THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 March 2013

Tiếng Anh theo "phong cách"... không hiểu nổi

(TNO) Không rõ vì chủ ý phá cách hay do trình độ quá “khờ” của những người thực hiện, nhiều lỗi tiếng Anh "ngô nghê" đến mức khó tin cứ hiển nhiên tồn tại ở nơi công cộng.
‘‘Wellcom tu Tay Yen Tu…’’ (?!)
Mấy ngày qua, trong khi báo chí ồn ào bắt lỗi chính tả tiếng Anh trên biển chỉ dẫn ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), thì dư luận cũng hào hứng khơi lại chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Đó là vốn tiếng Anh khiêm tốn vẫn đang làm nhiều người Việt lúng túng, thậm chí “mắc cỡ” với bạn bè quốc tế.
Khi nhìn thấy lỗi sai ở sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều người có thể sẽ liên tưởng ngay đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) và đặt câu hỏi liệu cảng hàng không lớn nhất miền Bắc này có mắc lỗi tương tự. Xin được trả lời rằng không hề khó để bắt gặp những lỗi dịch thuật ngô nghê, khó hiểu và có phần hài hước ở Nội Bài.

Cũng giống như các phòng vé tại sân bay Tân Sơn Nhất, những người đồng nghiệp ở sân bay Nội Bài cũng đã rất "sáng tạo" khi gán cho quầy vé của họ cái tên “Ticketing counter” trong khi chúng đơn thuần chỉ là “Ticket counter” - Ảnh: Minh Hoàng

Không chỉ có các quầy vé của các hãng hàng không giá rẻ tại đây, ngay cả “ông lớn” Vietnam Airlines cũng mắc lỗi tương tự - Ảnh: Minh Hoàng
Cũng không chỉ tại sân bay, trên website của nhiều cơ quan hàng không như của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Vietnamairport.vn) cũng phát hiện sai lỗi tiếng Anh.
Cụ thể, trong bài giới thiệu về Cảng hàng không Phù Cát (Bình Định), tại "Mục 4: Nhà ga hành khách", phần băng tải hành lý được viết là baggagages conveyors (trong khi từ đúng là baggage conveyors - PV).
Lỗi tiếng Anh trên website Hàng không
Từ “baggage” (hành lý - PV) bị viết thừa chữ nên trở thành vô nghĩa - Ảnh: Minh Úc chụp màn hình từ website Vietnamairport.vn
Tất nhiên, ở những nơi có sự tương tác mạnh mẽ nhất với khách quốc tế như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài hay Vietnamairport.vn còn để lọt lỗi chính tả tiếng Anh sơ đẳng và cách dịch không thông dụng, thì sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu như ở những nơi "kém đẳng cấp quốc tế hơn" xuất hiện nhiều kiểu dùng tiếng Anh… không thể hiểu nổi.
Đơn cử là trường hợp tấm biển có đề chữ chào mừng rất to: “Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Di tích thắng cảnh Suối Nước Vàng. Wellcom tu (viết sai từ Welcome to - PV) Tay Yen Tu park” thuộc địa phận xã Lục Sơn (Lục Nam, Bắc Giang).

