THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

31 May 2013

CẦN LO SỬA NGƯỜI, ĐỔI MỚI NHÂN SỰ



truongtansang-hocamdao

Lâu rồi mới có dịp lên T.p HCM thăm anh em bà con. Ông chú họ của tôi đã lâu năm làm cán bộ ở trên tỉnh, nay nghỉ hưu, cũng vừa mới ở quê ngoài Bắc vào thăm con cháu.
Hỏi về làng quê, ông nói: “Hơn trước đây, không lo đói, sắn và ngô ngày xưa cái thời ‘làm chủ tập thể’ ở HTX phải lên rừng mua về cứu đói, nay cũng khỏi ăn độn, có thể dùng nuôi lợn mà không tiếc. Đường quê cũng được mở thoáng, khang trang hơn. Nhưng đời sống lại khó khăn hơn 7 năm trước. Chà, cứ nói sức mạnh lãnh đạo, sức chiên đấu của đảng mà thấy tham nhũng tràn lan, nhan nhản, khui rỗng kho bạc nhà nước cho vào túi riêng. Trên ăn theo kiểu trên, dưới ăn kiểu dưới mà đảng, nhà nước bất lực, nói mạnh lắm mà có làm gì được đâu. Đồng tiền mất giá, cái gì cũng đắt đỏ, nông dân lại khó kiếm ra tiền, nay đời sống lại chật vật, khó khăn hơn trước”.
Ông nhăn mặt, lắc đầu: “Hóa ra, đổi mới thụt lùi”. Rồi ông kể: “Cả mấy tuần nay, những ‘cụ già’ trong làng đều bàn tán nhiều về cái vai trò lãnh đạo của đảng thấy cứ yếu dần, uy tín nhiều mặt coi như ‘hạ bệ’. Thật ra, trong lúc này, sửa Hiến pháp không cấp bách bằng sửa con người. Hiến pháp cho dù có đổi mới đến mấy chăng nữa, nhưng mà với đội ngũ lãnh đạo từ trên xuống dưới đứng vị trí cầm cân nảy mực như hiện nay thì dù Hiến pháp, pháp luât có chuẩn đến mấy cũng coi như nằm trên giấy.
Ông là thế hệ cán bộ đi hoạt động và trưởng thành từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Cả đời cống hiến, khi về hưu có chút tiền chính sách, mua cho thằng con trai út được cái xe máy cub50 coi như là quý lắm rồi. Nay ông bà sống đạm bạc, già cũng cày cuốc làm vườn phụ thêm cho vợ con.
Ông kể:
- Xem chương trình thời sự của VTV đưa tin các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa lại Hiến pháp và Luật đất đai, mấy cụ trong xóm đều nói: “Chưa sửa người, thì sửa luật đến mấy cũng như không”.
Ông bộc lộ chính kiến: “Theo tôi thì để điều 4 hay điều mấy, hoặc có mấy điều nói về đảng trong hiến pháp cũng không phải là việc đáng tranh luận nhiều. Hiến pháp là của xã hội. Đảng cũng của xã hội. Không thể có một đảng đứng lên trên nhà nước, trên tất cả, ngoài vòng pháp luật, chỉ đạo cả án, muốn làm gì thì làm. Vấn đề là kèm theo đo phải Luật hóa về đảng. Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Đảng này làm không làm được thì dân có quyến truất phế để thay đảng khác. Muốn vậy phai có Luật về đảng. Nếu khống đứng vào Hiến pháp lù lù để làm gì, để toàn quyền à? Khi đã toàn quyền tất nhiên là dễ sinh ra độc đoán chuyên quyền, biến thành chế độ ‘đảng trị’. Hoặc một thể chế chính trị không cần đảng phái, chắc cũng không sao. Lắm đảng mà tranh giành, đấu đá nhau thì dân cũng mệt. Nhưng nếu có một thực tế là đảng này cạnh tranh với đảng kia để khẳng định uy tín, vị thế lãnh đạo xã hội , cũng có hợp quy luật, đúng thực tế thôi, có gì phải kiêng kỵ?.
