THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

04 June 2013

Từ thầm lặng đến đấu khẩu công khai



nguyentandung-trungquoc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại “Đối thoại Shangri-La” ngày cuối.

Sự tự tin của Việt Nam về một chiến lược cân bằng sức mạnh có thể làm hình mẫu cho các quốc gia tầm trung ở châu Á.
“Lòng tin chiến lược” (strategic trust) mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố tại “Đối thoại Shangri-La” (SLD-12) là tầm nhìn mới về phương cách bảo đảm an ninh và thịnh vượng cho khu vực. Lòng tin này hoàn toàn khác với cái gọi là “chiến lược hỗ tín” (zhàn luè hù xin) trên cửa miệng người Trung Quốc, là thứ Trung Quốc định dụ khị người Mỹ khi ông Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ hồi tháng 2.2012. Thần chú Trung Quốc định ru ngủ Hoa Kỳ đại thể là: “Hãy tin tôi đi, tin ở tương lai chung, ai rồi cũng có phần hết: Tây Thái Bình Dương là của “ngộ”, Đông Thái Bình Dương là của “nị”! Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam… là những nước nhỏ, khỏi căng thẳng làm gì cho mất lòng nhau!”

Chủ động tìm kiếm cân bằng

Tự tin đưa ra tầm nhìn ấy nhờ vào hai nền tảng. Thứ nhất, an ninh của Việt Nam là một bộ phận cấu thành của an ninh khu vực. Đúng như bình luận của Channel News Asia hay Strait Times từ Singapore, “lòng tin chiến lược được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong bối cảnh căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ tăng cao trong những năm gần đây, đe doạ đến sự phồn thịnh của khu vực”. Thứ hai, chọn bạn mà chơi là tiêu chí hàng đầu trong tập hợp lực lượng. Reuters bình luận: “Thủ tướng Việt Nam kêu gọi ASEAN tăng cường đoàn kết trong khi Trung Quốc áp đặt chủ quyền của mình lên vùng biển giàu dầu lửa ở Biển Đông; cảnh báo bất kỳ xung đột nào cũng có thể gây tổn hại tới thương mại quốc tế và kinh tế toàn cầu”.
Chính hai nền tảng nói trên đã đưa tới hệ thống đối tác chiến lược với các nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Tuyên bố của Thủ tướng đã gạt bỏ lời đồn đoán trong giới ngoại giao quốc tế, liệu Việt Nam có dứt điểm nổi quyết tâm xây dựng “đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ. Chủ trương này vốn được đề cập từ lãnh đạo cấp cao của hai nước cách đây hơn ba năm, nhưng rồi dường như tiến trình thực hiện cứ “bị trồi trụt” theo thời tiết chính trị ở mỗi nước. Truyền thông quốc tế đã không bỏ qua một chi tiết thú vị, trong dạ tiệc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại ngồi cùng bàn với bộ trưởng Chuck Hagel. Cả hai ông từng bị thương trên chiến trường, nay cùng ngồi bàn thảo phương thức thúc đẩy cân bằng quyền lực để đối phó với thách thức chung.
Trụ vững vào niềm tin ở luật pháp và công pháp quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mạnh mẽ đưa ra, tuy phiếm chỉ, địa chỉ tố cáo không thể rành rẽ hơn với hai cảnh tỉnh. Thứ nhất, “đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền”. Thứ hai, nếu sự cạnh tranh và can dự của nước lớn nào đó “mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng, trái với luật pháp quốc tế, thiếu minh bạch thì không thể củng cố lòng tin chiến lược, dễ dẫn tới chia rẽ, nghi kỵ và nguy cơ kiềm chế lẫn nhau, ảnh hưởng tiêu cực tới hoà bình, hợp tác và phát triển”.

Có thể làm hình mẫu

Trưởng đoàn Việt Nam tại SLD-12, thứ trưởng bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khi phân tích phát biểu của Thủ tướng đã nhận xét, phát biểu đề dẫn “làm hài lòng các chiến lược gia trên thế giới, bởi nó chính xác, đúng mực, không bỏ sót vấn đề nào, không phóng đại vấn đề nào”. Thật vậy, cái khó là giữ được trung đạo! Khi thiếu tướng Yao Yun Zhu (học viện Kỹ thuật quân sự Trung Quốc) khiêu khích ngay tại phiên khoáng đại với lối hỏi xách mé, “cường quốc nào vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm luật nào” trên Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đáp trả: “Những diễn biến gần đây trên thực tế mọi người có mặt tại đây đều đã biết (là nước nào). Tôi xin không nhắc lại”.
Chính cái minh triết trung đạo ấy đã đảm bảo cho quá trình phác thảo đường lối “không phản đối can dự chiến lược của các nước ngoài khu vực, nếu sự can dự đó nhằm tăng cường hợp tác vì hoà bình, ổn định và phát triển”. Khác nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng là ở chỗ này. Trung Quốc coi Mỹ là “kẻ ngoại đạo” nhảy vào Biển Đông gây rối, thì Việt Nam lại tuyên bố: Hoa Kỳ là cường quốc Thái Bình Dương và ủng hộ cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc nếu như các chiến lược, các việc làm của hai cường quốc này tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, vừa đem lại lợi ích cho chính mình, đồng thời đóng góp thiết thực vào hoà bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung.
Là một tác giả của “năm nguyên tắc chung sống hoà bình”, Ấn Độ bình luận về vai trò của Việt Nam: “Là những người kế thừa truyền thống chính trị hiện thực mạnh mẽ, các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận biết được sự đoàn kết của ASEAN rất dễ bị lung lay và ý thức rằng Bắc Kinh có thể dễ dàng chia để trị. Sự thật là các nước nhỏ trong khu vực không thể buộc Trung Quốc chấp nhận các chuẩn mực pháp lý quốc tế, vì vậy, sự lựa chọn duy nhất để giúp bảo vệ các lợi ích của Việt Nam nằm trong việc duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và các cường quốc khác”. Tờ Indian Express kết luận: chính sự tự tin của Việt Nam về chiến lược cân bằng sức mạnh có thể làm hình mẫu cho các quốc gia tầm trung ở châu Á.
theo SGTT