Đây được cho là sự làm việc cẩu thả, tắc trách của một bộ phận những nhà làm quản lý - Ảnh: Linh San
Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, tấm biển này đã tồn tại nhiều năm. Tuy nhiên gần đây nó mới được tu sửa, sơn lại chữ. Có thể sai sót này là do những người thợ sơn chữ không biết tiếng Anh.
Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng phải chăng cần quy về những người quản lý, giám sát thi công. Nếu như trước khi nghiệm thu hoàn thành, họ không “mắt nhắm, mắt mở” mà kiểm tra kỹ càng thì làm sao một lỗi “tiếng Anh đập tiếng Em” to đùng đoàng như thế lại có cơ hội được trưng lên trước bàn dân thiên hạ.
"Trẻ con còn phát hiện ra lỗi"
Nếu như đa phần mọi người khi ra đường ít để ý đến những biển quảng cáo, băng rôn, pano… có sử dụng tiếng Anh, thì với những người có chuyên môn về ngôn ngữ này lại thường rất "nhạy" bắt lỗi sai từ vựng, sai cách dịch, sai cách diễn đạt…
Nguyễn Thu Trang (sinh viên năm 3 khoa Tiếng Anh, Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) kể: "Nhớ đợt Hội nghị Asean cách đây 3 năm, một lần đi trên xe khách qua đường Phạm Văn Đồng, em nghe loáng thoáng thấy một em bé ngồi sau nói với mẹ là welcome sao lại có hai chữ l? Em quay ra nhìn mới bất ngờ. Đúng là có rất nhiều pano viết welcome thành well come. Trẻ con còn phát hiện ra lỗi mà sao người ta lại có thể giăng ra trên đường đón khách quốc tế như thế".
Tiếng Anh theo “phong cách” Việt 2
Một cửa hàng thời trang trên phố Xã Đàn (Hà Nội) khá hoành tráng. Toàn bộ tên biển quảng cáo đều được viết theo tiếng Anh... Tiếng Anh theo “phong cách” Việt 3
... nhưng ngay cửa kính ra vào lại mắc lỗi tiếng Anh “wellcome” (viết sai từ welcome - PV) cực kỳ ngây ngô - Ảnh: Linh San
"Thỉnh thoảng em dẫn tour khách quốc tế đến Hà Nội. Có lần đi cùng đoàn Singapore qua đường Hoàng Quốc Việt, thấy cái biển quảng cáo của một quán ghi thức ăn nhanh là fast foot (viết sai từ fast food - PV). Các bạn du khách chỉ trỏ rồi cười. Tự dưng lúc đấy thấy ngại và hơi bực mình", cô sinh viên năm thứ 3 tiếp tục chia sẻ.
Quả thực, tại Hà Nội có không ít cửa hàng, quán xá treo biển quảng cáo có sử dụng tiếng Anh. Đó phải chăng là chiêu thức kinh doanh nhằm mở rộng đối tượng khách hàng, thu hút khách du lịch quốc tế, hay chứng tỏ rằng dịch vụ của họ văn minh, sản phẩm đạt đẳng cấp quốc tế…
Nếu như lỗi chính tả có thể dễ dàng nhận ra, thì lỗi cách dịch không thông dụng lại nan giải hơn rất nhiều. Tấm bảng chỉ dẫn tại sân bay Tân Sơn Nhất là một ví dụ điển hình.
Gần đây, dư luận cũng tranh cãi trái chiều về việc dịch song ngữ Việt - Anh trên mẫu giấy phép lái xe mới của Bộ Giao thông Vận tải. Rất nhiều ý kiến cho rằng mẫu giấy phép mới này dịch chỗ thiếu, chỗ thừa và sử dụng nhiều mẫu câu tiếng Anh không giống thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, nếu sử dụng tiếng Anh một cách "nửa mùa" như quán ăn trong câu chuyện của Trang, hay cửa hàng thời trang trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), thì sự thịnh tình đón khách chẳng những có phần vơi bớt mà thậm chí còn dễ bị biến thành trò kệch cỡm.
Đừng mãi bao biện
Nhìn sâu hơn vào vấn đề lỗi tiếng Anh ở nơi công cộng, có thể tạm giải thích rằng ngôn ngữ này không phải là "tiếng mẹ đẻ" của Việt Nam, nên chuyện nhiều người dân mắc sai sót là dễ hiểu và thông cảm được. Và bởi tiếng Việt vẫn còn nhiều người sai thì huống chi là tiếng Anh.
Tuy nhiên, chúng ta không thể mãi mang "lý do khách quan" này ra để bao biện, để xảy ra sai sót, để thấy sai mà mãi không sửa.
Cánh cửa dán chữ “wellcome” của cửa hàng kia đã có bao nhiêu ngày, nhưng người chủ vì không biết sai hay ngại sửa tốn kém, phiền phức mà cứ để nó tiếp tục tồn tại.
Hãy thử đặt tình huống một ngày, bạn đi du lịch tới một đất nước nào đó và thấy thông điệp dành riêng để đón tiếp khách Việt Nam đúng ra phải là "xin chào" thì lại bị viết sai thành "xiin chà", bạn sẽ nghĩ sao về trình độ cũng như “sự hiếu khách” của người dân đất nước đó?
Với người Việt, khi nhìn thấy những tấm biển ghi sai kiểu như "fast foot", "wellcome", hay “infomation”… nhiều người có thể coi đó là hình ảnh hài hước, mỉm cười cho qua, nhưng với du khách nước ngoài, liệu rằng những lỗi sơ đẳng này cứ thấp thoáng khắp mọi nơi có để lại một ấn tượng xấu?
“Hãy gọi báo cho người có chức năng, nhiều lần, họ sẽ phải sửa. Tôi đã từng gọi cho UBND một huyện ở Hà Nội và Sở văn hóa một tỉnh khi họ viết sai các bảng chào đón to đùng “Wellcome to” thừa một chữ l, và “See you againt” thừa chữ t. Và sau đó, họ đều sửa ngay”, một bạn đọc chia sẻ trên mạng.
Linh San

Thủy điện xả nước để chống hạn cho miền Trung



Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi yêu cầu hai thủy điện Đắk Mi4 và A Vương phải tập trung xả nước từ ngày 15 đến 30/5, đảm bảo cho hơn 11.000 ha đất nông nghiệp tại Quảng Nam và Đà Nẵng có nước xuống giống vụ hè thu.

