THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 March 2012

Phát hiện hàng ngàn ký thịt gà thối


Nông dân ra đường học… ngoại ngữ


Ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) mỗi ngày có hàng chục nông dân ra đường bắt chuyện với khách nước ngoài để học tiếng Anh. Có người một chữ tiếng Việt không biết, nhưng nói tiếng Anh lại lưu loát nên bán hàng đắt khách.
>Cụ già làm hướng dẫn viên du lịch cho Tây

Chiều, phố cổ Hội An tấp nập du khách thập phương. Bà Hoa (60 tuổi, trú phường Cửa Đại, TP Hội An) cùng mấy phụ nữ lụp xụp chiếc nón cũ đứng nói chuyện say sưa với gần chục du khách nước ngoài khiến anh hướng dẫn viên đứng ngẩn người vì "mất việc làm". "Người dân ở đây họ phát âm chuẩn thật!", hướng dẫn viên tên Hùng nhận xét.

"Đó là thứ tiếng bồi thôi chứ tụi tui chẳng học qua trường lớp nào. Muốn bán được hàng, mời được khách đi thuyền dạo chơi trên sông… thì phải biết nói tiếng Anh. Mà muốn học tiếng thì chỉ có cách ra chợ, ra đường nghe người ta nói rồi bắt chước là nhanh nhất", bà Hoa bật mí về khả năng nói tiếng Anh của mình.

Vốn là dân đi biển, gần chục năm nay du khách nước ngoài ghé Hội An ngày một nhiều, bà Hoa chuyển qua nghề chèo thuyền đưa khách du lịch trên sông Hoài uốn lượn quanh phố cổ. Thời gian đầu ngày nào bà cũng chèo thuyền ra rồi lại ra về không vì gặp khách mà không biết đường mời, có khi khách đi thuyền bà không biết tính tiền, khách hỏi gì cũng lắc đầu cười trừ.

Cụ Quỳnh năm nay 80 tuổi nhưng vẫn biết nói một vài câu tiếng Anh mời khách. Ảnh: Nguyễn Đông

Ngại quá nên bà Hoa quyết định phải học cho bằng được tiếng Anh. Nhưng từ nhỏ bám sông nước, bà có biết đến chữ nghĩa nào đâu mà vào trung tâm ngoại ngữ. Nghe mấy người hàng xóm mách muốn học tiếng Anh thì cứ ra đường bắt chuyện với khách, nói nhiều, nghe nhiều là học được, bà Hoa làm theo.

"Không ngờ việc học tiếng bồi nhanh thiệt. Nói qua nói lại với khách, nếu mình nói sai họ lại sửa cho. Những lúc vắng khách thì đến nhờ mấy chị em cùng làm nghề dạy thêm", bà Hoa kể và tự hào khoe giờ đã có thể giới thiệu cho du khách về tuổi thọ của những dãy nhà cổ, các món ăn đặc sản của phố cổ…

Không riêng bà Hoa, hầu hết người dân buôn bán ở Hội An ai cũng biết một vài câu tiếng Anh. Ai chưa biết thì lại ra đường, nghe mọi người giao tiếp và học theo. Mỗi khi khách đi qua, những lời mời bằng tiếng Anh lại rôm rả. Dù họ không ghé quán, người dân cũng vui vẻ chào "Good luck!" khiến nhiều người tỏ ra thích thú.

Làm nghề chạy xe ôm được 5 năm nay trên tuyến phố cổ, ông Nguyễn Đình Cáng, 55 tuổi, thông thạo từ việc mời khách nước ngoài đi xe một cách lịch sự và kiêm luôn việc tư vấn cho khách về các địa điểm du lịch sinh thái như đi chèo thúng chai, tập làm nông dân…

"Lớn tuổi rồi nên việc học tiếng Anh, dù là tiếng bồi cũng không mấy dễ dàng. Ngoài việc lắng nghe thì bản thân người học cũng phải tập cách phát âm thế nào cho chuẩn, điệu bộ ra sao để thu hút sự chú ý của người nghe…", ông Cáng nói và cho biết đã mất một năm ròng bám đường hỏi chuyện khách, hỏi cả những hướng dẫn viên du lịch để có được vốn ngoại ngữ như bây giờ.

Ông Cáng thật thà bảo ở phố cổ Hội An này mỗi người học nói tiếng bồi đều theo một nhu cầu riêng. Như cụ Quỳnh chèo thuyền đi bán con tu huýt cho khách chỉ biết nói giá mỗi con một đôla và trả tiền mỗi khi mua hàng, bà Ngọc học một vài câu mời khách ăn Mì Quảng, cao lầu… Riêng những người chạy xe ôm, đạp xích lô thì phải học nhiều hơn để còn chỉ đường, kiêm hướng dẫn viên cho du khách. Có người biết nói đến 3-4 ngoại ngữ.

