THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

13 July 2012

Trung Quốc đưa 30 tàu cá tràn xuống Trường Sa đánh bắt trái phép



TP - Nói và làm trái ngược nhau là một đặc điểm hành xử của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hiện nay.
Trong khi đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt kéo dài từ ngày 16-5-2012 đến ngày 1-8-2012 với lý do “đang mùa cá đẻ, nhằm mục đích bảo vệ hệ sinh thái và tài nguyên biển”, dọa tịch thu tàu thuyền, số cá đánh bắt được của những người vi phạm lệnh cấm này, thì Trung Quốc lại hành động ngược lại.
Đoàn tàu từ đảo Hải Nam xuống đánh bắt trái phép ở biển Trường Sa
Đoàn tàu từ đảo Hải Nam xuống đánh bắt trái phép ở biển Trường Sa.
Chiều ngày 12-7, trang mạng của Tân Hoa xã và các báo điện tử khác của Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin của phóng viên báo điện tử Chinanew.com về việc tỉnh Hải Nam “tổ chức một đoàn tàu quy mô lớn chưa từng có trước tới nay xuống đánh bắt ở vùng biển đảo Vĩnh Thử” (tức đảo Chữ Thập của Việt Nam trong quần đảo Trường Sa).
Theo báo chí Trung Quốc thì đoàn tàu này gồm 30 chiếc, được chia thành 2 biên đội, 6 tốp hình thành một hạm đội đánh bắt - chế biến với 1 tàu chỉ huy kiêm đảm bảo hậu cần 3.000 tấn.
Tàu này đảm đương nhiệm vụ cung cấp dầu, nước, lương thực cho 29 tàu đánh bắt loại vỏ thép 140 tấn, đồng thời cũng thu mua và chế biến hải sản. Trên mỗi tàu cá có từ 15 - 16 lao động. Chiến dịch đánh bắt này sẽ kéo dài trong 20 ngày.
Một lễ khởi hành rầm rộ đã được tổ chức tại cảng Tam Á lúc 9 giờ sáng ngày 12-7 với những phát biểu ngạo mạn, ngang ngược của các quan chức coi đây là hành động thực tế của ngư dân đánh bắt ở “ngư trường Tam Sa” sau khi thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa”, cùng những lời lẽ trấn an “có tàu Ngư chính bảo vệ, ngư dân rất yên tâm”.
Cũng theo báo chí Trung Quốc thì đoàn tàu đánh bắt lần này là “sự hợp lực giữa ba bên: Xí nghiệp chế biến, hợp tác xã và ngư dân”, “là hoạt động đánh bắt quy mô lớn nhất trong nhiều năm nay, là bước tiến quan trọng của ngành nghề đánh bắt hải sản biển tỉnh Hải Nam đi từ đánh bắt biển gần là chính chuyển dần sang lấy đánh bắt biển xa là chính.
Họ khoe: Chiến dịch đánh bắt này được đảm bảo đầy đủ: Các tàu Ngư chính, các đài thông tin trên bờ và các cơ quan có liên quan đều đã chuẩn bị đẩy đủ, sẽ kịp thời xử lý những tình huống phát sinh.
Đây rõ ràng là một hành động được tính toán nằm trong mưu đồ hiện thực hóa cái gọi là “thành phố Tam Sa”, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông phức tạp thêm, làm hại mối quan hệ giữa hai bên và tổn thương tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung.
Trong một diễn biến khác, theo “Thế giới Nhật báo” bằng Hoa ngữ, ngày 11-7, Tôn Thư Hiền, Bí thư đảng ủy, Phó tổng đội trưởng Tổng đội Hải giám Trung Quốc, khi phát biểu tại cuộc “Hội thảo học thuật hai bên eo biển về Nam Hải 2012” đã hung hăng tuyên bố: “Nếu Nhật Bản khiêu khích ở Điếu Ngư, Philippines và Việt Nam tuyên bố có chủ quyền đối với Nam Hải, Trung Quốc sẽ không ngần ngại tiến hành chiến tranh, cần phải lấy chiến tranh để chặn chiến tranh, lấy chiến tranh cục bộ tránh chiến tranh lâu dài”.
Tôn kêu gọi Đài Loan phối hợp với Trung Quốc trong hành động ở Trường Sa, cùng nhau khoan thăm dò dầu khí ở đông bắc Trường Sa.
Đáng chú ý, Tôn Thư Hiền còn nói: Tàu hải giám Trung Quốc đã sử dụng phương thức cắt đứt cáp điện để phá hoại hoạt động của các dàn khoan của các nước trên Biển Đông, khiến họ không hoạt động được và khoe khoang “cắt cáp điện là thứ vũ khí bí mật mà Trung Quốc chuẩn bị sử dụng để đối phó với các nước khác”.
Thu Thuỷ

Srdja Popovic - Làm thế nào lật đổ nhà độc tài



Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Chào các bạn, tôi hãnh diện có mặt ở đây ở TEDxKrakow này, nơi hôm nay tôi sẽ cố gắng nói sơ qua về một hiện tượng mà có thể thay đổi thế giới, và thực sự đang thay đổi thế giới. Hiện tượng ấy có tên Sức mạnh Nhân dân (People Power).

Tôi sẽ mở đầu bằng một câu chuyện... Câu chuyện như sau. Hôm ấy là ngày 15 tháng Mười Hai, 2010. Có người đề nghị với ta như thế này:

Ta sẽ nhìn vào quả cầu pha lê, và ta sẽ thấy được tương lai; tương lai sẽ chính xác. Nhưng ta cần cho thế giới biết trước tương lai ấy. Đồng ý, dù tò mò quá chỉ thiệt thân, ta chấp nhận đề nghị ấy. Ta nhìn vào quả cầu pha lê. Một giờ sau, ta ngồi ở tòa nhà truyền hình quốc gia, trong một chương trình đông khách, và ta nói về tương lai như sau:

"Vào cuối năm 2011, Ben Ali và Mubarak và Gadhafi sẽ bị lật đổ, và bị xét xử. Saleh ở Yemen và Assad ở Syria hoặc là sẽ bị chống đối hoặc là sẽ bị khuất phục. Osama bin Laden chết, còn Ratko Mladic sẽ bị xử ở tòa án quốc tế Hague." Bấy giờ người dẫn chương trình nhìn ta chăm chăm với khuôn mặt và ánh mắt lộ vẻ kinh ngạc. Và rồi, thêm vào đó, ta nói tiếp: "...và hàng ngàn người trẻ ở Athens, Madrid và New York sẽ biểu tình đòi công bằng xã hội và tuyên bố những người Ả Rập đã khích lệ họ xuống đường." Bỗng bất chợt hai người mặc áo choàng trắng xuất hiện, bắt ta mặc áo phông kỳ lạ, giải ta đến nhà thương điên gần nhất.

Cho nên tôi muốn nói sơ qua về hiện tượng đằng sau năm đã rất xấu cho những kẻ xấu xa. Hiện tượng này có tên là Sức mạnh Nhân dân.