Ngày 31/3, tại Đà Nẵng đã diễn ra cuộc họp khẩn cấp giữa Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng nhằm tìm phương án xả nước hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất vụ hè thu cho vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn.
Quang cảnh buổi họp khẩn cấp giữa Tổng cục Thủy lợi với địa phương tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Buổi họp khẩn cấp giữa Tổng cục Thủy lợi với đại diện Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Ảnh:Nguyễn Đông
Theo ông Đinh Phùng Bảo, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, Quảng Nam, Đà Nẵng đang trải qua đợt hạn nặng nhất trong nhiều năm qua do lượng mưa năm 2012 chỉ đạt 50-70% so với hàng năm. Thêm vào đó, lượng mưa từ đầu năm đến nay đạt mức thấp, rất khó tạo ra lũ tiểu mãn để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.
Phản ánh Đà Nẵng không chỉ thiếu nước nông nghiệp mà ngay cả nước sinh hoạt cũng đang bị nhiễm mặn, ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, mỗi tháng nhà máy nước Cầu Đổ phải chi 5 tỷ đồng để bơm nước từ đập An Trạch về phục vụ người dân.
Theo ông Thắng, qua khảo sát thực tế, ngoài thời tiết bất lợi thì việc thủy điện Đắk Mi4 ở thượng nguồn sông Vu Gia hầu như không xả nước khiến vùng dạ du thiếu nước. "Nếu thủy điện không xả thì Đà Nẵng sẽ thiếu nước trên diện rộng. Sở đề nghị các bộ ngành chỉ đạo thủy điện Đắk Mi4 xả nước về lại sông Vu Gia với lưu lượng 25 m3/s để chống hạn", ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng thiếu nước tưới nghiêm trọng trong vụ Đông Xuân 2013 khiến 11.000 ha lúa thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất của nông dân. Tại trạm đo Ái Nghĩa (Đại Lộc), lần đầu tiên trong lịch sử xuống mực nước chết, độ mặn đo được lên đến 9/1000.
"Giải pháp cấp bách là đóng chặn tạm thời cửa vào sông Quảng Huế (nhánh chia nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn) bằng đất, bao tải cát để tập trung nước về sông Ái Nghĩa (nhánh chia nước về Đà Nẵng), phục vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt", ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trâm, Tổng giám đốc Công ty thủy điện A Vương cho biết hiện tại thủy điện A Vương và Đắk Mi4 đang ở mực nước chết. A Vương xả một ngày 5 triệu khối nước, nếu xả trong một tuần sẽ hết kiệt. Ông Trâm tuyên bố từ nay đến 31/8, thủy điện chỉ có tối đa 200 triệu khối nước. Việc cùng lúc đáp ứng điện, nước sinh hoạt và nước cho nông nghiệp là không thể thực hiện.
Ông Huỳnh Vạn Thắng, giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng khẳng định việc thủy điện không xả nước dẫn đến tình trạng vùng hạ du thiếu nước trầm trọng. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Huỳnh Vạn Thắng, Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng khẳng định việc thủy điện không xả nước dẫn đến tình trạng vùng hạ du thiếu nước trầm trọng. Ảnh: Nguyễn Đông
Đại diện các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cũng cho biết đang phải vận hành cầm chừng bằng phương án cứ 6 ngày hoạt động lại phải nghỉ 6 ngày. Việc xả nước với lưu lượng 25 m3/s thủy điện có thể đáp ứng. Bây giờ cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều đang cần nước, do đó sẽ ưu tiên nước cho sinh hoạt, nông nghiệp.
Nhằm gỡ thế bí cho Đà Nẵng và Quảng Nam, đồng thời đảm bảo hoạt động của thủy điện, ông Vũ Xuân Thu, Phó giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia kiến nghị hai thủy điện A Vương và Đắk Mi4 cần xả hồ đập đợt 1 và tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới, có lộ trình cụ thể để tránh lãng phí chứ không thể làm theo kiểu giật cục.
Đại diện Tổng cục Thủy lợi đề nghị hai địa phương tận dụng tối đa nguồn nước hiện có, tích cực nạo vét, khơi thông luồng lạch dẫn nước tới ruộng. Các thủy điện phải xả nước 15 ngày từ 15 đến 30/5, trong đó thủy điện A Vương xả với lưu lượng 39 m3/s và Đắk Mi 4 là 50 m3/s, và sẽ có sự điều chỉnh phù hợp nhu cầu từng thời điểm. Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương sẽ làm trung gian để kiểm tra việc xả nước của các hồ thủy điện trong thời gian tới.
Tổng cục Thủy lợi sẽ tham mưu với Bộ NN&PTNT có lịch xả nước cho các thủy điện tại miền Trung - Tây Nguyên vào tuần sau. Để tránh lãng phí nước, địa phương phải thông báo lịch xả nước đến từng người dân để thống nhất lịch lấy nước. "Làm công tác kỹ thuật nên phải hài hòa các lợi ích. Nếu chỉ tập trung vào dân sinh thì sẽ thiếu hụt điện, tính toán không kỹ lượng thì xả nước về hạ lưu rồi đổ ra biển thì rất lãng phí. Đây là lần đầu tiên Bộ NN&PTNT chỉ đạo việc giải quyết hạn hán, những năm sau đã có kinh nghiệm rồi thì cứ thế mà làm", ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, nhấn mạnh.
Nguyễn Đông

Đà Nẵng bầu người thay ông Nguyễn Bá Thanh


HĐND Đà Nẵng sẽ họp vào ngày mai (1/4) để miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND đối với ông Nguyễn Bá Thanh và bầu người thay thế.

