THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

03 January 2012

Càng học lại càng hư, càng hỏng - Tại sao?

Càng học lại càng hư, càng hỏng - Tại sao?

Việt Hoàng (Danlambao)


Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã dược 5 năm và kết quả của nó như thế nào thì như TBT nguyễn Phú Trọng tổng kết và đánh giá như sau tại Hội nghị trung ương 4 khóa 11” Tình trạng suy thoái về tư tưởng đạo đức, tham nhũng lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng” và "một đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một đảng hỏng “ Tại sao càng học lại càng kém, càng hỏng cứ như nước đổ đâu vịt vậy.

Nói về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho đến bây giờ kết quả chỉ là con số không, càng học thì trò càng tham, càng suy thoái đạo đức, trò ngoan bị trò hư lôi kéo càng nhiều, mới đầu chỉ có vài con sâu nay nhìn đâu cũng thấy toàn sâu thì đúng là đại họa còn gì.Nhưng cũng là tất nhiên thôi vì trường không ra trường, thầy không ra thầy,trò không ra trò toàn là lũ ăn cướp “danh không chính thì ngôn không thuận sao mà không hư không hỏng.

Xét theo thời gian kể từ bản hiến pháp năm 1946, hiến pháp năm 1959, hiến pháp năm 1980, hiến pháp năm 1992 cho đến nay cần nhận thấy rằng có những khác biệt bản chất về quyền lực của nhà nước, bản hiến pháp năm 1946, và bản hiến pháp năm 1959 đều khẳng định quyền lực nhà nước là của nhân dân

-Trích dẫn điều 1 trong hiến pháp năm 1946: Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.

-Trích dẫn điều 4 trong hiến pháp 1959: Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nhưng bản hiến pháp năm 1980 và và bản hiến pháp 1992 đã thay đổi cơ bản về bản chất khi quyền lực nhà nước không còn thuộc về nhân dân mà quyền lực nhà nước đã thuộc về Đảng Cộng sản Việt nam. - Trích dẫn điều 4 trong hiến pháp 1980: Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.

Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp

- Trích dẫn điều 4 trong hiến pháp năm 1992: Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Lần theo lịch sử đấu tranh dành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước trong các giai đoạn nước sôi lửa bóng, hy sinh xương máu nhiều nhất từ trước năm1946 cho đến 1975 khi mà cục diện giữa các thế lực thù địch chưa thể ngã ngũ, đất nước chưa thực sự tự do độc lập thống nhất, khi mọi thành quả của đấu tranh cách mạng mù tít biển khơi thì quyền lực nhà nước mong manh trong hiến pháp được Đảng trao cho nhân dân, để dân tha hồ mơ mộng, hy sinh và cống hiến. Một Đảng lừa dối, lợi dụng nhân dân Đảng đó có thể gọi là đạo đức văn minh được không.

Hiến pháp năm 1980 trở về đây khi đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất thì quyền lực nhà nước thuộc nhân dân lại bị Đảng chiếm đoạt-Nhà nước không phải của nhân dân mà nhà nước thuộc về Đảng. Như vậy Đảng chỉ coi nhân dân là công cụ của Đảng trong tranh đấu dành độc lập, thống nhất đất nước ,một Đảng không phục vụ cho đất nước,cho nhân dân đảng ấy đã bị hư,bị hỏng từ trong bản chất Đảng thì học ai,học gì đi chăng nữa cũng chỉ là dối trá và xảo biện’

Trong chiến tranh đòi hỏi hy sinh xương máu, chịu nhiều mất mát đau thương thì quyền lực thuộc về nhân dân, khi hòa bình xây dựng đất nước, mọi người dân bắt đầu được quyền mưu cầu hạnh phúc ấm no và thịnh vượng thì quyền lực thuộc về Đảng. Một Đảng mà chỉ vơ quyền lợi cho một nhúm Đảng viên của mình, như vậy Đảng đó không thể chính ngôn là một Đảng đạo đức văn minh,là đỉnh cao trí tuệ được mà là một Đảng trấn lột, một Đảng cướp của những kẻ dối trá, lật lọng.

Chính vì vậy mà qua dần năm tháng các Đảng viên, đặc biệt là các Đảng viên cao cấp với quyền lực trong tay càng trở nên tàn ác và tham lam, vô đạo đức, sa hoa, lãng phí, phè phỡn trên sự nghèo hèn của nhân dân mà không có pháp luật trừng trị, Đảng càng tồn tại lâu thì đất nước càng bị tàn phá, bất công phân hóa giàu nghèo càng gia tăng, đạo đức xã hội càng băng hoại…

Một Đảng như vậy thì học Ai? Học cái gì? Học Ông Hồ Chí Minh ư, Tại sao không học ai khác ngoài Ông Hồ Chí Minh vì ông Hồ Chí Minh có biệt tài như Chủ tịch Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Kim Jong IL là được quần chúng nhân dân lao động rất sùng bái và sùng bái đến mù quáng cho nên mặc dù ông mất năm 1969 tức là hơn 40 năm rồi mà Đảng CSVN vẫn cố tô hình vẽ bóng ông như một vị thánh để tất cả người dân VN cứ gập mình mà cúi lậy và các đồng chí trong Đảng với áo khoác của Người, mang danh học trò của Người tự sưng là đạo đức là văn minh vô tư lộng hành tác ai tác quái.Trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ai là học trò, ai là thầy, ai là hư hỏng? Thật dễ trả lời, hơn 3 triệu đảng viên trong Đảng đều là đồng chí cho nên không ai là trò mà cũng chả ai là thầy, các đồng chí cấp cao thì quyền lực cao, lợi lộc lớn,cấp bé thì quyền lợi bé cho nên đoàn kết trong Đảng bao giờ cũng là mục tiêu hàng đầu, mâu thuẫn chỉ phát sinh khi nhóm này, phái kia mâu thuẫn về quyền lực,quyền lợi với nhau và để lấp liếm trước nhân dân họ lại nêu tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ra để bạo biện cho các cuộc đấu đá, để nghe có vẻ là đạo đức văn minh,nhưng thật ra là vô cùng thối nát và bẩn thỉu. Trong công cuộc học tấm gương HCM ông thầy là một cái xác từ lâu, còn lũ học trò cứ lấy câu này câu nọ của ông ra để tự bảo nhau thế này thế nọ và in thành núi sách phát cho nhau ,mà cuối cùng thì mỗi năm tốn hàng chục tỷ để rồi bán cho bà đồng nát vì có đồng chí nào đọc và học đâu .

Cho nên“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chỉ là cái bình phong bên ngoài chứng minh Đảng là Đỉnh cao trí tuệ, và là đạo đức văn minh, che đậy đi cái tội lỗi xấu xa của các đồng chí trong Đảng, và sau cái bình phong ấy các đồng chí Đảng viên cao cấp tha hồ mà tham nhũng suy thoái đao đức, yên tâm có bóng Bác che rồi

Vì vậy càng nói đến tấm gương đạo đức Bác Hồ thì Đảng càng mau hỏng, mau hư và mau đến tự sát.


