THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 November 2012

Dân Hà Nội lo lắng vì kiến ba khoang



Thấy một con ba khoang đậu vào khăn tắm, chị Linh (Đội Cấn, Hà Nội) lặp tức chạy xuống hiệu thuốc gần nhà để mua thuốc. Nửa đêm đang ngủ bị ngứa cổ, chị cũng lồm cồm dậy kỳ cạch pha nước muối rửa và bôi thuốc.
Dính kiến ba khoang lại tưởng mắc zona

Sống ở tầng 5 một khu chung cư tại Đội Cấn, quận Ba Đình, chị Linh cứ nghĩ sẽ không phải lo sợ kiến ba khoang vì chúng thường xuất hiện ở ngoại thành. Mấy hôm trước chị thấy một con đậu trên khăn tắm phơi ngoài ban công nên phát hoảng, liền gọi điện cho bạn bè, bác sĩ quen để hỏi cách phòng tránh.
“Tối đấy, trước khi đi ngủ, tôi phải lật tung hết chăn màn giường chiếu để tìm xem có con kiến nào không, kéo rèm, đóng kín tất cả các cửa. Trong nhà thủ sẵn lọ hồ nước để nếu có bị ngứa thì còn bôi dự phòng. Cứ thấy ngứa, đỏ là tôi đi rửa nước muối, bôi hồ nước không cần biết là có bị dính kiến ba khoang không”, chị Linh nói.
Thấy con kiến đậu vào bàn học của con, ngay lập tức chị đi lau bàn sạch sẽ bằng xà phòng. Chị còn mua cả một lọ hồ nước cho vào cặp sách cho con và dặn ở nhà hay ở trường đều phải để ý kỹ nếu thấy con kiến ấy thì phải tránh xa, không được lấy tay giết.
Ảnh: N.P.
Nếu vùng tổn thương da do tiếp xúc với kiến ba khoang phồng rộp, sưng, đỏ thì người dân nên đi khám để được điều trị kịp thời. Ảnh: N.P.
Cũng trong tâm trạng lo lắng như chị Linh, tối về nhà ở khu đô thị Xa La, chị Hà căng mắt lên tìm mọi ngóc ngách xem có con kiến nào không. Đóng cửa, tắt bớt đèn mà hầu như hôm nào chị cũng tìm thấy 3-4 con kiến ba khoang trên sàn nhà.
"Mình người lớn không sao, chỉ sợ con nhỏ mới được 6 tháng mà bị kiến thì khổ. Da trẻ con mỏng. Nếu mấy hôm nữa mà không thấy đỡ, chắc phải sơ tán về nhà mẹ, chứ vừa ở vừa lo thế này mệt lắm. Giờ cứ ngứa, gãi là mình lại nghĩ ngay đến con kiến ba khoang”, chị Hà nói.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, người dân không nên quá hoang mang vì thực ra kiến ba khoang là một loài côn trùng đã có từ lâu. Nó cũng không đáng lo ngại như những loài côn trùng truyền bệnh (bọ xít, muỗi vằn). Loài côn trùng này không cắn, đốt người, mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây viêm da kích ứng.
Theo ông, có thể do điều kiện môi trường thuận lợi nên kiến ba khoang có xu thế xuất hiện gia tăng. Đặc biệt, trong các tháng 9, 10, 11 là thời kỳ sinh sản của loại côn trùng này. Vì thế nó đã xuất hiện với mật độ nhiều hơn, đặc biệt những khu tập thể ngoại ô, gần cánh đồng.
Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thì cho rằng, thực chất nhiều loại côn trùng đang phát triển một cách bất thường, không chỉ là kiến ba khoang. Nguyên nhân có thể vì kiến ba khoang ăn rầy nâu, khi nguồn thức ăn này phong phú (người dân phun hóa chất bừa bãi, nên rầy nâu kháng thuốc rất nhiều), số lượng kiến ba khoang cũng nhiều lên.
Theo các chuyên gia, trong năm nay loài côn trùng này mới nổi lên, nhiều người không biết, khi bị ngứa lại gãi hoặc nghĩ là mắc zona nên tự thuốc bôi khiến bệnh càng nặng hơn, lâu khỏi. Có người lấy tay giết kiến, sau đó bôi lên khắp người.
Thực tế, kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường, phun sương không có tác dụng. Để diệt được thì chỉ có cách phun tồn lưu, dàn trải một lượng hóa chất lên tường khi kiến bò vào thì chết. Tuy nhiên, cách phun này khó áp dụng ở các gia đình vì tốn kém. Hơn nữa, nhà có trẻ con thì không nên dùng cách phun này.
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã có kế hoạch phối hợp cùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tuyên truyền, phòng chống kiến ba khoang cho người dân.
Đặc điểm của côn trùng là thích ánh sáng xanh, kiến ba khoang thường tập trung vào khu vực có ánh đèn. Vì thế, vào buổi tối người dân nên đóng cửa, hạn chế bật đèn. Đồng thời thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trước khi đi ngủ nên giũ chăn màn, giường chiếu. Cho trẻ đi chơi thì nên tránh chỗ đèn sáng. Các gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương…
Nếu thấy kiến ba khoang đậu trên người thì thổi nhẹ cho nó bay đi chứ không chà xát mạnh. Tuyệt đối không được lấy tay đập kiến, thay vào đó dùng găng tay, vỉ đập ruồi…
Nếu vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang thì nên rửa sạch bằng nước lạnh hoặc nước muối loãng. Không rửa bằng nước xà phòng vì sẽ làm tăng kích ứng. Tuyệt đối không được gãi hay chà xát mạnh vùng da bị tổn thương, sau đó bôi bằng hồ nước để làm dịu, mát chỗ tổn thương. Nếu thấy da bị phồng rộp, bỏng, rát thì nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phương Trang

Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần và Huỳnh Thục Vy được chọn Giải Nhân Quyền 2012