Trao đổi với VnExpress chiều 31/3, ông Nguyễn Văn Cán, Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho biết cuộc họp được tổ chức tại trụ sở UBND thành phố, bắt đầu lúc 8h sáng 1/4. Sau khi miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND đối với ông Nguyễn Bá Thanh, các đại biểu sẽ bầu người thay thế.
Ông Nguyễn Bá Thanh được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Nội chính trung ương. Ảnh: Nguyễn Đông
Trước đó ngày 7/2, HĐND Đà Nẵng triệu tập cuộc họp bất thường bầu nhân sự nhưng phải tạm hoãn vì lãnh đạo thành phố đi công tác đột xuất.
Cuối tháng 12/2012, Bộ Chính trị quyết định phân công ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ông Trần Thọ, Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng tạm thời phụ trách Thành ủy.
Nguyễn Đông

Hồ Xuân Hương thành "hồ hết hương"



Hồ Xuân Hương, thác Cam Ly... ô nhiễm là chuyện “xưa như trái đất” của thành phố du lịch Đà Lạt.

Chính quyền cũng có nỗ lực để giải quyết nhằm cứu những nơi này không trở thành nỗi ám ảnh của du khách và người dân địa phương.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không những không được chặn đứng mà ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Chính vì vậy, tuy là câu chuyện cũ nhưng chúng tôi vẫn quyết định trở lại.

Thời điểm này, đi ngang qua hồ Xuân Hương và thác Cam Ly, người dân và du khách không tránh khỏi cảm giác khó chịu khi mùi tanh hôi bốc ngập một không gian rộng lớn. Nước ở thác Cam Ly và hồ Xuân Hương có màu xanh lạ - màu xanh của tảo lam, cùng những xác cá nổi lềnh bềnh.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Lâm Đồng, hồ Xuân Hương, thác Cam Ly và hồ Than Thở chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp trên diện tích 2.800ha dọc suối Cam Ly dài hơn 60km. Báo cáo nêu rõ chất thải trong sản xuất nông nghiệp khiến lượng chất dinh dưỡng trong nước hồ Xuân Hương tăng cao, tạo điều kiện cho tảo lam và các loại tảo khác phát triển. Nước và rác thải từ các nhà hàng, quán cà phê xung quanh hồ Xuân Hương cũng góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm.

Bà Nguyễn Mộng Hoài, một du khách TP.HCM, đã ta thán khi cùng gia đình tham quan hồ Xuân Hương bằng xe đạp nước. Bà cho rằng hồ không còn vẻ nên thơ của cách đây 15 năm khi bà đến đây du lịch, lúc đó người dân có thể ra múc nước hồ về sinh hoạt, những phu dắt ngựa xuống hồ uống nước. Còn bây giờ, hồ Xuân Hương là một bể chứa thải, hôi thối. Giám đốc khu du lịch thác Cam Ly Phạm Xuân Sinh bất lực: “Hằng ngày mỗi việc dọn rác từ suối Cam Ly đổ về đã không còn thời gian để chúng tôi làm việc khác nữa. Các công ty du lịch đã từ chối đưa khách đến chỗ chúng tôi tham quan, họ chê nước ở đây hôi quá”.

Du khách che mũi đi nhanh qua hồ Xuân Hương vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc - Ảnh: Mai Vinh.

 Có hàng nghìn ống nước thải từ khu dân cư đổ thẳng ra suối Cam Ly.

Cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ Xuân Hương, khi vớt lên khỏi mặt nước còn bám đầy tảo lam.

Lòng suối Cam Ly đoạn chảy qua vùng nông nghiệp Thái Phiên (P.12, Đà Lạt) ngập trong rác thải nông nghiệp. Mỗi khi mưa lớn, rác này lại đổ về hồ Xuân Hương và thác Cam Ly.

Giải pháp tình thế của chính quyền Đà Lạt là thuê người vớt tảo lam và rác trên mặt hồ Xuân Hương.

Ông Trần Văn Cường sống đã nhiều năm bên suối Cam Ly. Ngày xưa ông có thể dắt ngựa xuống suối uống nước, nay ngựa cũng sợ nước suối, phải dùng nước máy.

 Đoạn cuối cùng của suối Cam Ly: rác từ các khu dân cư đổ dồn về đây, có cả lốp ôtô!

 Du khách bịt mũi vì mùi hôi thối nồng nặc ở thác Cam Ly.
Theo Tuổi trẻ

Học sinh lớp 9 không làm nổi... phép chia



Sau gần 20 phút căng thẳng, T. đưa ra 4 kết quả khác nhau: 1.025/35=27; 29,34; 272; 27,4 rồi cuối cùng em "đầu hàng" vì… khó quá! 

Học sinh "đầu hàng" với phép tính chia

Không chỉ thực hiện các phép tính chia chưa thông thạo, mà thậm chí nhiều học sinh (HS) còn không biết đến các môn học khác như Hình học, Anh văn… Đây chính là thực trạng đang diễn ra không chỉ với HS tiểu học, mà còn tồn tại với các em HS bậc THCS người dân tộc Sơ Rá, xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy, Kon Tum).

