một Trung tâm chống ngập, có quyền đề xuất với thành phố các bài giải về vấn đề chống ngập."

Là một thành phố luôn bị ngập, nhưng hầu hết hệ thống thoát nước cũng như các đê bờ bao của Sài gòn đã cũ kỹ và quá tải. Không ít dự án chống ngập được triển khai, nhưng tiến độ thi công là đáng quan ngại. Đầu tháng này, ông Nguyễn Hữu Tín, phó chủ tịch UBND thành phố đã từng yêu cầu các đơn vị đình chỉ thi công đối với các công trình chống ngập kéo dài có chất lượng yếu kém. 

Trong mắt người dân Sài gòn, chỉ cần một cơn mưa lớn, nhiều tuyến đường biến thành sông chẳng còn lạ lẫm. Khi nhắc về trận bão hồi đầu tháng, người dân ở đường Âu Cơ, Tân Phú kể:

"Mưa thì ngập. Mấy mùa mưa trước, nó ngập lên đến đầu gối luôn. Đường cống chạy chậm quá, tất cả nước đổ ra thì ngập từ ngoài đường tràn vô nhà người ta. Xe người ta đi, nó ngập gần nửa cái bánh xe."    

Dân tự ứng phó

ngap1-250.jpg
Người dân tự ứng phó khi nước tràn vào nhà. Photo courtesy of tinviet
Theo kết luận một cuộc khảo sát cuối năm ngoái, 75% các khu vực bị ngập ở Sài gòn không phải do triều cường cao, mà do khả năng thoát nước của hầu hết hệ thống chỉ đáp ứng lượng mưa thấp. Ông Hồ Long Phi, Giám đốc Ban Quản lý dự án chống ngập nước thành phố cho rằng, tất cả các dự án hiện nay đều thiên về giải pháp công trình với mức độ bảo vệ hữu hạn. Vì vậy, dễ bị tổn thương khi đối phó với các biến cố vượt thiết kế. 

Cần phải cân bằng giữa biện pháp trực tiếp xây dựng công trình chống ngập với các phương pháp xây dựng ý thức chung. Về biện pháp lâu dài, theo Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hòa sẽ là như sau:

"Mình bắt đầu có khả năng phát triển hạ tầng kỹ thuật một vài chục km xa hơn, ra khỏi thành phố. Phát triển đường tàu điện, đường giao thông chính thì mới đưa dân ra những chỗ đất cao được. Mở những khu đô thị vệ tinh, ở những khu đất cao, đất tốt. Làm sao khuyến khích người dân ở những vùng đất trũng yếu bị ngập nước, người ta sẽ chuyển dịch đến những vùng đất cao. 

Như vậy trả lại cho thành phố những khu vực đất không phát triển dân cư mà phát triển cây xanh, hồ điều tiết nước… Như thế thì tình hình ngập nước sẽ giải quyết được rốt ráo. Hai việc được tiến hành song song."        

Các thông tin giải quyết ngập úng thuộc tầm vĩ mô này, xem ra chưa đến được người dân. Những biện pháp tự ứng phó trong thực tế thì đơn giản hơn. Khi hỏi ý kiến của người dân, chúng tôi nghe được rằng:

"Tôi đâu có biết ý kiến người ta ra làm sao. Giờ chỉ biết đợi mưa xong, múc nước đổ đi, lau nhà thôi. Người ta làm bờ ngăn cái thềm nhà nhưng mà nước vẫn tràn vô."

Tôi đâu có biết ý kiến người ta ra làm sao. Giờ chỉ biết đợi mưa xong, múc nước đổ đi, lau nhà thôi. Người ta làm bờ ngăn cái thềm nhà nhưng mà nước vẫn tràn vô. 

Một người dân SG

Tình trạng phát triển đô thị không hợp lý ở Sài gòn trong nhiều năm qua đang gây ra nhiều hệ lụy. Để giải quyết cần các biện pháp rất tốn kém, thậm chí không ổn thỏa. Trong báo cáo Đánh giá đô thị hóa ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) có nhận xét, hệ thống đô thị hiện nay của Sài gòn đang hạn chế lợi thế cạnh tranh của chính thành phố này.

Nếu mực nước biển dâng 1 m, nguy cơ sẽ có trên 20% diện tích Sài gòn bị ngập. Khả năng chống ngập của Sài gòn có vẻ chưa đủ ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Vấn nạn này khó có thể giải quyết rốt ráo, nếu chưa được xem như là một chính sách an sinh xã hội.


Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.