Đăng bởi pleikly lúc 
VRNs (04.11.2012) – Người Việt, USA – Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam vừa thông báo chọn Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên và Tạ Phong Tần, ba phụ nữ hiện đang sống trong nước, để trao Giải Nhân Quyền 2012, qua một cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa và Báo Chí, bên trong nhà hàng Zen Vegetarian, Westminster, hôm Thứ Sáu.
Ðược biết, mỗi người sẽ được thưởng $3,000, và lễ trao giải sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật, 9 Tháng Mười Hai, tại nhà văn hóa Côte-des-Neiges, Montreal, Canada, vào dịp kỷ niệm lần thứ 64 Ngày Quốc Tế Nhân Quyền.
“Sau hơn một tháng xem xét các đề nghị, chúng tôi trước hết xin công bố kết quả Giải Nhân Quyền năm nay về tay ba phụ nữ tranh đấu cho nhân quyền. Ðó là Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần và Huỳnh Thục Vy,” Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, chủ tịch Mạng Lưới Nhân Quyền, tuyên bố. “Kế đến, chúng tôi cũng mong có sự đóng góp ý kiến của mọi người sao cho cuộc đấu tranh được hữu hiệu hơn.”
Sau đó, cựu Luật Sư Trần Thanh Hiệp giới thiệu về cô Phạm Thanh Nghiên.
Ông nói: “Ðiểm đặc biệt là phong cách tranh đấu cho nhân quyền của cô. Năm 2007 cô được biết đến khi từ Hải Phòng lên Hà Nội để biểu tình chống Trung Cộng. Năm 2008 cô viết bài phóng sự ‘Uất ức biển ta ơi’ lên án chính quyền CSVN vô trách nhiệm với ngư dân Việt Nam. Ðiểm nữa là cô có sáng kiến biểu tình tại nhà.”
“Theo tôi, dù mới trên 30 tuổi, cô đã viết và sẽ còn viết về những người dân không sợ bạo lực. Cô là một phụ nữ gương mẫu, đáng được kính nể,” ông khen ngợi.
Cựu Luật Sư Ðoàn Thanh Liêm nhắc đến trường hợp của nhà báo Tạ Phong Tần.
Ông nói: “Nhà báo Tạ Phong Tần sinh năm 1968 ở Bạc Liêu, gốc Hoa, là đảng viên Cộng Sản và là sĩ quan công an nhiều năm, nhưng đã giác ngộ và làm vinh dự cho nhà báo khi cô lập ra Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Cô tranh đấu cho nhân quyền, bị tù 10 năm và không được phép dự đám tang của thân mẫu của cô là bà Ðặng Thị Kim Liên, người đã tự thiêu.”
Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên sau đó nói đến người thứ ba đoạt giải là cô Huỳnh Thục Vy.
“Ðiểm đáng chú ý là năm nay cả ba người được chọn đều là phụ nữ. Họ chưa bao giờ nhận tội và xin khoan hồng. Cô Huỳnh Thục Vy mất mẹ từ khi lên 6 tuổi, và cha cô vào tù khi cô 7 tuổi. Sinh năm 1985, mới 27 tuổi mà đã là một nhà báo tự do. Cha cô là Huỳnh Ngọc Tuấn, bị bắt năm 1992, bị tù 10 năm và 4 năm quản chế vì vi phạm điều 88, tuyên truyền chống chính quyền. Cô vẫn kiên cường tranh đấu.”
Trong phần đóng góp ý kiến, ông Ðoàn Thế Cường thắc mắc sao lại có ba giải và được Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng cho biết là có một mạnh thường quân ủng hộ thêm $3,000. Vì thế, ngoài số tiền Mạng Lưới Nhân Quyền thường trao cho hai người, năm nay lên ba người.
Giáo Sư Trần Huy Bích hỏi ai là người đề cử cô Huỳnh Thục Vy và mọi người bất ngờ biết được là do nhà văn Huy Phương đề cử.
Một số người nêu vấn đề gây quỹ, Tiến Sĩ Lê Minh Nguyên nói: “Ðể giữ vai trò độc lập, Mạng lưới Nhân Quyền không nhận tài trợ của Mỹ và bất cứ tổ chức nào, trừ những đồng bào và thân hữu có lòng đóng góp thường xuyên.”
Trước đó, sau phần nghi lễ, người tham dự đã dành một phút để mặc niệm cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện và các chiến sĩ đã hy sinh, tranh đấu cho nhân quyền.
Tiểu sử của ba người nhận giải nhân quyền năm nay được ghi lại trên trang nhà của Mạng Lưới Nhân Quyền tại http://www.vietnamhumanrights.net.
Giải thưởng được thành lập từ năm 2002 và được trao hàng năm nhằm tuyên dương thành tích xuất sắc của các cá nhân có thành tích đấu tranh nhân quyền cho Việt Nam. Ngoài ra, giải còn nhằm bày tỏ quyết tâm liên đới và hậu thuẫn của người Việt khắp nơi đối với cuộc đấu tranh giành lại quyền làm người và công lý tại quê nhà.
Từ ngày thành lập đến nay, Giải Nhân Quyền Việt Nam được trao cho nhiều nhân vật đấu tranh hàng đầu tại quốc nội, như Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, Ðại Tá Phạm Quế Dương, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, Linh Mục Phan Văn Lợi, kỹ sư Ðỗ Nam Hải, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, Luật Sư Lê Thị Công Nhân, bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nhà hoạt động công đoàn Ðoàn Huy Chương, Luật Sư Cù Huy Hà Vũ, và một số nhân vật khác.
Linh Nguyễn/Người Việt

