THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

02 May 2012

Dịch vụ 'chặt chém' dịp lễ 30/4



Lượng khách kỷ lục đổ về Hạ Long dự Carnaval đã khiến giá phòng ở đây tăng gấp 4 lần mà vẫn không còn chỗ. Tương tự, khách xem pháo hoa ở Đà Nẵng cũng bị hét giá thuê phòng cao gấp 4-5 lần ngày thường.
Hạ Long tắc nghẽn trước giờ khai hội Carnaval

Do năm nào cũng tới Hạ Long (Quảng Ninh) nghỉ lễ 30/4 nên một ngày trước lễ hội Carnaval gia đình chị Lan Anh mới có mặt ở Bãi Cháy. Song, theo chị, năm nay việc lựa chọn phòng khó hơn. Các khách sạn 3-4 sao thì chẳng dám ghé vì sợ đắt, còn các khách sạn cấp thấp hơn hay nhà nghỉ bình dân thì đi vài nơi đều chẳng thuê được vì đều kín phòng...
Đây là thực trạng chung mà du khách đổ về Hạ Long dịp lễ này đang gặp phải. Thống kê của ngành du lịch tỉnh này cho thấy, riêng ngày 29/4 đã có hơn 24.000 lượt khách tham quan vịnh Hạ Long - con số kỷ lục mà danh thắng này đón trong một ngày. Và tới 16h ngày 30/4 đã có thêm 16.000 người đổ về đây.
Lượng khách tăng đột biến đã khiến 100% khách sạn, nhà nghỉ ở Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả kín phòng. Nhiều du khách không đặt được chỗ phải liên hệ các nhà dân. Chị Huệ, chủ một nhà nghỉ bình dân ở đường Anh Đào (Bãi Cháy) cho biết, vài ngày trước lễ hội, các đoàn đã đến đặt kín 8 phòng nghỉ của gia đình.
Ngày thường, giá thuê phòng đôi chỉ 200.000 - 220.000 đồng, song theo chị Huệ, dịp này giá tăng lên một triệu đồng. Lý giải việc tăng giá, bà chủ cho biết đây là thời gian lễ hội, cộng thêm việc trang thiết bị của các phòng vừa được nâng cấp.
"Cũng chỉ được nốt hôm nay thôi, chiều 1/5 các em quay lại đây chị hứa giảm xuống còn một nửa", chủ nhà nghỉ cố níu kéo.
Ba cô gái này liên tục gọi điện tìm thuê khách sạn. Nhiều du khách không đặt được chỗ phải liên hệ các nhà dân.
Ba cô gái này liên tục gọi điện tìm thuê khách sạn ở Hạ Long (Quảng Ninh). Nhiều du khách không đặt được chỗ phải liên hệ các nhà dân. Ảnh: Hoàng Hà.
Tình trạng chặt chém không chỉ xảy ra ở các nhà nghỉ bình dân mà còn xuất hiện ngay tại các khách sạn có gắn sao. Tối 30/4, lễ tân một khách sạn 2 sao nằm cách nơi diễn ra Lễ hội Caranaval không xa cho biết, trong tổng số 30 phòng của khách sạn, hiện chỉ còn lại 2 phòng, và giá cũng được nâng gấp 4 lần, lên 1 triệu đồng.
"Nếu không đặt nhanh cũng hết bởi giờ đi thuê phòng khó lắm. Các khách sạn khác cũng đều trong tình trạng 'cháy' rồi...", nam lễ tân quả quyết.
Tại các khách sạn 3 sao, 4 sao như Tuần Châu Holiday Villa beach resot, Hạ Long Dream Hotel, Bạch Đằng Hotel... đều chung tình trạng kín phòng dù giá phòng ở một số nơi lên đến hơn 10 triệu đồng một ngày đêm. Một lễ tân cho hay, khách sạn này có hơn 100 phòng với nhiều mức giá tiền khác nhau: loại đặc biệt có giá 2,5 triệu đồng, loại thấp nhất cũng là 1,8 triệu đồng, song các phòng đã được đặt kín...
Tại Đà Nẵng, giá nhiều khách sạn ở trung tâm thành phố trong dịp lễ hội pháo hoa cũng tăng 2-3 lần so với ngày thường. Lễ tân một khách sạn trên đường Tôn Thất Đạm (Thanh Khê) cho biết, giá phòng một ngày đêm là 1,2 - 1,5 triệu đồng, trong khi giá ngày thường chỉ 350.000 - 400.000 đồng.
"Ở khu vực này, khách sạn nào cũng tăng giá cả dù địa thế không được thuận tiện lắm. Khách muốn xem pháo hoa phải bắt xe xuống gần sông Hàn và đi bộ vào khu vực bờ sông", lễ tân này nói.
