THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 December 2012

Động đất liên tiếp gần đây: Kịch bản "ngày tận thế"?



13/12/2012 06:38:31

 - Liên tiếp các trận động đất xảy ra ở Quảng Nam (tối 9/12), biên giới Việt - Lào (chiều 10/12) và đông đất đến 7,2 độ richter ở Indonesia (sáng 11/12) khiến nhiều người lo lắng về kịch bản ngày tận thế 21/12. Theo các chuyên gia, trong lịch sử đã từng xảy ra những trận động đất liên tiếp mà không có ngày tận thế nào.


Nhiều trận liên tiếp xảy ra

Ngày 11/12, Viện Vật lý Địa cầu phát đi thông báo, vào lúc 15h56 phút ngày 10/12, trận động đất mạnh 4,6 độ richter đã xảy ra tại khu vực đứt gãy Rào Nậy, gần khu vực biên giới Việt - Lào. Trước đó ngày 30/11, khu vực biên giới Việt - Lào cũng xảy ra động đất mạnh 4,1 độ richter. Người dân sống ở TP Vinh (Nghệ An) đã cảm nhận được trận động đất này. Trên tầng 15 tòa nhà Tecco thuộc phường Quang Trung, một số người dân hoảng hốt khi thấy cốc chén trên bàn bị rung. Dân văn phòng, công sở ở các tòa nhà cao tầng của TP Vinh như Dầu Khí, Phương Đông, Trung Đô... cũng cảm nhận được rung lắc.

Trước đó, một trận động đất gây rung chấn mặt đất đã lại xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) vào khoảng 20h49 phút ngày 9/12. Trận động đất này có cường độ khoảng 3 độ richter. Theo thông tin ban đầu thì các máy đo gia tốc gắn tại thân đập thuỷ điện không ghi nhận được sự dịch chuyển gia tốc nền do động đất gây nên. Gần nhất là rạng sáng ngày 11/12, một trận động đất 7,2 độ Richter đã xảy ra ở quần đảo Maluku, miền đông Indonesia ở độ sâu 155,2km dưới mặt nước biển.

Trước những thông tin động đất liên tiếp này, trên nhiều diễn đàn, người dân bày tỏ lo lắng về ngày tận thế. GS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu khẳng định, thực tế đã diễn ra những trận động đất liên tiếp mà không gắn với một kịch bản nào về "ngày tận thế". Hơn nữa, những vùng xảy ra động đất đều nằm trên vành đai phát sinh động đất, không có gì bất thường.

Bản đồ chấn tâm trận động đất biên giới Việt - Lào (nguồn: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần).
Bản đồ chấn tâm trận động đất biên giới Việt - Lào (nguồn: Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần).

Động đất cấp 8 mới là cực đại

Ông Lê Huy Minh, Viện Vật lý địa cầu cho biết, thời gian qua, các trận động đất liên tiếp xảy ra tại Quảng Nam, Nghệ An, Hải Phòng và trên vịnh Bắc bộ cho thấy, các đới đứt gãy trên lãnh thổ Việt Nam đang hoạt động tích cực. Trên các đới đứt gãy này, thời gian tới sẽ tiếp tục xảy ra các trận động đất khác.

Theo GS Nguyễn Đình Xuyên, trận động đất xảy ra ở biên giới Việt - Lào nằm trên đứt gãy Sông Cả. Đây là vùng có khả năng xảy ra động đất mạnh. Cách đây một vài năm thì trận động đất ở Đô Lương cũng mạnh đến cấp 7. Đây là điểm nằm trong vùng phát sinh động đất cấp 8 - cấp 9 gồm các vùng Sông Mã, Sơn La và Pu Mây Tun - Sốp Cộp gắn liền với các hệ đứt gãy cùng tên, thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Sơn La và Lai Châu.
 
Khu vực Lai Châu - Điện Biên, Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Cả - Rào Nậy và tây biển Đông (từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 19) là vùng phát sinh động đất cấp 8. Ðộng đất cấp 7 có thể xảy ra dọc theo sông Lô, Hòa Bình, Yên Bái và tại nhiều nơi thuộc khu vực từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam. Hiện tượng động đất ở vùng biền giới Việt - Lào như vậy không có gì là bất thường, cường độ nhẹ.

Theo các nhà khoa học, động đất tại Việt Nam không mạnh so với tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu ở mức trung bình và trung bình yếu. Tần suất xuất hiện động đất mạnh từ cấp 6 - 9 là rất thấp. Trong đó, trung bình khoảng 10 năm xảy ra một trận động đất mạnh cấp 7 và 5 năm xảy ra một trận động đất cấp 6. Hai trận động đất mạnh từ trước đến nay xảy ra trên lãnh thổ nước ta được máy móc ghi nhận là trận động đất mạnh 6,8 độ Richter xảy ra năm 1935 tại Điện Biên và trận động đất xảy ra năm 1983 cũng tại Tuần Giáo (Điện Biên) mạnh 6,7 độ Richter.
Thông thường sau một trận động đất mạnh thì sẽ xảy ra dư chấn. Tùy thuộc vào cường độ mạnh hay yếu mà có dư chấn nhiều hay ít, tuy nhiên đa phần dư chấn xảy ra là khó cảm nhận được. Và dư chấn ở đứt gãy này không ảnh hưởng đến đứt gãy khác. Việc xảy ra cùng lúc nhiều trận động đất chỉ là sự ngẫu nhiên do cấu tạo địa chất hoặc do động đất kích thích, không liên quan đến "ngày tận thế.
GS Nguyễn Đình Xuyên
Tô Hộ
i