Nhờ việc biết nói tiếng Anh mà công việc buôn bán nhỏ lẻ của người dân cũng gặp nhiều thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Đông

Lợi thế của việc học tiếng Anh nơi phố cổ là người học được gặp và nói chuyện trực tiếp với khách nên hiện nay không riêng gì người dân phố cổ mà nhiều học sinh, sinh viên cũng tìm đến mong mở rộng vốn ngoại ngữ. Trần Quốc Hào, sinh viên ĐH Duy Tân Đà Nẵng, cứ cuối tuần lại cùng mấy người bạn chạy xe hơn 20 km vào Hội An, đứng bên đường để bắt chuyện, học tiếng Anh từ những người nước ngoài. Nhiều khách sẵn lòng ngồi hàng giờ để tiếp chuyện Hào.

"Ở trường có dạy ngoại ngữ nhưng em thấy không ở đâu học nhanh tiến bộ bằng việc được học trực tiếp với người nước ngoài. Chúng em coi đây là dịp ngoại khóa, vừa đi chơi vừa có cơ hội nâng cao khả năng ngoại ngữ", Hào chia sẻ. Điều Hào cảm thấy thán phục là dù mình được học hành bài bản nhưng nếu nói về việc phát âm hay sự linh hoạt trong từng ngữ cảnh giao tiếp thì vẫn còn kém xa so với những người dân buôn bán ở phố cổ.

Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao thành phố Hội An, nhận xét Hội An là điểm du lịch rất sôi động, hầu hết thời gian trong ngày người dân phố cổ đều tiếp xúc với khách nước ngoài nên khả năng nói tiếng Anh không ngừng phát triển. Đó là một sự nhạy bén của người dân trong quá trình làm du lịch.

"Người dân phố cổ hiền hậu, mến khách nên không riêng gì những người buôn bán học tiếng Anh để bán được hàng mà ngay cả người bình thường cũng muốn học được một vài câu để hướng dẫn mỗi khi khách hỏi đường. Điều này cũng tạo nên sự thú vị cho mảnh đất này phát triển du lịch", ông Phùng cho biết thêm.

Nguyễn Đông

Bấm bụng ngửi mùi thối của 3 tấn gà suốt gần 100km


04/03/2012 13:23:04
 - Khoảng 10h30 sáng nay (4/3), từ tin báo của hành khách đi trên chuyến xe khách khởi hành tại tỉnh Đồng Nai, tổ kiểm tra liên ngành đã bắt giữ chiếc xe khách chở hàng ngàn kg thịt gà làm sẵn trong thùng xe.

Khi chiếc xe khách biển số 60S-9770 do tài xế Lê Huy Cường (46 tuổi, quê Đồng Tháp) chở nhiều hành khách theo hành trình huyện Tân Phú (Đồng Nai) về Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) lưu thông trên QL1A vừa đỗ cầu Đồng Nai thì bị lực lượng CSGT Rạch Chiếc ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Tài xế khai nhận trong xe có chở thịt gia cầm nhưng không xuất trình được giấy kiểm dịch nên phương tiện được đưa về trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (P.Linh Trung, quận Thủ Đức-TPHCM) để tiến hành xử lý.
 
Nhiều bao hàng ghi rõ địa chỉ nơi nhận là
Nhiều bao hàng ghi rõ địa chỉ nơi nhận là "trường tiểu học".

Nhiều hành khách trên chiếc xe này bức xúc nói với đoàn kiểm tra: Suốt tuyến đường gần 100km họ phải chịu mùi hôi thối kinh khủng nhưng vì đã bị nhà xe lấy tiền trước nên đành bấm bụng chịu trận.

Tại đây, tổ liên ngành phòng chống dịch gia súc, gia cầm phát hiện dưới gầm xe chứa nhiều bao gà làm sẵn rỉ nước vàng, da thịt tái nhợt bốc mùi hôi thối nồng nặc với số lượng gần 3 tấn thịt và lòng gà.

Tài xế Cường cho biết nhận vận chuyển số thịt gà này cho chủ hàng tên là Nguyễn Thị Kim Anh từ Đồng Nai về Đồng Tháp. Trong số những bọc hàng bị thu giữ có nhiều giấy ghi địa chỉ người nhận là trường tiểu học.

Bà Đặng Thị Tuyết, trưởng trạm KDĐV Thủ Đức cho biết sẽ lập biên bản xử phạt tài xế đồng thời sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ số thịt nói trên và chủ hàng phải chịu chi phí tiêu hủy.
 
Vũ Sơn

Cá chết, rác thải ken đặc hồ Xã Đàn


04/03/2012 14:33:25
Hàng nghìn con cáchết nổi trắng xóa trên mặt hồ Xã Đàn thuộc phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội) kèm theo rác thải quanh hồ bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến người dân khu vực cũng như người đi đường phải nín thở khi đi qua.
 
