THÔNG BÁO !

Trang blog diễn đàn đã được dời sang địa chỉ mới http://ptlambao.blogspot.com/ . Vui lòng vào đây để theo dõi tin tức mới và tiện việc ủng hộ. Trang này sẽ lưu giữ những thông tin cũ . Xin cả ơn sự ủng hộ của mọi người

TM Ban Điều Hành Blog

17 September 2013

Rau nhút trồng bằng chất thải bồn cầu



Trong nhiều năm trở lại đây, rau rút đã trở thành món ăn không thể thiếu của người dân Tp. HCM. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, một số hộ dân ở Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi đã phát triển loại rau này.

Thế nhưng, vì lợi nhuận mà một số hộ dân đã sử dụng các chất độc hại để sản xuất rau rút. Qua quá trình tìm hiểu, phóng viên đã vạch trần những thủ đoạn sản xuất rau rút “siêu bẩn” bằng chất thải bồn cầu, mà bất cứ ai khi chứng kiến cũng phải cân nhắc về việc có nên sử dụng loại rau này cho bữa cơm thường nhật của gia đình mình hay không.

Bón phân người cho rau rút

Để tìm hiểu về công đoạn rùng rợn bón chất thải bồn cầu cho rau rút, phóng viên đã theo chân các thương lái chuyên bỏ mối rau rút ở các khu chợ Bình Điền, Tp. HCM. Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi cũng đã tìm đến được những nơi cung ứng nguồn rau rút cho toàn thành phố.

Những khu vực trồng rau rút này tập trung ở các khu vực ngoại thành như: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh…  Chúng tôi chọn một địa điểm trồng rau rút gần với khu vực nội thành, thuộc địa bàn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh để tìm hiểu về quy trình trồng rau rút tại đây.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là trên ruộng rau rút gần 1ha, toàn bộ số rau đều xanh non mơn mởn một cách lạ thường. Thật khó để tìm ra được những cây rau rút nào bị vàng úa. Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi không khỏi rùng mình khi biết quy trình sản xuất loại rau rút “siêu đẹp” này. Để có được “cái mã đẹp” ấy, từng cây rau rút đã phải trải qua một quá trình bón thứ chất thải từ các xe hút bồn cầu.

Để tìm hiểu thực hư về quy trình bón chất thải bồn cầu, trong vai người cần mua giống cũng như học hỏi quy trình trồng rau rút đạt hiệu quả cao, phóng viên đã tiếp cận được ông Nguyễn Đình Tiến (33 tuổi, chủ vựa rau rút ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Ông Tiến cho biết, để trồng được rau rút không có gì khó, tuy nhiên để trồng rau rút đạt hiệu quả, giá thành rẻ, rau non để cạnh tranh với các chủ vựa khác thì đó mới là điều khó.

Tuy nhiên, nói là khó nhưng cũng có cách để khắc phục tình trạng đó, nhưng chủ yếu là người trồng có dám thực hiện hay không thôi. Thấy chúng tôi có vẻ quyết tâm với nghề trồng rau rút, ông Tiến bắt đầu tiết lộ những ngón nghề và căn dặn liên tục là không được tiết lộ “bí kíp”.

Ông Tiến cho biết, để trồng rau rút xanh non mà không tốn tiền mua phân bón thì người trồng chỉ việc liên lạc với các xe chuyên đi hút bồn cầu. Trước khi thu hoạch rau khoảng 20 ngày thì liên hệ với tài xế rồi cho địa chỉ, trong đêm sẽ có xe tải chở đến xả vào ruộng rau của mình theo yêu cầu.

Dẫn chúng tôi ra vựa rau rút gần nhà, ông Tiến chỉ về phía vũng nước trống đen ngòm và nói: “Đó, vũng nước đó chính là nơi chứa phân thải từ xe bồn trút xuống”. Ông Tiến tiết lộ, để bón loại phân này cho rau rút phải thực hiện theo quy trình như sau: phân sau khi được xe bồn trút vào một hầm cố định, các chủ vựa trồng rau rút bắt đầu tháo nước ở ruộng rau rút ra cho gần cạn. Công đoạn tiếp theo là bơm nước trở lại vào hầm chứa phân và tháo cho hỗn hợp chất thải đó chảy vào ruộng rau.

Rau rút trồng bằng chất thải bồn cầu
Những cánh đồng rau rút xanh mơn mởn được bón phân thải bồn cầu.
Sau 15 ngày thì toàn bộ ruộng rau xanh mơn mởn mà không tốn tiền mua phân hóa học và chỉ việc cắt bán. Như để minh chứng cho lời nói của mình, ông Tiến chỉ tôi nhìn xuống mặt nước xâm xấp trên nền ruộng. Phía dưới những cọng rau rút xanh non mơn mởn, nước trong ruộng rau bốc mùi hôi thối và nồng nặc.
Khi chúng tôi đề cập đến việc rau bón phân bẩn thế này, bán cho người ta ăn có bị ngộ độc hay ảnh hưởng đến sức khỏe không, ngay lập tức ông Tiến trợn mắt rồi nói: “Ảnh hưởng là ảnh hưởng thế nào? Tôi trồng rau gần cả chục năm nay có thấy ai kêu than gì đâu. Cứ cho vào nước rửa là sạch tuốt luốt, chả chết ai mà sợ”.