Dù Ban tổ chức bán vé xem pháo hoa ở khán đài C1-2-3 lần lượt là 300.000 - 250.000 - 200.000 đồng nhưng những người không mua được vé đành phải bỏ ra khoản tiền tương đương để mua được một chỗ đứng xem pháo hoa trên tầng thượng của các khách sạn ven sông. Tuy nhiên, không phải ai mua chỗ cũng được đứng xem vì mặt tiền của tầng thượng cũng chỉ có thể chứa được 20 - 30 người.
Bên cạnh việc bị chặt chém phòng nghỉ, chỗ xem pháo hoa, nhiều người dân còn bị các dịch vụ trông xe, kinh doanh ăn uống... tăng giá vô tội vạ. Vé gửi xe bị tăng lên 10.000 đồng một lượt, chai nước lọc nhỏ cũng bị đội giá gần gấp 3 lần... khiến chị Sáng - sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng phải thốt lên: "Chưa khi nào thấy giá cả tăng cao như dịp này".
Tuy nhiên, cũng tại Đà Nẵng, ngày 30/4 hàng nghìn du khách đến bãi biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà) đã vui mừng khi thấy các hàng quán ở đây đều niêm yết giá. Tuy giá dịch vụ tăng cao hơn mọi khi (12.000 một chai nước ngọt, 15.000 - 30.000 đồng một ghế nằm nghỉ trên bãi biển) nhưng hầu hết du khách đều hài lòng khi chủ quán bán đúng giá niêm yết.
Du khách trẻ và người dân địa phương lựa chọn các bãi biển còn hoang sơ ở miền Trung để nghỉ ngơi trong những ngày nghỉ. Trong ảnh, dịp nghỉ lễ, bãi biển Xuân Thành (Hà Tĩnh) thu hút nhiều du khách đến tắm biển.
Du khách trẻ và người dân địa phương lựa chọn các bãi biển còn hoang sơ ở miền Trung để nghỉ ngơi trong những ngày nghỉ. Dịp nghỉ lễ, bãi biển Xuân Thành (Hà Tĩnh) thu hút nhiều du khách. Ảnh: N.K.
Tương tự, vài ngày qua, hàng nghìn du khách đổ về Cửa Lò, Cửa Hội (Nghệ An) khiến các khách sạn, nhà hàng chật kín chỗ. Theo một số du khách, giá phòng tuy cao hơn ngày thường nhưng bù lại là chất lượng phục vụ tốt.
Lý giải việc chọn Cửa Lò làm nơi nghỉ lễ hàng năm của gia đình, anh Nguyễn Hoàng An (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đơn giản bởi bãi biển đẹp và không bị chặt chém như một số điểm du lịch khác. Đêm 30/4, du khách còn được xem lễ hội sông nước, bắn pháo hoa...
Để đảm bảo an toàn cho du khách, thị xã Cửa Lò huy động hàng trăm cán bộ, cảnh sát bảo vệ ngoài biển để hỗ trợ, cứu nạn, và đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự. Đặc biệt, các cán bộ của Ban quản lý du lịch biển Cửa Lò có mặt ở tất cả các kios, nhà hàng để ngăn chặn và xử lý việc chặt chém khách. Đường dây nóng của Ban quản lý cũng được công khai để du khách có thể liên lạc trực tiếp.
Trả lời VnExpress.net về tình trạng khách sạn đua nhau tăng giá, ông Lê Tấn Trung Tư (Phòng quản lý cơ sở lưu trú, Sở VH-TT&DL Đà Nẵng) khẳng định, tối 29 và sáng 30/4 không nhận được bất cứ phản ánh nào từ du khách cũng như qua đường dây nóng của Ban tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. "Nếu người dân phản ánh Ban tổ chức sẽ lập tức kiểm tra và xử lý", ông Tư nhấn mạnh.
Còn Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ninh Trịnh Đăng Thanh cho biết, do lường trước tình trạng tăng giá phòng nghỉ nên đã yêu cầu các hộ kinh doanh phải niêm yết giá. Đến chiều 30/4, ông Thanh cũng chỉ mới nghe việc phản ánh này từ cơ quan báo chí. "Những ngày tới chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm", ông Thanh nói.
Hà Anh - Nguyên Khoa - Nguyễn Đông