THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

16 August 2013

Đẳng cấp của các “ông lớn”!



(Dân trí) - Trong khi các quốc gia mới nổi chật vật với vòng xoáy mới sau thời kỳ tăng trưởng nóng thì Mỹ, Nhật và EU đang dần cho thấy sự phục hồi. Chiếm tỷ trọng gần 60% kinh tế thế giới nên mỗi sự chuyển mình của các "ông lớn" đều tạo ảnh hưởng lớn.

Sự trở lại của EU và chiến thắng của kinh tế Mỹ

Cán cân tăng trưởng kinh tế thế giới đang nghiêng về một hướng khác. Lý do đơn giản là những nhà kinh tế học đang bắt đầu giảm sự kỳ vọng vào Trung Quốc và nhiều nền kinh tế đang phát triển khác. 

Kinh tế Mỹ đang hồi sức. Nhật Bản dường như đã chuyển hướng để kết thúc gần 2 thập niên liên tục giảm phát. Những số liệu kinh tế của Châu Âu công bố ngày 14/8 vừa qua đã chứng minh rằng các quốc gia châu Âu đang dần dần vượt qua khủng hoảng. 

Đà tăng trưởng bắt đầu phục hồi tại những kinh đô tài chính, kinh tế.
Đà tăng trưởng bắt đầu phục hồi tại những "kinh đô" tài chính, kinh tế.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 17 quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu tăng trưởng theo năm đạt mức 1,2% trong quý II vừa rồi. Chưa thể vội vàng kết luận rằng suy thoái Châu Âu đã hoàn toàn chấm dứt khi chỉ dựa vào dữ liệu trong vòng 3 tháng, tuy nhiên, các con số này đã cung cấp thêm bằng chứng khẳng định, cỗ máy tăng trưởng cũ kĩ của thế giới đã bắt đầu hoạt động trở lại, trong khi những nguồn tăng trưởng gần đây đang dần giảm tốc. 

Theo quan điểm của Chuyên gia Kinh tế trưởng Neal Soss thuộc Credit Suisse :“Hầu hết đều đồng ý rằng, trong giai đoạn gần đây, các nền kinh tế mới nổi tăng trường ngày một nhanh hơn. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi. Sự tăng tốc này giờ đây lại diễn ra tại những nền kinh tế hàng đầu hơn là những thị trường mới nổi”.

Sự tăng trưởng kinh tế tại khối BRIC bao gồm các quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc đã nâng cao tiêu chuẩn sống tại những nước này và các nước khác tại khu vực Đông Nam Á, Châu Mỹ Latin, và Đông Âu. Bốn nước này còn có tác động lớn hơn tới nền kinh tế toàn cầu do đóng vai trò là thị trường mới cho những sản phẩm xuất xứ từ Mỹ. Trong khi đó công nhân bản địa lại sản xuất những mặt hàng điện tử và những hàng hoá khác theo nhu cầu của thị trường Mỹ và các nước phát triển khác.

Như vậy, một sự suy giảm tốc độ tăng trưởng ở các quốc gia trên sẽ là một dấu hiệu đáng buồn cho Mỹ. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học Jim O’Neill của Goldman Sachs cũng chính là “cha đẻ” của cụm từ BRIC hơn một thập kỷ trước, thì quốc gia hưởng lợi từ sự chuyển trục kinh tế toàn cầu không ai khác là Mỹ. Ông nói “Tôi tự cảm thấy rằng Mỹ sắp sửa sẽ thắng lớn”.

Mỹ sẽ có thể phất lên khi mối quan tâm vào Trung Quốc, một thị trường thu hút vốn đầu tư lớn, dịch chuyển sang Mỹ, một nền kinh tế tiêu dùng. Điều này có thể tạo ra nhu cầu cho những sản phẩm của Mỹ, trong khi đó khiến giá cả hàng thô cung cấp cho các công ty Mỹ trở nên rẻ hơn. Lương trả cho lao động Trung Quốc gia tăng cũng góp phần thúc đẩy sản xuất tại Mỹ.

Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ xu hướng này đang diễn ra. Vào tháng 6 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu Mỹ vào Trung Quốc tăng lên, còn từ Trung Quốc sang Mỹ lại giảm. Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay. 

Chính sách kinh tế mới của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình dịch chuyển này. Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện nền kinh tế lớn nhất trong các nước đang phát triển. Tuy vậy, trong quá trình này, Trung Quốc phải hứng chịu nhiều chỉ trích do chính sự suy giảm của Trung Quốc sẽ kéo theo sự tụt dốc của các nước châu Á và Mỹ Latin. 

Loay hoay sau tăng trưởng nóng

Các nước đang phát triển khác trước đây được lợi do giá của hàng hóa thô như sắt và đồng trước đây được đẩy lên cao, song, hiện tại giá của các hàng hóa này đã giảm xuống do Trung Quốc thực thi chính sách kìm hãm tăng trưởng nóng, đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu kim loại. 

Brazil tăng trưởng mạnh do được thúc đẩy bởi các hàng hóa thô như quặng sắt và đậu tương xuất khẩu sang Trung Quốc. Hai năm trước, tăng trưởng Brazil đạt mức 7,6%, tuy nhiên, trong 2013, giới quan sát chỉ đưa ra triển vọng tăng trưởng Brazil quanh mức 2,3%.