Huyền Trang kể chuyện bị công an bắt cóc, ngày 30.10.2012


Đăng bởi pleikly lúc 
VRNs (01.11.2012) – Sài Gòn – Tôi viết những hàng chữ này trước hết để ngợi ca sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, tôi muốn tri ân và làm chứng về Đức Maria, Mẹ từ ái mà tôi biết tôi được Mẹ thương yêu vô cùng, tôi cũng muốn làm chứng về sức mạnh của chuỗi Mân Côi.
Vào lúc 10:30, ngày 30.10.2012, tôi, Anna Huyền Trang, và một người bạn trên đường đi từ công viên Bách Tùng Diệp về lại công viên Tao Đàn, nơi bạn tôi đã gửi xe, khi đến công viên (đối diện Dinh Độc Lập) thì bị một nhóm hơn 30 người, gồm công an mặc sắc phục, an ninh mặc thường phục, dân phòng, CSGT vây quanh chúng tôi và bắt chúng tôi, họ đòi kiểm tra giấy tờ tùy thân của chúng tôi. Tôi hỏi: “Lệnh đâu mà kiểm tra giấy tờ của chúng tôi. Nếu kiểm tra giấy tờ của chúng tôi thì các anh phải kiểm tra giấy tờ tất cả những người đang có mặt tại công viên này? Tôi sẽ gọi cho cậu tôi để làm việc với các anh”, nhưng họ đã giật lấy điện thoại của tôi.
Họ lôi chúng tôi lên xe bít bùng nhưng tôi không chịu, tôi đã vịn thật chặt vào thành xe. Họ cố lôi kéo tôi vào xe nhưng không được. Cuối cùng, 3 – 4 người trong nhóm đẩy thật mạnh tôi vào xe. Họ không đóng cửa xe được vì chân tôi chắn cửa xe. Họ loay hoay mãi bằng cách 3 – 5 người ở ngoài đẩy cánh cửa xe và một người ngồi giữ tôi trong xe kéo chân tôi ra thì mới đóng cửa xe được.
Khoảng hơn 11 giờ, tôi và bạn tôi bị đưa về đồn công an phường Cầu Kho, Q.1, Sài Gòn.
Bạn tôi và tôi mỗi đứa bị giam một nơi.
Tại phòng “làm việc”, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là lấy Chuỗi Tràng Hạt Mân Côi ra đọc kinh và cầu nguyện.
Có khoảng 10 an ninh, công an và dân phòng cùng “làm việc” với tôi. Một anh an ninh hỏi tôi: “Tên là gì, nhà ở đâu, làm nghề gì?… Tôi hỏi lại: “Anh là ai, sao hỏi tôi?, Tên anh là gì?” Anh an ninh này quát to: “Đây là đồn công an. công an đưa cô về đây thì có quyền hỏi cô”, tôi nói lại: “công an phải mặc sắc phục chứ, anh đâu có mặc sắc phục?”.
Một chú công an khác hỏi tôi: “Em về đây, em muốn gì?”. Tôi trả lời: “Tôi không muốn gì cả, tự nhiên các anh đưa tôi về đây, rồi lại hỏi tôi như vậy?” Họ hỏi tiếp: Cô có phải là công dân VN không?”. Tôi trả lời: “Tôi là người Việt Nam”. Họ nói: “Nếu cô là người VN thì ít nhất phải có giấy tờ tùy thân trong người chứ!”. Tôi trả lời: “Tôi đi tập thể dục vào buổi sáng thì đem đi làm gì?”. Và câu họ cứ lặp đi lặp lại là “Cô phải hợp tác làm việc thì sẽ được về sớm… Tên cô là gì? Nhà ở đâu? Ra công viên Bách Tùng Diệp làm cái gì…?”
Họ không có lệnh đưa tôi về đồn công an nên không có lý do nào mà tôi cung cấp thông tin cá nhân của tôi cho họ. Tôi cứ nằm dài trên bàn, nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Thấy vậy, họ đập bàn liên tục, tạo tiếng ồn “khủng bố” lỗ tai tôi, nhưng tôi mặc kệ, làm thế, họ đau tay chứ tôi đâu có đau tay đâu! Một an ninh mặc thường phục cứ đập vào tay tôi, nói và lặp đi lặp lại: “chị ơi, chị dậy đi chứ, làm sớm về sớm…”. Tôi không trả lời vì tôi có làm gì đâu mà “làm việc” với các anh.
Họ thấy tôi nằm ì ra bàn nên thỉnh thoảng họ dùng những lời lẽ có ý làm nhục tôi như: “mày hiếp dâm nó cho tao”, người khác trả lời: “mày làm đi, sao bắt tao làm?”, người nào đó trong phòng nói: “mày lột đồ nó ra cho tao”, “hay là đêm qua làm nhiều quá nên mệt, bây giờ về đây ngủ bù”, sau đó họ phá lên cười. Còn tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện.
Một lúc sau, một người an ninh, người đã tra vấn tôi lúc đầu, 3 lần liên tiếp, túm tóc tôi và lôi tôi lên để nói chuyện nhưng tôi vẫn nhắm mắt, im lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện… Thấy thế, anh an ninh này, lại 3 lần liên tiếp nữa, túm tóc và lôi đầu tôi dậy nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện… Anh an ninh này nói: “cho một công an viên nữ làm việc với nó, nhưng phải mặc sắc phục thì nó mới hợp tác.”
Anh an ninh trẻ thấy trên tay tôi cầm chuỗi Mân Côi, kỷ vật của một người Cha đáng kính tặng cho tôi, anh an ninh trẻ liền nói: “Sao chúng nó, đứa nào cũng có cái này vậy?”. Tôi thầm nhủ: “Tạ ơn Chúa vì họ đã nhận ra được sức mạnh của con.” Anh an ninh trẻ đến gần tôi, tò mò xem tràng hạt, thấy chữ “JERUSALEM”. Anh an ninh trẻ hỏi: “Chữ ấy nghĩa là gì vậy!”. Sau đó, họ nói to với nhau: “Ở đây làm gì có Chúa, Chúa ở nhà thờ ấy, mày đọc kinh cũng vô ích thôi. Ở đây, Chúa không cứu được mày đâu! Mày chỉ cho tao biết Chúa là ai đi…!”.