Việt Hoàng
http://danlambaovn.blogspot.com/

Thời điểm thích hợp để mua nhà?


03/01/2012 07:52:05
 - Giá bất động sản đang giảm  từ 15 - 25% so với đầu năm, nhiều người đặt câu hỏi: Thị trường bất động sản thực sự đã trở về với giá trị thực của nó chưa? Rất khó để trả lời câu hỏi này bởi nó đã bị các nhà đầu tư thổi giá trong giai đoạn khá dài. 

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2011, thị trường bất động sản đã có sự phân khúc khá rõ ràng, giá các khu chung cư cao cấp và trung bình vẫn nằm đợi, trong khi đó giá những khu chung cư bình dân với mức dưới 2 tỷ đồng đang được người dân "săn lùng". Vậy thực sự giai đoạn này đã là thời điểm thích hợp để người dân mua nhà chưa? 

Anh Nguyễn Tiến Thành (Hà Đông, Hà Nội): Tôi còn rất phân vân

Anh Nguyễn Tiến Thành
Anh Nguyễn Tiến Thành
Gần 2 tháng nay vợ chồng tôi đi tìm căn hộ với  giá khoảng dưới 2 tỷ đồng trở xuống. Tôi được người ta giới thiệu mấy khu chung cư như Xa La, Linh Đàm, Mễ Trì... diện tích nhỏ khoảng 60 - 70m2 có giá bán 24 - 27 triệu đồng/m2. Giá cả này có vẻ hợp với túi tiền của vợ chồng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn chưa dám quyết định ký giấy mua.
 
Bởi lẽ, theo thông tin trên các phương tiện truyền thông, nhiều nhà phân tích dự đoán giá bất động sản sang năm 2012 còn có khả năng đi xuống. Giá đất còn có thể giảm hơn nữa nên chúng tôi còn rất phân vân.
 
Vả lại theo tôi đã đi khảo sát thì những căn hộ này vẫn còn trong quá trình đang hoàn thiện. Dự kiến cũng phải mất nửa năm mới xong. Trong khi đó, nếu chúng tôi ký hợp đồng mua nhà cũng phải đặt 50% tiền trước và chỉ được trả hết số còn lại trong vòng 6 tháng.

Ông Nguyễn Hữu Cường (chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội): Giá bất động sản vẫn còn khó đoán

Nếu hỏi thời điểm này đã thích hợp để mua nhà chưa, tôi cho rằng khó trả lời đầy đủ. Nó phụ thuộc vào yêu cầu bức xúc của chính người mua, nếu cảm thấy phù hợp thì ta mua chứ chờ thì nhiều khi chưa chắc đã là tốt trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Ông Nguyễn Hữu Cường
Ông Nguyễn Hữu Cường
Giá cả lên hay xuống cũng là chuyện bình thường. Nhất là bất động sản thì rất khó đoán. Đừng nói rằng nó tiếp tục giảm hay sẽ tăng, tất cả chỉ là dự báo về tình hình và đừng khuyên ai nên mua sớm hay mua muộn, đừng nói gì đó quá chắc chắn vì mọi việc đều có thể xảy ra. 

Người Việt Nam có xu hướng chuẩn bị mọi thứ cho dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt là nhu cầu mua nhà ở, sửa chữa hoặc đổi nhà mới. Vì thế, có thể dịp này nhu cầu nhà sẽ tăng lên. Nó phù hợp với hoàn cảnh khi mà những nhà đầu tư cũng đang muốn bán hàng để trả nợ những khoản tiền trước đó họ đã bỏ ra. Họ bắt buộc phải bán đi để trả cho ngân hàng.
 
Nhiều nhà đầu tư có tâm lý: Dù lỗ cũng phải bán. Đây cũng là nguyên nhân làm giá bất động sản xuống thấp. Các nhà đầu tư kích cầu người mua bằng cách tặng các gói lãi suất, hỗ trợ chính sách tài chính, tặng sàn, tặng ô tô, trả tiền đáo hạn... 

Giá nhà ở hiện nay là thấp, người dân tùy theo tài chính của mình để lựa chọn mua. Người dân nên mua nhà khoảng 2 tỷ đồng trở lại. Trước khi quyết định mua nên tham khảo ý kiến chuyên gia. Vì không có một loại hàng hóa nào có thể lỗ vốn nhanh như bất động sản. Khì chúng ta mua ngôi nhà nhưng không thể nhận biết được móng nhà đó như thế nào mà chỉ các nhà chuyên môn, kỹ sư về nền móng mới có thể biết về kết cấu móng của ngôi nhà.

Ông Nguyễn Mộng Liêm (Giám đốc Công ty Bất động sản Kiến Vàng): Mua nhà giai đoạn này là hợp lý

a
Ông Nguyễn Mộng Liêm
Nếu những người thực sự có nhu cầu mua nhà để ở thì đây là giai đoạn mua hợp lý nhất. Giá các chung cư có diện tích từ 60 - 80m2, với giá từ 1,5 - 2 tỷ đồng như các khu chung cư ở ven đô như Hoài Đức, Từ Liêm, Hà Đông... dao động trong khoảng 15 - 25 triệu đồng/m2 thì người dân có thể mua. 

Với giá tiền đó người dân có thể mua ngay. Vì theo tôi sang quý II/2012 thị trường bất động sản sẽ phục hồi. Cuối năm nay, lượng lớn những người có thu nhập, sau một năm làm ăn, mới dồn được lượng tiền nhất định. Đầu năm có thể họ sẽ đầu tư vào bất động sản. Cộng với sự điều chỉnh từ ngân hàng nên giá bất động sản có thể lại nhích lên.
 
Số liệu về giá bất động sản: Khu đô thị Vân Canh

(Chủ đầu tư: Tập đoàn phát triền nhà và đô thị Việt Nam)

Tháng 3/2009, giá 14 - 20  triệu đồng/m2.
Tháng  12/2009, giá 25 - 28 triệu đồng/m2. 
Tháng 3/2010, giá 32 - 37 triệu đồng/m2. 
Tháng 7/2010. giá 45 - 50 triệu đồng/m2. 
Tháng 10/2010, giá 25 - 30 triệu đồng/m2. 
Tháng 12/2011, giá 19 - 25 triệu đồng/m2.
(Ghi chú: Số liệu do Công ty Bất động sản Kiến Vàng cung cấp)

Đức Lợi (thực hiện)

Quan đánh cờ bạc tỷ: Sự tha hóa của quyền lực


03/01/2012 07:18:59
 - Ngày 24/12, Công an tỉnh Sóc Trăng đã tạm giữ hình sự đối với ông Nguyễn Thanh Lèo, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Văn Tân, giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe loại 3, thuộc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng vì liên quan đến việc đánh mỗi ván cờ 5 tỷ đồng. KH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Ngọc Vương về vấn đề này. 
 