Sáng 4/3, tại hồ Xã Đàn, hàng nghìn con cá chết trắng xóa, bám dày đặc xung quanh bờ hồ và nổi trắng xóa mặt nước. Những nơi nước cạn, cá mắc kẹt lại, nằm phơi bụng. Xung quanh, rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối nồng nặc, khiến những người đi qua đều phải bịt mũi.
 
Theo phản ánh của người dân khu vực, nhiều nhà sống quanh hồ không dám mở cửa, bởi mỗi khi mở cửa ra, đủ loại mùi tấn công vào nhà.
 
Anh Tuấn Minh, một người dân sống ở khu vực này cho biết: "Người dân chúng tôi đang phải hứng chịu mùi hôi thối, khổ nhất là người già, trẻ nhỏ. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần đến các cơ quan chức năng nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết". 

Còn bác Trần Văn Ninh, nhà cạnh hồ bức xức: "Cá chết nhiều quá, gió lại thổi mạnh, xác cá phân huỷ bốc lên theo gió mùi thối khủng khiếp. Bình thường tôi vẫn ra thể dục ven hồ, nhưng hơn một tháng nay phải nghỉ vì không thể ngửi nổi…".

"Bao nhiêu rác, cống xả xuống hồ thì cá nào sống nổi. Không biết đến khi nào nước hồ được cải thiện...", bác Văn Ninh nói.

 
Cá chết trắng xóa nổi trên mặt hồ
Cá chết trắng xóa nổi trên mặt hồ
Cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước đen ngòm
Cá phơi bụng trên mặt nước đen ngòm
Đi từ xa cũng nhìn thấy cá chết, cá ngáp ngoãi
Từ xa cũng nhìn thấy cá chết
Cá phơi bụng mắc kẹt lại bên hồ bốc mùi hôi thối
Cá mắc kẹt lại bên hồ bốc mùi hôi thối
Hàng nghìn con cá đang phân hủy chẳng khác cái nôi của dịch bệnh
Hàng nghìn con cá đang phân hủy
Hãy giữ gìn cái gì mà nhiều rác thải vậy
 
Đủ các loại tạp phế được người dân tương xuống hồ
Đủ các loại phế thải được người dân ném xuống hồ
Lối đi xuống hồ Đắc Di hay bãi rác
Lối đi xuống hồ
Các kiểu vật dụng được người dân tương xuống hồ
 
Một số thanh niên ra hồ cứu cá mang về nuôi
Một số thanh niên ra hồ cứu cá mang về nuôi
Đến khi nào tấm biển này mới thành hiện thực, bởi cá chết cạnh biển rất nhiều
 
 
Tiến Dũng

Nợ 1.000 đồng, tiền lãi gần 48 triệu?


04/03/2012 19:58:02

Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh vừa làm 20 hộ dân ở phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) chết đứng khi đòi những khoản nợ chỉ 1000 đ cách đây hơn 15 năm.

 

Giấy đòi nợ Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh gửi bà Uông Thị Liên.

 

Ngày 16/2/2012, 20 hộ dân phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) nhận được giấy đòi nợ quá hạn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh. Điều đáng ngạc nhiên là những khoản nợ gốc rất nhỏ nhưng lãi thì rất lớn.

Anh Nguyễn Huy Thủy (phường Đại Nài) nhận được thông báo: "Ngày 4/1/1997, ông có vay ngân hàng 7 triệu đồng. Dư nợ đến ngày 16/2/2012 là 1.000 đồng. Số tiền lãi quá hạn là 47,88 triệu đồng".

Anh Thủy kể: Năm 1996, gia đình tôi cắm sổ đỏ miếng đất sát ngay quốc lộc 1A vay 40 triệu đồng ở Ngân hàng NN&PTNN TP Hà Tĩnh. Năm 1997 tôi có vay thêm 7 triệu đồng nữa. Đến năm 2002 tôi đã trả xong cả số tiền gốc và lãi.

Trong "Sổ theo dõi cho vay, thu nợ" của gia đình anh ở mục "Số tiền vay - Trả nợ", ngân hàng ghi: Trả 46,999,000 đồng. Còn ở mục "Dư nợ" ghi: 1000 đồng. Từ năm 2002, sau khi gia đình anh Thủy trả xong nợ phía ngân hàng không hề có bất cứ thông báo gì về khoản vay này nữa nhưng ngày 16/2 vừa qua anh nhận được thông báo như trên.

Tương tự như anh Thủy, bà Uông Thị Liên (phường Đại Nài) nhận được giấy thông báo đòi nợ quá hạn với dư nợ đến ngày 16/2/2012 là 6.000 đồng và tiền lãi quá hạn là 75,67 triệu đồng.

