THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

21 June 2012

Ồ ạt sang nhượng mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm



Tình trạng buôn bán khó khăn tại TP HCM và Hà Nội đang khiến nhiều chủ cửa hàng chào mời sang lại mặt bằng với giá rẻ để cắt lỗ vì không thể cầm cự thêm nữa.
Văn phòng, mặt bằng bán lẻ cùng ế ẩm
Sức ép dư cung giảm giá thuê mặt bằng bán lẻ

Suốt 2 năm nay, Nhi - chủ quán cà phê C.S nằm trên đường D3, quận Bình Thạnh, TP HCM phải chịu cảnh ế ẩm, vắng khách. Nay không thể cầm cự được nữa, Nhi cùng một số cổ đông quyết định rút vốn và rao sang nhượng mặt bằng với giá rẻ.

Đường D3 nổi tiếng là nơi tập trung nhiều quán cà phê, quán ăn dành cho sinh viên do vị trí gần làng đại học TP HCM, những ngày này nhan nhản bảng hiệu thông báo sang mặt bằng. Anh Thành Nhân, chủ quán cà phê trên tuyến đường này cho biết: "Trong vòng một tháng trở lại đây đã có 8 quán cà phê xung quanh khu vực này treo biển sang quán".

Không chỉ có quận Bình Thạnh, chủ một nhà hàng dưới chân cầu Ánh Sao tại quận 7 cũng vừa treo biển sang lại cơ ngơi kinh doanh của mình chỉ sau hơn một năm hoạt động. Vị chủ quán này đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng cho nhà hàng, thêm 500 triệu tiền quảng cáo, chưa kể các chi phí hoạt động khác nhưng nay quyết sang lại "đứa con" của mình với giá chỉ 800 triệu đồng.
Một cửa hàng trên phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội treo biển sang nhượng. Ảnh: Xuân Ngọc
Do kinh tế khó khăn, nhiều cửa hàng đã phải trả lại mặt bằng cho chủ, "bỏ chạy" khi không chịu nổi thua lỗ khi sức mua giảm sút. Một cửa hàng bán đồ trẻ em trên đường Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM vừa kinh doanh 3-4 tháng đã trả lại mặt bằng. "Giá thuê ở đây là 25 triệu đồng một tháng nhưng bây giờ chào 20 triệu vẫn tìm không ra khách thuê", vị này than thở.
Tình trạng sang mặt bằng kinh doanh giá bèo cũng diễn ra tại Hà Nội. Trót ký hợp đồng thuê mặt bằng cả năm rồi không may buôn bán ế ẩm, hụt vốn, chị Bùi Phương Thúy (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đành tìm người nhượng lại cửa hàng kèm hàng hóa với giá hạ 30%.
Shop thời trang, phụ kiện dành cho giới trẻ trên phố Hoàng Hoa Thám của chị Thúy mở được gần 3 năm nay. Chỉ tính tiền mặt bằng phải thanh toán trước cho cả năm và vốn nhập hàng từ Tết đến giờ, chị đã đầu tư vào đó không dưới trăm triệu đồng. Dù nhượng lại shop với nhiều ưu đãi như: để lại toàn bộ hợp đồng thuê nhà, sản phẩm đã nhập, danh sách khách hàng quen cùng mối hàng với giá 70 triệu đồng nhưng 2 tháng nay, chỉ 3 người đến xem rồi chưa thấy ai quay lại. “Giá đó là tôi chấp nhận lỗ rồi, còn không tính tiền xây dựng thương hiệu, thời gian đầu để quen khách khó lắm, vậy mà có ai mặn mà đâu”, chị Thúy buồn bã.

Không ít người rơi vào tình cảnh như chị Thúy. Tuy nhiên, để tìm được đối tác thời điểm này không dễ. Thậm chí, sau 3 tháng lay lắt chờ người nhận chuyển nhượng, chị Hà, bán mành rèm ở Tây Sơn, Hà Nội quyết định thanh lý giá rẻ toàn bộ lô hàng rồi chấp nhận mất 6 tháng tiền nhà. Song, hiện nay dù có hạ giá, chịu lỗ, bán tháo thì việc sang nhượng tại nhiều nơi vẫn gặp khó.
Giá cho thuê mặt bằng nhà phố đang có xu hướng giảm giá nhiều sẽ khiến sức ép giảm giá trong các trung tâm bán lẻ cũng tăng lên. Ảnh: Vũ Lê
Theo anh Đỗ Minh Hải, kinh doanh rượu vang ở Giảng Võ, Hà Nội, thời điểm này không ai muốn nhảy vào buôn bán nên việc sang nhượng mới kẹt như vậy. “Nghe đâu cũng thua lỗ, phá sản nên giờ họ án binh, mấy người dám mạo hiểm đầu tư”, anh nói.
Trao đổi với VnExpress.net Trưởng phòng nghiên cứu Công ty Savills Việt Nam Trương An Dương nhận xét: "Khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua đã tác động rất lớn đến người tiêu dùng. Sức mua tại hầu hết các trung tâm thương mại, mặt bằng kinh doanh, bán lẻ sụt giảm khiến thị trường này bị ảnh không nhỏ".
Theo ông Dương, trong 2 quý đầu năm, công suất hoạt động và giá thuê của thị trường bán lẻ đã có chiều hướng giảm sút nhất định. Dù là nội thành (tại TP HCM không kể quận 1, 3) hay khu vực ngoại thành, thị trường bán lẻ đều chịu nhiều tác động tiêu cực.
Mặt bằng bán lẻ nhà phố ở trên các tuyến đường đông đúc là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất đối với các trung tâm bán lẻ hiện nay tại Sài Gòn. Vì vậy khi giá cho thuê mặt bằng nhà phố đang có xu hướng giảm thì sức ép giảm giá trong các trung tâm bán lẻ cũng tăng lên.
Ông Dương phân tích, hiện tượng sang nhượng mặt bằng giá rẻ nói riêng hay thị trường bán lẻ nói chung đang gặp những khó khăn chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế không ổn định và sức mua yếu dần. Ngoài việc các trung tâm thương mại thường tọa lạc tại các vị trí chiến lược trong thành phố, các khu bán lẻ chuyên nghiệp thường có chương trình khuyến mãi kích cầu tập trung được nhiều sản phẩm và có sức lan tỏa lớn hơn vị trí bán lẻ dọc theo mặt phố.
"Thói quen mua sắm của người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đang có nhiều thay đổi và nghiêng về các loại hình bán lẻ hiện đại cũng khiến cho mặt bằng nhỏ lẻ dọc theo mặt phố trở nên đơn điệu và thiếu tính cạnh tranh trong thời gian vừa qua", ông Dương nói.
Nhóm phóng viên