Thật ra, Sức mạnh Nhân dân, đã tồn tại từ lâu. Sức mạnh ấy đã giúp Gandhi đã đuổi người Anh ra khỏi Ấn Độ, sức mạnh ấy đã giúp Martin Luther King trong cuộc đấu tranh chủng tộc lịch sử. Sức mạnh ấy cũng giúp một người địa phương ở đây, Lech Walesa, đã đuổi được một triệu lính Xô Viết ra khỏi Ba Lan, để từ đấy Liên Xô như chúng biết không còn tồn tại. Vậy sức mạnh ấy ngày nay có gì mới? Điều hình như rất mới, chính là điều tôi muốn chia xẻ với các bạn hôm nay, đó là một loạt những nguyên tắc và kỹ năng mà ta có thể học và dạy để thực hiện thành công cuộc đấu tranh bất bạo động. Nếu điều này đúng, chúng ta có thể giúp đỡ những phong trào này.

Trước hết, kỹ năng đầu tiên-kỹ năng phân tích. Tôi sẽ thử phân tích Trung Đông nơi các phong trào này đều xuất phát. Trong suốt nhiều năm trời, chúng ta đều sống với một nhận thức hoàn toàn sai lầm về Trung Đông. Trung Đông trông giống như vùng bị đóng băng. Đúng ra là một tủ lạnh. Trong tủ lạnh ấy trước đây chỉ có hai món. Bò bít tết, tượng trưng cho chế độ độc tài cảnh sát và quân đội kiểu Mubarak-Ben Ali. Hay khoai tây, tượng trưng cho độc tài thần quyền kiểu Tehran. Nhưng mọi người kinh ngạc khi tủ lạnh bật mở ra: hàng triệu những người trẻ tuổi, hầu hết thế tục, bước ra để thực hiện thay đổi. Hãy đoán thử xem- họ không theo dõi thống kê về dân số. Tuổi trung bình của người Ai Cập là bao nhiêu? 24. Còn Mubarak nắm quyền lực bao nhiêu năm? 31. Như vậy, chế độ này đã quá lỗi thời, đã hết đát. Còn người trẻ trên khắp thế giới một sáng mai thức dậy hiểu ra rằng quyền lực nằm trong tay mình. Và những gì còn lại là năm trước mặt chúng ta. Và các bạn hãy đoán thử? Vẫn Thế hệ Y(1), với các nguyên tắc, cộng cụ, trò chơi, và ngôn ngữ mà hơi xa lạ với tôi. Tôi hiện nay 38 tuổi... Và hãy thử nhìn tuổi của người dân trên đường phố Châu Âu? Ơ đấy hình như là thời của Thế hệ Y.

Bây giờ, tôi nói đến trường hợp khác. Tôi có dịp gặp gỡ nhiều người khác nhau trên thế giới; và như các bạn biết, họ là các viện sĩ và giáo sư, và bác sĩ. Và họ đều luôn luôn nói về điều kiện này điều kiện nọ. Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân chỉ thành công nếu chế độ không trấn áp quá mức." Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân thành công, nếu thu nhập hằng năm của quốc gia là giữa X và Z." Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân chỉ thành công nếu có áp lực nước ngoài." Họ sẽ nói: "Sức mạnh Nhân dân chỉ thành công nếu không có dầu hỏa." Ở đây, tôi muốn nói rằng, điều kiện thì rất nhiều.

Tuy nhiên, thông tin mới ở đây là trong cuộc đấu tranh kỹ năng dường như quan trọng hơn các điều kiện. Cụ thể, kỹ năng đoàn kết, kế hoạch và duy trì sự tuân thủ bất bạo động. Để tôi kể cho các bạn một trường hợp. Tôi đến từ quốc gia tên Serbia. Chúng tôi phải mất mười năm mới đoàn kết được các nhà lãnh đạo của 18 đảng đối lập, mà người nào cũng có cái tôi lớn, đằng sau một ứng cử viên duy nhất ra tranh cử với Slobodan Milosevich. Các bạn hãy đoán xem chuyện gì xảy ra? Ngày họ đoàn kết là ngày thất bại của nhà độc tài.

Ta nhìn sang những người Ai Cập, họ đấu tranh trên Quảng trường Tahrir, họ dẹp bỏ hết những biểu tượng cá nhân riêng tư, để họ xuất hiện chung trên đường phố với chỉ lá cờ Ai Cập. Tôi sẽ nêu ra ví dụ ngược hẳn lại. Ta đã thấy chín ứng cử viên tổng thống ra tranh cử với Lukashenko. Kết quả thế nào thì ai cũng biết. Cho nên đoàn kết là điều rất quan trọng. Và ta có thể đạt được sự đoàn kết chung ấy. Tương tự với việc kế hoạch. Ai nói cách mạng bất bạo động thành công tức thì là kẻ nói láo. Chuyện như thế trên thế giới chẳng bao giờ có. Bất kỳ khi nào ta thấy những người trẻ tuổi ở trên hàng đầu cố gắng thân thiện như thể anh chị em với cảnh sát hay quân đội, thì người nào đấy đã suy nghĩ trước điều đó. Bây giờ, cuối cùng, là sự tuân thủ bất bạo động. Đây có lẽ chính là điều then chốt quyết định sự thành bại. Nếu ta duy trì được sự tuân thủ bất bạo động, ta nắm chắc phần thắng. Ta có 100.000 người tuần hành bất bạo động, chợt một kẻ ngu ngốc hay một tên nào đấy trà trộn vào dòng người để khiêu kích bằng cách ném đá. Các bạn hãy đoán chuyện gì xảy ra trước tất cả các máy quay phim. Đó chỉ là một tên. Chỉ một hành động bạo lực thôi cũng đủ có thể tiêu diệt cả phong trào của ta.

Bây giờ cho phép tôi chuyển sang phần khác. Đó là sự chọn lọc các chiến lược và chiến thuật. Trong cuộc đấu tranh bất bạo động có những nguyên tắc nào đấy ta có thể tuân theo.

Hãy khởi đầu từ những chuyện nhỏ. Thứ hai, ta hãy chọn những trận đánh nào ta có thể thắng. Trong phòng này chỉ có 200 người chúng ta. Tất nhiên, chúng ta sẽ không thể nào kêu gọi cả triệu người tuần hành. Nhưng nếu chúng ta tổ chức được việc vẽ graffiti suốt đêm ở khắp mọi nơi trong thành phố Cracow này. Cả thành phố đều biết. Cho nên, chúng ta chọn những chiến thuật phù hợp với việc làm, nhất là chiến thuật chúng tôi gọi chiến thuật phân tán mỏng này. Những chiến thuật như thế rất hiệu quả trong hoàn cảnh trấn áp khốc liệt. Chúng ta đều thực sự đang chứng kiến hình ảnh của một trong những chiến thuật tuyệt vời nhất từng được xử dụng. Hình ảnh này ở Quảng trường Tahrir, nơi cộng đồng quốc tế luôn luôn rất lo sợ những người Hồi giáo sẽ chiếm đoạt cuộc cách mạng. Điều họ đã tổ chức được... những người Công giáo bảo vệ những người Hồi giáo khi những người Hồi giáo cầu nguyện, một đám cưới ngưòi Công giáo được hàng ngàn người Hồi giáo hoan hô chúc mừng. Thế giới đã vừa thay đổi sau hình ảnh ấy, nhưng người nào đấy đã suy nghĩ trước đó điều này.

Cho nên có rất nhiều điều ta có thể thực hiện thay vì phải tập trung tại một nơi, la hét và ra vẻ hiên ngang ta đây trước lực lượng an ninh.