TIN LIÊN QUAN

Đích thực nó là "hàng nội"

Khi biết về vụ việc "các quan" đánh cờ tiền tỷ ở Sóc Trăng, ông thấy thế nào?

Cách đây mấy tháng, tôi có  nghe chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm thán về  "bầy sâu". Khi đó, tôi đã muốn được  đứng cạnh ông để thưa rằng: Đó không phải bầy sâu do ai đó "nhỡ tay" nhập khẩu về kiểu  ốc bươu vàng hay chuột hải ly. Đích thực nó là "hàng nội", "sâu gốc bền rễ" rồi. Thế đấy!

Theo ông, vì đâu nên nỗi?

Ngay từ những ngày "trứng nước", cụ Hồ đã quan tâm đến chuyện rèn luyện cả năng lực lẫn tư cách của người cán bộ. Cụ viết nhiều, nói nhiều, chỉ đạo nhiều, có những huấn thị đã trở thành cuốn sách kinh điển. Cụ cũng tự mình làm gương, một tấm gương "chí công vô tư".

Tuy nhiên, về sau này các trường lớp đào tạo của ta cho "ra lò" những người "tráng qua" những khóa đào tạo để lĩnh hội và thực hành cái thuộc về chủ trương, chính sách lớn. Các hệ thống trường đào tạo cán bộ chỉ "dạy" những phương diện ấy là chính. Nhưng những trường lớp này chưa quan tâm nhiều đến việc đào tạo người ta phải làm cán bộ thế nào cho nghiêm túc và xứng đáng.

Theo ông, để khắc phục mình có cần đào tạo lại một số cán bộ?

Trước khi trả lời câu  đó, cần phải hỏi những người đang giữ cương vị  lãnh đạo: "Ai thấy mình ổn rồi, xin giơ tay". 

Càng lên cao càng nhiều bổn phận

Việc đào tạo lại, khắc phục hậu quả ấy theo ông có khó khăn không?

Khó khăn chứ! Bởi vì  đảm nhiệm công việc này chỉ là bộ phận chuyên trách xây dựng Đảng. Hơn nữa, nó còn khó ở chỗ đào tạo ai, biết ai thiếu năng lực mà đào tạo. Thực tế hiện nay cho thấy, chỉ những anh cấp dưới, hoặc những người bình thường mới bị kỷ luật "sòng phẳng", còn ở cấp cao hơn thì càng lên cao thì càng khó soi xét, kỷ luật.

Qua vụ việc này, theo ông, người như thế nào mới đủ tiêu chuẩn  để làm một cán bộ lãnh đạo, có nên bổ  sung thêm hình thức cấm các quan chức đánh cờ  ăn tiền không?

Mỗi thời đại, mỗi cộng đồng đều từ tự phát đến tự giác hình dung về những chuẩn mực cần có ở những người quản lý. Xã hội càng phát triển thì những cái chuẩn ấy lại càng cao, càng toàn diện. Người nào càng "lên cao" thì càng nhiều bổn phận, trách nhiệm và phẩm chất. Khó mà nói chung chung, hơn nữa, trong các xã hội có bản chất đối lập nhau, thì "chuẩn mực người trên"  cũng khác nhau, thậm chí có những phương diện đối lập nhau.

Ông có thể nói về những chuẩn mực đối với người lãnh đạo ở ta?

Trước khi có được chính quyền, thì "cán bộ" đồng nghĩa với  "người cộng sản". Phẩm chất đầu tiên của người cộng sản Việt Nam là tự nguyện tham gia hoạt động cách mạng, chấp nhận thiệt thòi, mất mát, thậm chí đổ máu, hy sinh trước hết là vì mục tiêu giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, sau là cho lý tưởng xây dựng một xã hội tốt đẹp, lấy hạnh phúc toàn dân làm đích đến cuối cùng... 

Tôi không làm thầy bói

Thực tế đã ghi nhận, mỗi lần khắc phục được thì xã hội lại phát triển được, đổi mới được. Quan trọng là  ở mỗi khoảnh khắc ấy cần những người dũng cảm. Mà có người dũng cảm ở khoảnh khắc đó là vận hạnh cho đất nước, cho tổ chức đó. Ai chả biết phủ định là đau đớn, mất mát. Nhưng hầu như không có con đường khác. Cho nên các nhà lãnh đạo sáng suốt nhất đều nói phê và tự phê là vũ khí tiến bộ. Đổi mới trong một nghĩa nào đó là một công cuộc tự điều chỉnh, tự phê bình. Người ta với tư cách là số phận cá nhân thì ông nào bà nào cũng muốn an toàn, trót lọt. Vì thế nên tôi mới nói là đòi hỏi sự dũng cảm.
Sau sự việc, có người sẽ nghĩ đến sự tha hóa của quyền lực, đến sự bất khả kháng đối với sự xuống cấp của một bộ phận cán bộ? 

Cũng không hẳn là bất khả. Vẫn có không ít người ở vị trí cao xét về mặt tư đức là xứng đáng. Hơn nữa, xã hội dù có xấu xa đến đâu thì đến một thời điểm nào đó nhất định nó sẽ phải có sự thay đổi, điều chỉnh. Nếu những người càng có trách nhiệm ở trên càng có ý thức về chuyện tu dưỡng, tự tỉnh thì hoàn toàn có thể thay đổi khi nó chưa quá muộn.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất là sự tự tha hóa của quyền lực. Quyền lực còn dễ nghiện hơn ma túy, và tác hại của nó cũng nặng hơn ma túy. Chính vì vậy, sẽ vô cùng khó khăn để cho bộ máy quyền lực tự phản tỉnh.

Nếu quyền lực còn dễ nghiện hơn cả ma túy, tác hại của nó hơn cả ma túy thì liệu có cai được không?

Tôi không dám kết luận về diễn trình hiện nay nhưng tôi có quyền bày tỏ  một sự hy vọng. Tôi thấy hình như ai cũng lo cho bản thân mình. Chưa nhiều lắm những người bỏ mặc danh phận cá nhân mà lo cho việc chung. Đó là  một sự thiếu hụt. Nói cách khác là ta vẫn thiếu đức hy sinh mà không có cuộc cách mạng nào mà không phải hy sinh.

Nói như ông thì liệu đến bao giờ xã hội mình mới hết những quan đánh cờ bạc tỷ?

Tôi không làm thầy bói. Vả lại tôi cố gắng giữ cho mình những suy nghĩ  và cảm nhận cá nhân. Không ở cương vị ấy thì không bàn chuyện ấy.

Xin cảm ơn ông.

 

Ngày 24/12, ông Nguyễn Thanh Lèo, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Văn Tân, giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe loại 3, thuộc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng đã bị Công an tỉnh Sóc Trăng tạm giữ hình sự về tội đánh mỗi ván cờ 5 tỷ đồng.

