THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 May 2012

“Bệnh lạ” hay phơi nhiễm dioxin?



2012-05-20
“Bệnh lạ” tại Quảng Ngãi đang là nỗi ám ảnh của người dân lẫn quan chức cũng như chuyên gia y tế trong nước.
Nguồn Phú Đức/Bacsigiadinh.com
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra bệnh cho người dân xã Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi).
Tuy nhiên theo kinh nghiệm nghiên cứu cũng như căn cứ vào y văn thế giới, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đặt giả thuyết rằng đây là triệu chứng phơi nhiễm độc chất như dioxin hoặc các loại thuốc diệt cỏ. GS Nguyễn Văn Tuấn hiện đang nghiên cứu và giảng dạy y khoa tại đại học New South Wales, đã dành cho Mặc Lâm cuộc phỏng vấn đặc biệt sau đây.

Gạo mốc có phải là nguyên nhân?

Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, câu hỏi đầu tiên xin được đưa ra: giả thuyết người dân ăn gạo mốc nên bị bệnh do quan chức trong nước nghi ngờ có phù hợp với bất cứ một y văn nào trước đó hay không?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Đầu tiên tôi muốn nói lời cảm ơn với anh để tôi có cơ hội trò chuyện đến vấn đề mà tôi rất quan tâm trong ngày hôm nay. Thứ nhất tôi cần phải nói rõ rằng tôi không phải là người làm trong lĩnh vực da liễu mà tôi chỉ làm trong chuyên môn loãng xương. Nhưng vì làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu y khoa thành ra chúng tôi rất quan tâm đến những trường hợp bệnh bộc phát một cách khó hiểu như thế này ở Việt Nam.
Anh có hỏi giả thuyết về gạo mốc có trong y văn hay không tôi xin trả lời thế này: Có thể nói tôi đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu trong y văn nhưng tôi không thấy bất cứ báo cáo nào trong quá khứ cho thấy rằng giả thuyết ăn gạo ủ (thật ra bây giờ người ta gọi là gạo ủ chứ không phải gạo mốc nữa) có liên quan đến bệnh như báo chí trình bày.
Tôi không thấy bất cứ báo cáo nào trong quá khứ cho thấy rằng giả thuyết ăn gạo ủ (thật ra bây giờ người ta gọi là gạo ủ chứ không phải gạo mốc nữa) có liên quan đến bệnh như báo chí trình bày.
GS Nguyễn Văn Tuấn
Gần đây có một số quan chức sau khi đi điều tra thực địa ở Quảng Ngãi họ đưa ra con số là 68% những người mắc bệnh ăn gạo ủ.
Tuy nhiên con số này chỉ là con số thống kê chứ nó không thuyết phục gì mấy. Bởi vì nếu muốn thuyết phục thì chúng ta cần phải có những con số khác là có bao nhiêu người ăn gạo ủ mà không mắc bệnh? Theo như phát biểu của một vị cán bộ tại địa phương nói rằng những người dân tộc thiểu số đã có truyền thống ăn gạo ủ rất lâu rồi; do đó, nếu nói gạo ủ là một nguyên nhân gây bệnh thì có vẻ không thuyết phục. Không thuyết phục trên mặt thực tế là một; hai nữa, không thuyết phục là chưa có một báo cáo nào trong y văn nói như thế cả.
Mặc Lâm: Triệu chứng nhiễm bệnh giữa các người thân trong gia đình và hàng xóm có nên được xem là một dịch bệnh như nhiều chuyên gia tại Việt Nam đưa ra trước đây?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Về vấn đề thuật ngữ dịch tễ học, khi nói về dịch bệnh thì nó phải có khả năng lan truyền trong cộng đồng. Qua những báo cáo của giới chức trong nước thì bệnh xảy ra tại Quảng Ngãi không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây lan giữa người với người vì trong một gia đình có người mắc bệnh và có người không. Trong cộng đồng cũng vậy có một số người mắc bệnh, một số khác không mắc bệnh. Vì vậy nói đúng ra đây không phải là một dịch bệnh nhưng đứng trên dịch tễ học mà nói thì nó là một cụm bệnh xảy ra trong một cộng đồng.
Nó cũng giống như một số bệnh ung thư mà ở Việt Nam người ta có quan sát hồi gần đây. Bệnh ung thư xảy ra trong một số cộng đồng mà những cộng đồng này có giả thuyết cho rằng bị phơi nhiễm những độc chất được thải ra từ các nhà máy, thành ra theo tôi nghĩ trong trường hợp này mình không thể xem nó như một đại dịch hay là những gì tương tự như vậy mà nó chỉ là hiện trạng xảy ra cá biệt trong một cộng đồng mà thôi.

“Lạ” hay “không lạ”?