Ông nói rằng: Năm ngoái, ông có theo dõi Quốc hội họp, thấy tại một tổ thảo luận của đại biểu QH ở Hà Nội, vấn đề đất đai và người nông dân được các đại biểu dành nhiều quan tâm. Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son phân tích, nhiều khi chính sách đất đai của ta không sai mà do tổ chức thực hiện sai, hoặc cố tình làm sai luật để vụ lợi, dẫn đến bức xúc trong dân, gây mất uy tín của chính quyền. Như vụ Đoàn Văn Vươn, việc chống lại người thi hành công vụ là có chủ định, biết sai nhưng vẫn làm. Điều này, theo Bộ trưởng Son, “xuất phát từ phía quản lý, đẩy dân vào chỗ đối đầu với chính quyền”. Một số đại biểu cung xneeu lên là theo Luật Đất đai, khi tiến hành cưỡng chế, không nên dùng cơ quan an ninh ra đối đầu với nhân dân. Cái sai này đúng là từ tổ chức thực hiện chính sách, biện pháp, phát ngôn thiếu thống nhất, sai sự thật. Cần nhìn thẳng vào sự thật về những thiếu sót của chúng ta. Đây không phải là một bức xúc bình thường…
Ông lại lắc đầu quầy quậy: “Người chỉ đọ án, làm luật, người hành pháp, chấp pháp toàn những Vũ Như Cẩn, Nguyễn Y Vân, Võ Là Hận,… mà không lo sửa người, không lo đổi mới nhân sự, bày ra sửa hiến pháp, sửa luật thì cũng coi như mất thời gian, tốn tiền. Rồi đó mà xem, lớp sau lại phải lo sửa tiếp, sửa và làm lại dài dài. Ôi, cái điệp khúc đèn cù”..
Tôi thấy ông chú tôi nói đúng. Bởi ta không thiếu luật. Nhìn lại thì ta đã có rất nhiều luật. Mấy khóa vừa qua, Quốc hội đã thảo luận “nát nước nát cái” và đề nghị Nhà nước đưa ra rất nhiều luật. Sau đó, Nhà nước, Chính phủ lại “quyết liệt” ban hành không biết bao nhiêu nghị định, thông tư, quyết đinh, chỉ thị, hướng dẫn… Nếu chỉ có ăn với ngồi đọc các văn bản về luật chắc cũng khó mà rà hết các loại văn bản luật.
Nhiều người đã tán đồng theo ý rất sát thực và thẳng thắn của của cố Luật sư Ngô Bá Thành (tức Phạm Thị Thanh Vân), nguyên Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, Uỷ viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội, Đại biểu Quốc hội từ khóa 6 đến khóa 8 và khóa 10, rằng: “Việt Nam ta không phải thiếu luật, có cả một rừng luật, nhưng lại làm theo kiểu luật rừng!”.
Đúng thế, thời kỳ ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội, riêng về đất đai từ 1988 đến nay đã 3 lần ban hành luật đất đai với 5 lần ban hành luật sửa đổi, bổ sung. Luật đât đai 2003 gồm có 7 chương, 89 điều, hơn 8.600 chữ. Sau khi luật ban hành đã có nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng. Kể ra, đọc kỹ thì luật đất đai 2003 so với Luật đất đai 1993 dài hơn nhiều mà lại thiếu chặt chẽ, thêm nhiều sơ hở và tách xa thực tế hơn luật đất đai 1988 và 1993. Nhưng vấn đề ở chỗ do con người làm cho rối tinh vấn đề đất đai, lại đổ tại luật, mất công Quốc hội cứ phải lo mà sửa nhiều lần vẫn “không ăn nhằm gì”. Ba năm liên tục, 2008, 2009, rồi 2010 có 3 lần ra “Luật sửa đổi luật đất đai”, cũng chẳng đi đến đâu, khiếu kiện về đất đai ngày càng nhiều, tiêu cực, tham nhũng về đất đai ngày càng tràn lan, số vụ khiếu kiện đất đai từ 37% năm 1992, lên 53% năm 1994, rồi gần 80% năm 2010.
Như trên đã nói, thiếu gì việc Quốc hội phải lo bàn bạc để có lợi và cần thiết cho quốc kế, dân sinh, mà riêng luật đất đai 2003 phải mất 3 năm liền (2008 đến 2010) là 3 lần ra Luật sửa lại? (Cũng lạ, cùng một khóa QH, mà chỉ mỗi cái Luật Đất đai mỗi năm sửa một lần cũng chẳng được tích sự gì, phức tạp thêm).