Đặc biệt, ở những dòng chữ cuối của tờ giấy đòi nợ quá hạn này được phòng Giao dịch số 4 cho in đậm và gạch chân với nội dung: "Nếu hết ngày nói trên mà bà không trả nợ thì ngân hàng Ngân hàng sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng khác trên địa bàn thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ theo luật định.

 

Bà Trịnh Thị Nguyệt - Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Hà Tĩnh.

 

Bà Trịnh Thị Nguyệt - Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT TP Hà Tĩnh cho biết: Sở dĩ ngân hàng phát giấy thông báo nợ quá hạn đối với một số hộ dân ở phường Đại Nài là bởi từ năm 1996 đến năm 1997 các hộ này có vay tiền ở Ngân hàng NN&PTNT TP Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, sau đó các hộ này gặp khó khăn nên rơi vào cảnh không có khả năng trả cả gốc và lãi. Sau một thời gian vượt qua khó khăn, từ năm 2001 đến 2006 các hộ này đã có khả năng trả được một phần nợ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ này, phía ngân hàng đã thu phần lớn nợ gốc (chỉ trừ lại một phần rất nhỏ từ 1.000 đồng đến 6.000 đồng) và một phần lãi rất ít, tùy theo hoàn cảnh từng gia đình.

Khi thu được số tiền này ngân hàng đã trả lại tài sản mà họ đã thế chấp. Ngày 16/2/2012, ngân hàng gửi giấy thông báo đòi nợ là nhằm mục đích phối hợp với các hộ này tiếp tục thu hồi số nợ lãi còn tồn đọng trong nhiều năm qua".

Bà Nguyệt giải thích thêm: Trường hợp của bà Uông Thị Liên, năm 1997 có vay ngân hàng 100 triệu đến thời điểm trả nợ cuối cùng vào năm 2001 thì số nợ gốc của bà còn thiếu là 6.000 đồng và lãi còn tồn đọng thiếu là 75,6 triệu đồng.

Còn trường hợp của anh Thủy, năm 1996 và 1997 có vay ngân hàng tổng cộng là 47 triệu đồng, đến thời điểm trả nợ cuối cùng vào năm 2002 thì số nợ gốc mà ông còn thiếu là 1.000 đồng và lãi còn tồn đọng thiếu là 47 triệu đồng.

Theo Minh Hưng
Infonet

Người Việt hải ngoại nô nức kéo về DC vận động cho nhân quyền VN


2012-03-03

Vào khi số chữ ký online vào thỉnh nguyện thư gởi Nhà Trắng đã vượt quá một trăm lẻ năm ngàn, người Việt khắp các tiểu bang trên đất Mỹ cũng đang nô nức kéo về Washington DC để yêu cầu hành pháp và lập pháp Mỹ áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền và trả tự do cho những tù nhân lương tâm đang bị Hà Nội giam giữ.

RFA file

Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn.

Thanh Trúc có bài chi tiết sau đây:

Để đáp ứng thỉnh cầu tổng thống Obama lưu ý Hà Nội cải thiện nhân quyền, Nhà Trắng sẽ có một buổi gặp cùng đại diện các đoàn thể vận động người Mỹ gốc Việt vào thứ Hai tuần tới.

Tiếp đó, thứ Ba là ngày mọi người cùng vào quốc hội để yêu cầu các vị dân biểu và nghị sĩ Hoa Kỳ chú tâm nhiều hơn nữa đến tình trạng quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng bởi chính phủ Việt Nam.

Trên nguyên tắc thì chỉ cần hai mươi lăm đến ba chục nghìn chữ ký là đủ lôi kéo sự chú ý của tổng thống. Thế nhưng đến lúc này con số đã vượt quá một trăm lẻ năm ngàn. Trong lúc người Việt khắp nơi trên đất Mỹ chuẩn bị kéo về thủ đô với tâm trạng phấn khích thì người Việt ở Washington DC cũng đang nao nức và tất bật lo liệu cho hai ngày 5 và 6.

Hạnh phúc

white-house-petition-250.jpg
Cuộc vận động đã thu thập được 115,153 chữ ký tính đến trưa ngày 03/03/2012. RFA photo.
Một trong những người đứng đầu ban tổ chức, anh Võ Thành Nhân, cho biết vì là cư dân thủ đô nên những gì anh và các tình nguyện viên phải phối hợp lo liệu là vấn đề vận hành, chuyên chở, đưa rước, nơi ăn chốn ở, kể cả những hồ sơ đi vào quốc hội, sắp xếp thế nào để những phái đoàn từ các tiểu bang xa về có thể tiếp xúc được với các dân biểu nghị sĩ đại diện cho họ trong quốc hội:

"Mà cái tinh thần nó rất là vui, lần này mình thấy những người họ về thứ nhất là người ta không câu nệ vấn đề tiền bạc mặc dầu người ta chỉ mới biết có bốn năm ngày trước khi về Washington DC mà người ta vẫn mua vé may bay để về.