Mặc Lâm: Giáo sư đã nói những triệu chứng có trên các bệnh nhân được gọi là “bệnh lạ” tại Quảng Ngãi thì hoàn toàn không lạ. Xin ông giải thích thêm những gì mà y văn thế giới đã công bố trước đây.
GS Nguyễn Văn Tuấn: Đúng là ở trong nước người ta xem đây là một bệnh “lạ” và tôi thấy cho tới hôm nay báo chí vẫn đề cập tới như một “bệnh lạ”. Tuy nhiên nếu nhìn qua những triệu chứng, hình ảnh mà người ta công bố trên báo, thì nó hoàn toàn không lạ. Rất nhiều hình ảnh cho thấy bệnh nhân có bàn tay phù lên, rồi có những bệnh nhân bị mụn mọc khắp người. Tất cả những triệu chứng như thế này thì không hề lạ!
Trong y văn có một triệu chứng tạm gọi là “phì đại giác mạc”, tiếng Anh gọi là palmoplantar hyperkeratosis. Gọi tắt theo tiếng Anh là PPK. Hội chứng này đã được mô tả trong y văn đã lâu, ít ra là hai chục năm rồi và thậm chí còn có thể trước đó nữa. Những triệu chứng mọc mụn đầy mình như thế này còn gọi là “ban chlor” (chloracne). Tôi lên hệ thống y khoa toàn cầu (PubMed) trên Internet và tìm được ít nhất bốn bài báo trong quá khứ nói về triệu chứng này.
Ở Trung Quốc người ta cũng quan sát một số trường hợp như thế này và thậm chí còn làm những nghiên cứu tìm hiểu xem những gene nào có liên quan hoặc đột biến gây bệnh. Tóm lại, nói là bệnh lạ thế thôi nhưng trong y văn thì nó không phải là “bệnh lạ”.

Phơi nhiễm dioxin: giả thuyết nhiều căn cứ

Mặc Lâm: Dựa trên những điều GS vừa trình bày có thể giả thuyết rằng những bệnh nhân mắc “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi đã phơi nhiễm độc chất dioxin phải không?
GS Nguyễn Văn Tuấn: Đúng vậy. Giả thuyết đặt ra là thế này: thứ nhất bệnh này không truyền nhiễm. Điều này thì quá rõ ràng rồi không cần nói thêm. Thứ hai, những yếu tố nguy cơ mà các giới chức trong nước báo cáo thì cũng không thể giải thích được tại sao nó xuất hiện những triệu chứng này trong một cộng đồng rất là cụ thể. Trong một bài báo tôi để ý ký giả có nói là những bệnh nhân này sống trong một cộng đồng gần một kho vũ khí trước đây vì vậy tôi mới đặt ra giả thuyết là có lẽ những bệnh nhân này hoặc là bị phơi nhiễm chất độc da cam, dioxin trong thời chiến, hoặc là phơi nhiễm những chất diệt cỏ, diệt côn trùng có thể nói là rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam.
Giả thuyết này theo tôi nghĩ nó có cơ sở khoa học. Phơi nhiễm dioxin có liên quan đến chứng ban chlor tức là mụn mọc đầy mình. Thực ra nói yếu tố nguy cơ là còn hơi nhẹ mà phải nói thẳng nó là nguyên nhân. Rất nhiều nghiên cứu trong quá khứ cho thấy dioxin có liên quan trực tiếp tới bệnh ban chlor. Gần đây nhất tổng thống của Ukraine là ông Viktor Yushchenko bị đầu độc bằng dioxin thì ông ấy cũng có những triệu chứng y như những gì mình nhìn thấy trên những trường hợp mà báo chí ở Việt Nam phản ảnh.
Thứ hai nữa dioxin ảnh hưởng đến hệ nội tiết và tiêu hóa kể cả enzym của gan và gây rối loạn lipid. Đây cũng là điều rất phù hợp với những kết quả xét nhiệm mà giới chức y tế trong nước họ báo cáo những bệnh nhân này có dấu hiệu enzym gan của họ tăng.
Bằng chứng thứ ba tôi tìm qua trong y văn thì thấy có ba trường hợp báo cáo rằng những bệnh nhân bị ban chlor này cũng là những bệnh nhân có triệu chứng PPK; do đó tôi mới đi đến giả thuyết rằng có thể những bệnh nhân này đã nhiễm dioxin trong thời chiến. Tất nhiên dioxin đã được rải từ thập niên 60-70, hơn 40 năm rồi thì chuyện bị nhiễm cũng có thể hiểu được bởi vì thời gian bán hủy có thể kéo dài 9 tới 10 năm và có thể dioxin thấm vào nguồn nước hay nguồn đất chẳng hạn. Hoặc là các bệnh này bị nhiễm một số các hóa chất dùng để diệt cỏ.
Tôi đưa ra những bằng chứng như vậy và những hình ảnh trong y văn để so sánh với những hình ảnh của các bệnh nhân hiện nay thì tôi thấy rằng giả thuyết này đáng tin cậy và cần phải được kiểm định cho rõ ràng hơn.
Mặc Lâm: Theo những trình bày của GS thì khả năng phơi nhiễm dioxin hay chất diệt cỏ là rất lớn nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao đã có y văn rõ ràng và đáng tin cậy như vậy mà Bộ Y tế cũng như các chuyên gia hàng đầu của VN vẫn còn lúng túng trong khi tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh? Theo ông thì có một khả năng nào khác nữa hay không?
Gần đây nhất tổng thống của Ukraine là ông Viktor Yushchenko bị đầu độc bằng dioxin thì ông ấy cũng có những triệu chứng y như những gì mình nhìn thấy trên những trường hợp mà báo chí ở Việt Nam phản ảnh.
GS Nguyễn Văn Tuấn
GS Nguyễn Văn Tuấn: Chính tôi cũng ngạc nhiên là rất nhiều chuyên gia có kinh nghiệm và trình độ hàng đầu trong nước vẫn còn lúng túng. Khi đọc qua những bài báo thì thấy rằng hình như những người này họ thường làm trong lĩnh vực y tế công cộng và dịch tễ học, và vì vậy họ thường quan tâm đến vấn đề môi trường hơn là những vấn đề lâm sàng. Đó là lý do tại sao khi báo chí hỏi có xét nghiệm về đất, về nước hay không thì một vị Thứ trưởng nói là đã làm chuyện đó rồi.
Nhưng tôi lại nghĩ khác. Nếu xét nghiệm trong nước, trong đất thì tất nhiên cần phải làm rồi nhưng nó chỉ nói lên yếu tố môi trường. Cái mà chúng ta cần biết là nguyên nhân gây bệnh. Mà muốn biết nguyên nhân gây bệnh thì phải làm nghiên cứu lâm sàng. Làm nghiên cứu lâm sàng ở đây có nghĩa là làm xét nghiệm trên máu, thậm chí làm sinh thiết từ những bệnh nhân này ngay cả có thể xét nghiệm gene nữa. Bởi vì chúng ta biết có một số gene sẽ đột biến khi bị phơi nhiễm chất độc dioxin.
Thành ra, nếu mình không có những kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân và cả những người không mắc bệnh sống gần đó thì tôi nghĩ mình vẫn còn lúng túng mà thôi. Mình không thể nào sử dụng những số liệu, dữ liệu về dịch tễ học để phát hiện nguyên nhân của bệnh được.
Nói tóm lại chắc có lẽ các đồng nghiệp trong nước vì quá chú tâm về dịch tễ học nên họ không quan tâm đúng mức đến xét nghiệm lâm sàng.