Theo thông tin của CQĐT, ông Lèo và ông Tân đã nhiều lần đánh cờ ăn tiền với số tiền mỗi ván từ 1 - 5 tỷ đồng. Sau nhiều lần đánh cờ bị thua ông Lèo đã nợ ông Tân tới 22 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ. Ông Tân đã đưa người đến nhà ông Lèo xiết nợ và dọa giết cả nhà ông Lèo. Quá hoang mang về việc này nên ông Lèo đã có đơn tố cáo đến cơ quan chức năng can thiệp.



Quách Dương (Thực hiện)

Thuyết phục Science đăng thư phản đối đường lưỡi bò thế nào?


03/01/2012 07:05:12

"Một điều vô cùng bất lợi cho Việt Nam là thực lực của chúng ta trong trường khoa học quốc tế rất kém cỏi, chưa bằng thể so sánh với Trung Quốc" - trao đổi của GS Phạm Quang Tuấn, ĐH New South Wales, Australia, người đã kiên trì tranh luận với BTV tạp chí Science, thuyết phục họ đăng thư phản đối đường lưỡi bò của các nhà khoa học Việt Nam.

LTS: Trong năm 2011, có một sự kiện không được nhắc  tới trong các bảng bình chọn sự kiện của năm: nỗ lực của giới khoa học Việt Nam "lật tẩy" đường lưỡi bò. Kết quả là hai tạp chí khoa học hàng đầu thế giới đã đăng bài viết thể hiện quan điểm khách quan, khoa học và chính xác "lật tẩy" đường lưỡi bò phí lý bao trọn Biển Đông. Họ đã bằng những nỗ lực của cá nhân, làm cho giới khoa học thế giới hiểu thêm về vấn đề phức tạp và có phần nhạy cảm này, đồng thời cũng tạo nên được những cứ liệu khoa học chất lượng phản bác lại hiện trạng áp đảo các công trình khoa học có dùng "bản đồ lưỡi bò" minh họa.

Nhân dịp đầu năm mới, Bee.net.vn xin đăng bài  trao đổi của TS Lê Văn Út, ĐH Oulu, Phần Lan với GS Phạm Quang Tuấn, ĐH New South Wales, Australia. GS Phạm Quang Tuấn là người đã kiên trì tranh luận với BTV tạp chí Science để cuối cùng họ đã đăng thư phản đối của giới khoa học Việt Nam dưới bài báo chèn đường lưỡi bò phi lý của tác giả Trung Quốc. TS Lê Văn Út là người luôn theo sát và góp công trong những nỗ lực "lật tẩy" đường lưỡi bò. Mong rằng, trong năm tới, những nỗ lực của giới khoa học Việt Nam sẽ được ủng hộ và giành được nhiều kết quả tốt đẹp hơn.

Việt Nam vẫn bất lợi vì thực lực khoa học kém Trung Quốc

TS Lê Văn Út: Giáo sư đã nghĩ gì khi Science đã im lặng trước thư phản đối mà ông gửi cho họ, sau khi họ  cho đăng "Thông báo của tổng biên tập" có phần lấp liếm?

GS. Phạm Quang Tuấn: Tôi không nghĩ họ cố ý "lấp liếm" mà là không đủ quan tâm về vấn đề, nên không đọc kỹ mọi lá thư mà cho rằng chỉ cần một trả lời chung chung. Tuy nhiên, tôi nghĩ là phản ứng này khá đáng thất vọng. Họ là một trong hai tờ báo khoa học đa ngành nổi danh nhất mà phản ứng yếu xìu và có vẻ không quan tâm về vụ xâm phạm đạo đức khoa học trên tờ báo của họ.

TS Lê Văn Út: "Thông báo của tổng biên tập" có làm giáo sư nản chí? Ông có nghĩ câu chuyện đã kết thúc ở đó không?


GS. Phạm Quang Tuấn: Dĩ nhiên là không, nhưng tôi khá ngạc nhiên khi họ không trả lời thẳng câu hỏi của mình là có định đăng bài hay không.

 

GS Phạm Quang Tuấn
GS Phạm Quang Tuấn

 

 

TS Lê Văn Út: Có thể nói bức thư ông phản ứng về việc họ trưng ra "thông báo của tổng biên tập" đã chuyển câu chuyện theo hướng tích cực? Xin ông vui lòng cho biết những điểm nhấn trong bức thư này là gì?

GS. Phạm Quang Tuấn: Căn bản là chỉ ra cho họ rằng nội dung bản thông báo của họ không áp dụng cho thư của chúng tôi, và yêu cầu họ xử lý lá thư theo thủ tục thông thường.

TIN LIÊN QUAN
TS Lê Văn Út: Tại sao họ lại im lặng sau khi giáo sư phản ứng việc họ dùng "Thông báo của tổng biên tập" để hồi đáp lá thư phản đối của ông? 

GS. Phạm Quang Tuấn: Tôi không biết tại sao. Tuy nhiên, trong việc gửi bài đăng báo khoa học, việc trì trệ, không được trả lời cả tuần hay cả tháng là thường. Việc phải viết thư nhắc nhở cũng rất thường. 

TS Lê Văn Út: Science chưa in lá thư phản đối trên báo giấy. Ông có đang tiếp tục yêu cầu họ về vấn đề này?


GS. Phạm Quang Tuấn: Họ đã ra quyết định tối hậu là chỉ đăng trên trang điện tử, đó là quyền của họ, mình chỉ đòi hỏi được đến mức đó. Tôi không hiểu thái độ của họ, nhưng có thể là những người trong ban biên tập – đều là khoa học gia – có quá nhiều nối kết khoa học với Trung Quốc– đồng nghiệp, sinh viên, hợp tác khoa học....

Đây là một điều vô cùng bất lợi cho Việt Nam, vì thực lực của chúng ta trong trường khoa học quốc tế rất kém cỏi, chưa bằng thể so sánh với Trung Quốc. Một phần vì dân số mình ít, nhưng một phần lớn hơn là vì sự phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam thua Trung Quốc quá xa. Họ có quá nhiều khoa học gia tầm cỡ, nằm trong ban biên tập các tập san khoa học quốc tế, các hội khoa học, các đại học quốc tế. Trình độ nhiều đại học và trung tâm nghiên cứu của họ lên đến tầm cỡ cao trên thế giới, có những công trình cộng tác với Tây phương ở tư cách ngang hàng (chứ không phải chỉ là xin tiền hay được giúp đỡ). Trừ phi Việt Nam có chính sách phát triển giáo dục, khoa học, công nghệ đàng hoàng, tiếng nói của chúng ta sẽ càng ngày càng yếu ớt.

Nhưng quyết tâm theo đuổi sẽ thành công

TS Lê Văn Út: Giáo sư nghĩ gì về quá trình tranh luận giữa ông và vị đại diện của Science, và sự thắng lợi vừa qua? Những kinh nghiệm gì mà ông muốn chia sẻ với những người gửi thư phản đối các tạp chí khoa học có đăng bài dính đường lưỡi bò?


