THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

08 May 2013

CPI không tăng là vì dân không có tiền



luong-gia

Theo ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, lạm phát xuống thấp, không phải do chúng ta giỏi trong điều hành. CPI không tăng vì dân không có tiền để chi tiêu.
CPI tháng 4 chỉ tăng ở mức 0,02% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua. So với tháng 12/2012, CPI tháng 4/2013 tăng 2,41%, cũng là mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến điều này, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Ngô Trí Long cho rằng là do sức mua cạn kiệt, hàng tồn kho lớn. Khi sức mua thấp, hàng tồn kho tăng cao, nhiều doanh nghiệp bán đại hạ giá để cắt lỗ, nhằm bảo toàn vốn, thậm chí nhiều doanh nghiệp giải thể.
Còn theo Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm thì CPI giảm cũng không có ý nghĩa với người dân, vì có dám tiêu tiền đâu mà được hưởng lợi nhiều từ việc giảm giá. Nền kinh tế đã chìm sâu vào trong suy giảm, sản xuất hàng hóa không có đầu ra, tồn kho vẫn rất lớn, sản xuất đình đốn, doanh nghiệp phá sản tiếp tục gia tăng…”Tình hình rất đáng báo động. Không nên tiếp tục ru mình trong ảo giác về thành tích kiềm chế lạm phát” – Ông Kiêm nhận định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Mai Xuân Hùng cho rằng, tăng trưởng và lạm phát tại Việt Nam luôn là bạn đồng hành của nhau. Nên lạm phát thấp cũng đồng nghĩa với việc không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng thấp.
Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cũng đề cập đến quy luật thông thường là mức tăng của CPI 4 tháng đầu năm sẽ chiếm khoảng 50% mức tăng của CPI cả năm. Cho nên mục tiêu kiềm chế lạm phát 2013 sẽ khá thuận lợi nhưng để đảm bảo mức tăng trưởng khoảng 5,5% lại rất khó khăn.
Tuy nhiên, trái với những lo ngại của các chuyên gia thì về phía Chính phủ lại đánh giá mức giảm CPI không nhiều bi quan đến vậy. Cụ thể, trong dự thảo Báo cáo của Chính phủ sẽ trình tại kỳ họp tới đây đã chỉ ra 4 nguyên nhân khiến CPI giảm mà trong đó có đến 3 nguyên nhân được cho là các yếu tố tích cực.
Như: tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung – cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái… Tổng cầu giảm, trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao và áp lực của hàng nhập khẩu, nhất là nhập từ thị trường Trung Quốc. Do quy luật giảm giá một số mặt hàng thiết yếu sau Tết. Do nguồn cung lương thực dồi dào do Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa đông xuân…
Riêng đối với mục tiêu tăng trưởng GDP cũng vậy. Theo Chính phủ, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP quý 1 năm 2013 ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012. Ngành xây dựng sau một thời trì trệ, nhờ nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đạt mức tăng trưởng 4,79% trong quý 1 năm 2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm liên tiếp trước đó (năm 2012 tăng 0,77%; năm 2011 giảm 0,01%)…
Theo TBKTVN