THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

29 May 2012

Lãi suất giảm, khách dành tiền cho người thân vay




Đem tiền nhàn rỗi cho người thân vay thay vì gửi ngân hàng đang là xu hướng mới trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm liên tục giảm, các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản hay chứng khoán chưa có tín hiệu phục hồi.
>Lãi suất ngân hàng đồng loạt giảm
>Áp trần lãi vay 15% một năm với 4 lĩnh vực

28/5 là ngày đầu tiên các ngân hàng áp dụng trần lãi suất huy động 11% mỗi năm, thay vì 12% như trước. Từ sáng sớm, hầu hết các điểm giao dịch ngân hàng tại TP HCM đều nhộn nhịp thay biểu niêm yết mới. Tuy nhiên, khách đến giao dịch không nhiều.
Tại một chi nhánh của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, lúc 10h sáng, khách đến thưa thớt, thi thoảng vài người tới để gửi tiền hoặc đáo hạn.
Lãi suất 11% một năm theo đánh giá của người dân là thấp so với gửi tại thị trường dân cư. Ảnh: Tuệ Minh.
Nhân viên ở đây cho biết, giao dịch không có gì khác biệt so với mọi ngày. "Cũng có người mang tiền nhàn rỗi đến gửi vì sợ thời gian tới lãi suất sẽ còn xuống nữa. Tuy nhiên, số tiền gửi không nhiều, chủ yếu chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Một số khác, đến đáo hạn và gửi tiếp hoặc rút về làm công việc riêng", chị nói.
Tương tự, tại Hà Nội, nhiều ngân hàng trên phố Đội Cấn, Đào Tấn, Cầu Giấy..., đến gần trưa, vẫn chỉ lác đác khách. Nhân viên một ngân hàng tại phố Đào Tấn cho biết, tình trạng vắng khách đến giao dịch buổi sáng đã diễn ra cả tuần nay, không riêng gì ngày trần lãi suất huy động về 11%.
Thực tế hiện nay, chứng kiến lãi suất liên tục sụt giảm trong thời gian qua, một số người dân thay vì gửi tiết kiệm vào nhà băng có xu hướng dùng tiền nhàn rỗi để cho người thân bạn bè vay với lãi suất bằng hoặc cao hơn ngân hàng.
Trao đổi với VnExpress.net, chị Lan nhà ở quận 3, TP HCM đang rút 100 triệu đồng tại một ngân hàng thương mại cổ phần lớn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 chia sẻ, số tiền này một tuần nữa mới đến hạn. Tuy nhiên, chị có người chị họ hỏi mượn để mở quán ăn nên đến rút về.
Chị Lan cho biết rút trước hạn phải chịu lãi suất không kỳ hạn. Nhưng chị không lo vì số tiền 'bị thiệt' này sẽ được người vay trả lại và còn tính thêm 1,5% lãi mỗi tháng (tương đương 18% một năm, cao hơn cả lãi gửi ngân hàng).
Theo lý giải của chị Lan, trong bối cảnh lãi suất liên tục sụt giảm, gửi ngân hàng tiền lời chẳng bao nhiêu. Trong khi nhiều người thân đi vay ngân hàng lãi suất khá cao mà chưa chắc được. "Do đó, khi có người thân quen, đáng tin cậy mà cần tiền làm ăn, tôi sẵn sàng cho vay bằng với mức vay của nhà băng xem như là vừa giúp đỡ nhau, vừa được lợi cả đôi bên", chị Lan bộc bạch.
Tại Hà Nội, thường thì những người có vốn cho vay chủ yếu là trung và cao tuổi. Bác Hòa ở Hà Đông (Hà Nội), một người thường xuyên cho người quen vay tiền chia sẻ, đem gửi tại ngân hàng, lãi suất một tháng cũng chỉ 11% một năm. Nếu ngân hàng du di, số lãi được thêm vài phần trăm hoặc nhận phiếu khuyến mại, thẻ cào. "Do đó, nếu ai trong dòng họ mà đáng tin, tôi sẵn sàng cho vay tiền, lấy lãi cao hơn một chút so với mức ngân hàng huy động, song lại thấp hơn lãi suất cho vay", bác nói.
Chị Thu ở Hà Đông (Hà Nội) kể, từ lâu chị không vay ngân hàng vì có nguồn tiền từ người quen. Trước, cần vốn làm ăn chị thường tìm đến nhà băng, nhưng vì làm kinh doanh thường xuyên cần tiền mà lại chỉ có một căn nhà làm tài sản thế chấp, nên chị tìm đến vay người quen. Hiện có những người cho chị vay với số tiền cao nhất là 500 triệu đồng, người ít hơn thì 200 triệu đồng.