Lòng tôi uất nghẹn vì họ đã xúc phạm đến Chúa, nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Và nghĩ đến gia đình mình, gia đình truyền thông VRNs, những người bạn đáng quý đang lo lắng cho mình, tôi được an ủi và nuốt nước mắt vào trong, nhưng vui, vì có Chúa, Đức Mẹ và Đức Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đang đồng hành với tôi.
Khoảng độ 10 phút sau, chị công an viên trẻ, xinh đẹp, có khuôn mặt hiền từ, nghe theo lệnh của cấp trên, lay tôi dậy, nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện, chị nói: “do chị không hợp tác nên tôi mới bóp cổ chị” [luật pháp VN có cho công an quyền “không hợp tác nên tôi bóp cổ” không?], nói rồi chị ấy bóp cổ tôi 3 lần liên tiếp, nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Ngay sau đó, họ liền lôi tôi dậy và nói chị công an khám xét người tôi. Tôi nhìn thẳng anh an ninh đối diện và nói: “Ai cho các anh khám xét người tôi, lệnh đâu?”. Họ trả lời: “Ở đây, là đồn công an, ở đây là pháp luật nên có quyền làm điều này.” Họ sốc nách tôi lên, nắm lấy tay tôi, tôi vùng vẫy vì không chấp nhận hành vi của họ… nhưng họ vẫn khám xét áo quần tôi thì có 76.000 đồng trong người, cái khẩu trang, cái mũ và cái áo khoác.
Người công an tra vấn kéo tay tôi nói: “Nếu mày là con trai thì chết với tao rồi đấy. Đồ lì, câm và điếc!”. Tôi trả lời: “Anh nói đúng. Vì tôi biết, anh thương yêu vợ anh, mà vợ anh là đàn bà và tôi cũng vậy.” Anh công an liền buông tay tôi ra, về sau anh ta hạn chế những hành vi thô bạo cũng như lời nói với tôi.
Ngay lúc đó, họ nói: “Con này nó không tên, không nhà, không nghề nghiệp, đi lang thang, kết nó vào nghị định 423 đi trại cải tạo Thanh Hà, Hà Nội, như bà Bùi Hằng, con này nó thân với Bùi Hằng lắm mà!”.
Họ không cho tôi ngồi gần bàn nữa mà kéo ghế tôi xa ra chỗ bàn nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Một an ninh trẻ gợi ý, “phải tìm cho nó có cái ghế không có chỗ dựa xem nó có đọc kinh được không, con lì lợm”. Một người khác tán thành, thằng này có ý kiến hay, thế là họ tìm được 1 cái ghế ngựa không có chỗ tựa lưng, người khác lên tiếng: “Nó mà ngã lăn ra đó thì rách chuyện đấy!”, anh an ninh trẻ trả lời: “Ở đây có máy quay phim 24/24 thì lo gì, nó ngã, nó chịu, mình có làm gì nó ngã đâu!” nhưng chiếc ghế nhựa ấy vẫn thản nhiên, không người, bên cạnh chiếc ghế tôi ngồi.
Anh an ninh trẻ: “Chị kia, bị câm điếc à, sao nói mà chị không nghe vậy!”. Tôi mở mắt ra và nhìn thẳng anh an ninh trẻ mà nói: “Tôi đang cầu nguyện”. Anh ta hỏi tiếp: “Thế chị cầu nguyện đến khi nào xong?”. Tôi trả lời: “Đến 10 giờ tối, tôi vẫn chưa cầu nguyện xong anh à!”.
Tiếp theo, họ sỉ nhục Lm Giuse Đinh Hữu Thoại và các Cha DCCT: “Các Cha có lấy vợ và sinh con không mày?, Chắc là mày là vợ hay con của ông Thoại chứ gì? Một lũ phản động…”. Họ nói tiếp: “Nhìn mặt mày sáng sủa lắm mà, sao ngu thế! Chúng nó cho mày tiền, hay hứa cho mày đi nước ngoài phải không, nên mày mới đi với lũ phản nước? Chúng mày muốn chống cộng à! Không chống được đâu, chỉ có Mỹ mới chống được thôi, em à!…”. Nghe mà cay đắng trong lòng nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện.
Các chú công an, an ninh và dân phòng ơi. Các chú và cháu là người VN, là công dân VN sao lại quy kết và sỉ vả cháu như vậy! Nếu trong trường hợp cháu là con gái các chú, thì các chú sẽ cảm thấy như thế nào về những câu nói trên?
Khoảng 14:15, một nhân viên công an phường mặc thường phục, áo sơ mi ngắn tay, áo bỏ trong quần, hỏi: “có thông tin gì về nó chưa?” Một người nói: “con này nó lì, nó câm, nó điếc và nó lang thang vì nó không cho biết tên…”, người khác nói: “kêu một đứa bị sida vào đây, chích cho nó một mũi, cho nó bị sida luôn, phường này xì ke và sida nhiều lắm”. Sau đó, chú công an viên liền nói: “gọi chị ấy lên (người đàn bà to con, tôi không biết tên) để làm việc với nó”. Người đàn bà này “chào hỏi” tôi bằng cách lay cho tôi mở mắt nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Một người trong nhóm nói: “Nó bị câm và điếc từ khi vào đây, không chịu nói và không chịu mở mắt.” Cô ta liền búng vào lỗ tai tôi 3 cái, sau đó lấy tay kẹp chặt lỗ mũi của tôi, nhưng tôi vẫn nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện.
Chú công an vừa rồi ra lệnh: “Mang nó vào phòng tắm và khám xét xem trong người nó có gì không?” Tôi phản ứng lại: “Ai cho các chú khám xét người tôi, lệnh đâu?” Cô ta liền trả lời: “Đây là đồn công an, luật pháp ở đây, có quyền khám xét người cháu, khám xong sẽ viết biên bản…” Tôi cự lại: “Cô không có quyền gì khám xét người tôi hết”… “Không nói nhiều nữa, lôi nó vào phòng tắm”, chú công an lại ra lệnh.