Từng đạt danh hiệu HS Tiên tiến năm lớp 8, và đã học gần xong chương trình lớp 9, nhưng khi PV đưa ra phép tính Đại số để nhờ em A. T. (thôn 2, Đăk Kôi) thực hiện, sau gần 20 phút căng thẳng, T. đã đưa ra 4 kết quả khác nhau: 1.025/35=27; 29,34; 272; 27,4 rồi cuối cùng em "đầu hàng" vì… khó quá! Không chỉ “bó tay” với phép tính dành cho HS bậc tiểu học, mà T. còn cho biết có một số môn học đã xong chương trình nhưng em không hề biết như Hình học, Vật lý…

Và nguyên nhân để T. dừng việc theo đuổi con chữ không phải vì em bị hổng kiến thức trầm trọng mà là vì: “Nhà em không có tiền cho em vào huyện học cấp 3, nên em nghỉ học ở nhà đi làm”, T. cho biết.

Là một trong số ít học sinh đạt danh hiệu HS Tiên tiến của năm lớp 4, và năm nay chuẩn bị tốt nghiệp bậc Tiểu học, nhưng em Y. X. (học lớp 5, trường Tiểu học Đăk Kôi) vẫn chưa thực hiện được phép tính chia có dư thông thạo. Không chỉ vậy, kết quả mà X. đưa ra sau một hồi trầy trật là: 205/15 = 1.528! Dẫu học lực như vậy, X. không chỉ được lên lớp đều đều mà còn được xếp vào loại có học lực Khá. Tuy nhiên, em X. không phải là một ví dụ cá biệt trong lớp em (17 HS), cùng học lớp với em có bạn còn... đọc chưa thạo.

Cũng chung “trình độ” như T. và X., em Y. L. (học lớp 4) với phép tính: 200/10 = 11. Em đã khoe với chúng tôi em là HS Tiên tiến năm lớp 3.
 Phép chia không có dư của em Y. L., học sinh lớp 4.
Chưa thạo tiếng Kinh lại phải học tiếng Anh

Toàn xã Đăk Kôi hiện có 651 HS gồm các bậc từ mầm non đến THCS, và hiện tượng ngồi nhầm lớp đối với các em HS ở đây chỉ là "chuyện thường ở huyện".

Tuy nhiên, làm việc với PV, thầy Trương Chí Tuyển - phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đăk Kôi cho rằng "ngồi nhầm lớp" là không phải, việc các em HS làm phép tính chia không được là do: “Đôi khi các em biết, nhưng người lạ mặt các em ít hợp tác với người ta”, thầy Tuyển giải thích.

Khi chúng tôi hỏi "Hiện trong trường có em HS nào vẫn chưa biết đọc không?" thì được biết, hiện tại lớp 6A và 6B có khoảng 3 em HS chưa biết đọc. Và thầy cho rằng, sở dĩ có các em HS này là vì “dưới đưa lên thì mình phải nhận”.

Một giáo viên (GV) dạy toán trong trường cho biết, đặc điểm của các em HS ở đây là khi làm phép tính nhân thì khá là thông thạo, nhưng khi làm phép tính chia thì lại hay… quên.

Thực trạng HS trong trường là vậy, nhưng thầy Tuyển vẫn khẳng định: “Việc các em HS của trường được lên lớp là vẫn đủ tiêu chuẩn theo Thông tư 58 của Bộ GD-ĐT”.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thiện - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Kon Rẫy nhận định, việc "ngồi nhầm lớp" của các em HS dân tộc thiểu số ở đây là có, nhưng để xóa bỏ vấn đề này nó không phải là một sớm, một chiều là xóa bỏ được. Và nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên đó là do hoàn cảnh gia đình của các em còn nhiều khó khăn, khoảng cách từ nhà đến trường còn xa; tính tự giác học tập và chuyên cần của các em chưa cao…

Ngoài ra, nguyên nhân rất quan trọng ở đây chính là việc các em chưa có một chương trình học riêng, mà phải học chung chương trình như tất cả các HS khác trên cả nước. Trong khi tiếng mẹ đẻ của các em không phải là tiếng Việt phổ thông, nên việc nói tiếng Việt của các em cũng phải qua quá trình học lâu dài mới thông thạo. Không chỉ vậy, các em HS cấp 2 còn phải “gánh” thêm môn ngoại ngữ Anh văn.

Trong khi đời sống của các em còn khó khăn, hàng ngày phải lên nương rẫy với cha mẹ, nên lượng kiến thức chung này đã trở thành gánh nặng không nhỏ đối với các em HS nơi đây, khiến các em khó mà tha thiết với việc học con chữ. Chính vì vậy, ngồi nhầm lớp là chuyện không khó hiểu đối với các em HS dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Phép chia của em Y. X.
Mong ước của giáo viên vùng sâu

Theo tâm sự của GV vùng sâu, là GV thì chẳng ai muốn HS mình phải ngồi nhầm lớp. Nhưng nếu không để các em ngồi nhầm thì các thầy, cô giáo sẽ phải đối mặt với không ít áp lực. Trong khi thực tế là vậy, nhưng dường như ngành giáo dục vẫn chưa đối mặt với thực trạng này, để tìm ra giải pháp giúp các em HS nơi đây tiếp nhận được lượng kiến thức phù hợp với khả năng của các em, thay vì cứ bắt các em “chạy” theo HS đồng bằng, thành thị. Các GV cho rằng cần tìm hiểu tình hình giáo dục ở từng địa phương để giúp các em HS đồng bào dân tộc thiểu số có một chương trình cải cách giáo dục phù hợp với đặc thù vùng của các em (chưa thạo tiếng Kinh, cuộc sống còn nhiều khó khăn, ít được giao tiếp với xã hội hiện đại…).