Mỗi lần Quốc hội đều đưa ra một Luật sửa đổi dài gần 50. 000 chữ, nhưng cuối cùng sự rối lại càng thêm rắc rối. Ngoài luật chính và các luật sửa đổi, chỉ tính từ năm 2003 đến nay đã có gần 200 nghị định, thông tư, quyết định và nhiều văn bản dưới luật. Đọc các văn bản về đất đai, nhà ở, quản lý về kinh doanh bất động sản cứ thấy rối tinh rối mù, quá nhiều văn bản. Khi đã thực hiện sai, ông thì nói là tôi làm theo văn bản A, ông thì nói theo văn bản B, ông khác lại nói theo văn bản X…
Tôi đã đọc kỹ 3 Luật đất đai từ 1988, 1993, 2003, rồi 5 Luật sửa đổi, một số Nghị định, thông tư, so ra thấy trùng lặp quá nhiều, nhưng văn bản này lại “đá phắt” văn bản kia, đối chọi nhau, đến văn bản khác lại lôi vào. Nhất là khi đọc Nghị định 181/2004/NĐ-CP, tháng 10 / 2004, có tới 14 chương, 186 điều, trên 76.000 chữ. Đọc xong, tưởng như bị “tẩu hỏa nhập ma”. Mà phải công nhận, nếu chấm về “thành tích làm luật, ra luật” của quốc Hội ta thì phải coi như được nhất thế giới.
Luật và các văn bản dưới luật thấy cứ đầy trong các kho lưu trữ, chen đặc trên các trang báo, choán tràn các trang mạng điện tử, in tốn cả mấy chục tấn giấy, nhưng vẫn chỉ là “nằm trên giấy”. Các cấp chính quyền, các chuyên gia, cơ quan chủ quản, ngành chuyên trách, đọc về luật đã quá mệt, dân càng ít biết đến luật. mà quá nhiều, biết góc này lại không thấy góc khác. Bất kỳ ai đó, khi bị thả vào “rừng luật” không khéo bị lạc như không có lối ra.
Trong thực tế, các vị quan tham trong số “một bộ phận lớn có chức có quyền…” đã bị suy thoái, dính tham nhũng quá nặng, trắng trợn, công khai, lì lợm, bất chấp… họ không cần luật, nói gì đến sự mất công phải “lách luật” hay “vận dụng sai văn bản luật”. Khi làm, họ bỏ mặc cho luật bơ vơ, nằm chỏng chơ, lạc lõng trong ngăn kéo, trên bàn. Họ bỏ qua các quy định, bỏ ngoài tai các ý kiến, cố tình tìm thủ đoạn, cách thức làm cho nhanh, cho kỳ được, chụp giật, thậm chí như cướp thẳng cánh, kể cả gây tội ác để vơ lợi. Có chức, có quyền, lắm tiền, họ chẳng cần đếm xỉa đến Luật. Nhưng khi vụ việc bị vỡ bung ra, “mục đích bất thành, âm mưu bại lộ”, họ lại đi sai phái cấp dưới, chuyên gia, đi tra các luật để tìm cách cãi bay, chạy tội, rồi đổ tại thằng “Luật”. Không ai lôi được các bị cáo Cơ Chế, bị cáo Luật ra tòa, nên Quốc hội cứ mất công cả tháng, họp, bàn, thảo để sửa luật để càng thấy rối rắm thêm các thứ luật, rậm rạp thêm “rừng luật”.
Trong kỳ họp này, Quốc hội không tập trung dành nhiều thời gian triển khai việc hệ trọng (tham nhũng) đang nhức nhối, đang là nguy cơ, là cái gôc của mọi vấn đề, lại lo đi “đổ tội cho Hiến pháp, pháp luật” mất hết thời gian kỳ họp? Luật biểu tình đã trở thành nhu cầu bức xúc của cử tri, mà chính Thủ tướng cũng thấy cần, tại sao lại ngồi tranh cãi Luật đất đai? Trong khi đó, ai cũng hiểu đất đai phức tạp, lắm vụ việc bùm xum. tùm lum, tung tóe là do con người, cái gốc vẫn là do con người, tức công tác nhân sự. Có ý kiến cho rằng, chẳng qua đất đai là cái thiết thực cho các vị. Nhìn qua đó, người ta cũng biết là đại biểu quốc hội cũng hầu hết là “bộ phận không nhỏ có chức có quyền”. Họ không cần luật, có quyền cao, chức “bự” nên không cần luật, chỉ cần đến luật khi có sự buộc lòng phải mượn cớ đổ tại luật, rồi nào là “phải sửa luật” để mị dân, đánh lạc hướng, tìm cách đưa vào luật những câu chữ có lợi cho chính bản thân họ (!?). Vấn đề cơ bản là con người, cần chọn người cho kỹ trước khi chọn lĩnh vực để ra luật, rất cần sửa người cho “quyết liệt” trước khi sửa luật.
Cho nên, sửa lại Hiến pháp, sửa và ban hành Luật này-Luật kia, nhưng con người và cơ chế vẫn vậy, thì luật chỉ nằm trên giấy. Chẳng qua cũng chỉ là ‘rượu cũ bình mới’ mà thôi’, không nghĩa lý gì!
Theo Bùi Văn Bồng