Trong phòng tắm, cô ta yêu cầu tôi “cởi quần áo ra”, tôi nói: “cô không có quyền gì khám xét người cháu. Lệnh đâu?”, tôi hỏi tiếp: “nếu là con gái cô thì cô sẽ làm gì?”, cô ta trả lời: “do cô xem cháu là con của cô nên chính tay cô khám xét người cháu, nếu là người khác, sẽ kêu mấy thằng kia vào khám…”.
Tôi nhìn qua chị công an trẻ hỏi: “nếu là chị, chị sẽ làm gì?”. Tôi nói tiếp: “tôi không cần câu trả lời, nhưng lương tâm các người sẽ tự chất vấn các người.”… Thêm một người phụ nữ to con nữa ôm lấy người tôi, tôi vùng vằng đẩy họ ra. Lúc ấy, cô ta la lên: “mấy thằng đâu vào khám xét người con này mau lên!”. Người phụ nữ to con và cô ấy ôm chặt người tôi và… khám xét …
Lúc này, tôi uất ức với ánh mắt đầy uất hận vì tủi nhục, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Ngài cho tôi nhớ lại những lúc Chúa Giêsu bị bắt bớ, bị đánh đập và bị lột quần áo. Khám xong, cô ta nói: “trong người nó không có gì hết.” Cô ta nói: “con này nó lì, cho nó vào trại 2 ngày xem nó còn lì nữa không? Xem ai hơn nó”.
Ra khỏi phòng tắm, tôi ngồi trên ghế tiếp tục nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Viên công an điều động nãy giờ lập biên bản đại khái với nội dung thế này: “Một người trạc 20 tuổi, tóc dài… vi phạm những điều sau: Một, tụ tập nơi cấm, là công viên Bách Tùng Diệp. Hai, chống đối và không hợp tác người thi hành công vụ. Tôi hỏi viên công an: “chú có mặt ở hiện trường không mà chú lập biên bản cho cháu?”, ông ta trả lời: “kệ nó!”. Viết biên bản xong, viên công an hỏi: “Nhưng không có người dân nào chứng kiến nó chống đối?”. Một người trong họ nói: “Cho thằng dân phòng này nó làm chứng.” Một hồi sau, dân phòng, an ninh, chị công an trẻ… ký vào biên bản, ngoại trừ tôi. Công việc lập biên bản kết thúc khoàng 16 giờ.
Trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến 17 giờ 30, họ không chất vấn tôi nữa. Nhìn chị công an thấy mà thương! Chị ấy khát khô cả cổ họng mà không dám đi lấy nước uống vì sợ tôi “chuồn” đi đâu mất tiêu. Chị ấy liền xin một nhân viên công an: “em khát nước, anh có thể cho em xin một chai nước suối được không?”, anh ta hỏi: “chai lớn hay chai bé?”, chị ấy trả lời: “dạ chai nhỏ”… Anh ta liền “chém” qua tôi “mày không uống nước, xem Chúa có cho mày uống nước không nhé?”, tôi nhận ra: “đúng rồi, từ lúc vào đồn đến giờ mình chưa ăn chưa uống gì cả! Khát thiệt! Bụng kêu o o” Nhưng tôi vẫn tiếp tục nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Bỗng nhiên, anh dân phòng lên tiếng: “Này chị ơi, chị có nhu cầu ăn uống gì không thì nói, không thôi lại bảo không cho ăn cho uống”. Tôi trả lời: “cám ơn anh”, và lòng thấy vui, tự hỏi: “anh Dân Phòng ơi, một cách nào đó, tôi thấy anh cũng là người tốt đấy chứ! Nhưng điều gì đã cản trở anh phát triển hạt giống của lòng thương yêu vậy? Anh muốn con gái và con trai anh phát triển hạt giống yêu thương hay hận thù?
Thấy anh dân phòng hút thuốc liên tục, tôi hỏi: “một ngày anh hút bao nhiêu điếu thuốc vậy?”. Anh trả lời: “2 bao thuốc”. Tôi kêu lên: “trời! Anh hút thuốc nhiều vậy! Thế anh có mấy cháu rồi?”. Anh trả lời: “một”. Tôi hỏi: “cháu mấy tuổi rồi anh?”. Anh trả lời: “3 tuổi”. Tôi nói: “anh hút thuốc, anh không sợ bé hít khói thuốc vào rồi viêm phổi hay sao?”. Anh trả lời: “tôi chỉ hút thuốc ở cơ quan thôi, về nhà, muốn hút thuốc, thì đi ra khỏi nhà”. Tôi nói: “thế thì không được rồi, tội nghiệp mấy đứa trẻ hàng xóm quá!”. Anh trả lời: “không, tôi hút thuốc khi không có trẻ con”. Tôi nói: “chúc gia đình anh hạnh phúc và bé mạnh khỏe nhé”. Anh trả lời: “cám ơn chị”.
Tôi lại hỏi chị công an trẻ, xinh đẹp, chị ơi: “chị đi làm lâu chưa?”. Chị đáp: “mới làm”. Tôi hỏi: “chị đi làm có vui không?”. Chị nói: “vui chứ!”. Tôi đáp lại: “dạ, chúc chị có niềm vui thật sự trong công việc nhé!”.
Khoảng 17 giờ, anh an ninh trẻ, “tiếp” tôi từ sáng đến giờ đến canh gác tôi, và tôi nói với anh ta: “tôi sẽ ấn tượng với anh vì anh đã bẻ hai tay tôi ra đằng sau, uýnh tôi, anh nhớ đấy nhé!”. Anh ta trả lời: “tôi cũng ấn tượng với cô, vì cô quá lì”. Tôi hỏi: “thấy anh đeo nhẫn, vậy anh có mấy cháu rồi?”. Anh đáp: “chưa có cháu nào hết?”. Tôi nói: “thế à! Chúc gia đình anh hạnh phúc nhé!”. Anh ta trả lời: “cám ơn chị. Vậy chị đã có gia đình chưa?”. Tôi hỏi lại: “anh hỏi để làm gì?”. Anh ta trả lời: “để biết. Chị hỏi tôi được mà tôi không hỏi chị được sao?”. Tôi trả lời: “anh à, tôi hỏi anh và chúc anh với một tấm lòng chân thành và thiện chí, còn anh hỏi tôi với tư cách điều tra thông tin của tôi”. Một lát sau, anh ta hỏi tôi: “chị có khát nước không?”. Tôi đáp: “nếu như anh mời tôi uống nước một cách chân thành thì tôi cám ơn anh và sẽ uống”. Ngay sau đó, anh nói chị công an trẻ kế bên đưa cho tôi chai nước suối mà chị công an trẻ đang uống dở.