Có những vé máy bay rất là mắc tiền. Có những người không mua vé máy bay được vì lý do tiền bạc thì họ đi xe bus sớm hơn giờ mà họ dự định. Do đó cho nên mình thấy được sự cố gắng, sự náo nức của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ khi mà họ nhận thấy vai trò của họ trong việc đấu tranh cho nhân quyền ở trong nước.

Là người đặc trách nơi ăn chốn ở và tạo điều kiện cho đồng hương về đây, bản thân tôi cảm thấy vui và hạnh phúc, lâu lắm mình mới có dịp thực hiện một giấc mơ chung, mơ thấy một ngày Việt Nam thực sự có được tự do, dân chủ và nhân quyền."

Hãnh diện

Cũng từ thủ đô Washington, một tình nguyện viên, ông Trí Tôn:

Lần trước là hiện tượng Trần Trường treo cờ mà tôi thấy người Việt Nam biểu hiện sự đoàn kết và đây là lần thứ hai tôi thấy người Việt Nam mình đoàn kết cho một lý tưởng cao đẹp như ngày hôm nay và tôi rất hãnh diện.

Ô.Trí Tôn

"Tôi sống ở Mỹ hai chục năm nay rồi. Lần trước là hiện tượng Trần Trường treo cờ mà tôi thấy người Việt Nam biểu hiện sự đoàn kết và đây là lần thứ hai tôi thấy người Việt Nam mình đoàn kết cho một lý tưởng cao đẹp như ngày hôm nay và tôi rất hãnh diện.

Nếu tôi đóng góp được phần nào, nếu cần đưa rước hoặc làm gì đó mà tôi có thể giúp được thì tôi giúp. Thực sự tâm trạng tôi rất là vui mừng rất là hạnh phúc."

Người tình nguyện thứ hai, ông Trần Du:

"Trong phạm vi khả năng của tôi việc làm thiện nguyện viên trong hai ngày để đưa đón phái đoàn thì sự đóng góp của tôi quá bé nhỏ so với những người từ các tiểu bang khác bỏ công sức và tiền bạc về đây. Tôi nô nức lắm và tôi cũng đang chờ đợi, tôi náo nức lắm, tôi háo hức lắm."

Phấn khởi

viet-khang-250.jpg
Nhiều người biểu tình đã mặc những áo thun có tên 2 bản nhạc của anh Việt Khang. Photo by Hiền Vy/RFA.
Được biết chỉ một trăm người được phép tham dự cuộc gặp lịch sử tại Nhà Trắng ngày thứ Hai, trong lúc số người từ các tiểu bang kéo về dự kiến có thể lên đến năm trăm hoặc hơn. Đây cũng là những người sẽ kéo đến quốc hội Mỹ ngày hôm sau. Có người tự liên lạc với ban tổ chức rồi đi một mình, cũng có người đi cùng phái đoàn của cộng đồng trong tiểu bang.

Từ thành phố Chicago tiểu bang Illinois, bà Đỗ Ngọc Hà, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của Hội Người Việt Illinois:

"Tôi rất là háo hức, nôn nóng và cảm thấy rất sung sướng. Đây không phải lần đầu tiên tôi được vào Tòa Bạch Ốc, nhưng cảm giác của tôi lần này rất là khác bởi vì thấy tinh thần của người Việt Nam mình, ai cũng phấn khởi vì mình có sự thông cảm hợp tác chặt chẽ với nhau."

Chờ lâu lắm rồi

Bạn trẻ Nguyễn Quốc Tuấn, Florida, sẽ lên thủ đô trong vai trò thiện nguyện viên, nói rằng bạn sẽ đi một mình nhưng không có cảm giác đơn độc:

"Tâm trạng của em phải nói là náo nức khó tả lắm, vui thì cũng không đúng mà phải nói là xúc động. Em đi một mình thôi nhưng lúc nào cũng cảm thấy có sự đồng hành của cả dân tộc Việt Nam mình. Người Việt Nam mình chờ chuyện này xảy ra lâu lắm rồi."

Người Việt Nam mình chờ chuyện này xảy ra lâu lắm rồi.

Ô. Nguyễn Quốc Tuấn, Florida

Bà Trinh, vừa đến Washington hôm nay:

"Tôi là Nguyễn Ngọc Trinh ở San Diego, ở đây cũng có nhiều người đi. Tôi về Washington DC là lần thứ hai nhưng lần này rất là nôn nao, tôi biết gặp rất đông người, tôi cũng bị lây cái nôn nao của những người khác. Lần này tổng thống Obama tái ứng cử, cử tri người Việt cần nói cho ông biết nguyện vọng của người Việt tị nạn hôm nay."