Còn có một động lực khác rất quan trọng. Đây là động lực các chuyên gia thường không thấy. Đó là động lực giữa một bên là sợ hãi và thờ ơ và bên kia là say mê và hài hước. Động lực này hoạt động giống như trong video game vậy. Ta sợ nhiều thì thực trạng vẫn như cũ, còn ta say mê nhiều thì sợ hãi bắt đầu tan biến. Ngày thứ hai, ở Ai Cập ta thấy mọi người chạy ùa tới cảnh sát thay vì chạy tránh xa ra cảnh sát. Ta biết điều gì đó đang diễn ra ở đấy.

Rồi về hài hước. Hài hước là một điều rất then chốt quyết định sự thành bại, và tất nhiên hài hước đóng vai trò rất lớn ở Ba Lan. Như các bạn biết, chúng tôi chỉ là một nhóm sinh viên cuồng nhiệt ở Serbia khi chúng tôi thực hiện trò nghịch ghê gớm này. Chúng tôi đặt thùng dầu lớn có chân dung của tổng thống dán trên thùng ngay giữa đường phố chính. Trên đầu thùng có cái lỗ. Ta có thể bước đến, bỏ đồng xu vào lỗ, nhặt lấy cây bóng chày, và đập mạnh vào mặt y. Đập như thế tiếng vang rất to. Còn chúng tôi ngồi nhâm nhi cà phê trong quán cà phê gần đấy, và chỉ độ vài phút sau đã có nhiều người xếp hàng chờ đến phiên mình đập cho sướng tay. Nhưng đó chỉ là màn đầu. Tấn hài kịch thật sự bắt đầu khi cảnh sát xuất hiện. (Cười) "Họ làm gì được nào?" Bắt chúng tôi ư? Chả thấy ai đâu mà bắt. Từ quầy cà phê cách đó khoảng ba khu phố chúng tôi quan sát mọi sự. Bắt giam khách qua đường có con nít ư? Tất nhiên là chẳng hợp lý. Cảnh sát lại làm điều ngu ngốc nhất. Họ bắt giam cái thùng! Bấy giờ khuôn mặt trên thùng đã bị đánh tả tơi, cảnh sát chỉ còn cách kéo lê thùng lên xe. Ngày ấy là ngày huy hoàng nhất cho những người chụp hình cho các báo.

Điều tôi muốn nói ở đây là ta có thể làm được nhiều việc, và ta có thể luôn luôn xử dụng hài hước. Còn có một điều quan trọng khác về hài hước. Hài hước làm cho kẻ bị chế giễu đau đớn. Vì những kẻ này vốn coi mình là rất quan trọng. Vì vậy khi ta bắt đầu chế giễu họ, họ cảm thấy đau đớn.

Hiện nay, mọi người đang nói về Hoàng đế của mình, tức Internet, và nó là một kỹ năng rất ích lợi. Nhưng đừng vội vàng dán nhãn hiệu "Cách mạng Facebook", "Cách mạng Twitter" lên mọi sự. Đừng lầm lẫn giữa công cụ và thực chất. Đúng là Internet và các phương tiện truyền thông mới rất ích lợi vì khiến thông tin truyền nhanh hơn và rẻ hơn. Đồng thời internet làm cho những người tham gia cảm thấy an toàn hơn một chút vì nó che dấu phần nào danh tính họ. Chúng ta đang nhìn thấy một ích lợi lớn lao khác mà Internet có thể làm được. Nó có thể dán cái giá của bạo lực do nhà nước bảo trợ đối với những người phản kháng bất bạo động. Đây là trường hợp nhóm nổi tiếng "Tất cả chúng ta là Khaled Said", do Wael Ghonim và các bạn anh ở Ai Cập lập ra. Đây là khuôn mặt bị biến dạng của người bị cảnh sát đánh chết. Do đấy mọi người đều biết đến anh nhưng đây có lẽ cũng trở thành cọng rơm cuối cùng làm gãy lưng con lạc đà. Tuy nhiên tin xấu cũng ở đây. Cuộc đấu tranh bất bạo động chiến thắng trong thế giới thực, trên đường phố. Ta sẽ không bao giờ thay đổi xã hội theo chiều hướng dân chủ hay thay đổi kinh tế nếu ta cứ ngồi nhà gõ phím. Có nhiều rủi ro chúng ta phải chấp nhận, và chỉ có những người đang sống mới giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này.

Còn đây là câu hỏi đáng giá ngàn vàng. Điều gì sẽ diễn ra trong thế giới Ả Rập?

Tuy những người trẻ tuổi trong thế giới Ả Rập đã khá thành công trong việc lật đổ được ba nhà độc tài, làm rung chuyển cả khu vực, và về mức độ nào đấy đã thuyết phục các vị vua thức thời ở Jordan và Morocco thực hiện những cải cách căn bản, nhưng vẫn còn sớm để thấy kết quả sẽ như thế nào. Liệu những người Ai Cập và Tunisia sẽ thành công trong thời gian thay đổi chính trị, hay rốt cuộc sẽ chìm đắm trong cuộc xung đột đẫm máu về tôn giáo và sắc tộc, liệu những người Syria còn duy trì được sự tuân thủ bất bạo động một khi hàng ngày phải đối mặt với bạo lực tàn bạo đã sát hại cả hàng ngàn người, hay sẽ rơi vào cuộc đấu tranh bạo lực rồi biến thành cuộc nội chiến xấu xa. Những cuộc cách mạng này sẽ tiếp tục suốt trong thời gian thay đổi chính trị và dân chủ hay bị quân đội và những kẻ quá khích đủ loại chiếm đoạt? Chúng ta không thể nói được.

Những điều trên cũng đúng cho khu vực Phương tây, nơi ta có thể thấy tất cả những người trẻ tuổi đầy phấn khích biểu tình trên toàn thế giới, chiếm nơi này chiếm nơi nọ. Liệu họ sẽ trở thành làn sóng toàn cầu? Liệu họ sẽ tìm được kỹ năng, niềm say mê, và chiến lược của họ để tìm ra được điều họ thật sự muốn và đẩy mạnh cải cách, hay họ sẽ cứ tiếp tục than phiền mãi dựa trên bảng liệt kê vô tận về những điều họ ghét?

Đây là sự khác biệt giữa hai con đường.

Còn thống kê cho ta biết gì. Sách của bạn tôi Maria Stephan bàn nhiều về đấu tranh bạo động và bất bạo động; và có vài số liệu đáng kinh ngạc. Nếu ta nghiên cứu các cuộc thay đổi xã hội khác nhau suốt trong 35 năm vừa qua, từ độc tài đến dân chủ, ta sẽ thấy rằng trong số 67 trường hợp khác nhau, thì trong 50 trường hợp cuộc đấu tranh bất bạo động là sức mạnh thay đổi chủ chốt. Đây là một lý do nữa để nghiên cứu hiện tượng này. Đây là một lý do nữa để nghiên cứu Thế hệ Y. Dù sao cũng đủ cho tôi để thừa nhận công lao của họ, và hy vọng rằng họ sẽ tìm thấy kỹ năng và lòng can đảm để áp dụng cuộc đấu tranh bất bạo động và nhờ thế sửa lại ít nhất phần nào sự hỗn loạn thế hệ chúng ta đang gây ra trên thế giới này.