Anh an ninh trẻ ơi, cho tôi hỏi anh điều này nhé. Trong bữa cơm tối với gia đình, anh sẽ kể với vợ anh và con gái về công việc anh làm như thế nào? Nếu tôi là vợ anh hay con gái anh đang bị hành hạ trên đôi tay rắn chắc, khỏe mạnh của người đàn ông khác, thì anh sẽ làm gì ngay lúc đó?
Khoảng 18 giờ, có 6 người đàn ông to con và lực lưỡng, trong đó gồm: anh an ninh trẻ, 2 anh dân phòng và 3 người nữa, không biết rõ họ là ai, nói với tôi: “từ sáng đến giờ, cô không khai cô là ai, làm gì và ở đâu nên chúng tôi cần lấy vân tay của cô”. Tôi trả lời: “các anh không có quyền lấy vân tay của tôi”. Một trong số họ ngồi lăn mực và nói: “nếu cô không hợp tác cho chúng tôi lấy vân tay, thì làm sao chúng tôi biết cô ở đâu, tên là gì, làm gì… Nói nhẹ nhàng cô không nghe, chúng tôi sẽ cưỡng chế cô”. Tôi kiên quyết: “các anh không có quyền lấy vân tay của tôi”. 3 người đàn ông xông đến, bẻ hai bàn tay của tôi ra, họ càng cố gắng bẻ hai bàn tay của tôi thì tay tôi càng nắm chặt. Họ không thể bẻ tay tôi ra được. Một lúc sau, anh chàng lăn mực nói: “Không thể dùng cách này với nó được, bỏ nó ra”. Họ chụp hình tôi, tôi cho chụp. Trong khi họ bẻ tay tôi, tôi đã cầu nguyện với Thiên Chúa, xin Chúa giúp con, Chúa ơi!
Họ lại ngồi thương lượng với tôi nhưng tôi nhìn họ chằm chằm và kiên quyết không đồng ý cho họ lấy vân tay. Họ nói: “Cô tên là gì”. Tôi trả lời: “Tôi là phóng viên Truyền thông Chúa Cứu Thế”. Một an ninh mắng xối xả vào mặt tôi: “Ai công nhận chúng mày là nhà báo hả? Thẻ tác nghiệp của chúng mày đâu? Một lũ ăn không ngồi rồi, rồi rủ nhau phản động hả?…”. Lúc ấy, tôi nhìn họ trong sự thinh lặng, đọc kinh, cầu nguyện và tin một điều rằng: “Họ sẽ không thể làm gì được tôi vì Chúa đang hiện diện trong những lúc con cái Ngài bị bách hại”.
Ngay lúc đó, hai bàn tay tôi vẫn nắm chặt, anh an ninh trẻ lại bẻ hai tay tôi ra đằng sau, tôi liền lấy chân đạp bàn đang để mực và giấy tờ, cho nó rớt xuống đất. Liền đó, ba bốn người gì đó cùng nhau, dùng sức, bẻ hai bàn tay tôi ra, tôi bị ngã xuống đất và cầu xin Chúa: “Xin Chúa đừng cho họ hại con, Chúa ơi!”. Họ càng dùng sức nhưng vẫn không thể nào bẻ hai bàn tay tôi ra được. Ngay sau đó, anh dân phòng đeo mắt kính, không phải anh dân phòng tôi đã trò chuyện, hét lên: “đéo mẹ mày, Chúa của mày à, thì này Chúa của mày nè, vứt mẹ nó đi…” Anh ta liền giựt lấy tràng hạt của tôi, tôi đã đeo vào cổ tay mấy vòng trước khi họ cưỡng chế tôi, tràng hạt của tôi đã bị đứt rồi, nên tôi yêu cầu: “Các anh phải tìm lại cho tôi dây tràng hạt đã đứt. Nếu anh không tìm lại cho tôi, Thượng Đế sẽ trừng phạt gia đình các anh. Tôi tìm tràng hạt là để cứu gia đình các anh đấy. Tìm lại cho tôi!”. Anh an ninh trẻ vội vàng đi tìm lại tràng hạt cho tôi. Tràng hạt đủ cả nhưng Thánh Giá đã bị đứt rồi!
Cuối cùng họ nói: “trả mày điện thoại, mày về đi”. Tôi lấy áo khoác, mũ và quần áo trên người tôi phủi bụi những sự ác đã diễn ra tại đồn công an, vì của ai cái gì thì trả lại cho người đó cái ấy. Tôi chào anh dân phòng, mà tôi đã trò chuyện, chúc anh và gia đình anh luôn hạnh phúc mà ra về lòng đầy bình an trong sự quan phòng đầy tình yêu thương của Chúa.
Các anh an ninh, dân phòng ơi, tôi hỏi anh điều này nhé. Khi các anh cùng nhau cưỡng chế tôi thì bản chất nam nhi của các anh đâu rồi? Nếu vợ và các con anh nhìn thấy các anh ăn hiếp một đứa con gái yếu đuối như tôi, thì họ sẽ nghĩ gì về người bạn đời và người cha của mình đây, hả các anh?
Và tôi biết một điều rằng các anh rất thắc mắc tại sao con này nó lại khỏe đến như vậy? Bởi vì sức mạnh của tôi là ở chuỗi tràng hạt, nhắm mắt, thinh lặng, lần chuỗi, đọc kinh và cầu nguyện. Và, những lúc các anh bách hại tôi thì sức mạnh thiêng liêng của Chúa đã tỏ hiện ra nơi tôi. Các anh có muốn có sức mạnh phi thường ấy không, thì hãy đến xem Ông Giêsu là ai!
Con xin chân thành cảm ơn Quý Cha, Quý Thầy, các Bác, Cô, Chú, các anh chị, nhóm Fiat và Gia Đình VRNs đã hiệp thông cầu nguyện cho con. Xin tri ân.
Anna Huyền Trang, VRNs