GS. Phạm Quang Tuấn: Thư phải đi thẳng vào vấn đề, xác thực, dẫn chứng đầy đủ. Nên viết với tư cách một nhà khoa học hay ít ra một người khách quan, chứ đừng viết trên cương vị của một người Việt Nam, vì độc giả không phải chỉ có người Việt Nam. Nếu không được đăng ngay thì cần phải để tâm theo đuổi. 

TS Lê Văn Út: Các tạp chí bị phản đối về đường lưỡi bò thường trả lời rất chung chung "đó trách nhiệm của tác giả" hay "chúng tôi không quan tâm chính trị". Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

GS. Phạm Quang Tuấn: 
Tôi nghĩ là các báo khoa học cũng rất lúng túng về vấn đề các tác giả Trung Quốc đưa bản đồ lưỡi bò vào công trình nghiên cứu. Người chịu trách nhiệm đăng bài là tổng biên tập, nhưng thường thường tổng biên tập không có thì giờ đọc kỹ hết các bài gửi đến mà dựa lên các người bình duyệt (reviewers). Người bình duyệt thì rất đông, trên nguyên tắc toàn thể các nhà khoa học trên thế giới ai cũng có thể được chọn để bình duyệt nếu thông thạo đề tài. Vì không tìm được biện pháp cụ thể, họ phản ứng lập lờ và lúng túng. Có lẽ chúng ta phải tìm cách giúp họ bằng cách đưa tra những đề nghị cụ thể và khả thi

TS Lê Văn Út: Được biết giáo sư đang tham gia ban biên tập của hai tạp chí quốc tế và đã công bố hàng trăm công trình khoa học, có phải chỉ những kinh nghiệm này làm nên thắng lợi vừa qua hay không? Những người không có thành tích khoa học như giáo sư có thể làm nên những thắng lợi tương tự hay không?

GS. Phạm Quang Tuấn: 
Mỗi người chúng ta đều có thể làm theo cách của mình. Chẳng hạn, thư phản đối gửi cho các báo của các cựu sinh viên New Zealand, tuy không theo quy củ hàn lâm, nhưng đã đưa tới hai bài viết rất mạnh trên báo Nature. Tuy nhiên, với những người không thông thạo tiếng Anh và văn hóa Tây phương thì việc này rất khó và cần sự cộng tác của những người đã ở ngoại quốc lâu năm.

Lược thuật quá trình tranh luận của GS Phạm Quang Tuấn với BTV tạp chí Science

Bài báo "Lịch sử nhân khẩu học của Trung Quốc và thách thức trong tương lai" của Xizhe Peng, đăng trên Science vào ngày 29 tháng 7 năm 2011, số trang 1581-587, với các bản đồ Trung Quốc có chèn đường lưỡi bò phi pháp, đã bị nhiều tri thức Việt phản đối. Do Science nhận thức được sự vô lí của đường lưỡi bò trong bài báo của Xizhe Peng nên họ đã đăng cho đăng một thông báo của tổng biên tập. Tuy nhiên thông báo đó chỉ đề cập"có thể đã có sự hiểu nhầm", "Science không đứng về bên nào" hay "chúng tôi sẽ xem lại quy trình … để tránh lặp lại…".

Không bằng lòng với sự không rõ ràng của Science, nhiều tri thức Việt đã tiếp tục gửi thư phản đối đến Science.

GS Phạm Quang Tuấn cùng nhiều tri thức Việt đã gửi một lá thư cho Science (mã số: 177180) giải thích rõ về tính phi pháp của đường lưỡi bò, và đề nghị Science xét đăng lá thư này.

Tuy nhiên, Jennifer Sills, phó ban biên tập trang thư của Science, đã hồi đáp rằng họ đã đăng thông báo của ban biên tập. Không đồng ý với câu trả lời của bà Jennifer Sills, GS. Phạm Quang Tuấn đã phản ứng: "Bà đã không nói rõ liệu lá thư của chúng tôi sẽ được công bố hay không. Thông báo của tổng biên tập viên về các bản đồ Trung Quốc đề cập đến một vấn đề hoàn toàn khác với lá thư của chúng tôi. Tôi biết rằng đã có nhiều thư phản đối đưa đến việc Science đã ra một thông báo như vậy, nhưng lá thư của chúng tôi là về một vấn đề hoàn toàn khác. Chúng tôi không đặt vấn đề liệu các bản đồ có phản ánh một lập trường của Science hay không. Vấn đề mà lá thư của chúng tôi đề cập là tính khoa học và tính hợp pháp của các tài liệu trong một bài báo được xuất bản trên Science. Như vậy, nó cần phải được xem xét theo thủ tục bình thường dành cho các thư phản hồi, điều đó có nghĩa rằng nó phải được chuyển đến tác giả bài báo gốc để lấy ý kiến, và sau đó tổng biên tập sẽ quyết định có công bố lá thư hay không, dựa trên giá trị khoa học của nội dung. Tóm lại, tôi kính xin quý báo áp dụng một quy trình khoa học bình thường cho lá thư của chúng tôi. Tôi mong đợi thư trả lời của bà."

Trước sự phản hồi nhẹ nhàng, khoa học, và thẳng thắn của GS. Phạm Quang Tuấn, bà Jennifer Sills và Science đã phải im lặng. Một tuần sau đó, GS. Phạm Quang Tuấn đã gửi cho bà Jennifer Sills một bức thư quyết định:"Tôi đã gửi bà bức thư đính kèm một tuần trước đây, nhưng vẫn chưa nhận được trả lời của bà. Chắc chắn thật là một vấn đề đơn giản để cho tôi biết liệu lá thư của chúng tôi có đang được xem xét để xuất bản hay không, và nếu nó đã bị bác thì dựa trên những căn cứ gì. Như bà phải biết, chúng tôi cần biết điều này để chúng tôi có thể sắp xếp cách khác, chẳng hạn như tìm kiếm một nơi thích hợp cho bức thư của chúng tôi. Tôi mong nhận được trả lời sớm của bà."

Lần này, bà Jennifer Sills đã lập tức đưa ra giải pháp mà tri thức Việt đang mong đợi: "Chúng tôi có thể đăng lá thư của ông trên trang web của Science. Xin vui lòng cho tôi biết liệu ông muốn chúng tôi thực hiện giải pháp này, hay ông muốn tìm một giải pháp khác như ông đã đề cập".

Theo người viết được biết, ngoài việc GS. Phạm Quang Tuấn hồi đáp bà Jennifer Sills rằng ông hài lòng với quyết định của bà, ông còn yêu cầu Science phải đăng lá thư trên báo giấy của Science. Nhưng Science đã từ chối đề nghị này này. Tuy nhiên, việc Science buộc phải cho công bố lá thư phản đối trên trang web của họ ngay sau bài báo của Xizhe Peng.