Nói là vậy, nhưng khi chúng tôi hỏi một người dân sống gần cạnh nhà ông Tiến thì họ lắc đầu, nhăn mặt: “Cha nội ấy nói vậy thôi, chứ có khi nào cho con xuống hái về ăn đâu. Ở đây nhà nào cũng trồng rau để bán, nhưng để gia đình sử dụng thì trồng riêng ra ở một thửa khác, không bón chất thải ô nhiễm hay phun thuốc gì cả”.

Rau rút càng non càng độc hại

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Đại học Công nghiệp Tp. HCM cho rằng, về cơ bản, nhiều loại rau không sống được ở những vùng đất bị ô nhiễm. Tuy nhiên, một số loại rau thủy canh như rau rút với đặc tính tích hợp được nhiều loại kim loại nặng nên vẫn phát triển tốt ở ngay những vùng đất bị ô nhiễm.

Khi ăn phải những loại rau trồng trong vùng bị ô nhiễm, thoạt đầu người ăn sẽ không có cảm giác bị ngộ độc. Thế nhưng, một khi kim loại nặng đã vào cơ thể, chúng sẽ tích ở trong gan, mỡ và thận… Về lâu dài, chúng sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư.

Rất khó phân biệt để phân biệt rau ô nhiễm, ngay cả những nhà khoa học muốn xác định rau nào bị ô nhiễm cũng phải tiến hành các thí nghiệm lý, hóa để kiểm chứng. Hầu như không phân biệt được loại rau rút trồng bằng phân bón sạch hay phân bón độc hại. Do vậy, vấn đề ở đây là ngành chức năng phải ngăn chặn, không cho trồng rau ở những vùng đất bị ô nhiễm, cũng như bón những loại phân nguy hại cho cây trồng.

Theo các chuyên gia thì phân chuồng tươi như phân trâu, bò, ngựa, lợn, phân gia cầm... là loại phân bón tốt cung cấp mùn, các loại khoáng đa, vi lượng cho cây, bồi bổ đất tơi xốp. Nhưng nếu bón phân tươi hoặc chất thải bồn cầu như phóng viên đã đề cập thì rất nguy hiểm, vì trong chất thải của người có chứa nhiều trứng giun sán, vi sinh vật gây bệnh, nếu bón cho rau sẽ thì cây trồng sẽ hấp thụ và bám vào rau, gây bệnh trực tiếp cho rau và cho người sử dụng.

Các loại nước tiểu, nước phân chuồng tươi, nước ô nhiễm chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh cũng không được tưới cho rau. Loại nước giàu chất hữu cơ và đạm này cần được ngâm với 1 - 2% lân supe trong 40 - 50 ngày cho chai mới sử dụng được.

Ở những vùng đất một thời được xem là “thánh địa” của cây rau thành phố như: huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12... cũng trong tình trạng báo động đỏ về rau nước nhiễm hàm lượng kim loại nặng do hóa chất thải ra từ các khu công nghiệp.

Mới đây, trong công trình nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Bùi Cách Tuyến - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm Tp.  HCM công bố: “Hàm lượng kẽm trong mẫu rau rút ở Bình Chánh cao hơn mức cho phép gấp 30 lần.

Ao rau rút ở phường Thạnh Xuân, quận 12 có hàm lượng chì cao hơn mức cho phép gấp 35 lần mức cho phép. Là địa phương có nhu cầu tiêu thụ rau quả lớn nhất cả nước, Tp.  HCM đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát nguồn cung - cầu, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích, kim loại nặng trong rau quả”.

Theo ông Lê Minh Dũng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tp. HCM thì trên thị trường hiện nay có nhiều cửa hàng treo biển bán rau sạch, nhưng thực tế rau có được sản xuất an toàn hay không thì cũng rất khó kiểm chứng. Khái niệm về rau sạch vẫn chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể, trong khi người tiêu dùng có những cách hiểu khác nhau về rau sạch.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thành Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hưng cho biết: “Tình trạng sử dụng chất thải bồn cầu để bón cho rau rút đã xảy ra tại địa phương cách đây 2 năm nay. Trước tác hại của chất thải này đến sức khỏe của người sử dụng, UBND đã khuyến cáo bà con không nên bón phân này cho rau rút”.

Cũng theo ông Tâm, trong năm 2012, xã đã tiến hành xử phạt 2 hộ tiến hành bơm, xả chất thải trực tiếp vào ruộng rau và bắt ký cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, do lợi nhuận nên hiện nay, một số hộ dân vẫn lén lút tái phạm.
Theo Hôn nhân & Pháp luật