Theo lời chị Thu, vốn người quen cho vay có kỳ hạn phổ biến 1 năm. Lãi suất có người chỉ lấy bằng ngân hàng (khoảng 17 - 19% một năm) nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ lên tới 2-3% một tháng (tức 24-36% một năm). "Thường phải quen thân lắm người ta mới cho vay với lãi suất bằng với lãi vay của các ngân hàng. Còn lại, mức lãi hiện nay phổ biến là 2- 3% một tháng. Tuy đắt hơn nhà băng nhưng có tiền ngay, không phải mất phí", chị Thu chia sẻ.
Nhiều người, sau khi được chị đặt vấn đề, liền đến ngân hàng rút tiền trước hạn để cho vay. "Thường thì người đi vay sẽ trả phần lãi suất bị phạt khi rút trước hạn. Mức này không đáng lo, vì thực tế nếu không vay được ngân hàng mà đi hỏi tín dụng đen, lãi suất đắt gấp 3 - 4 lần vay của người quen", chị cho biết.
Thủ tục vay kiểu trao tay nói trên khá đơn giản. Hai bên sẽ viết một giấy biên nhận về số tiền, thời gian vay cũng như mức lãi suất và phương thức trả lãi dưới sự chứng kiến của một người thứ ba.
"Thật ra biên nhận cũng để cho đúng thủ tục, còn chủ yếu dựa vào sự thân tín. Thậm chí, có nhiều người là nhân viên ngân hàng thay vì gửi tiền tại nhà băng cũng đem cho người thân vay, để ăn lãi suất cao", chị nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng, việc điều chỉnh lãi suất huy động từ 12% xuống 11%, nếu so với tốc độ lạm phát thì vẫn còn cao và người gửi tiền đang có lợi. Tuy nhiên, động thái điều chỉnh này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền.
Do đó, ông Tuấn cho rằng, không loại trừ khả năng một bộ phận nào đó sẽ quyết định giữ tiền lại kinh doanh hoặc cho người khác vay lại. "Nhưng số này không đáng kể và sẽ không tác động quá lớn đến nguồn vốn của các nhà băng", ông Tuấn nói.
Chủ tịch OCB cho biết thêm, tính từ đầu năm đến nay, tổng vốn huy động của ngân hàng ông tăng khoảng 5-6%, trong đó, tăng mạnh là tháng 1,2,3. Còn tháng 4 và 5 có dấu hiệu chững lại", ông nhận xét.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu cũng cho hay, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn của ACB vẫn tăng trưởng đều, thanh khoản hiện khá tốt.
PGS. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, người dân có tiền nhàn rỗi muốn sử dụng đồng vốn của mình như thế nào là quyền của mỗi người. Trong đó, lấy tiền cho người thân quen vay với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm cũng là một cách để sinh lời và hỗ trợ người thân. Điều này, về lâu dài sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn của các nhà băng.
Tuy nhiên, ông Ngân khuyến cáo, người dân nên cân nhắc kỹ giữa lợi ích và rủi ro. "Bởi bao giờ lợi ích càng cao thì rủi ro cũng càng lớn", ông nói.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, động thái hạ các mức lãi suất chủ chốt thêm 1% và đưa trần huy động về 11% của Ngân hàng Nhà nước thực sự không gây bất ngờ. Thậm chí, ông cho rằng mức giảm 1% là còn quá thận trọng so với tốc độ lạm phát. "Với mục tiêu kiềm lạm phát dưới một con số đến cuối năm nay, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất sâu hơn nữa", ông nói.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm, so với cuối 2011, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 4,47%. Còn tại các ngân hàng, tổng số dư tiền gửi của khách tăng 5,42%. Chính phủ nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ngày càng tốt lên, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.
Lệ Chi - Tuệ Minh