TS. Lê Văn Út, ĐH Oulu, Phần Lan

Chị Hồ Thị Bích Khương sẽ kháng án


Dũng Nguyên (Danlambao) - Một nguồn tin thân cận với gia đình chị Hồ Thị Bích Khương cho biết là chắc chắn Bích Khương sẽ kháng án sơ thẩm. Việc kháng án sơ thẩm xử phạt chị 5 năm tù giam và 3 năm quản chế không có hi vọng sẽ được giảm án cho chị nhưng vẫn phải tiến hành.

Một cán bộ ở Sở Tư Pháp tỉnh Nghệ An cho hay là mức án dành cho mục sư Nguyễn Trung Tôn là có xem xét và chiếu cố nên mức án nhẹ hơn. Người này cho hay: "nếu anh Tôn chịu hợp tác và cam kết không hoạt động tôn giáo thì có khả năng chuyển qua án treo trong phiên xử phúc thẩm đến ". Được thả với điều kiện không sinh hoạt tôn giáo với mục sư Nguyễn Trung Tôn thì cũng coi như là ở tù và chắc chắn là mục sư Nguyễn Trung Tôn sẽ không chọn giải pháp này.
Chị Hồ Thị Bích Khương và mục sư Nguyễn Trung Tôn đã nhiều lần bị CA hành hung gây thương tích

Khi chúng tôi đề cập mức án khá nặng với dân oan Hồ Thị Bích Khương thì vị cán bộ đề nghị không nêu tên cho là không có tính cách trả thù mà " rất đúng người đúng tội". Tuy nhiên người này cũng thừa nhận rằng mức án trên nhằm răn đe những đối tượng khác nói xấu và chống đối đảng, nếu Bích Khương không viết báo hay được hay không được trao giải thưởng nhân quyền thì mức án có thể nhẹ hơn .

Bản thân mục sư Nguyễn Trung Tôn từng phục vụ trong quân đội trước đây, gia đình được xem là có "truyền thống cách mạng" nhưng mục sư Tôn đã chọn con đường dấn thân cho công lý và lẽ phải. Phía an ninh mấy hôm nay vận động gia đình mục sư Tôn nên khuyên nhủ ông chấp nhận án sơ thẩm mà không kháng án. Sau phiên xử sơ thẩm khi thấy trên khuôn mặt mục sư Nguyễn Trung Tôn có nhiều vết tích, người nhà hỏi ông có bị tra khảo trong tù không thì 3 nhân viên an ninh đi kèm trừng mắt và đề nghị không được hỏi thăm chuyện trong tù.

Người nhà chị Bích Khương cho hay thì tinh thần của chị không thay đổi. Chị vẫn cương quyết đối đầu một cách cứng rắn và bất hợp tác với an ninh điều tra. Trong phiên tòa sơ thẩm vừa qua thì chị Bích Khương trông rất tiều tụy. Chị Bích Khương cho người thân hay là gần đây rét quá chị không ngủ được nhưng không nói rõ lý do vì sao.

Như vậy thì sau phiên xử sơ thẩm vội vã hồi cuối năm 2011 tại tòa án tỉnh Nghệ An thì chị Bích Khương chắc chắn sẽ kháng an.

Dũng Nguyên từ thành Vinh.

Từ vụ PV Hoàng Khương bị bắt: Cần làm rõ động cơ hối lộ


Chiều 2-1, Công an TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương, PV Báo Tuổi Trẻ) để điều tra, làm rõ hành vi "đưa hối lộ". Từ vụ này, chúng tôi xin dẫn lại bài viết dưới đây từ Báo Pháp luật & Xã hội để bạn đọc hiểu thêm về thẩm quyền tác nghiệp của nhà báo.
***
Chống tiêu cực là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Trong sự nghiệp chung đó, các phóng viên (PV) điều tra đã đóng góp một phần không nhỏ, đáng được ghi nhận. Hóa thân để điều tra là công việc thường xuyên của PV. Vụ việc nhà báo Hoàng Khương nhập vai chủ xe, đưa tiền cho một CSGT để chứng minh cán bộ này nhận hối lộ đang khiến dư luận rất quan tâm bởi sau hành vi này, PV Hoàng Khương đã bị khởi tố bị can, bắt tạm giam; trước đó đã bị đình chỉ công tác...

Nội dung vụ việc

Ngày 5-7-2011, báo Tuổi trẻ TPHCM đã đăng bài "Đồng tiền xóa sạch hồ sơ" của tác giả Hoàng Khương. Nội dung bài báo phản ánh: Vào 23g15 ngày 23-6, xe ô tô đầu kéo do ông Võ Văn Thắng, lái xe thuê, cầm lái chạy trên đường Phan Đăng Lưu, đến giao lộ Đinh Tiên Hoàng thuộc địa bàn quận Bình Thạnh (TPHCM) thì vượt sai quy định, gây tai nạn.

Sau khi thương lượng đền bù với người bị va chạm xong, sáng 25-6, ông Trần Anh Tuấn, chủ xe đầu kéo cùng một người bạn là Tôn Thất Hòa đến gặp ông Huỳnh Minh Đức, nguyên cán bộ Đội CSGT trật tự - phản ứng nhanh, CA quận Bình Thạnh ở một quán cà phê gần khu vực vòng xuyến cầu Điện Biên Phủ để xin ông Đức không tạm giữ bằng lái của tài xế và cho lấy xe ra trong ngày.

Hai bên bàn bạc và nhất trí giá của vụ "giải tỏa" là 3 "chai" (3 triệu đồng). Sau khi đưa tiền cho ông Đức, ông Tuấn đã được trả lại phương tiện…

Vào ngày 10-7-2011, báo Tuổi trẻ tiếp tục đăng bài "Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép". Bài viết này cũng của tác giả Hoàng Khương. Nội dung bài báo phản ánh: Ngày 23-4, Đội CSGT quận Bình Thạnh lập biên bản vi phạm đối với Trần Minh Hòa do điều khiển xe gắn máy BKS 51F6-2435 chạy lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự… Hòa đã "cầu cứu" người quen tên là Tôn Thất Hòa, nhờ Hòa gặp cảnh sát Đức để xin xe. Tại buổi gặp gỡ, Đức đồng ý trả xe cho Trần Minh Hòa với giá 15 triệu đồng.

Nhận được thông tin từ báo Tuổi trẻ, Cơ quan CSĐT CA TP HCM đã vào cuộc. Ngày 18-11-2011, cơ quan này tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với Huỳnh Minh Đức (trước đó Đức đã bị tước danh hiệu CAND) về tội "nhận hối lộ"; Tôn Thất Hòa, Giám đốc DNTN Duy Nguyên về tội "Môi giới hối lộ" và Trần Anh Tuấn về tội "Đưa hối lộ".

Trong quyết định khởi tố bị can đối với Tôn Thất Hòa, nêu rõ: "Hòa có hành vi móc nối nhận tiền của Trần Anh Tuấn và Nguyễn Văn Khương (tức PV Hoàng Khương) để đưa cho Huỳnh Minh Đức giải quyết trái quy định đối với xe vi phạm giao thông và xe đua trái phép.

