THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

20 September 2012

Đại biểu QH 'cầu cứu' Bộ Chính trị



"Vào chiều ngày 5/9/2012, khi ông Nguyễn Duy Hưng đang trên đường đi làm việc thì bị một số người mặc thường phục khống chế bắt đi." - Đơn cầu cứu khẩn cấp của ông Đặng Thành Tâm

BBC - Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm đã gửi đơn cầu cứu khẩn cấp lên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản và lãnh đạo Việt Nam về việc nhân viên của ông bị bắt.

Theo một nguồn khả tín trong nước, lá Đơn cầu cứu xem xét khẩn cấp đã được gửi đi hôm 8/9, ngay sau khi thông tin về việc ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Văn phòng đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Sài Gòn (SGI) ở Hà Nội, bi bắt được loan báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

SGI là công ty do ông Đặng Thành Tâm làm chủ tịch.

BBC có trong tay văn bản này, được nói đã gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan báo chí. Tuy nhiên cho tới nay, chưa thấy báo nào đưa tin và cũng chưa có phản hồi gì từ các cơ quan chức năng.

Ông Đặng Thành Tâm là chủ tịch SGI
Trước đó, tối 7/9, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an "đã thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp, ra lệnh tạm giữ" đối với ông Nguyễn Duy Hưng, vì hành vi Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 263 Bộ Luật Hình sự.

Lá đơn của đại biểu QH khóa XIII Đặng Thành Tâm trong khi đó viết: "Vào chiều ngày 5/9/2012, khi ông Nguyễn Duy Hưng đang trên đường đi làm việc thì bị một số người mặc thường phục khống chế bắt đi".

"Kể từ đó đến chiều ngày 7/9/2012, công ty không thể liên lạc được với ông Hưng."

Đơn này cũng cho hay tới chiều 7/9 đại diện cơ quan an ninh điều tra mới đọc lệnh bắt và khám xét nhưng không đưa ông Nguyễn Duy Hưng về văn phòng và thực hiện công việc này trong sự chứng kiến của chỉ một nhân viên không có thẩm quyền.

Người đứng đầu SGI nhận định đây là một vụ bắt giữ "rất bất bình thường".

Bắt cóc bất hợp pháp?

Lá đơn cho hay nhiệm vụ của ông Nguyễn Duy Hưng chỉ là "lo tiếp tân, hậu cần" cho văn phòng đại diện SGI ở Hà Nội, "một cán bộ nhỏ bé của một đơn vị kinh tế"; và cho rằng việc ông bị quy kết tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là "một điều hết sức bất ngờ".

"Vào chiều ngày 5/9/2012, khi ông Nguyễn Duy Hưng đang trên đường đi làm việc thì bị một số người mặc thường phục khống chế bắt đi."

Đơn cầu cứu khẩn cấp của ông Đặng Thành Tâm

Văn bản dài hơn bốn trang gọi đây là việc giam giữ người trái phép, "gần như là bắt cóc bất hợp pháp ngoài đường".

Ông Đặng Thành Tâm cũng cho rằng vụ bắt giữ người này "hết sức bất bình thường và có dấu hiệu khuất tất", đồng thời đặt dấu hỏi liệu đây có phải "phục vụ mưu đồ nào đó".

Ông dân biều yêu cầu điều tra vụ việc để "làm rõ động cơ" vụ bắt ông Nguyễn Duy Hưng, giám sát và kiểm tra quá trình tố tụng để "bảo vệ sự trong sáng của chế độ".

Lá đơn nêu nghi vấn về liên hệ giữa vụ bắt giữ này và "tình hình [có] hàng loạt những vụ án của các nhóm lợi ích, trogn có cả nhóm lợi ích ngân hàng tài chính xảy ra trong thời gian gần đây".

Cùng ngày với vụ bắt giữ ông Nguyễn Duy Hưng, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng "bắt khẩn cấp, ra lệnh tạm giữ" đối với một nhân viên của Công ty Cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITACO) ở TP Hồ Chí Minh - bà Nguyễn Thị Bích Trang.

Bà Trang bị cáo buộc tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự.

ITACO là công ty thuộc Tập đoàn Tân Tạo do chị ông Tâm, bà Đặng Thị Hoàng Yến, làm chủ tịch.

Bà Yến đã phải từ nhiệm đại biểu Quốc hội từ giữa năm nay do bị phát giác là "không trung thực khi khai báo lý lịch".

Nhiều rắc rối

Bà Đặng Hoàng Yến, chị của ông Tâm, đã phải
 từ nhiệm đại biểu QH
Thời gian gần đây, hai chị em ông Đặng Thành Tâm đã gặp một số rắc rối.

Ngoài việc bà Yến bị tố cáo không trung thực, ông Tâm cũng bị đình chỉ chức Chủ tịch và Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hùng Vương, cơ sở mà ông hỗ trợ tài chính, hồi tháng Ba vì "vi phạm nguyên tắc quản lý".

Một số báo Việt Nam vừa lên tiếng công kích ông "khuất tất về tài chính".

Hôm 13/9, Báo Cựu chiến binh Việt Nam đăng bài của tác giả Minh Tuấn tựa đề "Hơn 600 tỷ đồng chạy đi đâu?".

Bài báo cáo buộc sai phạm của doanh nhân Đặng Thành Tâm và gia đình trong vụ tái cơ cấu Ngân hàng Phương Tây ở Cần Thơ vài năm trước.

Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) là ngân hàng từng bị mất khả năng thanh khoản và đặt trong tình trạng giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, cho tới khi tái cơ cấu tổ chức, dẫn tới sự thay đổi lớn của thành phần cổ đông để ngân hàng hoạt động trở lại bình thường.

Ông Đặng Thành Tâm là một trong các cổ đông chủ chốt của ngân hàng này.

Báo Cựu chiến binh nói ông Tâm và thân nhân đã "vi phạm nghiêm trọng Điều 55 khoản 3, Luật Các Tổ chức Tín dụng" rằng cổ đông và người có liên quan cổ đông đó không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Bài báo còn cáo buộc các khoản chuyển tiển "khuất tất" từ Ngân hàng Phương Tây vào tài khoản cá nhân của ông Đặng Thành Tâm.

Điều đáng chú ý là nội dung bài báo trên Cựu chiến binh giống hoàn toàn nội dung một bài báo khác đăng đúng một tuần trước đó trên tờ Tin nhanh Năng lượng mới (PetroTimes), ấn bản điện tử.

Tuy nhiên bài "Ông Nghị Đặng Thành Tâm ôm 600 tỉ đi đâu?" đăng hôm 6/9 trên PetroTimes đã bị gỡ bỏ trong ngày.

Các động thái này dẫn tới phỏng đoán là đang có chiến dịch nhằm vào hai chị em ông Đặng Thành Tâm.

Ông Tâm chưa có phản ứng chính thức trước các cáo buộc tài chính trên, ngoài một lần bác bỏ ngắn gọn rằng ông "không làm điều gì sai".