Ông Đặng Văn Thành được công an mời lên làm việc



03/11/2012 16:29:09
>> "TiengAnh123.Com giúp bạn giỏi tiếng Anh – chỉ 250,000 đ /1 năm"
Tân Chủ tịch Sacombank Phạm Hữu Phú xác nhận thông tin hôm 1/11, ông Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch HĐQT đã được cơ quan điều tra mời lên làm việc.
Sáng nay (3/11), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (MCK: STB) tổ chức họp báo về việc thay đổi nhân sự Hội đồng quản trị.
Tại buổi họp, tân Chủ tịch HĐQT của Sacombank - ông Phạm Hữu Phú cho biết, ngày 1/11, ông Đặng Văn Thành đã được cơ quan điều tra mời lên làm việc trong lúc HĐQT của Sacombank đang họp. Cuộc họp HĐQT vẫn tiếp tục, và đồng ý để ông Thành từ nhiệm.

Đây là một hoạt động bình thường của ngân hàng bởi tại cuộc họp Đại hội cổ đông thường niên tổ chức trước đó, ông Đặng Văn Thành đã có phát biểu chuyển giao dần công tác quản trị điều hành cho nhân sự mới. Việc chuyển giao đã được thực hiện dần sang cho ông Trầm Bê và ông Phạm Hữu Phú.
Ông Đặng Văn Thành đã bị cơ quan điều tra mời lên làm việc hôm 1/11
Ông Đặng Văn Thành đã được cơ quan điều tra mời lên làm việc hôm 1/11
"Khi sự cố xảy ra, vì sự ổn định của Sacombank, chúng tôi đã có quyết định thay đổi nhân sự. Sự thay đổi này xuất phát từ cuộc họp ngày 10/7, ngày 27/7 ông Thành xin rút ra khỏi chức danh Chủ tịch HĐQT. Nhưng vào thời điểm này Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị làm việc với Sacombank nên chúng tôi đề nghị ông Thành tiếp tục duy trì chức danh của mình cho đến khi có đoàn thanh tra vào", tân Chủ tịch Sacombank cho biết.
Phía Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết đã sẵn sàng để hỗ trợ Sacombank trong việc thanh toán tiền gửi cho khách hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, thanh khoản của Sacombank khá tốt, có dấu hiệu tích cực. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận được hồ sơ xin thay đổi Chủ tịch HĐQT, và sẽ báo cáo với Thống đốc.

Từ chiều ngày 1/11, tất cả các giám đốc, phó giám đốc và trưởng phòng chi nhánh Sacombank sau giờ làm việc có thể về nhà nhưng phải duy trì liên lạc 24/24. Ông Phạm Hữu Phú cho biết, việc từ nhiệm của ông Đặng Văn Thành đã có kế hoạch và lộ trình đối với nhà đầu tư và toàn thể cán bộ công nhân viên.

Liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước thanh tra Sacombank, hoạt động này đã kết thúc từ ngày 5/10 (diễn ra trong vòng 55 ngày). Trong thời gian thanh tra, ông Đặng Văn Thành có khoảng thời gian ở nước ngoài. Vì vậy, phía Sacombank hiện chưa có kết quả thanh tra.
Trả lời về các khoản vay của thành viên gia đình ông Đặng Văn Thành tại Sacombank, ông Phạm Hữu Phú cho biết các khoản vay này đã phát sinh từ hơn 10 năm qua, không phát sinh thêm và có tài sản đảm bảo. Các khoản vay này không ảnh hưởng đến Sacombank.

(Theo CafeF/TTVN)

Sợ áo ngực chứa “chất lạ”, phụ nữ chuyển sang dùng yếm !


03/11/2012 15:09:27
>> "TiengAnh123.Com giúp bạn giỏi tiếng Anh – chỉ 250,000 đ /1 năm"
 - Dù chưa có kết luận chính thức từ phía các cơ quan chức năng về “chất lạ” chứa bên trong áo ngực của phụ nữ mới được phát hiện gần đây là chất gì, tuy nhiên nó cũng khiến cho nhiều chị em lo ngại. Đặc biệt, nhiều phụ nữ đã chuyển sang dùng áo yếm như một giải pháp an toàn.

"Tẩy chay" áo nịt ngực chứa "chất lạ"

Chị Lê Thị Loan: "Áo yếm bây giờ cũng rất đẹp".
Chị Lê Thị Loan (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ : “Nghe thông tin áo nịt ngực phụ nữ xuất xứ từ Trung Quốc bên trong có chứa hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi rất lo. Hôm nghe tin, tôi về nhà lấy thử hai chiếc áo ngực đang mặc dùng dao rạch ra thì phát hiện bên trong có chứa những viên thuốc như báo đã đưa tin. Trước chưa biết tin thì không sao, giờ biết tin rồi thì sợ lắm”.

Chị Loan cho biết, không chỉ riêng mình mới bị dính “hàng độc” mà mấy người bạn thân chơi cùng nhau cũng chịu chung “cảnh ngộ”.

“Khi đang còn băn khoăn thì có bạn đưa ra ý kiến dùng áo yếm để mặc, giá cả phải chăng mà lại an toàn. Thế là mọi người nghe theo, cho là ý kiến hay. Thực ra mà nói thì áo yếm bây giờ cũng cách tân theo kiểu dáng hiện đại nên rất đẹp, không phải như nhiều người vẫn nghĩ là mảnh vải che như ngày xưa nữa”.

