THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 May 2012

Bạo hành của giáo viên mầm non


2012-05-20
Trong ngành giáo dục mầm non hiện nay ở Việt Nam, việc “chạy” trường tìm chỗ học cho con có thể xem như là một trong những vấn đề nan giải của phụ huynh.

AFP photo
Một lớp học trong trường mầm non tại thành phố Biên Hòa


Một khi các con em có được nơi chỗ để học rồi thì nỗi âu lo của phụ huynh vẫn còn đó. Những lo lắng nào của phụ huynh gặp phải khi mỗi ngày học sinh mầm non đến trường?
Mùa hè chưa kịp đến nhưng các bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi học mẫu giáo, lớp một đã tất bật tìm trường cho con. Đối với nhiều vị phụ huynh để con em mình được vào học ở một ngôi trường tốt và an toàn, thật sự là điều quá khó cho họ.
Sự kiện hàng trăm phụ huynh chen lấn nhau đạp đổ cánh cổng trường PTCS Thực nghiệm ở Hà Nội báo động một hiện trạng trầm trọng của ngành giáo dục mầm non ở Việt Nam hiện nay. Tình trạng thiếu trường và quá tải học sinh mầm non đang là một vấn đề nan giải. Nhiều phụ huynh không thể tìm được một nơi học cho con dù đã xoay sở trăm phương ngàn cách rồi, cuối cùng người vợ - người mẹ đành phải ở nhà giữ con, không thể đi làm.

Ác mộng của bậc cha mẹ

Không phải phần nhiều phụ huynh có điều kiện với giải pháp này. Gửi con cho bảo mẫu hành nghề tự do thì chắc hẳn đây là giải pháp nhiều phụ huynh lựa chọn. Tuy nhiên, các tin tức về những nạn nhân nhỏ tuổi bị bảo mẫu hành hạ vẫn luôn ám ảnh các bậc phụ huynh. Có lẽ dư luận vẫn chưa quên câu chuyện một bé gái 3 tuổi ở Bình Dương bị bảo mẫu Trần Thị Phụng hành hạ ngược đãi: túm tóc, hắt nước vào mặt khi tắm trong suốt một năm dài.
Là phụ huynh thì ai cũng muốn con mình được học ở một nơi tốt và an toàn. Phụ huynh luôn tìm cách để gửi con em vào các trường học công lập hay tư thục mầm non. Bên cạnh các điều kiện về cơ sở vật chất thì quan trọng hơn cả vẫn là tâm lý an tâm về đội ngũ giáo viên, bảo mẫu ở trường. Cô giáo Nguyệt có thâm niên 15 năm, từng công tác ở trường Mẫu Giáo Mầm Non 19/5, quận 1, TP.HCM chia sẻ:
“Khi mà ngồi trên ghế nhà trường, còn là một sinh viên và khi được vào học môi trường sư phạm thì chắc chắn các cô đều đã được học qua về phẩm chất tốt để trở thành một giáo viên mầm non giỏi, là phải có nhiệt huyết trong nghề, phải biết được tâm lý của trẻ và phải yêu trẻ. Đồng thời cũng phải có tâm huyết, có cái tâm trong khi làm việc bởi vì trẻ em đến từ nhiều thành phần khác nhau và nếu như giáo viên không tìm hiểu được tâm lý của bé thì khó có thể tiếp xúc tiếp cận được với bé.”
Dù biết rằng được an tâm nhưng các bậc phụ huynh vẫn luôn lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy đến với con mình khi tình trạng quá tải ở các trường hiện nay. Các cô giáo mầm non, những bảo mẫu ở trường được qua trường lớp huấn luyện có đủ khả năng cũng như là tố chất để chăm sóc cho các trẻ. Tuy vậy, tin tức về những tai nạn của trẻ ở trường vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông là nguyên nhân khiến cho phụ huynh cứ hồi hộp lo sợ cho sự an toàn của con mình.
Ngày hôm đó là con bé đi học về, cháu bị sưng tay, với kêu đau tay, không có cầm bút, không có ăn cơm được. Gia đình lo lắng, đưa cháu đi bác sĩ. Bác sĩ chụp X quang thì phát hiện ra xương tay ngay chỗ mu bàn tay của cháu bị nứt.
Một phụ huynh
Hơn ai hết, những bậc phụ huynh này luôn bị ám ảnh về tai nạn của bé Nguyễn Anh Đạt, 3 tuổi học ở trường mầm non tư thục Thiện Ý, TP Đà Lạt bị chết ngạt do cô giáo đặt cháu vào thang máy để dọa cho cháu nín khóc. Mới đây nhất, cuối tháng 4 năm nay, cháu Trần Minh Khoa, 5 tuổi học ở trường mầm non Ngân Hà, Đà Nẵng bị cô giáo đánh thủng màng nhĩ do cô giáo dùng tay đánh vào mặt cháu bởi vì cháu nghịch ngợm không chịu ăn làm đổ cháo lên quần áo của cô.
Một phụ huynh có con học ở một trường công lập tại Quận 3, TP HCM bị cô giáo đánh nứt xương tay do cháu dùng tay trái để viết, kể lại với đài RFA:
“Ngày hôm đó là con bé đi học về, cháu bị sưng tay, với kêu đau tay, không có cầm bút, không có ăn cơm được. Gia đình lo lắng, đưa cháu đi bác sĩ. Bác sĩ chụp X quang thì phát hiện ra xương tay ngay chỗ mu bàn tay của cháu bị nứt. Thì chắc là cô đánh mạnh quá, cô giận, cô đánh mạnh hay sao nên làm nứt xương cháu. Gia đình có lên hỏi thì cô nói không có vụ đó nhưng mình nghĩ là con nít thì chẳng có nói dối, có sao nói vậy.”
Phụ huynh này chia sẻ cũng có sự thông cảm cùng cô giáo do số lượng học sinh trong lớp đông nên có lúc cô bực bội, không kiềm chế được bản thân. Phụ huynh cũng cho biết là nếu tranh cãi với cô về tai nạn đã xảy ra thì chỉ thiệt cho con mình về sau. Do đó, phụ huynh này chọn giải pháp chuyển con qua học ở trường quốc tế có môi trường học tập tốt hơn với mức học phí cao gấp 3 lần. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện tài chánh như vị phụ huynh này.