Tin báo từ Texas là 150 người của tiểu bang này về DC cho hai ngày 5 và 6. Vùng phụ cận thủ đô, tiểu bang New Jersey, ông Nguyễn Tường Thược báo cho biết: 

"Cả gia đình tôi hơn hai mươi người đã ký vào thỉnh nguyện thư, con tôi cũng theo tôi về Washington và chúng tôi được vào Tòa Bạch Ốc. Bên Philadelphia giờ phút này cũng khoảng độ 20, New Jersey tối đa 30 người. Tại New Jersey có những cựu tù nhân anh em chúng tôi đi cả gia đình 10 người."

Tinh thần đoàn kết

Thực tế đến giờ phút này thì riêng thành phố Philadelphia thuộc tiểu bang Pensylvania đã có khoảng 50 người về Washington. Tuy nhiên, con số 50 này có thể tăng lên sau khi từ Pittsburg, thành phố lớn thứ nhì của Pensylvania, bạn Trần Minh Khánh báo cho biết sẽ cùng các anh chị em con lai khác trong Gia Đình Mỹ Việt xuống tham dự:

"Là một người con lai mang hai giòng máu, một nửa giòng máu của em là người Việt. Lần này về DC em hy vọng anh chị em con lai chúng em cũng có được bài học về tự do dân chủ. Nhưng mà quan trọng là tâm huyết, và cũng như mọi người, dù khó khăn thế nào cũng phải về DC lần này để nói lên cái tinh thần đoàn kết."

Tiểu bang Georgia, cô Trish Thùy Dương Nguyễn, nói về chuyến đi Washington:

"Cộng đồng Người Việt Quốc Gia ở Georgia đã ký hơn ba ngàn chữ ký, phái đoàn Georgia sẽ tới khoảng mười lăm người. Em đã sắp xếp được chiếc xe mười lăm chỗ ngồi. Cũng rất là nao nức, rất là vui bởi vì mọi người mong muốn được đến DC, được đến quốc hội."

Nhưng đến giờ này kế hoạch về Washington DC của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ở Georgia thay đổi chút ít vì số người tham dự chính thức từ Georgia là 60 người.
Đây cũng là trường hợp tương tự ở tiểu bang Massachusetts, từ mấy chục người lúc đầu nay đã là 170 người.

Nhưng mà quan trọng là tâm huyết, và cũng như mọi người, dù khó khăn thế nào cũng phải về DC lần này để nói lên cái tinh thần đoàn kết.

Ô. Trần Minh Khánh, Pensylvania

Trong khi đó, chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam New Hampshire, ông Cao Xuân Khải cho hay:

"Cộng đồng New Hampshire đi tất cả là mười sáu người, nhưng cũng có một số người đi riêng vì có người quen ở trên Maryland hay những nơi khác. Chúng tôi đi bằng xe riêng, hoàn toàn tự túc và có một sự kích động như một ngày hội. Đây là sự náo nức mà bấy lâu nay chúng ta từng mong đợi, đây là sự háo hức lắm."

Từ tiểu bang Arkansas xa xôi, ông Lê Văn Thao, 70 tuổi, nhất quyết phải về thủ đô cho bằng được:

"Tôi sắp sửa Chúa Nhật này là đi máy bay lên Washington DC. Trong lòng tôi rất vui mừng mặc dầu tôi lớn tuổi nhưng tôi cũng cố gắng tôi đi. Già cả lớn tuổi nhưng biết việc nào quan trọng cần làm thì phải làm nhất là cho quốc gia dân tộc mình, thành ra trong lòng tôi rất nao nức."

Hiện chưa thể biết đích xác số người từ tiểu bang California về Washington DC là bao nhiêu. Tin sơ khởi hôm thứ Sáu cho thấy chỉ riêng Quận Cam, được coi là thủ đô tị nạn của người Mỹ gốc Việt, số người về là 50.

Từ Úc, Nhật

Và có hai người ở rất xa, ngoài nước Mỹ,  đang trên đường về thủ đô Hoa Kỳ. Người thứ nhất, đến từ Australia:

"Tôi là Trần Đông, từ Melbourne, Australia, mới đến Hoa Kỳ mấy hôm nay thì trùng hợp sự kiện trên một trăm ngàn người ký tên vào thỉnh nguyện thư. Hiện tôi đang trên đường từ Quận Cam ra phi trường để lên Washington với tâm trạng rất vui mừng, rất phấn khởi, rất náo nức, để cùng người Việt tự do đòi nhân quyền cho Việt Nam."

Hiện tôi đang trên đường từ Quận Cam ra phi trường để lên Washington với tâm trạng rất vui mừng, rất phấn khởi, rất náo nức, để cùng người Việt tự do đòi nhân quyền cho Việt Nam.