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Samuel Pessoa thuộc Viện kinh tế Brazil, “Tăng trưởng cao trong nhiều năm vừa qua tạo nên một sự lạc quan trong phần đông dân chúng Brazil. Nhưng đối với những người mới phất lên, họ lại cảm thấy cơ hội để tiến xa hơn đã bị hạn chế lại. Tâm lý người dân trở nên bất an hơn”.

Ông O’Neil nói, “Rất nhiều nhà quan sát đương thời cho rằng, các nước khối BRIC sẽ có thể giữ vững sự tăng trưởng mà họ đã tạo lập được trong thập niên trước, nhưng điều đó rất khó xảy ra”.

Theo đánh giá của ông, do Trung Quốc đang dịch chuyển sang một nền kinh tế tiêu dùng nhiều hơn nên “những kẻ chiến thắng hay chiến bại của một Trung Quốc mới sẽ khác với những kẻ chiến thắng, chiến bại của một Trung Quốc trước đây”.

Trung Quốc đang dần chuyển dịch sang một nền kinh tế tiêu dùng.
Trung Quốc đang dần chuyển dịch sang một nền kinh tế tiêu dùng.

Ngay cả với những sự dự báo đầy lạc quan, Mỹ hay Châu Âu cũng sẽ khó có thể chạm tới mức tăng trưởng 2 con số mà cả Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được trong thập niên trước. Giới phân tích dự đoán, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Châu Âu sẽ có thể chỉ trong khoảng dưới 2% đến xấp xỉ 3% trong năm tới. Bởi kinh tế các nước phát triển vẫn chiếm tỷ trọng gần 60% kinh tế thế giới, do đó, ngay cả khi các nước này tăng trưởng chậm lại thì vẫn có thể cung cấp nhiều hoạt động kinh tế hơn các thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh. 

Chậm lại để tiến chắc hơn

Vẫn có những mối lo ngại khi sự hồi phục phập phù của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu có thể tồi tệ hơn nếu những vấn đề nội tại của Trung Quốc trở nên ngày càng trầm trọng. Một số nhà kinh tế Trung Quốc cảnh báo rằng Chính phủ nước này có thể  sẽ không đủ khả năng để tách nền kinh tế khỏi những gói kích thích tăng trưởng.

Đối với các thị trường mới nổi, những nhà phân tích cho rằng, sự giảm nhiệt tăng trưởng trong hiện tại sẽ khiến các nước này phát triển bền vững hơn sau nhiều năm tăng trưởng nóng. Riêng tại Trung Quốc, mức tăng trưởng 14,2% vào năm 2007 khó có thể được lặp lại một lần nữa, mặc dù mức 7,5% dự kiến đạt được sắp tới được coi là rất ấn tượng. 

Chuyên gia về Trung Quốc - Barry P.Bosworth - tại Brookings Institution đánh giá, “tuy tăng trưởng chậm lại, nhưng quốc gia này vẫn có nhiều cơ hội lớn”. Trong lúc đó, Brazil và Ấn Độ lại tồn tại nhiều vấn đề trầm trọng hơn. Ấn Độ không bị tổn thương bởi sự giảm giá hàng hóa thô nhưng nền kinh tế bị kiềm tỏa bởi nạn tham nhũng và năng suất thấp. Giá trị đồng Rupee gần đây giảm đến mức kỷ lục so với USD.

Tại Brazil, theo các nhà kinh tế học, sự giảm giá quặng sắt và đậu tương chứng tỏ rằng Chính phủ nước này đã thất bại trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giữa lúc vẫn đang thu hút được nguồn vốn đầu tư. 

Sivesio de Oliveira, một nông dân trồng đậu tương tại một bang thuộc Mato Grossso và vị Phó Chủ tịch Hiệp hội đậu nành và Ngũ cốc tại bang này phản ánh, việc đầu tư không hiệu quả vào đường cao tốc và cảng thương mại đã đẩy khủng hoảng lên cao trong năm nay.

Ông Oliveira nhận xét, những vấn đề trong cơ sở hạ tầng đã khiến giá vận chuyển hàng hóa tăng lên, qua đó, dẫn đến nhiều rắc rối cho giới thương nhân nước ngoài. Các đối tác sẽ trở nên mệt mỏi sau một thời gian chờ hàng hóa vận chuyển đến và cuối cùng đơn đặt hàng bị huỷ.
 
Carlos Langoni, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Brazil cho biết, cơ sở hạ tầng trở thành nhân tố kìm hãm sự tăng trưởng rõ ràng nhất. Nhưng ông cũng lưu ý, một số vấn đề của nền kinh tế Brazil cũng là phổ biến đối với các nước đang phát triển.

Trong khi đó, Langoni - Giám đốc Trung tâm Kinh tế Toàn cầu nhìn nhận, “Sự kỳ vọng đã bị đẩy lên quá cao. Thực ra, các nền kinh tế mới nổi cũng giống với các nước phát triển: khi đã tiến tới một ngưỡng thu nhập nào đó, tình hình sẽ trở nên khó khăn nếu muốn tiếp tục lên cao”.

Bích Diệp
Theo NYTimes