Thiếu chuyên môn, đào tạo

Qua thông tin tìm hiểu, chỉ riêng ở TP Hà Nội có đến 20% số lớp mầm non đang hoạt động không phép. Phần lớn các trường lớp dành cho mầm non nhi đồng ở Việt Nam có nhiều biến động về đội ngũ giáo viên do cơ chế quản lý, giám sát yếu kém, có nhiều bất cập. Có những trường tư thục với qui mô nhỏ hay các nhóm trẻ gia đình có đội ngũ giáo viên không có chuyên môn. Đây chỉ là một nghề tự phát, chỉ việc trông coi và cho các cháu ăn. Do vì không qua trường lớp nên các cô bảo mẫu dễ nổi giận khi các bé không ăn hay không vâng lời.
Cô Nguyệt cho biết đa phần giáo viên hiện nay chỉ học Trung cấp Sư phạm Mầm non nên chỉ được học những kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ mà không được học môn “Tâm Lý Trẻ Em”. Cô Nguyệt nói:
“Thì môn học tâm lý trẻ em thì gồm có giáo dục về tinh thần và giáo dục về thể chất. Thì khi các cô không qua trường lớp như vậy thì các cô không hiểu được tâm lý của bé. Ví dụ như hôm đó, khi mà bé hoặc một nhóm trẻ đến lớp, bé bị cơ thể không được khỏe bởi vì trẻ em không thể nào như người lớn được, bộ phận hô hấp chưa có hoàn chỉnh thì có thể là bé khó ngủ, hoặc là món ăn đó bé không thích thì cô không hiểu được vấn đề đó. Mà mỗi ngày như vậy, có thể hôm nay trẻ này, hôm khác trẻ khác, một người bảo mẫu muốn làm xong công việc thì họ dùng hình thức giống như để cảnh cáo nhưng mà họ không có nghĩ đến tác hại tâm lý gây ra đối với một số bé như vậy.”
Trong lúc những nhà chuyên môn cũng như các cơ quan chức năng trong ngành giáo dục mầm non cố gắng tìm giải pháp hiệu quả nhất cho tình trạng quá tải học sinh nhi đồng thì về phía phụ huynh lại còn thêm nỗi âu lo thầm lặng và dai dẳng về sự an toàn của con em mình khi đến trường. Tất cả các bậc cha mẹ của các cháu thiếu nhi đều mong mỏi các cháu được học tập, vui chơi với những giáo viên hết lòng tận tụy và yêu thương các cháu như câu hát mà các cháu hay ê a: “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương.”
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.