(1)Thế hệ Y là thế hệ sinh sau năm 1980 (chú thích của người dịch).

Nguồn: Từ video của tổ chức TEDxKrakow, Ba Lan, tháng 11, 2011

'Không để người dân bị xúi giục, tụ tập biểu tình'



Tại phiên bế mạc HĐND chiều 13/7, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo thừa nhận, tình hình kinh tế thủ đô đang khó khăn hơn dự báo. Ông cũng đề cập tới một số vụ biểu tình phản đối Trung Quốc vừa diễn ra.

Đánh giá về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết, thực tế diễn ra còn khó khăn hơn dự báo. Mức tăng trưởng 7,6% của thành phố, tuy chưa đạt mục tiêu song đã gấp hơn 1,7 lần mức tăng chung của cả nước. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 10-10,5%, 6 tháng cuối năm Hà Nội phải tăng trưởng kinh tế 12-13%.
Tại phiên chất vấn hôm qua, nhiều đại biểu đã bức xúc về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Phát biểu trước HĐND hôm nay, ông Thảo thừa nhận là còn nhiều tồn tại, nổi cộm nhất là việc xây dựng trái phép, sai phép. Mức độ, tính chất vi phạm ở một số công trình là rất nghiêm trọng (cố tình vi phạm, ố ý làm trái) trong khi xử lý vi phạm chưa nghiêm, có biểu hiện không chỉ nể nang, né tránh mà còn dung túng, thậm chí bị thao túng...
Ông Nguyễn Thế Thảo:
Ông Nguyễn Thế Thảo: "Việc giải quyết đơn thư, tiếp dân và tình hình khiếu kiện đông người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên phải quan tâm”. Ảnh:Nguyễn Hưng.
Liên quan tới tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội của thủ đô trong thời gian qua, ông Thảo cho rằng, về cơ bản được giữ vững. Công an thành phố đã tập trung các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; thành lập đội đặc nhiệm 141 để truy quét tội phạm, mang lại hiệu quả. Thành phố cũng đã xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, an ninh nông thôn.
Tuy nhiên, ông Thảo cho biết, gần đây xuất hiện tình trạng tập trung đông người kéo về Hà Nội khiếu kiện có tổ chức. Ngoài khiếu kiện về đất đai, trong hai tuần vừa qua, vào ngày chủ nhật, tại trung tâm thành phố đã diễn ra việc tụ tập, biểu tình phản đối Trung Quốc có những hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo.
Theo ông Thảo, nhiều người tham gia biểu tình là những người khiếu kiện về đất đai bị lợi dụng để gây phức tạp về an ninh - trật tự. Thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, không bị các phần tử xấu, cơ hội lợi dụng xúi giục xuống đường, tụ tập biểu tình gây mất trật tự an ninh ở thủ đô.
Ông Thảo cũng nhấn mạnh, trong năm nay, việc giải quyết đơn thư, tiếp dân và tình hình khiếu kiện đông người là “nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên phải quan tâm”.
Nguyễn Hưng

Hơn 70% doanh nghiệp khai lỗ

(TNO) Ngày 13.7, tại hội nghị triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2012, Tổng cục thuế cho biết kết quả thu ngân sách nhà nước trong sáu tháng đầu năm 2012 do ngành thuế quản lý ước đạt 279.875 tỉ đồng, bằng 48,1% dự toán.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc thu ngân sách trong sáu tháng đầu năm 2012 có thể xem là khó khăn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Việc khó khăn nhất của ngành thuế đó là số doanh nghiệp khai lỗ ngày càng gia tăng. Cuối năm 2011, số doanh nghiệp khai lỗ chỉ khoảng 60% (số lỗ 30.000 tỉ đồng), nhưng đến nay thì con số này đã lên đến 70%.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lạm phát cao đã đẩy chi phí vốn của doanh nghiệp tăng theo. Cụ thể, cuối năm 2011, số lãi mà các doanh nghiệp đóng cho ngân hàng khoảng 260.000 tỉ thì hiện nay con số này đã lên đến 460.000 tỉ đồng.
Đã có 30/63 cục thuế tại các tỉnh, thành báo cáo số thu dưới 40%, nên có khả năng trong năm 2012, nhiều cục thuế sẽ không hoàn thành được chỉ tiêu đề ra.
Theo Tổng cục thuế, tổng số nợ thuế của toàn ngành tính đến hết tháng 5.2012 là 51.024 tỉ đồng, tăng 15.864 tỉ đồng (tương đương mức tăng 45%) so với cuối năm 2011, trong đó nợ khó thu là 5.150 tỉ đồng.
Khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tỷ lệ nợ thuế cao nhất, tăng 37% so với cuối năm 2011.
Trong khoảng 20 giải pháp mà ngành thuế đưa ra thực hiện vào những tháng cuối năm 2012 có giải pháp triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đôn đốc và cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục và trình tự pháp luật.
Theo đó, ngành thuế phối hợp với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, cơ quan kế hoạch đầu tư,… trong công tác thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách, đảm bảo tổng số tiền thuế nợ đến ngày 31.12.2012 không vượt quá 15% so với số thực hiện thu năm 2012 (khoảng 30.000 tỉ đồng).
Trả lời câu hỏi của Báo Thanh Niên về tình trạng các doanh nhiệp chấp nhận phạt chậm nộp thuế bởi lãi phạt này thấp hơn lãi suất mà doanh nghiệp đi vay ngân hàng trong thời gian qua, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, các gói giải pháp về thuế trong thời gian gần đây sẽ giải quyết được vấn đề này.
Theo tính toán sơ bộ, tổng giá trị gói hỗ trợ cho nền kinh tế lần này khoảng 36.000 - 40.000 tỉ đồng.
Trong đó, giải pháp gia hạn thuế GTGT (trong sáu tháng) ước hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 12.300 tỉ đồng; gia hạn nợ thu nhập doanh nghiệp ước hỗ trợ doanh nghiệp 3.500 tỉ đồng; miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khoán, thuế môn bài ước khoảng 4.100 tỉ đồng; mở rộng diện giảm 50% tiền thuê đất ước khoảng 800 tỉ đồng; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ đối với xe ôtô, xe máy đến hết ngày 31.12.2012 ước khoảng 3.200 tỉ đồng. Số thuế miễn, giảm gia hạn này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn về vốn, qua đó phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
T.Xuân

Clinton: 'Đừng hăm dọa trong vấn đề Biển Đông'



Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi các nước quanh Biển Đông cùng giải quyết những tranh chấp chủ quyền một cách mềm mỏng, khi vùng biển này có những căng thẳng giữa các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Trung Quốc muốn né Biển Đông ở diễn đàn an ninh
Ngoại trưởng Việt - Trung nói về Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: AFP
Phát biểu này được bà Clinton đưa ra ngay trước khi có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Phnom Penh, Campuchia.
AFP dẫn lời ngoại trưởng Mỹ cho hay: "Các quốc gia trong khu vực nên giải quyết các tranh chấp một cách không ép buộc, không có sự hăm dọa, không có những đe dọa và không sử dụng vũ lực"
Bà Clinton cũng kêu gọi những tiến triển trong việc thông qua bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC), một bộ quy tắc vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Việc này là nhằm tránh những sự mơ hồ và thậm chí là đối đầu trong những quyền đánh cá cũng như di chuyển tại Biển Đông, vùng biển có vị trí quan trọng và được đánh giá có trữ lượng tài nguyên lớn.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ cùng người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì và các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trao đổi tại ARF. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ được cho là muốn tránh những căng thẳng trong quan hệ với Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc và một số nước láng giềng có những khúc mắc về chủ quyền.
Biển Đông là nơi Trung Quốc cùng các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Trung Quốc cho biết sẵn sàng trao đổi về một bộ quy tắc ứng xử để tăng cường sự tin tưởng, nhưng muốn giải quyết các tranh chấp chủ quyền bằng đàm phán song phương với từng nước liên quan.
Một tuyên bố được đưa ra vào tối muộn ngày hôm qua cho hay các thành viên ASEAN đã đề xuất việc bắt đầu trao đổi về COC, bộ quy tắc mà Trung Quốc cho rằng chỉ có thể được thực thi khi các điều kiện đã chín muồi.
Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN cùng đưa ra Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Từ đó đến nay, Trung Quốc và ASEAN vẫn đang trong quá trình hướng tới việc thông qua COC.
Nhật Nam

Nữ kỹ sư của Vincom bị bắt quả tang nhận hối lộ



13/07/2012 08:05:08
 - Bùi Phương Anh nữ kỹ sư của Vincom vừa nhận số tiền 10 triệu đồng của ông Kiên thì bị lực lượng Công an bắt quả tang.

Ngày 12/7, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa điều tra khám phá vụ nhận hối lộ và bắt Bùi Phương Anh (30 tuổi, trú tại 34/83/164 Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội) là kỹ sư trong tập đoàn Vincom để làm rõ về hành vi nhận hối lộ.

Tại cơ quan điều tra, Bùi Phương Anh khai nhận, từ tháng 9/2011 đến tháng 12/2012, Phương Anh có trách nhiệm giám sát an toàn lao động và cung ứng vật tư cho bộ phận thi công.

Cụ thể là tại công trình xây dựng Bệnh viện đa quốc tế Vinamex, có ký hợp đồng nhận thầu với Công ty đầu tư thương mại và xây dựng Trung Kiên, do ông Hà Trung Kiên làm Giám đốc.

Đến tháng 1/2012, làm  xong công trình, Cty đầu tư thương mại và xây dựng Trung Kiên làm hồ sơ thanh quyết toán. Nhưng bị Bùi Phương Anh gây khó khăn, yêu cầu chi khoản tiền mới ký hồ sơ thanh quyết toán.

Tháng 6/2012, Công ty đầu tư thương mại và xây dựng Trung Kiên gửi bản kê vật liệu để Phương Anh ký xác nhận. Nhưng Phương Anh không đồng ý và yêu cầu phải đưa 10 triệu đồng thì Phương Anh mới ký xác nhận, phục vụ cho việc thanh toán.

Khoảng 20h ngày 11/7, tại một quán cà phê trên Đường Láng, Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, khi Phương Anh nhận số tiền 10 triệu đồng của ông Kiên thì bị lực lượng Công an bắt quả tang.

Hiện vụ việc đang được Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra xử lý.

Tiến Dũng

Không xem xét vụ "clip sex nghi của cán bộ”


13/07/2012 06:19:29
Lãnh đạo tỉnh Nam Định cho biết “không có nghĩa vụ” xem xét vụ video clip sex nghi của cán bộ tỉnh này như một số báo đưa tin.
TIN LIÊN QUAN


Trước đó, một số báo đưa tin xuất hiện video dài 4 phút ghi lại cảnh ân ái của một nhân vật “nghi là cán bộ của tỉnh Nam Định”. Theo thông tin được đăng tải, clip được phát tán cuối tháng 6, ghi lại cảnh "ân ái" của một cặp nam nữ tại một nhà nghỉ được cho là trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Người đàn ông trong clip tóc bạc trắng, khoảng 55-60 tuổi. Nguồn tin này cho hay, người đàn ông trong clip là một cán bộ tỉnh Nam Định, sau khi đi nhậu cùng bạn về và quyết định tìm "gái làng chơi" để giải khuây.
Ảnh được cắt từ clip sex nghi của một cán bộ tỉnh Nam Định


Trao đổi với phóng viên chiều tối 12/7, ông Đỗ Ngọc Lăng - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính UBND tỉnh Nam Định cho hay ông chưa được nghe thông báo về việc này và bản thân ông cũng chưa hề biết.

"Chúng tôi chưa nắm được... Chúng tôi chưa nghe thấy ai thông báo gì cả? Cũng không nghe thấy dư luận nói gì?" - Ông Lăng cho hay.

Trong khi đó, ông Bùi Đức Long - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: "Chúng tôi không xem xét việc đấy. Việc đấy các báo lấy từ web “đen” rồi đưa lên. Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, những chuyện như vậy chúng tôi không có nghĩa vụ phải xem xét".

(Theo Khampha.vn)

Ông Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với 200 thiếu niên hư hỏng !?!?!?



13/07/2012 06:23:17
Ngày 12/7, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã dành hơn 3 giờ để khuyên răn gần 200 em thiếu niên hư hỏng. Không lấy vai trò của người đứng đầu thành phố, ông Thanh nói chuyện với tư cách một người lớn.

“Đà Nẵng là một thành phố đáng sống, tại sao các cháu không chọn cách đến trường học hành cho tốt để xây dựng quê hương mà lại đi vào con đường trộm cắp, hút chích và lang thang? Nếu các cháu không dừng lại, trong một một thời gian không xa, nhà đá sẽ rộng cửa đón các cháu”, ông Thanh nói.

Tham gia buổi nói chuyện là những thiếu niên ở độ tuổi 12 - 16, phần lớn con em các gia đình nghèo, ít được chăm sóc, không học hành đến nơi đến chốn, có nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội cao.
 
Đáp lại ông Thanh, em Nguyễn Tân Hoàng, một thiếu niên sống ở Sơn Trà, nói: “Con đã bỏ học hơn một năm. Vì gia đình quá nghèo, 4 người trong nhà phải sống chui trong một căn nhà thuê nên con phải đi ăn cắp. Dần dần bị các bạn xấu rủ rê nên ngày càng dấn vào sai phạm. Con chỉ mong lãnh đạo cho ba mẹ con thuê chung cư rồi con sẽ đi làm phụ hồ hay bất kỳ việc gì để có tiền đi học”.
 
Lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các em, ông Thanh thân mật: “Không mấy ai ở tuổi niên thiếu mà không một vài lần dại dột, nhưng vấp ngã rồi để đứng lên chứ không phải trượt dài vào tội lỗi. Trong các cháu đây có nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng không phải vì khó khăn mà chúng ta làm liều. Ai trước đây đã đôi ba lần vấp ngã thì hãy cố gắng vượt lên. Ai gia cảnh nghèo khó quá muốn đi học nghề thì cứ nói, HĐND và UBND sẽ hỗ trợ”.

Tại cuộc gặp, ông Thanh đã chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, ngày 16/7 phải họp với các cơ quan đoàn thể, rà soát lại toàn bộ danh sách các em thiếu niên hư hỏng, tìm hiểu hoàn cảnh của từng trường hợp để có biện pháp cảm hóa, giúp đỡ. Đến 31/12, họp tổng kết lại. Đơn vị nào cảm hóa được nhiều sẽ giành giải nhất 50 triệu, giải nhì 30 triệu đồng.

Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thanh nói: “Đà Nẵng là một trong những địa phương có nhiều trường học nhất. Ở đó, các cháu có bạn bè, thầy cô và một tương lai sán lạn. Nếu các cháu không chọn trường học, không còn cách nào khác là chú phải cho mở rộng Trại giam Hòa Sơn ra 5ha nữa để đón các cháu. Các chú chỉ muốn khuyên các cháu chứ nếu phải bỏ tù các cháu, chú đau lắm”.
(Theo ĐVO)

Rút giấy phép 4 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc



13/07/2012 07:43:43
Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản gửi UBND TPHCM và Bộ Y tế, báo cáo việc xử lý sai phạm của các phòng khám có yếu tố nước ngoài. 
TIN LIÊN QUAN

Theo đó, tất cả 7 phòng khám có y, bác sĩ Trung Quốc hành nghề tại TP qua kiểm tra đều vi phạm các quy định về hành nghề y và y học cổ truyền.

Dựa trên mức độ vi phạm, Sở Y tế TPHCM đã ra quyết định rút giấy phép hành nghề trong thời hạn 12 tháng đối với 4 phòng khám:

Phòng Khám bệnh y học Trung Quốc (141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận), Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Đông Phương (762 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình),

Phòng khám Đông y Ánh Sáng (928 Lạc Long Quân, phường 8, quận Tân Bình), Phòng khám Y học cổ truyền Huê Hạ (199 Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5).

Theo NLĐ

Tôi không hiểu luật Việt Nam, bị "cò" nó xúi!


Đại gia Trung Quốc mua 100ha đất Bình Thuận:


13/07/2012 07:45:49
Ông Zhong Heng Shan, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Long Sơn, khẳng định mình thật sự muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng đã làm sai luật vì nghe lời “cò”.
TIN LIÊN QUAN

Vụ sang nhượng đất trái phép, có dấu hiệu đầu tư chui ở Công ty TNHH Nguyên Long Sơn đang làm dư luận rất chú ý nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ vì giám đốc Zhong Heng Shan vẫn chưa xuất hiện.

Ngày 12/7, biết ông Zhong đang ở nhà riêng tại đường Bình Sơn, TP Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), chúng tôi đã liên lạc phỏng vấn qua điện thoại và được trả lời bằng tiếng Việt.
Tuy chỉ xin chuyển sang đất kinh doanh hơn 8.000 m2 nhưng hiện tại khu đất trồng lúa rộng hơn 30.000 m2 này đã được san lấp gần như toàn bộ.
Tuy chỉ xin chuyển sang đất kinh doanh hơn 8.000 m2 nhưng hiện tại khu đất trồng lúa rộng hơn 30.000 m2 này đã được san lấp gần như toàn bộ.

Ông nghĩ sao về sự việc vừa xảy ra với Công ty Nguyên Long Sơn?

Ông Zhong Heng Shan, Giám Công ty TNHH Nguyên Long Sơn: Tôi là người muốn đầu tư vào Việt Nam và tôi đã qua Việt Nam thông qua ông Đặng (Phạm Tiến Đặng, thông dịch viên, kiêm trợ lý của ông Zhong tại Việt Nam - PV).

Tôi có nói với ông Đặng là làm gì cũng phải đúng luật pháp Việt Nam. Công ty chúng tôi còn mời cán bộ tỉnh Bình Thuận sang tham quan công ty ở Trung Quốc để họ biết rõ chúng tôi.

Còn chuyện làm sai là do ông Đặng chỉ huy mình như thế hết. Tôi là người đi làm ăn, không phải là người đi làm bậy bạ!

Nghe “cò” chỉ đường

Hiện tại ông còn liên lạc với ông Đặng chứ?

Tôi không liên lạc với ông ấy nữa, ông ấy làm việc bầy hầy, ổng làm hại cho công ty nên công ty không cho ổng làm việc nữa. Ổng ăn tiền “cò” của tôi nè, ăn nhiều nơi lắm.

Lẽ ra khi đầu tư vào Việt Nam, ông phải lập dự án để Nhà nước xem xét cho thuê đất chứ cần gì ông phải thông qua người này, người kia để bị tiền “cò”?

Từ xưa tới giờ tôi đã nói rồi, phải làm đúng pháp luật Việt Nam, phải làm đàng hoàng và chuyển tiền từ Trung Quốc vào đến Việt Nam.

Ông ấy bảo làm vậy là đúng pháp luật Việt Nam lắm rồi. Ông ấy chỉ những cái đường để ông ấy ăn tiền của mình thôi. Tại vì tôi là người Trung Quốc, tôi không biết luật Việt Nam như thế nào để làm anh à. Tôi nhờ ông Đặng nhưng ông chỉ đường sai hết, ảnh hưởng xấu đến công ty như thế.

Ông mua đất lúa ở Hàm Đức làm công xưởng rồi hợp đồng với ông Thạnh thu gom đất của nông dân xung quanh đúng không?

Cái này cũng do ông Đặng bày ra hết à... Công an kinh tế có mời tôi, tôi cũng đã nói là tôi muốn làm đúng pháp luật Việt Nam, nếu mà sai tôi phải làm lại từ đầu cũng được. Công an kinh tế đã mời tôi hỏi về việc này rồi.

Vẫn muốn đầu tư vào Việt Nam

Ông đến Việt Nam làm ăn và mời luật sư, chẳng lẽ luật sư không hiểu pháp luật?

Lúc đầu ông Đặng nói là sẽ mời ông Hạ (?) làm luật sư cho bên này. Nhưng rồi nghe ông Đặng nói lại là ông Hạ ăn tiền của ông Thạnh mấy trăm triệu sao đó và ông Đặng nói đuổi ông luật sư này luôn.

Sau vụ này ông có muốn đầu tư hay rút tiền về?

Có, tôi muốn làm ăn. Chỉ vì mấy ổng chỉ sai mà báo chí đăng như thế thì mất mặt công ty hết.

Báo chí Việt Nam đăng có đúng không, thưa ông?

Không đúng, không đúng, không đúng cả. Tôi nói với anh như thế.

Ông thấy sai chỗ nào? Sự thật diễn ra như thế thì báo chí phản ảnh như thế. Chính ông cũng nói do ông không biết pháp luật VN…

Tôi không hiểu luật Việt Nam mà cứ nói tôi sai cái này, sai cái kia…

Nhưng ông vào Việt Nam không đăng ký đầu tư đàng hoàng mà nhờ người này, người kia thu gom mua đất trái phép?

Không phải tôi nhờ mấy ông này mua mà mấy ông này chỉ cho tôi mua. Tôi sẽ vào Việt Nam đầu tư mà, cảm ơn anh nhé!...
 
 
Theo PL TP.HCM

Tàn nhẫn với nạn nhân bị TNGT: Làm sao để “trong cuộc”?