Cũng theo chị Loan, trước khi có kết luận từ cơ quan chức năng về “chất lạ” trong áo nịt ngực là chất gì, để an toàn cho sức khỏe, các bạn nữ nên chuyển sang dùng áo yếm, bởi áo yếm vẫn giữ được nét nữ tính và gợi cảm của người phụ nữ, khoe các đường cong cơ thể mà không sợ bị… kém duyên dáng.

Không riêng gì chị Loan, rất nhiều phụ nữ khác cũng chọn áo yếm để thay thế cho áo nịt ngực như một giải pháp tối ưu nhất hiện nay.

Đỗ Thu Hương (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Phụ nữ thì ai mà chẳng thích làm đẹp, nhưng đẹp phải đi
Đỗ Thu Hương: "Đẹp phải đi đôi với sức khỏe".
  đôi với sức khỏe. Sức khỏe là thứ quan trọng nhất. Từ khi phát hiện trong áo nịt ngực có chứa “chất lạ”, tôi cũng sợ không dám mặc. Mua áo nịt ngực hàng cao cấp thì khá đắt, phải vài ba trăm trở lên, có khi tiền triệu, trong khi loại áo vài chục ngàn đồng thì chủ yếu đều là áo có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc không ghi nhãn mác”.

Ngoài ra, Hương cho biết, nhờ một số bạn bè tư vấn, cuối cùng cô đã quyết định chọn cách mua áo yếm để mặc.

“Tôi nghĩ mặc áo yếm thay áo nịt ngực là ý kiến rất hay. Đó cũng là giải pháp an toàn nhất cho phụ nữ hiện nay. Nhìn các bà các chị ngày xưa mặc yếm rất quyến rũ và gợi cảm, có thua kém gì phụ nữ mặc áo nịt ngực bây giờ đâu. Mặc áo yếm còn tạo cảm giác thoải mái và thoáng mát hơn mặc áo nịt ngực rất nhiều”, Hương tâm sự.

Áo yếm “lên ngôi”

Dạo qua các cửa hàng bày bán lụa hay các “shop” thời trang trên các phố Hàng Đào, Hàng Gai,… sẽ không khó khăn để nhận ra khách hàng đông hơn thường ngày, chủ yếu là chị em phụ nữ vào cửa hàng chọn mua áo yếm.
Nhiều phụ nữ chọn mua áo yếm để mặc như một giải pháp an toàn để vừa bảo vệ sức khỏe mà cũng không sợ bị... kém duyên.
Nguyễn Minh Thu (sinh viên năm thứ ba trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vừa chọn cho mình 2 chiếc áo yếm vừa ý nhất, cho biết: “Áo yếm bây giờ được cách tân rất nhiều, mẫu mã đa dạng, vừa có nét cổ điển lại vừa xen lẫn yếu tố hiện đại. Là sinh viên thì đâu có tiền mà mua những sản phẩm áo nịt ngực cao cấp đắt tiền, tôi lựa chọn việc mua áo yếm để mặc. Tôi thấy mặc áo yếm cũng rất đẹp, mà giá cả cũng phải chăng, quan trọng là an toàn cho sức khỏe”.

Chị Minh Ngọc, chủ cửa hàng bán áo yếm (Số 26 Hàng Bông, Hà Nội) hồi hởi “khoe” với chúng tôi: “Trước kia, đối tượng khách hàng vào mua áo yếm thường là những người trẻ yêu thích thời trang hay mặc áo yếm để biểu diễn, chụp ảnh. Tuy nhiên, trong mấy ngày trở lại đây, từ khi xuất hiện thông tin có hóa chất độc hại trong áo nịt ngực thì số lượng khách hàng đến cửa hàng chọn mua áo yếm có phần đông hơn, chủ yếu là mua về để mặc thay cho áo nịt ngực”.
Chị Ngọc luôn bận vì cửa hàng luôn đông khách và chị phải giúp khách hàng thử áo yếm.
Cũng theo chị Ngọc, số lượng áo yếm nhập về tiêu thụ khá nhanh trong mấy ngày gần đây và đối tượng khách hàng vào “shop” để mua áo yếm cũng khá đa dạng, không chỉ có các bạn nữ trẻ tuổi mà còn có cả những phụ nữ trung niên.

Qua tìm hiểu được biết, đa số các phụ nữ chọn mua áo yếm đều là  những người trước đây chưa từng mặc áo yếm. Chỉ khi nghe thông tin trên báo và tận mắt nhìn thấy những “chất lạ” độc hại trong áo nịt ngực mà mình vẫn mặc lâu nay, thì mới tìm đến giải pháp mua áo yếm để mặc. Nhưng hầu hết đều tỏ ra khá hài lòng với sự lựa chọn áo yếm, có người còn cho rằng so với áo nịt ngực, áo yếm còn nhiều ưu điểm vượt trội hơn, tạo cảm giác thoải mái hơn cho người mặc.

Hiện nay, giá bán các sản phẩm áo yếm bình thường bày bán tại các cửa hàng dao động ở mức từ 35 – 50 nghìn đồng/chiếc. Áo yếm thời trang có giá cao hơn một chút, dao động từ 60 – 80 nghìn đồng/chiếc. Các sản phẩm áo yếm chủ yếu được sản xuất ở trong nước, với chất liệu, kiểu dáng, kích thước và màu sắc đa dạng, thuận lợi cho việc lựa chọn của khách hàng theo nhu cầu và sở thích. Tuy nhiên, theo một số chủ cửa hàng bán áo yếm uy tín tại Hà Nội thì hiện nay trên thị trường cũng xuất hiện rất nhiều sản phẩm áo yếm có xuất xứ từ Trung Quốc “nhái” lại hàng Việt Nam. Bởi vậy, khi chọn mua sản phẩm áo yếm, khách hàng nên đến những cửa hàng có uy tín, hỏi rõ người bán về nguồn gốc sản phẩm và chỉ chọn mua những sản phẩm áo yếm có đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.

Hoàng Dung