THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

14 August 2013

Sẽ san ủi biệt thự cổ ở Đà Lạt?



(Đời sống) - Du khách cũng như những người nặng lòng với Đà Lạt không khỏi xót xa khi chứng kiến giữa thành phố, một hệ thống biệt thự cổ kính bị bỏ hoang suốt hàng chục năm qua và có nguy cơ bị san ủi.


Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt hiện có khoảng 1.900 biệt thự lớn nhỏ được xây dựng từ trước 1975.

Báo Thanh niên cho biết các biệt thự cổ ở Đà Lạt đang trong tình trạng xuống cấp. Trong đó, điển hình là 11 ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Du (P.9). Khoảng 10 năm trước, sau khi di dời các cơ quan thuộc Tỉnh ủy Lâm Đồng ở khu vực này về đường Lê Hồng Phong, hàng chục biệt thự lớn được sử dụng vào mục đích kinh doanh, tạo thành khu du lịch phía đông - bắc hồ Xuân Hương. Nhưng đến nay, các biệt thự này trở thành nơi tụ tập của những tệ nạn xã hội.
Biệt thự cổ biểu tượng của Đà Lạt đang bị xuống cấp
Biệt thự cổ biểu tượng của Đà Lạt đang bị xuống cấp

Một công trình lớn khác bị bỏ hoang là Dinh 1 (Trần Quang Diệu), được xây dựng trước những năm 1940 (khuôn viên khoảng 60 ha), từng là tổng hành dinh của vua Bảo Đại, rồi là dinh riêng của Ngô Đình Diệm. Sau năm 1975, dinh được làm nhà khách; sau đó cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng và hiện do Văn phòng UBND tỉnh quản lý. Hiện dinh này đang đóng cổng, không đưa vào khai thác sử dụng, biệt thự ở đây đang đổ nát.  

Trung tuần tháng 7 vừa qua, nghị trường HĐND tỉnh Lâm Đồng lại nóng lên về tình trạng sử dụng lãng phí các biệt thự. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa đã thốt lên: Có lẽ không thành phố nào có nhiều biệt thự hoang như Đà Lạt. Giữa lòng thành phố mà có quá nhiều biệt thự hoang không sử dụng là trách nhiệm của các ngành, các cấp và cơ quan quản lý trực tiếp các biệt thự. Phải quan tâm hơn đến việc này, phải rút kinh nghiệm để sắp tới giải quyết.

Trước đó, báo SGGP đưa ra thực tế các  giải pháp bảo vệ biệt thự cổ như giao cho các nhà đầu tư tôn tạo, khai thác du lịch. Thời gian qua, một số dự án đã phát huy hiệu quả như: khu nghỉ dưỡng Lê Lai, resort Cadasa (13 biệt thự cổ đường Trần Hưng Đạo), nhà hàng Phù Đổng (biệt thự Phi Ánh)… Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn như việc lựa chọn nhà đầu tư có tâm huyết và tiềm lực để tránh tình trạng đổ bể tương tự khu biệt thự Nguyễn Du như đã nêu.

Mọi hướng nhằm bảo vệ di tích biệt thự cổ Pháp như đang bí. Trong khi các chuyên gia cho rằng việc sử dụng không đúng công năng của các biệt thự này đang làm xuống cấp biệt thự thì ông Trần Văn Việt, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt phát biểu trên báo Thanh niên rằng tỉnh đã chỉ đạo dọn dẹp khu vực mũi tàu ở góc đường Nguyễn Du - Tương Phố để xây dựng thành tiểu công viên, phục vụ nhân dân và du khách.
Còn việc sử dụng những biệt thự trên như thế nào thì ông Việt cho biết “đang nghiên cứu và sắp tới có thể sẽ trình UBND tỉnh cho san ủi hết những biệt thự này, tạo mặt bằng thông thoáng, sạch sẽ, trồng cây xanh rồi sau đó tính tiếp”.
Như vậy, sau khoảng 10 năm, từ những ngôi biệt thự sạch đẹp, sau khi “giao lên giao xuống” đến nay có nguy cơ bị xóa sổ.
  • Thanh Trúc (Tổng hợp)