Ô. Trần Đông, Australia

Người thứ hai, một nhà báo ở Tokyo, Nhật Bản:

"Tôi là Đỗ Thông Minh, đang trên đường ra phi trường. Hôm nay ở bên Nhật là thứ Sáu mùng 2. Rất là háo hức để được bay qua Washington DC. Cá nhân tôi tuy ở bên Nhật và không được ký nhưng mà rất háo hức đi để ủng hộ cũng như để viết phóng sự gởi cho đồng hương ở khắp nơi trên thế giới."

Hôm qua, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, tổ chức đã cùng hệ thống truyền hình SBTN của nhạc sĩ Trúc Hồ khởi xướng chiến dịch ký thỉnh nguyện thư đến Nhà Trắng, cho đài Á Châu Tự Do biết hiện tại nhóm thiện nguyện trẻ người Việt và người Mỹ ở Washington đang ráo riết liên lạc với các vị dân biểu và thượng nghị sĩ để thu xếp các buổi hẹn ở quốc hội.

Tóm lại, các bạn trẻ này gần như phải chạy nước rút để có thể hoàn thành công tác mà họ đảm nhận.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.



“Sở hữu toàn dân” làm khổ toàn dân


2012-03-03

"Biến cố Đoàn Văn Vươn" ở Tiên Lãng, Hải Phòng, nói riêng và vô số vụ tranh chấp đất đai trầm trọng và triền miên nói chung trên khắp mọi miền đất nước hiện giờ khiến người ta lại càng quy trách cho một trong những "thủ phạm" là khái niệm "sở hữu toàn dân" trong Luật Đất đai ở VN.

AFP photo

Nông dân ngoại tỉnh phía Bắc biểu tình về đất đai bị mất bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 21/2/2012

"Thủ phạm" đó ra sao ?Mời quý vị theo dõi bài viết của Thanh Quang.

Cha ông để lại sao là sở hữu toàn dân?

Thưa quý vị, khi còn sinh tiền và mô tả "Thiên đường" XHCN, nhà thơ Tố Hữu vô cùng lạc quan rằng:

Ngày mai đây, tất cả là CHUNG
Tất cả là vui và ánh sáng

Có những mảnh đất từ đời ông cố tới đời ông nội lưu truyền cho người ta làm, tại sao lại cứ gọi là sở hữu toàn dân được.

Anh Ba, ĐBSCL

Cái "Chung" của ông Tố Hữu hẳn có liên quan chặt chẽ tới luật "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", mà công luận, từ chuyên gia cho tới nhất là nông dân, xem chừng như ngày càng khẳng định rằng chính luật "sở hữu toàn dân" về đất đai đã triền miên làm khổ hầu như "toàn dân" trong nước hiện giờ.

Chẳng hạn như, một nông dân ở vùng ĐBSCL, thường được gọi là anh Ba, lên tiếng mới đây với đài ACTD:

"Người ta không an tâm. Có những mảnh đất từ đời ông cố tới đời ông nội lưu truyền cho người ta làm, tại sao lại cứ gọi là sở hữu toàn dân được."

Sở hữu toàn quan

20120130125725_3-250.jpg
Căn nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị chính quyền phá.
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên  -Môi trường, thì sự không rõ ràng như vậy về quyền sở hữu đất đai trong nước hiện giờ là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tranh chấp đất đai; chính vì quy định "sở hữu toàn dân" nên nhà nước mới cho là có quyền thu hồi.

Qua bài tựa đề "đã đến lúc phải nhìn thẳng sự thật", GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông học hàng đầu của VN, lưu ý rằng "Lý do mấu chốt nhất là khái niệm 'đất đai thuộc sở hữu toàn dân', mà mỗi người dân thoạt nghe đều rất khoái, nhưng suy ra thì không có mình trong cái 'toàn dân' ấy".

Lên tiếng trên Tuần VietnamNet mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc phân tích rằng "Việc xác định quyền sở hữu tuyệt đối của 'toàn dân' là 'hư quyền', quyền sử dụng là 'thực quyền' gần như sở hữu, nhưng vấn đề mấu chốt là lại giao quyền đại diện sở hữu, định đoạt cho bộ máy hành pháp từ cấp xã trở lên... biến nó thành một "đặc quyền" để vận dụng những văn bản đã chưa chuẩn mực lại thiếu sự giám sát dân chủ, thì trường hợp Tiên Lãng không phải là cá biệt nếu không phải là phổ biến.". Và Đại biểu Dương Trung Quốc lưu ý:

Lý do mấu chốt nhất là khái niệm 'đất đai thuộc sở hữu toàn dân', mà mỗi người dân thoạt nghe đều rất khoái, nhưng suy ra thì không có mình trong cái 'toàn dân' ấy.