13/07/2012 07:59:55
(Kienthuc.net.vn) - “Chỉ cần một người đứng lên, hành động, đưa ra yêu cầu cụ thể với những người khác để giúp nạn nhân, đám đông “bên lề” sẽ dấn thân “vào cuộc” và tình thế chắc chắn đã thay đổi!” - chuyên viên tâm lý Ngô Toàn nhận định về “Người đi đường “tàn nhẫn” với nạn nhân bị TNGT” đăng trên Kienthuc.net.vn mới đây. 
Chuyên viên Ngô Toàn gọi hiện tượng thấy người bị nạn mà không cứu giúp chính là biểu hiện của “hiệu ứng người ngoài cuộc” (bystander effect) vẫn thường gặp trong đời sống. “Đây không phải là việc của mình”, “không liên quan tới mình”, “mình không có trách nhiệm”, “ai đó sẽ giúp họ”… có thể là những suy nghĩ nảy sinh trong đầu của những người tham gia giao thông hôm ấy.
“Những người ngoài cuộc này vẫn có ý tốt, vẫn muốn giúp đỡ người khác nhưng họ sợ bị phiền lụy, sợ trách nhiệm”. Biết đâu người bị nạn say rượu hay nghiện ngập? Đi cứu giúp người lỡ bị “ăn vạ”, thành gây ra vụ tai nạn, bị bắt đền tiền thì sao? Tệ hơn nữa, nếu người ta chết, mình có thể vào tù…
Hiệu ứng “người ngoài cuộc". Ảnh: Internet
Theo chuyên viên tâm lý Ngô Toàn, câu chuyện này cũng là minh chứng rõ nét cho thấy: Đối lập với yêu thương không phải là hận thù, mà là sự hờ hững, vô cảm, khi người ta cố tình không nhìn thấy nhu cầu yêu thương, mong muốn được quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ của những người xung quanh.
Bằng cách nào, những “người ngoài cuộc” có thể trở thành những “người trong cuộc”, tham gia cứu giúp người bị nạn? Tại sao chị Nga - người bán nước trong bài báo - chủ động tìm kiếm trợ giúp nhưng không đem lại hiệu quả? “Đó là cách thức khuyên nhủ, kêu gọi sự giúp đỡ trong những tình huống khẩn cấp”, chuyên viên tâm lý Ngô Toàn khẳng định.
“Sự thờ ơ làm “kẻ ngoài cuộc” hoặc những lời kêu gọi chung chung đều không làm biến chuyển tình hình. Vì những lời khuyên, lời kêu gọi chỉ thiết thực, chỉ thúc đẩy người ta hành động khi nó nhắm đến đối tượng nhất định, với những hướng dẫn cụ thể, mạnh mẽ. Nó sẽ đánh thức những lương tâm ngủ quên, kích hoạt đám đông dấn thân vào trợ giúp”.
“Đây không phải là việc của tôi. Ai đó sẽ giúp họ". Ảnh: Internet
“Trong tình huống đó, nếu một ai đó, đứng ra, chặn một số người đi đường lại, yêu cầu người này “chị ơi gọi giùm taxi đi”, kêu gọi người kia “hai anh này khỏe mạnh nhanh khiêng người ta lên xe”…, chắc chắn câu chuyện sẽ khác!” - chuyên viên tâm lý Ngô Toàn khẳng định!
Sự thờ ơ của người này sẽ làm tăng thêm sự thờ ơ của người khác, sẽ tạo thành một đám đông lãnh cảm trước sinh mạng và nỗi đau đồng loại. Nhưng chỉ cần một người đứng ra, dấn thân quyết liệt, kích hoạt người khác, người bị nạn có thể nhanh chóng được cứu giúp!”
TIN LIÊN QUAN
Hướng Dương (ghi)

Chấm hết sự kỳ diệu Việt Nam


Việt Nam
Tạp chí có uy tín Foreign Policy xuất bản tại Hoa Kỳ vừa có bài viết của tác giả Geoffrey Cain, tựa đề "Kết thúc sự kỳ diệu Việt Nam", nói về tình hình kinh tế không mấy lạc quan ở đây. BBCVietnamese.com xin giới thiệu cùng quý vị.
Bài viết bắt đầu bằng câu chuyện của một doanh nghiệp nhỏ, mà ông chủ tên là Nguyễn Văn Nguyên "chỉ thấy tương lai ảm đạm". Chuyên sản xuất mành trúc, công ty Bình Minh của ông đang vật lộn với lạm phát đi lên trong khi lượng đặt hàng từ nước ngoài đi xuỗng vì suy thoái kinh tế thế giới.
Các công nhân của ông Nguyên bị giảm lương từ mức chừng 200 đôla xuống 120 đôla, và ông cũng thuê mướn ít người hơn trước.
"Đảng Cộng sản Việt Nam muốn các nhà đầu tư xem trường hợp ông Nguyên như một ca đơn lẻ và bị ảnh hưởng của sụt giảm kinh tế toàn cầu, hơn là sự yếu kém về hệ thống."
Tác giả nhắc lại rằng kể từ khi bắt đầu tiến trình Đổi mới, Việt Nam đã tăng trưởng nhanh mạnh, và cho tới tận khoảng bốn năm trước đây vẫn còn được nhắc tới như một trong các hình mẫu thành công của Á châu.
Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007, lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra cam kết tái cấu trúc nền kinh tế cũng như cải tổ lại khối doanh nghiệp nhà nước vốn bị cho là thiếu hiệu quả và lãng phí thông qua tiến trình cổ phần hóa.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ năm 2007 cũng đưa ra dự báo rằng cải cách hệ thống kinh tế sẽ tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Với đầu tư nước ngoài đổ vào trong những năm 2000, đầu tư năm 2008 tăng gấp ba so với mức năm 2006, Việt Nam từng được Goldman Sachs ví như "con hổ châu Á đang dần thành hình".
Thậm chí có nhà phân tích ờ Mỹ còn bình luận: "Các nhà đầu tư ngoại quốc không quan tâm tới điều hành hay chính sách. Họ coi giá nhân công rẻ là động lực".