Ngày 28-11, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ nhận được công văn của Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của PV Hoàng Khương. Sau đó, Ban biên tập báo Tuổi trẻ đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với PV Hoàng Khương vì có sai sót nghiệp vụ.

Liên quan đến vụ việc, mới đây, Cơ quan CSĐT CA TP HCM đã có văn bản gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị thu hồi thẻ nhà báo của PV Hoàng Khương.

Một số ý kiến cho rằng, PV Hoàng Khương đã phạm tội Đưa hối lộ, nhưng một số người lại có ý kiến khác…


Cần làm rõ mục đích phạm tội!

Một nhà báo xin giấu tên nêu quan điểm: "Tôi cũng nhận thấy trong quá trình điều tra vụ việc, PV Hoàng Khương đã cố ý hợp tác với những người bị giữ xe để hối lộ cảnh sát Đức. Nhưng xét cho cùng, nếu không làm vậy thì sẽ rất khó để có bằng chứng về việc ông Đức nhận hối lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ ai là người đưa tiền cho ông Đức, ông Khương đưa tiền hay chỉ là người có mặt tại đó. Nếu ông Khương trực tiếp đưa tiền cho ông Đức thì đó là hành vi không thể chấp nhận. Cá nhân tôi cho rằng, sử dụng biện pháp mật phục để ghi hình, ghi âm sẽ tốt hơn. Cần phải phân biệt rõ việc PV Hoàng Khương có động cơ gì khi phối hợp với ông Hòa để đưa hối lộ cho ông Đức hay không? Theo tôi, PV Hoàng Khương không phải là người có phương tiện bị tạm giữ nên anh ta chỉ có động cơ là cố gắng lấy bằng chứng về việc ông Đức nhận hối lộ. Nếu PV Hoàng Khương không vờ hợp tác với ông Hòa thì không thể tiếp cận với ông Đức.

Có người cho rằng, khi phát hiện vụ việc, PV Khương phải tố cáo vụ việc tới CQCA. Cần nói lại rằng, Hoàng Khương là PV nên việc "tố cáo" của Hoàng Khương là viết bài phản ánh vụ việc một cách công khai".

Luật sư: Không có dấu hiệu phạm tội!

Luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Công ty Luật Hòa - Lợi cho rằng: "PV Hoàng Khương không có động cơ phạm tội. Hoàng Khương đã thâm nhập vụ việc với mục đích chống tiêu cực. Tôi xin lấy ví dụ, một PV khi đi điều tra để viết bài về một tụ điểm đánh bạc chẳng hạn. Để bài viết có hồn, để nhận diện được các mánh khóe của chủ sới, để ghi hình các con bạc để làm bằng chứng, PV phải nhập vai một con bạc. Nếu việc đó đã được báo cáo Ban biên tập thì không thể nói rằng PV đó vào sới để đánh bạc. Nếu Hoàng Khương không báo cáo Ban biên tập thì cũng chỉ là sai sót về qui trình…".

Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng VPLS Trịnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng "về lý luận pháp lý, chỉ có thể coi một người phạm vào tội đưa hối lộ khi hành vi đưa tiền cho người có chức vụ, quyền hạn của người đó xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức đó bị thoái hóa, biến chất. Trong vụ việc này, việc PV Hoàng Khương cùng Trần Anh Tuấn đưa tiền cho Hòa để Hòa đưa cho Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ công an), lấy đó làm tư liệu để viết và đăng các bài báo chống tiêu cực có thể xem là hành động dũng cảm, có tác dụng giúp Công an TP HCM hoạt động đúng đắn hơn, phẩm chất cán bộ được nâng cao, khiến nhân dân thêm tin vào cơ quan quản lý". Do đó, luật sư Dũng cho rằng "việc làm này của PV Hoàng Khương không có dấu hiệu phạm tội Đưa hối hộ, mà còn cần phải biểu dương như là tấm gương tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống tham nhũng".


"Nhập vai" đến đâu là an toàn?

Để tìm hiểu viết tin, bài về một vụ việc hoặc hiện tượng, PV được quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra thu thập thông tin. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chưa có một văn bản pháp luật nào qui định cụ thể PV được sử dụng nghiệp vụ điều tra đến đâu, mà tùy vào tình hình cụ thể, người PV đó hoặc tòa soạn sẽ đưa ra cách thức khai thác thông tin. Với những vụ việc nhạy cảm, phức tạp như việc chứng minh CSGT nhận hối lộ nêu trên, việc lấy thông tin "công khai" là rất hiếm, vậy câu hỏi đặt ra với các cơ quan quản lý là PV được "nhập vai" như thế nào thì không phạm luật? Vì trên thực tế, để phản ánh việc khai thác vàng trái phép, đã có PV vào vai "phu" vàng, để phản ánh việc đánh bạc, đã nhập vai con bạc…

Trong vụ việc này, để xác định việc làm của PV Hoàng Khương có dấu hiệu trách nhiệm hình sự hay không cần phải làm rõ nguồn tiền Hoàng Khương đưa cho Tôn Thất Hòa để Hòa đưa cho Huỳnh Minh Đức ở đâu ra.

Tiền của Trần Minh Hòa (người điều khiển xe máy vi phạm) đưa cho Hoàng Khương hay tự Hoàng Khương bỏ ra, vì nếu chỉ để có bài viết, một PV chắc không bỏ ra một khoản tiền lớn (15 triệu đồng) để thực hiện việc "gài bẫy"? Ngoài ra, cần làm rõ mối quan hệ giữa PV Hoàng Khương và Trần Minh Hòa. Vì theo luật thì người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ quyền hạn (lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện), để xác minh xem PV Hoàng Khương có lợi ích liên quan trong vụ việc này không?

Kết luận của CQĐT sẽ làm sáng tỏ vụ việc, nhưng từ vụ việc này cũng nảy sinh vấn đề mà các nhà làm luật cần lưu tâm đó là: Nhà báo được sử dụng nghiệp vụ điều tra đến đâu?
Thep Pháp luật & Xã hội

Lần đầu qua hầm Thủ Thiêm


Người Sài Gòn (Danlambao) - Đúng 8 giờ sáng, sau khi gởi con vào nhà trẻ. Vợ chồng tôi lên đường đi thăm đường HẦM THỦ THIÊM nối 2 bờ sông saigon quận 1, quận 2.

Theo hướng quận 4 qua cầu Camet đi vào nhánh cầu rẽ phải bên quận 1 khoảng 200m, một mũi tàu rẽ trái nối vào đường hầm lồ lộ hiện ra được phân cách bằng những con lươn, rào nhựa xen lẫn những hàng cây, tiểu đảo. Lúc này xe cộ không đông lắm, xe hàng, xe hơi, xe gắn máy thong thả chui vào chui ra trông vui mắt, đường vào có 3 làn, đường lên cũng 3 làn được ngăn cách 2 chiều bằng một bức tường bê tông vững chãi. Không gian thoáng rộng, mát, các con đường dẫn vào hầm được tráng một1ớp nhựa mới gây cảm giác an toàn chắc chắn.