WHO bị bỏ quên

Mặc Lâm: Thưa GS, nếu WHO tham gia vào việc điều tra căn bệnh này thì kết quả sẽ ra sao theo như kinh nghiệm mà ông có?
GS Nguyễn Văn Tuấn: WHO tức là Tổ chức Y tế Thế giới, họ rất sẵn sàng muốn giúp đỡ chúng ta. Ngay từ đầu họ đã đánh tiếng rằng muốn giúp đỡ nhưng hình như giới chức y tế tại Việt Nam vẫn còn dùng dằng, có lẽ họ nghĩ là họ có thể làm được mà không cần tới chuyên môn của WHO. Tôi nghĩ đó là một điều đáng tiếc bởi vì trong bất cứ trường hợp nào nếu mình không có chuyên môn hay mình không tự tin thì nên hợp tác với các chuyên gia có kinh nghiệm trên thế giới, đặc biệt là WHO. Tôi nghĩ đặc biệt hơn nữa là CDC tức là Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật của Mỹ.
Nếu WHO tham gia vào việc điều tra thì có lẽ họ cũng không làm khác hơn những gì mà các bạn bên Việt Nam làm. Nhưng có một điều khác là Tổ chức Y tế Thế giới họ có nhiều phòng thí nghiệm khắp nơi để họ có thể làm những xét nghiệm bài bản hơn, tinh vi hơn mà ở Việt Nam không thể làm được.
Tôi nói ví dụ, chẳng hạn như chúng ta muốn làm xét nghiệm về dioxin thì theo tôi hiểu trên thế giới hiện nay chỉ có một vài phòng lab, phòng thí nghiệm có thể làm xét nghiệm dioxin mà thôi. Ở Việt Nam người ta nghĩ là người ta làm được nhưng tôi không chắc gì người ta có thể làm được hay không.
Mỗi một xét nghiệm về dioxin sẽ tốn rất nhiều tiền. Vào thập niên 90 mỗi một mẩu xét nghiệm tốn kém đến cả ngàn đô la thành ra nếu làm xét nghiệm cho 300 người thì lên tới 300 ngàn đô, một số tiền rất lớn tại Việt Nam. Do đó nếu mình hợp tác với WHO thì họ có thể giúp chúng ta về mặt tài chính cũng như phương tiện xét nghiệm. Nhưng xin mở một dấu ngoặc ở đây: mình cũng không nên quá kỳ vọng vào WHO bởi vì kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy họ cũng có những sự nhầm lẫn, chẳng hạn như vụ thịt chó và bệnh tả, họ rõ ràng là có sự nhầm lẫn.
Một nhóm khác mà tôi nghĩ rằng thậm chí còn kinh nghiệm hơn WHO đó là CDC của Mỹ tức là Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Bệnh tật. CDC họ rất sẵn sàng giúp đỡ cho Việt Nam nhưng cho tới bây giờ tôi không biết Việt Nam có mời họ hay chưa.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Giáo sư.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.