Cái nhìn thiển cận và đắt giá

Việc tảng lờ chính trị để tập trung vào khía cạnh kinh tế, theo Geoffrey Cain, là "thiển cận và đắt giá".
Một Việt Nam của năm 2012, với đồng nội tệ yếu ớt, lạm phát cao, nạn quan liêu và chủ nghĩa thân hữu, dẫn tới thiệt hại hàng tỷ đô la, là điều ít người lường trước được.
Tác giả bài viết cũng nhắc tới các quyết định kinh tế khó hiểu của chính phủ, như "xây các cảng biển hay đường xá ở những nơi kỳ quặc, không có giá trị về kinh tế".
Tình hình bắt đầu trở nên tồi tệ khi Việt Nam tung ra chương trình hỗ trợ tín dụng 100 tỷ đôla trong các năm 2007-2010, nhưng thay vì hướng về các doanh nghiệp tư nhân thì nguồn vốn lại được chuyển tới các doanh nghiệp nhà nước có quan hệ với chính giới, để các công ty này mở ra hoạt động trong các lĩnh vực bên ngoài, gây áp lực lạm phát.
"Các Đảng viên Cộng sản bị mắc chứng bệnh sợ hãi phải chia sẻ quyền lợi với các công ty tư nhân, nhất là những doanh nghiệp nước ngoài."
Quá nhiều tiền, các doanh nghiệp nhà nước này đã chèn ép các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn và hoạt động hiệu quả hơn.
Tổng công ty tàu thủy Vinashin, với 60.000 công nhân viên và 28 xưởng đóng tàu, mở ra tới 300 công ty con bao gồm từ sản xuất xe máy tới kinh doanh khách sạn.
Năm 2010, Vinashin bị phát giác gian dối trong tài chính và gần như sụp đổ dưới khoản nợ 4,4 tỷ đôla, tương đương 5% GDP của Việt Nam. Tập đoàn này cũng không trả được khoản vay 400 triệu đôla do Credit Suisse môi giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người từng bảo trợ cho Vinashin, buộ̣c phải xin lỗi trước Quốc hội trong một phiên tự phê trong khi các đối thủ của ông như tìm thấy con dê tế thần. Tám lãnh đạo tập đoàn Vinashin nhận án tù tháng Ba vừa qua.
Thế nhưng thay vì tăng cường tiến trình tư nhân hóa hứa hẹn từ những năm 1990, vụ Vinashin dường như bị vùi lấp.
Các vụ đổ bể tương tự Vinashin còn nhiều, nhưng những mạng lưới bù đắp bí mật đã cho phép những tập đoàn này che đậy những thống kê yếu kém hàng năm trời, theo kết quả phỏng vấn những biên tập viên các báo chính thống vào năm 2011.
Vào tháng Năm 2011, một cuộc điều tra của chính phủ đã phát hiện ra tập đoàn đóng tàu của Nhà nước này mất khả năng trả năm món nợ tổng giá trị lên đến 1,1 tỷ đôla cùng với một khoản nợ tích lũy lên đến 2,1 tỷ đôla, gấp bốn lần giá trị tổng khối tài sản của họ.
Từ tháng Hai, bốn lãnh đạo đã bị bắt giam vì bê bối trong quản lí vốn Nhà nước. Trong lúc đó, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục săn lùng Chủ tịch cũ của tập đoàn này.

Mất thế mạnh

Lãnh đạo Vinashin ra tòa
Các nhà đầu tư nước ngoài, vốn đang đối mặt với giá lao động và vật liệu ngày càng tăng cao đang bắt đầu lo ngại rằng Việt Nam đang mất đi thế mạnh giá cả. Bốn nhà đầu tư nước ngoài đã phàn nàn trong những buổi phỏng vấn hai năm trước rằng những tập đoàn Nhà nước đã thao túng vị trí người giữ cửa ngành công nghiệp của Chính phủ.
"Họ thật là phiền toái", một luật sư doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. "Không ai muốn phải dính dáng vào những người này cả"
Trong khi những nhà cầm quyền Việt Nam đang tìm cách trấn an những nhà đầu tư rằng thời khắc tồi tệ nhất đã qua, bản thống kê của Chính phủ được công bố vào tháng Sáu cho thấy có ít nhất 30 tập đoàn Nhà nước nữa đang phải đứng trước những gánh nặng nợ ngoài tầm kiểm soát
Một vấn đề tiềm ẩn nữa đó là Việt Nam không giống như Trung Quốc. Các Đảng viên Cộng sản bị mắc chứng bệnh sợ hãi phải chia sẻ quyền lợi với các công ty tư nhân, nhất là những doanh nghiệp nước ngoài.
Ở Trung Quốc, chính quyền nói chung vẫn tìm cách giữ tính cạnh tranh cho các thị trường bằng cách thu hút các doanh nghiệp tư nhân, cải cách quản lý, tư hữu hóa hơn 90.000 tập đoàn có giá trị hơn 1,4 nghìn tỷ đôla giữa thời điểm năm 1998 và 2005 và gần đây nhất là việc loại trừ những kẻ đội lốt Mao Trạch Đông thời hiện đại như Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
"Các lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa tìm ra cách để sửa chữa nền kinh tế của mình mà không phải từ bỏ bớt quyền lực chính trị - một bước đi mà họ không sẵn sàng thực hiện."
Các lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa tìm ra cách để sửa chữa nền kinh tế của mình mà không phải từ bỏ bớt quyền lực chính trị - một bước đi mà họ không sẵn sàng thực hiện.
Thay vào việc dọn dẹp đống tơ nhện giữa các doanh nghiệp nhà nước và những nhà chính trị đỡ đầu của họ, những người nắm quyền lực lại khởi đầu một chiến dịch chống lại một thế hệ doanh nghiệp kiêm lập pháp gia mới phất lên.
Vào cuối tháng Năm, Quốc hội đã bầu 96% phiếu thuận để bãi nhiệm Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến, một trong số ít ỏi những nhà tư bản không nằm trong bộ phận chính phủ khi cơ quan lập pháp buộc tội bà gian dối về lời khai trong hồ sơ cá nhân.
Tội lỗi thực sự của bà Yến: liên tục kêu gọi những chính sách công bằng đối với các doanh nghiệp tư nhân, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế.
"Làm sạch hệ thống là một điều mà chính quyền bây giờ không thể kham nổi" - Ông David Brown, một cựu quan chức ngoại giao người Mỹ tại Hà Nội cho biết.
Vào tháng Sáu, việc Chính phủ thắt chặt tín dụng đã giúp giảm lạm phát từ 23% tháng Tám năm ngoái xuống 6,9%. Vấn đề lúc này là vấn nạn tín dụng lỏng lẻo đã tăng cao những nguy cơ khủng hoảng ngân hàng.
Sau hai vụ sụp đổ kinh hoàng của hai doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đã phải thừa nhận rằng hệ thống tài chính của mình có vấn đề.

Tăng quan liêu

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nguyễn Văn Bình nói vào tháng Sáu rằng hết 10% nợ tại các Ngân hàng Việt Nam là nợ xấu. Thay vì cải cách nền kinh tế, Chính phủ đang đưa ra những cách giải quyết không có gì mới: kế hoạch xây dựng một Ủy ban quản lý tài sản với số vốn 4,8 tỷ đôla để đối phó với các khoản nợ.
Ngân hàng
Nền kinh tế đang èo uột lại thêm nợ xấu
Tuy nhiên điều này chỉ có nghĩa là lại có thêm một bộ máy quan liêu đặt trong một hệ thống bảo trợ giữa những lãnh đạo cấp cao, các ngân hàng và các công ty.
Ông Denny Cowger, một luật sư doanh nghiệp tại hãng luật Duane Morris của Mỹ có chi nhánh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho biết những nhà đầu tư hiện tại rất phàn nàn về những gánh nặng của nạn quan liêu, và rất nhiều người hiện tại đang tính đến việc chuyển đến Indonesia, Bangladesh và Myanmar.
Trong báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2011 và 2012, Việt Nam đã tụt mất sáu hạng từ hạng 65 bởi vì những gánh nặng liên quan đến pháp luật, lạm phát, thâm hụt ngân sách và sự xuống cấp của hạ tầng cơ sở. Diễn đàn này tuy nhiên cũng đã có lời tán dương một thị trường lao động "khá hiệu quả" và những tiềm năng cải tiến.
Trong lúc đó, lĩnh vực quốc doanh vẫn ngấu nghiến hết đến 40% GDP.
"Kết luận cuối cùng đó là Việt Nam cần phải tiến hành những cải cách kinh tế quốc nội cơ bản để có thể đảm bảo tính cạnh tranh" - Ông Carl Thayer, một giáo sư có uy tín tại trường Đại học New South Wales cho biết.
"Tuy nhiên những nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng vấn đề khủng hoảng kinh tế toàn cầu như một lời bào chữa cho thực trạng không mấy thay đổi." - ông này thêm.

 Theo BBC