GS Võ Tòng Xuân

"Quan điểm của tôi là phải tìm tận gốc, Luật đất đai đã đưa đến tình hình phải xem xét nghiêm túc, từ lâu nay đã thấy chuyện là quyền lợi người dân không được bảo đảm và luật đã thể hiện sự hạn chế, sự bất cập so với tình hình mà vẫn chưa được sửa đổi, cộng với việc các nhóm lợi ích họ tác động vào."

Qua bài "Hãi hùng sở hữu toàn dân", TS Hà Sĩ Phu nêu lên câu hỏi rằng tại sao VN vẫn chủ trương "toàn dân hóa" sở hữu đất đai khi đảng CS đã chuyển sang chiến lược "kinh tế thị trường định hướng XHCN"? TS Hà Sĩ Phu nhân tiện lưu ý rằng toàn dân là một khái niệm chung chung và mơ hồ, chẳng là người nào cụ thể cả, mà thực chất vấn đề là "ai đang có quyền thì chiếm chỗ ấy" – "Biến cố Đoàn Văn Vươn" là một thí dụ rõ ràng. TS Hà Sĩ Phu nói thêm rằng chính cơ chế "đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý là nhân tố mở đường, là cái khiên che, là 'sợi chỉ đỏ' xuyên suốt mọi đám 'cướp ngày' ", "là điều béo bở cho các quan nhưng là nỗi hãi hùng cho dân, nó biến cái CHUNG mạo danh Nhân dân thành cái RIÊNG của các quan, sở hữu 'toàn dân' biến thành sở hữu 'toàn quan'".

Không sớm thì muộn

dan-oan-daknong-250.jpg
Dân oan Dak Nông khiếu kiện tại Hà Nội, ảnh chụp tháng 2 năm 2012. Hình do thính giả RFA gửi.
Chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt qua bài " Những vấn đề 'sở hữu toàn dân'" nhận định rằng khái niệm "sở hữu toàn dân" trong Luật Đất đai của VN chủ yếu hạn chế quyền tư hữu về ruộng đất đối với nông dân, tước đoạt quyền sở hữu của cải của nhân dân, đặc biệt là nông dân, khiến họ "chỉ có thể là người nghèo hoặc thoát nghèo chứ không bao giờ vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình được". 

Vẫn theo TS Vũ Quang Việt thì trong khi "ở các nước, không có ý niệm sở hữu toàn dân", "không có đất đai, tài nguyên nào lại thuộc huyện, xã như ở VN", thì "sở hữu toàn dân" ở VN tạo điều kiện cho nhà nước có thể lấy lại đất bất cứ lúc nào và tự quyết định giá trị bồi thường; "Nhà nước" được định nghĩa là các cơ quan công quyền tỉnh, thành phố và huyện cho nên "sở hữu toàn dân biến thành sở hữu của các cơ quan công quyền các loại chứ không còn là thuộc toàn dân thật sự", dẫn tới hậu quả là đất đai và tài nguyên thiên nhiên thay vì phục vụ cho lợi ích quốc gia lại bị cá nhân, bè phái trục lợi.

…nếu xét những con số khổng lồ nông dân bị tước đoạt tài sản thì vấn đề nổi loạn, nổi dậy sớm muộn gì cũng xảy ra.

Nhà báo Lê Phan

GS Đặng Hùng Võ đi vào cụ thể hơn, cho rằng điều quan trọng là quyền "thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất" của giới có thẩm quyền còn quá lớn khiến những cơ quan nhà nước này "có thể lấy đất của ông A để giao cho bà B vì lợi nhuận của bà B. Nghe đã thấy không ổn về đạo lý, từ đó gây bức xúc vô cùng cho người bị thu hồi đất".

Khi lưu ý về tình trạng vô số những vụ kiện cáo, khiếu nại, xô xát lẫn nhau kể từ biến cố 30 tháng Tư đến giờ phần lớn do khái niệm " đất đai thuộc sở hữu toàn dân", mà " cuối cùng rồi phần thiệt thòi vẫn thuộc về người dân", GS Võ Tòng Xuân cảnh báo rằng "Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề đất đai" . Tại sao ? Vì, theo GS Võ Tòng Xuân, "Càng để vấn đề về đất đai dây dưa như hiện nay, cả nước phải tiếp tục tiêu tốn một khối lượng thời gian và chi phí rất lớn để giải quyết những tranh chấp kéo dài triền miên, mà đáng lẽ ta có thể dành thời gian và tiền của ấy vào việc phát triển sự nghiệp cho mỗi gia đình và đất nước".

Qua "Câu chuyện ruộng đất", nhà báo Lê Phan không quên lưu ý rằng:

" …nếu xét những con số khổng lồ nông dân bị tước đoạt tài sản thì vấn đề nổi loạn, nổi dậy sớm muộn gì cũng xảy ra".

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.