THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

28 December 2012

“Hồ Gươm ngập rác sau đêm Noel” gây "bão" trên mạng



Chỉ vài giờ sau khi được đưa lên mạng vào chiều 25/12, loạt ảnh rác thải lều bều trên mặt hồ Gươm sau đêm Giáng sinh đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
 Một góc hồ Gươm sau đêm Giáng sinh.
Câu hỏi về ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của một bộ phận người Việt trẻ lại được đặt ra và gây “bão” tranh luận khắp nơi.

Người trẻ nói gì?

Với từ khóa “Hồ Gươm ngập rác sau đêm Noel” trên trang công cụ tìm kiếm Google, có gần 11.000 kết quả được trả về!

“Tức giận và thất vọng, nhất là khi thấy trong hình chỉ toàn gương mặt trẻ”, bạn Nguyễn Trần Anh Thu (thôn Phú Mỹ, Từ Liêm, Hà Nội) bức xúc. Thu còn khẳng định đây không phải là lần đầu tiên bạn chứng kiến cảnh hồ Gươm bị ngập trong rác.

Tương tự, bạn Vũ Thái Hà (ngõ chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã nhiều lần thấy cảnh người dân vô tư vứt rác thải, xác động vật ra giữa lòng đường thủ đô. Tuy nhiên, bạn cho rằng sự việc trên không chỉ diễn ra ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác.

Làm việc ở một tập đoàn nước ngoài, bạn Nguyễn Thị Thu Hà (Phú Mỹ Hưng, Q.7) nhìn nhận: “Trước giờ người nước ngoài vẫn thường than phiền về vấn đề xả rác ở VN mà. Chỉ có điều chưa có thống kê cụ thể nào được thực hiện thôi”.

“Ngày tận thế không xảy ra, nhưng văn hóa con người VN đã bị tận diệt!”, nick tran_cao_ha viết trên một trang tin tức. Lời cảm thán của bạn đã nhận được sự đồng cảm lớn với hơn 1.000 lượt like.

Phải chăng “cha chung không ai khóc”?

Đó là suy nghĩ chung của các bạn trẻ khi được hỏi về nguyên do dẫn đến những hình ảnh kém đẹp trên.

“Thật đáng lo ngại khi việc thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người Việt. Ai cũng đưa lợi ích bản thân lên trên hết”, bạn Anh Tuấn (Công ty Riverorchid PR) chia sẻ. Bạn Nguyễn Thị Xuân Dung (Lê Văn Sỹ, Q.Phú Nhuận) thì tin rằng: “Những người tham gia xả rác kia chắc chắn không vứt rác bừa bãi tại nhà mình cũng như sẽ rất khó chịu nếu ai đó vô tình hay cố ý giẫm lên hoa, vứt rác trước nhà họ. Nói cách khác, tất cả là do sự ích kỷ”. Hai bạn cho rằng biện pháp răn đe những đối tượng thiếu ý thức này ở VN còn mang tính phong trào, lỏng lẻo so với một số quốc gia khác trong khu vực, nên chưa tác động nhiều tới người dân. “Ở bờ hồ có một tổ trật tự công cộng nhưng rất ít người và chỉ làm nhiệm vụ chủ yếu là tuýt còi cấm xe máy đi ven hồ. Không ai nhắc nhở hay phạt thì làm sao người ta sợ?”, Anh Thu bổ sung.

Ngọc Mai (du học sinh Mỹ) lại không quên được câu chuyện về vị doanh nhân người Nhật Ninomiya cần mẫn đi nhặt rác hồ Gươm mỗi sáng chủ nhật và được báo chí đề cập vào đầu tháng 10-2012. “Tại sao một người nước ngoài lại có ý thức, biết trân trọng mảnh đất Việt, còn người dân trong nước lại không?”, bạn tự hỏi.

Bên cạnh những lý do trên, Thái Hà cho rằng các phương tiện phục vụ việc thu gom rác thải chưa thật sự đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân.

Từ Anh, bạn Huy Lê (Học viện Hoàng gia London) lại cho rằng căn nguyên vấn đề nằm ở cách giáo dục. “Ở VN, tôi thấy người trẻ phải chạy đua theo thi cử thành tích... trong khi những thứ quan trọng khác như trau dồi nhân cách lại không được đào tạo bài bản”, bạn phân tích.

“Họ là người Hà Nội hay dân nhập cư? Hà Nội thì vậy đấy chắc gì nơi khác đã khá hơn?”... đó là những câu hỏi đang gây tranh luận dữ dội trên các diễn đàn. Biết được điều này, bạn Park Hyeon (người Hàn Quốc, từng tới VN nhiều lần) chỉ góp ý ngắn gọn: “Sẽ được gì khi các bạn chỉ mãi đổ lỗi cho nhau thay vì cùng nhìn thẳng vào vấn đề để đưa ra giải pháp?”.

Được và mất

Ngọc Mai cho biết mỗi khi những hình ảnh về nạn xả rác bừa bãi ở VN được tung lên mạng, bạn rất ngại khi phải giải thích vấn đề với bạn bè nước ngoài. “Những việc như thế này không chỉ làm xấu đi hình ảnh của đất nước VN mà còn khiến giới du học sinh Việt thấy rất xấu hổ”, bạn thở dài. Đáng ngại hơn, Ngọc Mai cho rằng khi niềm tự hào dân tộc bị tổn thương thì người trẻ sẽ không còn động lực phấn đấu cho quê hương mà xoay sang sống vì mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc chối bỏ nguồn cội.

“Bạn sẽ thấy rác khắp nơi ở Hà Nội”, đó là điều cô bạn Brianne Crisanti (người Canada) đọc được ở cuốn cẩm nang, các trang thông tin du lịch trên mạng. Từ việc bán tín bán nghi, Brianne trở nên thất vọng thật sự khi thấy Hà Nội ngoài đời thực. Brianne không quên nhắn gửi với Anh Thu: “Nếu ở VN chắc tôi sẽ nhiễm thói vứt rác ra đường mất”. Không chỉ Brianne mà Park Hyeon cũng quả quyết: “Nếu không phải vì công việc thì tôi cũng chẳng muốn tới VN do rất ngại vấn đề vệ sinh công cộng”.

Xuân Dung cho rằng dưới tác động mạnh mẽ của Internet, những hình ảnh về hồ Gươm ngập rác chắc chắn đã được lan truyền khắp nơi và đang làm xấu đi hình ảnh VN nói chung, người Việt nói riêng. “Và sẽ gây ra sự tiếc nuối về giá trị nghìn năm văn hiến của thủ đô Hà Nội, sự thanh lịch của người Tràng An”, bạn nói.

“Đạp đổ thì dễ chứ gầy dựng lại hình ảnh là vô cùng khó. Các bạn hãy quyết tâm đồng lòng hành động trước khi mọi chuyện quá trễ”, Park Hyeon nói.

Theo Tuoitre