Trong khi đó, với các chỉ tiêu mà Bộ GD đưa ra phải hoàn thành, các lãnh đạo cấp địa phương vì muốn đạt được thành tích nên đã đưa ra các tiêu chí nhất định về tỉ lệ số HS đạt giấy khen, HS được lên lớp… để yêu cầu các GV phải đạt được trong mỗi năm học, mà không để ý đến chất lượng thực tế.

Trước những "sức ép trên", các GV phải đối mặt với việc: giữ được “thành tích” đồng nghĩa với việc giữ được công việc. Nên dù biết học lực của các HS của mình chỉ phù hợp ngồi lớp 1, nhưng các thầy cô vẫn phải cho các em lên lớp và tốt nghiệp THCS. Một GV công tác tại xã Ia Kreng (Chư Păh, Gia Lai) còn tâm sự với PV về khó khăn mà các thầy cô ở đây gặp phải đó là, nếu không cho các em HS lên lớp thì các em sẽ không chịu đến trường, vì các em cho rằng năm trước học lớp này rồi thì năm nay học nữa làm gì. Mặc dù kiến thức của các em chỉ đáng để học lại. Và cứ như thế, những em HS nơi đây cứ đến trường cho đến khi cầm được tấm bằng tốt nghiệp mà kiến thức thì chỉ dừng lại ở mức "viết thạo, đọc gần thông".
Ông Đặng Quang Vinh - nguyên Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chư Păh (Gia Lai) từng thừa nhận, việc ngồi nhầm lớp rất phổ biến đối với HS dân tộc thiểu số ở Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Khi khả năng tiếng Việt của các em vẫn còn hạn chế, thì việc bắt các em phải học chương trình chung của cả nước là vấn đề quá sức đối với các em và cũng là quá sức đối với ngành giáo dục địa phương. Và ông Đặng Quang Vinh từng bày tỏ mong muốn của mình là trong tương lai gần, Bộ GD sẽ có một chương trình học phù hợp với HS nơi đây.

Đây không chỉ là mong ước của ông Vinh mà cũng là nguyện vọng của ông Nguyễn Thiện - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kon Rẫy.

Theo Dân trí

Bác sĩ tắc trách, thai nhi tử vong



(Kienthuc.net.vn) - Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng phải thừa nhận nguyên nhân cái chết của một thai nhi trong ngày 22/3 là do sai sót về mặt nghiệp vụ của đội ngũ y bác sĩ ca trực.
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết đã xác định được nguyên nhân gây tử vong thai nhi, con của sản phụ Nguyễn Thị Hoàng Oanh (33 tuổi), thường trú tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) là do sai sót nghiệp vụ của đội ngũ y, bác sĩ. 

Trước đó, tối ngày 23/3, chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh đau bụng chuyển dạ được chồng là anh Hồ Văn Thọ đưa lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chờ sinh. Thấy chị Oanh khó khăn trong việc sinh con, nhưng do đây là đứa con thứ 3 nên các bác sĩ ca trực vẫn động viên chị Oanh cố gắng sinh thường.
 
Đến 13h hôm sau, các bác sĩ mới quyết định chuyển chị Oanh vào phòng mổ khi phụ sản đã kiệt sức.  Lúc 16h ngày 24/3, gia đình chị Oanh nhận được hung tin, thai nhi đã tử vong vì suy hô hấp. Nguyên nhân là do chị Oanh bị “nhau bong non”, máu tụ nhau tới 200 gram. 

Khắc Lịch

Những bài thi Lịch sử cười ra nước mắt


Theo thông tin từ nhiều Hội đồng thi, kết quả môn Lịch sử hết sức đáng buồn, nhiều bài làm của thí sinh đã bộc lộ những nhận thức về lịch sử lệch lạc đến tệ hại.


Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007:
TPO - Theo thông tin từ nhiều Hội đồng thi, kết quả môn Lịch sử hết sức đáng buồn, nhiều bài làm của thí sinh đã bộc lộ những nhận thức về lịch sử lệch lạc đến tệ hại.
Mặc dù theo nhận xét chung của các giáo viên, đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử năm nay dễ hơn so với những năm trước, thí sinh chủ yếu chỉ cần trình bày những kiến thức cơ bản, không yêu cầu học sinh phân tích, lí giải. Như vậy một học sinh có học lực trung bình cũng có thể làm được.
Đáp án của Bộ GD&ĐT cũng ngắn gọn, giản đơn. Trong hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT nói rõ: "Thí sinh trả lời câu hỏi theo cách riêng, nhưng đáp ứng được yêu cầu cơ bản vẫn cho đủ điểm".
Vậy mà tại Nghệ An, tỉ lệ bài thi đạt điểm trên trung bình vẫn không nhiều, còn số bài thi dưới điểm trung bình (kể cả điểm 0) lại khá phổ biến. Điển hình như túi bài thi có mã số HBS 1701-1724 (24 bài), tổng điểm chỉ đạt 40,5, trong đó chỉ duy nhất 1 bài đạt điểm 5, còn lại đều dưới điểm trung bình; túi bài thi mã số HNS 6801-6824 có 24 bài, tổng điểm 49, trong đó không có bài nào đạt điểm trên trung bình.
Thậm chí có túi bài thi 24 bài nhưng tổng điểm chỉ đạt 32, trung bình mỗi bài thi chưa đủ 1,5 điểm. Đặc biệt rất nhiều bài làm của thí sinh trả lời sai kiến thức, sự kiện và khái niệm cơ bản, diễn đạt, hành văn lủng củng, sai cả từ ngữ, ngữ pháp và tệ hại nhất là những sự "nhầm lẫn" và nhận thức lệch lạc về lịch sử.  
Trong câu hỏi số 1, đề I, yêu cầu thí sinh trình bày nội dung Hội nghị thành lập Đảng, bài thi có mã số phách HNS 3002 trả lời: "...Tiếp tục công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc... nêu cao khẩu hiệu "tất cả cho tuyền tuyến, tất cả cho nhân dân".
Khi nói đến sự thống nhất các tổ chức Cộng sản để thành lập ĐCSVN, có thí sinh viết: "Trước tình hình đất nước bị bọn thực dân xâm lược, Đảng và Nhà nước ta quyết định thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam..." (HES 2521).
Có thí sinh đã dùng sai thuật ngữ và sai ngữ pháp như: "Thông qua chính sách điều lệ vắn tắt, sinh hoạt vắn tắt", "kỷ cương vắn tắt" (HNS 3001)... Một thí sinh khác lại viết: "Chiến dịch Hồ Chí Minh1970, quân ta tiến vào Him Lan, Bản Kéo, lần lượt giành các đồi A1, C1, D, E... Hai bên chiến đấu giằng co quyết liệt và cuối cùng ta đã giành thắng lợi buộc Mỹ phải kí hiệp định Pari năm 1972".
Cũng câu hỏi trên, bài thi có mã số phách HNS 1420 trả lời: "...Đêm 30/12, rạng sáng 1/1/1975, nhân lúc quân lính Mỹ (...)  đang say sưa, quân ta tấn công. Tiếng súng đầu tiên nổ lên, kháng chiến bắt đầu. Giặc lúng túng chống trả không kịp, bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc".
Thí sinh có bài thi mang mã số phách HSS 6206 nhầm lẫn sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với chiến dịch Điện Biên Phủ: "...Đến ngày 30/4/1975, bộ đội ta đã tiến thẳng và bao vây Điện Biên Phủ... ".
Khi nói về tội ác của Mỹ - Diệm, có thí sinh viết: "... Mỹ - Diệm đã đàn áp nhân dân, lôi kéo người dân vào nhà chứa và đưa họ vào con đường nghiện ngập... Mở các lớp học, bắt người dân không học về lịch sử Việt Nam mà phải học về những gì mà các giáo sư Mỹ dạy" (HSS 6208).
Viết về ý nghĩa lịch sử của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, bài làm của thí sinh mang mã số HVS 4602 : "...Mùa xuân 1974-1975, quân và dân ta không chịu được cảnh đàn áp của thực dân Pháp... Sau Lê Lai, Lê Lợi không chịu được cảnh lòng mang dạ sói của thực dân Pháp, đã nổi dậy đấu tranh năm 1975... nổ ra dòng dã 2 ngày 1 đêm và quân ta đã đánh đuổi thực dân Pháp... Mùa xuân năm 1975 máu chảy thành sông, người chết thì nhiều. Sau Lê Lợi lên làm vua được vài năm là chết”.
Ở câu 1, đề II, phần lịch sử Việt Nam, khi trình bày tình hình nước ta sau năm 1945, nhiều thí sinh viết: "...Cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thành công thì VNDCCH gặp khó khăn từ nhiều mặt..." (HAS 0604, 0606, 0608...), "...quân Anh vào Việt Nam với danh nghĩa là giải tán quân Pháp... quân Tưởng tiến vào miền Nam Việt Nam..." (HES 1209), "...Tưởng là một tên Việt gian bán nước", "...sau Cách mạng Tháng Tám, các khu công nghiệp bị tàn phá nặng nề..." (HNS 1424).
Ở phần thi lịch sử Thế giới, sự sai sót cũng rất phổ biến. Trình bày diễn biến cuộc nội chiến ở Trung Quốc (1946-1949), có thí sinh viết: "...Mở đầu là cuộc binh biến Ba Son. Tại đây công nhân đã nổi dậy đình công, đứng đầu là Ba Son, một liệt sĩ cách mạng. Phong trào bị phát xít Nhật đàn áp dã man. Ba Son đã bị giết hại..." (KBS 3208).
Một thí sinh khác nêu: "...Năm 1946, ở Trung Quốc hình thành hai tầng lớp riêng biệt đó là cách mạng XHCN do Mao Trạch Đônglãnh đạo và dai cấp vô sản do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo..." (HNS 1420).
Còn rất nhiều bài thi có những sự nhầm lẫn và thể hiện những sự hiểu biết nông cạn của thí sinh mà chúng tôi không thể kể hết trong khuôn khổ một bài báo. Điều này cho thấy, khi thực hiện một kỳ thi nghiêm túc, những yếu kém về kiến thức lịch sử trong học sinh mới được bộc lộ. Qua đây có thể nhận ra một thực trạng đã đến mức "báo động đỏ" trong việc dạy và học môn Lịch sử ở nhà trường hiện nay.
Theo nhận định của nhiều giám khảo, môn Lịch sử là môn thi có nhiều thí sinh đạt điểm kém nhất và với tình hình trên sẽ có nhiều trường tỉ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ đạt mức dưới 50%.
Trung Thu - Hoàng Hảo