Xa bên trái là những ngôi nhà lớn của các ngân hàng, công ty đồ sộ, vững trãi tô thêm nét đẹp nguy nga, hùng dũng. Bên phải là con đường dẫn từ cầu Camet trải dài vào hầm và thẳng tiến uốn lượn qua cây cầu móng cũ kỹ như một nét chấm phá của người thành phố nhớ về một công viên xưa đầy kỹ niệm… rồi chợt chui luồn xuống chân cầu Khánh Hội hoàng tráng để kết thúc ở bến Bạch Đằng thơ mộng là địa danh lịch sử vang bóng 1 thời : nhà hàng Mỹ Cảnh.

Bên hông con đường là vỉa hè, công viên được lót gạch 2 màu vàng đỏ mới tinh, sạch sẽ, thơm mùi cỏ mới xanh tơ trong gió mát yên lành quyện chút ánh nắng vàng tươi của bình minh đến muộn..., khung cảnh thật thanh bình đáng để làm nơi thể dục dưỡng sinh, câu cá thư giãn hay hội họp bạn bè, một hàng lan can xam xám dài tít ngã bóng vào dòng sông phẳng lặng đục ngầu như con trăn quặn mình đang từ từ cởi bỏ lớp da đen ngầu hôi hám thuở nào…

Bây giờ trước mắt tôi là 2 miệng hầm khổng lồ giống như miệng của con thuồng luồng dữ tợn trong truyền thuyết dân gian, tôi đi chầm chậm quan sát, anh bảo vệ khoát tay bảo nhanh lên, tôi xiết ga lao vào, đường hầm dốc xuống nuốt chửng, 1 cảm giác là lạ đầy thán phục với 1 chút sờ sợ ngây ngô - lỡ có gì... Tôi đang đi dưới lòng sông, dưới hàng ngàn tấn nước cuộn chảy trên đầu, khoa học thật diệu kỳ, con người thật vĩ đại, người Việt Nam thật oai hùng.

Lòng tôi háo hức nhìn quanh, 2 đường hầm được ngăn cách bằng 1 thành tường kiên cố, hầm mới sơn phết rắn chắc nhưng thô cứng, 2 dãy đèn 2 bên nối dài tỏa ánh sáng vàng vọt hòa cùng ánh đèn xe hơi cũng vàng vàng đỏ đỏ khiến ta cảm thấy buồn buồn, và âm thanh mới là điều đáng nói, qua khỏi miệng hầm khoảng 100m trên nóc là 3 cái quạt hút gió khổng lồ tạo ra một âm thanh ồm ồm, khó chịu, chạy xa thì giảm dần… Đường hầm thoai thoải dốc, loáng thoáng bên vách là nhũng cánh cửa thoát hiểm, đèn báo động, điện thoại khẩn cấp… Chạy hơn 400m thì hầm như bằng phẳng, quá 600m thì đường hầm bắt đầu dốc lên, tiếng ồn của 3 cái quạt gió rõ dần, lên dốc 1 đoạn ánh sáng trời ở 2 miệng đường hầm bổng hiện ra sáng lòa như cổng thiên đường, khiến ta quên đi tiếng ồm ồm của…quạt!

Bên kia hầm bầu trời lồng lộng, những hàng cây phân cách mới trồng xanh mướt chạy dài theo con đường mới rộng hơn, dài hơn, hai bên đường là những rừng lá thấp, con sông cạn, bãi bùn hoang vắng không thấy bóng dân cư chỉ còn sót lai vài nền đất, vài cây cột nhà gẫy đổ lẫn trong đám dừa nước như vết tích của đền bù giải tỏa lấy đất phục vụ công trình lợi ích dân sinh, mong rằng họ vui vẻ, hạnh phúc hơn ở nơi ở mới.

Con đường dẫn vào hầm bên quận 2 dài hơn 2 cây số mới đến một ngã 3 kết nối lên cầu Thủ Thiêm qua Bình Thạnh - TP.HCM. Đến đây vợ chồng tôi mới quay ngược được trở về đường hầm, chạy non cây số thấy có 1 ngã rẽ về bến phà Thủ Thiêm, bến phà lâu đời nhất cùa Thành Phố nối 2 bờ xa cách của lòng người, của hiện đại và quê mùa, của văn minh và dốt nát, của giàu nghèo… sẽ chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình cho đôi bờ đất nước tiến lên để lại sau lưng những nỗi buồn man mác…

Câu chuyện xây hay không xây đường hầm 7.000 tỉ kéo dài 6 năm ầm ĩ ngày nào đã tạm dừng bến đỗ, nhưng người bình dân vẫn giá mà "Hầm" để sau này khi ta lớn mạnh, giàu có rồi làm cũng chưa muộn lắm, còn tiền đó để xây cầu ta đã có 3, 4 cây cầu như Thủ Thiêm, Phú Mỹ chỉ tốn 1.500 đến 2.000 tỉ một cầu, 2 năm là đã hoàn thành, kinh tế đã thông thương, giao thông thuận lợi nhiều nơi, nhiều hướng, lại đẹp và nên thơ, du lịch cảnh quan phát triển, con người hòa nhập với thiên nhiên sông nước mà không phải chờ đợi quá lâu, so với đi hầm ngột nghạt, đầy khói bụi lại tốn kém vật tư, điện máy, nhân công bảo dưỡng hàng ngày, rồi đỡ phải lo an toàn, cháy nổ, lún sụt… Rồi sau 100 năm tuổi thọ thì việc đại tu kéo dài sự sống của hầm cũng là 1 vấn đề cực kỳ tốn kém và nhức đầu của thế hệ mai sau...

Thôi, hãy gác lại những gì cũ kỹ, đường hầm giờ cũng đã hoàn thành hiện hữu như 1 minh chứng của sức mạnh ViêtNam, lòng dân Việt cũng lắm vị tha đễ nhìn về phía trước.

Trở về quận 1 sau hai chặng qua lại đường hầm dài hơn cây số, mới thấy thành quả của bao nhiêu khối óc, con tim của lãnh đạo, của cán bộ công nhân. Mới thấy tự hào về con đường hẩm lớn nhất Đông Nam Á, mới thấy niềm mơ ước bao đời cùa nhân dân 2 bờ giờ thành hiện thực. Xin thán phục, thán phục, xin cảm ơn, cảm ơn tất cả.

NguoiSaigon


Cắt băng khánh thành hầm Thủ Thiêm và toàn tuyến đại lộ Đông Tây - Ảnh: Nguyên Mi
Cửa vào hầm Thủ Thiêm phía Q.1 - Ảnh: Nguyên Mi
Đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm phía Q.2 - Ảnh: Nguyên Mi
Mỗi chiều lưu thông trong hầm có 3 làn xe - Ảnh: Nguyên Mi