Vì sao 6 môn thi tốt nghiệp THPT không có môn Sử?



Thứ sáu 29/03/2013 16:16
(GDVN) - Sáng nay (29/3), Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT. Khác với năm 2012, môn Lịch sử không nằm trong danh sách này.
Việc không có môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến nảy sinh thắc mắc rằng phải chăng Bộ lo ngại sẽ tái diễn tình trạng hàng nghìn điểm 0 môn Sử như kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012?

Lí giải về điều này, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, các môn thi tốt nghiệp hoàn toàn được bốc thăm xác xuất, không có sự can thiệp nào trong này, do vậy năm nay không có mỗn Lịch sử trong danh sách thi cũng là bình thường. 

Những năm thi tốt nghiệp trước đó, hầu hết đều đưa môn Lịch sử vào danh sách các môn thi, kết quả của môn này trong một vài năm gần đây (cả kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng) thường rất thấp, có những năm chứng kiến hàng nghìn điểm 0.

Ảnh minh họa.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử lâu năm tại trường chuyên Phan Bội Châu (Vinh, Nghệ An) chia sẻ: Nếu không thi môn Sử, đối với học trò đang học đó là một tin vui vì bớt đi một môn học mà môn này thường điểm thấp.

“Với người thầy dạy Sử đây là một thông tin khá buồn. Tôi nghĩ muốn gì thì muốn môn Sử phải được cho vào môn thi tốt nghiệp, ở đây Bộ không đánh giá đúng vị trí, vai trò của môn Sử, ý thức tự tôn dân tộc trong thời điểm này là khá cần thiết. Nếu không thi, học sinh không học sẽ dẫn đến  hệ quả ý thức, tinh thần dân tộc đối với vận mệnh chủ quyền càng phai nhạt”, thầy Hiếu lo lắng.
Xuân Trung 

30 March 2013

Sinh viên Nguyễn Phương Uyên gặp gia đình



VRNs (30.03.2013) – Sài Gòn – Hôm qua, ngày 29/03/2013 bà Nguyễn Thị Nhung cùng với chồng và con trai (em của Phương Uyên) lặn lội từ Bình Thuận xuống tận Tòa án tỉnh Long An đề nghị cho gặp mặt con gái sau hơn 5 tháng bị bắt giam.

Đấu tranh mãi với nhân viên Tòa án và đến 11g20 Tòa án mới ký quyết định cho thăm gặp.

Bà Nhung và gia đình phải chờ đến 2g30 chiều mới được gặp Phương Uyên. Cả gia đình gặp Phương Uyên được 30 phút. Theo bà Nhung kể lại thì Phương Uyên bị đau đầu nhiều, đau bụng, mắt cận đã lên đến 3,5 độ, nhìn mọi thứ rất khó, gầy và xanh xao. Cả gia đình bà Nhung cảm thấy thương và đau lòng cho tình trạng sức khỏe của Phương Uyên.

Công an không nói gì thêm với gia đình bà Nhung về vụ việc của Phương Uyên. Nội dung gia đình trao đổi với Phương Uyên là chủ yếu nói cho cháu biết gia đình và nhiều người quan tâm yêu thương Phương Uyên. Hai vợ chồng bà Nhung khuyên Phương Uyên giữ gìn sức khỏe, ổn định tinh thần và đừng làm phụ lòng mong đợi của mọi người.

Hiện nay phía Tòa án tỉnh Long An vẫn chưa có quyết định đưa vụ án Phương Uyên ra xét xử. Trong khi đó, sinh viên Đinh Nguyên Kha là người cùng vụ án thì đã bị trích xuất lên bộ công an ở 237 Nguyễn Văn Cừ để gán ghép thêm “tình tiết mới”.

Việc điều tra của công an VN luôn có tính mờ ám và vi phạm pháp luật.

Lực lượng hung hãn này thường dùng chiêu bài lấy lời khai của những người liên hệ để kết tội bất cứ ai họ muốn. Việc làm sai từ tận gốc rễ này vẫn ngang nhiên tồn tại ở Việt Nam gây ra bao cảnh oan khiên cho người dân thấp cổ bé miệng.